Vu Lan thắng hội – chiêm bái Động Âm Phủ

     Trong mùa Vu Lan (rằm tháng 7 Âm lịch hằng năm), cùng với việc đi chùa lễ Phật, du khách thập phương về chiêm bái Động Âm Phủ trong quần thể Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Bởi lẽ, đây chính là một trong những nơi hiếm hoi ở Việt Nam tái hiện cảnh giới âm phủ với nhiều công phu, công đức, cũng là nơi thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, người đã có phát nguyện công đức lớn lao: Nguyện xuống địa ngục cứu vớt chúng sinh, bao giờ địa ngục hết chúng sinh lầm than mới xin thành Phật.

Không gian bên trong động Âm Phủ

     Ngày lễ Vu Lan (rằm tháng 7 Âm lịch), là một ngày hết sức đặc biệt, bởi đó là ngày dành riêng để hướng về dương trần và âm đức, là cho người còn đang sống và người đã khuất. Vì theo quan niệm của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng về đạo lý: “Âm Dương đồng nhất lý”, “Sinh ký tử quy” có nghĩa là cảnh giới Dương trần và Âm phủ là một, hay sống là gởi, chết là trở về. Hay nói khác hơn là cuộc sống hiện tại chúng ta đang sống và sau khi chết đi luôn là sự tương quan mật thiết, người Dương không bao giờ quên người Âm và người Âm luôn hộ trì người Dương. Chính vì lẽ đó mà dân tộc Á Đông có đạo thờ cúng, đó là tín ngưỡng và nét đẹp của phong tục tập quán, là một sức sống tình cảm cao đẹp của dân tộc ta.

     Đạo Phật đã gắn bó với dân tộc hơn 2.000 năm lịch sử, tinh thần và tư tưởng của đạo Phật đã hòa nhập sâu đậm vào phong tục và văn hóa của dân tộc Việt Nam, với nhiều sự tương đồng hết sức có ý nghĩa cao đẹp của đạo “Hiếu”. Đức Phật Thích Ca từng dạy: “Không hạnh nào cao bằng hạnh hiếu, không tội nào nặng hơn cho bằng tội bất hiếu…”.

Mô phỏng lại câu chuyện báo hiếu của Mục Kiền Liên tại động Âm Phủ ngọn Thủy Sơn của Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn

     Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của Mục Kiền Liên trong đạo Phật. Chuyện kể rằng: Mục Kiền Liên là một trong mười vị đệ tử lớn của đức Phật, khi chưa đi tu có tên là La Bốc, con của ông Phó Tướng và bà Thanh Đề, cư ngụ tại thành Vương Xá, Ma Kiệt Đa ở Ấn Độ. Ngay từ nhỏ La Bốc có tính hiền lành lại được cha dạy dỗ thương người nên sớm có lòng vị tha, biết giúp đỡ và chia sẻ những khó khăn của người nghèo trong xã hội. Bà Thanh Đề họ Lưu, trái lại là người rất ích kỷ, tính tình tự cao, tự đại hay la mắng bắt nạt những người giúp việc làm việc quá mức để thu lợi nhuận. Trong một cơn giận giữ và tức tối, bà cùng những kẻ đồng mưu đốt cháy rụi dãy nhà của giới cùng đinh trong làng. Rồi cũng vì một mối mâu thuẩn, bà cùng những giới tu sĩ Bà La Môn bất thiện đương thời âm mưu nấu thịt chó cho các vị tăng sĩ phật để ăn rồi rêu rao khắp bàn dân thiên hạ biết (tuy nhiên, do biết trước, các vị tăng sĩ đã dấu thịt chó vào tay áo và đêm về chôn)… Buồn vì không khuyên được mẹ, La Bốc ra đi và sau đó đến xin đức Phật cho xuất gia trở thành tu sĩ có pháp danh là Mục Kiền Liên.

     Do gây nhiều nhân xấu, bà Thanh Đề sau khi chết bị đầy vào ngục nặng nhất dưới Âm Phủ. Mục Kiền Liên đã dùng thần thông (phép lạ) để xuống Âm Phủ tìm thăm mẹ, gặp được mẹ nhưng ngài không cứu giúp được gì vì theo lẽ công bằng Nhân – Quả, ai làm nấy chịu. Quá xót thương mẹ, ngài về thưa lại với đức Phật tình trạng của mẹ mình và cầu xin đức Phật cứu giúp. Đức Phật bảo với ngài rằng, do tội lỗi của bà quá nhiều nên bà phải gánh chịu hình phạt làm bài học cho kẻ khác. Trong thời gian thụ hình, đức Phật xét thấy tấm lòng hiếu để của Mục Kiền Liên, ngài đã cùng chư tăng làm lễ cầu an cho bà để mau giải thoát. Quả nhiên, sau đó bà Thanh Đề được tha khỏi ngục và tiếp tục tu tâm sửa tính nên dần dần có đời sống an vui hạnh phúc.

     Câu chuyện Mục Kiền Liên – Thanh Đề tuy xuất phát từ truyện Phật giáo nhưng lại có giá trị giáo dục đối với mọi tầng lớp xã hội về những điều tốt đẹp. Dù chúng ta là người có tôn giáo hay không, chúng ta vẫn rút ra từ đó một bài học mang tính nhân văn sâu sắc. Và như thế, người không có tội lỗi sẽ có một đời sống bình yên hạnh phúc, một lương tâm thanh thản an vui.

     Ngày nay, Lễ Vu Lan không còn đơn thuần chỉ có ý nghĩa thiêng liêng mang tính cầu nguyện dành cho những người đã vãng, mà đã trở thành lễ hội văn hóa, tâm linh của cộng đồng. Trong dịp này, du khách thập phương tìm về chiêm bái Động Âm Phủ rất đông, ấy là để tận mắt chứng kiến tạo tác về cảnh giới âm phủ, như một lời nhắc nhở để tu thân, tích đức, tránh bị đọa đày ở kiếp sau. Đồng thời, du khách cũng có thể chiêm bái Địa Tạng Vương Bồ Tát thờ trong động Âm Phủ; thắp một nén nhang, tỏ lòng thành kính trước công đức lớn cũng như tấm lòng hiếu thảo cao cả của Mục Kiền Liên.

                                                                                                 Tổ Quảng bá du lịch