Danh thắng Ngũ Hành Sơn: Bảo đảm môi trường du lịch

 

Du khách tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn
Du khách tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn

Hưởng ứng “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, Ban Quản lý (BQL) danh thắng Ngũ Hành Sơn kiên quyết duy trì tốt môi trường du lịch nhằm tạo nên điểm đến an toàn, văn minh, hấp dẫn đối với du khách.

Thời gian gần đây, du khách đến tham quan danh thắng Ngũ Hành Sơn được phát miễn phí một tờ rơi giới thiệu sơ bộ về điểm đến độc đáo này; đồng thời cảnh báo du khách không nên mua hàng từ những người bán hàng rong hoặc đeo bám theo du khách để “cò” bán hàng lưu niệm và hướng dẫn du khách đến những địa chỉ tin cậy để mua sắm hàng lưu niệm theo giá niêm yết trên sản phẩm. Một động thái đơn giản nhưng mang tính chất quyết liệt nhằm chấm dứt tình trạng chèo kéo du khách tại đây.

Khi tờ rơi này được phát đi, BQL danh thắng Ngũ Hành Sơn đã nhận được không ít sự phản ứng gay gắt từ những người bán hàng rong. Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Tươi, Trưởng ban BQL danh thắng Ngũ Hành Sơn, nếu không kiên quyết thì không thể tạo nên môi trường du lịch văn minh, hiện đại được.

Để lập lại trật tự ở danh thắng Ngũ Hành Sơn, BQL danh thắng “đau đầu” nhất vẫn là lực lượng “cò” với 24 phụ nữ thường xuyên hành nghề để hưởng chênh lệch từ sản phẩm. Có hai hình thức, đó là “cò từ xa” và “cò thời vụ”.  “Cò từ xa” là những người chuyên móc nối với những người dẫn đoàn du khách để đưa về các cơ sở bán hàng lưu niệm  hưởng chênh lệch. “Cò thời vụ” là những người có công ăn việc làm ổn định, nhưng khi thấy khách du lịch đông, “tranh thủ” ra chèo kéo để bán hàng rong hoặc đưa vào các cơ sở bán hàng lưu niệm hưởng hoa hồng. Những hình thức “cò” này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường du lịch tại danh thắng.

Để giải quyết triệt để vấn đề này, BQL danh thắng đã và đang phối hợp với các phường và quận Ngũ Hành Sơn phân loại các đối tượng chuyên “cò” và bán hàng rong. Qua đó, sẽ có những biện pháp kiên quyết hơn  đối với những người này; đồng thời xem xét, đề xuất những chính sách hỗ trợ để họ chuyển đổi ngành nghề. Đây là biện pháp khả thi nhất nhằm chấm dứt nạn chèo kéo, đu bám du khách, tạo nên môi trường văn hóa, văn minh tại danh thắng.

Song song với các biện pháp kiên quyết trên, BQL danh thắng Ngũ Hành Sơn nghiêm cấm việc sơn, viết, vẽ trên các văn bia, các công trình, chặt phá cây xanh, hái hoa, bẻ cành, săn bắn chim tại danh thắng. Duy trì tốt việc xây dựng cảnh quan danh thắng luôn xanh, sạch, đẹp; chú trọng việc trồng và chăm sóc cây xanh, tạo vườn hoa, tiểu cảnh; phối hợp cùng nhà chùa và các hộ kinh doanh giữ gìn vệ sinh môi trường, tập kết, thu gom rác thải đúng giờ và đúng nơi quy định. Xây dựng ý thức trách nhiệm, thái độ làm việc niềm nở, lịch sự, hòa nhã, chu đáo trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong BQL danh thắng. Qua đó, tạo ấn tượng tốt, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong toàn xã hội, để Ngũ Hành Sơn trở thành điểm đến an toàn, văn minh và hấp dẫn trong lòng du khách.

Sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện “Năm văn hóa, văn minh đô thị 2015”, ông Lê Quang Tươi cho hay, bước đầu đã tạo được sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động trong cán bộ, công nhân viên ở BQL danh thắng và người dân trong khu vực. Những vấn nạn chèo kéo, đu bám du khách không còn tái diễn trong giờ hành chính; vệ sinh môi trường, cảnh quan danh thắng luôn được giữ gìn xanh, sạch, đẹp; 100% hộ kinh doanh tại các điểm tham quan trong khu danh thắng niêm yết giá công khai, rõ ràng…

                                                                  Bài và ảnh: Đặng Nở (Báo Đà Nẵng điện tử)