Hướng dẫn viên du lịch tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn – Đẹp từ cái nhìn đầu tiên

 
Tổ hướng dẫn viên du lịch tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn
 
       Phải khẳng định rằng, yêu cầu phát triển của ngành du lịch từ trước đến nay luôn cần những nhân viên nói chung, hướng dẫn viên du lịch nói riêng có tri thức, đam mê sáng tạo. Để quảng bá thương hiệu du lịch Ngũ Hành Sơn đến với du khách trong và ngoài nước, người hướng dẫn viên du lịch phải hiểu rõ, am tường và có độ chuyên sâu nhất định về chuyên môn, nghiệp vụ, vì khi cần thiết họ sẽ là người giải đáp những thắc mắc của du khách. Họ chính là người quan sát nhiều nhất, lắng nghe nhiều nhất và thấu hiểu rõ nhất các sự việc diễn ra tại nơi mình tác nghiệp.

Với hướng dẫn viên du lịch tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn lại có những nét đặc thù riêng, công việc không hề đơn giản chút nào. Để phục vụ một tour yêu cầu, người Hướng dẫn phải theo chân du khách leo lên hàng trăm bậc cấp, thấm mệt cùng với khách qua những đoạn đường quanh co, khúc khuỷu, những đỉnh núi chỗ thấp, chỗ cao, từ điểm này qua điểm khác. Những cảnh trí, hang động, chùa chiền phân bổ rải rác trong năm ngọn núi; nào là đến Vọng Giang Đài để ngắm sông, đến Vọng Hải Đài ngắm biển, leo lên động Vân Thông ngoằn ngoèo như một đường ống thiên tạo để ngắm cảnh trời biển bao la; đưa khách lên đỉnh Thượng Thai chót vót như chạm đến đỉnh trời để nhìn bao quát toàn bộ cảnh quan thành phố và các vùng phụ cận; hay xuống động Huyền Không như hư, như thực, động Tàng Chơn lưu dấu tích Chămpa, đi sâu xuống động Âm Phủ nơi đày ải tội đồ… Đó là một hành trình “lên non, xuống biển” đầy gian nan, vất vã, một hành trình “từ địa ngục đến thiên đàng”, từ “trần thế đến bồng lai”. Vết mòn trên mỗi bậc cấp lên chùa Ngũ Hành Sơn chắc hẳn có in dấu chân của mỗi hướng dẫn viên du lịch nơi đây.

Qua công tác hướng dẫn, những vẻ đẹp tiềm ẩn của di tích, lịch sử sẽ được tái hiện một cách sinh động, mỗi hiện vật, mỗi công trình sẽ vọng lại tiếng nói tâm linh từ quá khứ. Những ngọn núi, những ngôi chùa, những hang động tại thắng tích Ngũ Hành Sơn là mỗi câu chuyện truyền kỳ đầy bí ẩn; người hướng dẫn sẽ góp phần đưa du khách đến được cội nguồn của Chân – Thiện – Mỹ, từ đó bớt sân si, dục vọng để hướng đến những điều tốt đẹp hơn sau một chuyến hành hương về với mảnh đất “địa linh nhân kiệt”.

Muốn làm được điều đó, các hướng dẫn viên du lịch Ngũ Hành Sơn trong quá trình tác nghiệp phải có nhiều cố gắng vươn lên trong tìm tòi, học hỏi. Ngoài kiến thức về địa lý, văn hóa, lịch sử còn phải cập nhật thông tin về nhiều lĩnh vực, có chút ít năng khiếu về thuyết trình, văn nghệ, biết tạo nên những tình huống bất ngờ, lôi cuốn, biết dí dõm, dẫn chuyện và pha trò để khách không cảm thấy mệt mỏi và chuyến tham quan sẽ thú vị hơn. Còn với du khách là người nước ngoài thì lại khó hơn nhiều, bởi họ chưa biết nhiều về đất nước, con người, văn hóa, phong tục, tập quán Việt Nam… ngoài yêu cầu phải thông thạo về ngoại ngữ, hướng dẫn viên còn phải biết giải thích từng khía cạnh, từng vấn đề một cách khách quan, sâu sắc. Thông qua việc hướng dẫn, thuyết minh phải biết kết hợp quảng bá để tôn vinh hình ảnh, văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn của khách quốc tế.

Trải qua gần 15 năm đi vào hoạt động, các hướng dẫn viên du lịch tại Ngũ Hành Sơn cũng có những nỗi buồn và niềm vui chung trong nghề. Buồn là khi phục vụ rất nhiệt tình, thuyết minh bằng cả tâm huyết mà có những vị khách không nghe, hoặc có nghe cũng với thái độ thờ ơ, vô cảm; với họ, Hướng dẫn – thuyết minh chỉ là một dịch vụ trả tiền, là người dẫn đường hơn là “đối tác” để trao đổi, tìm hiểu lịch sử, văn hóa nơi mình đang đến… Vui là được học hỏi nhiều điều từ khách, được gặp gỡ giao lưu nhiều người, hơn thế nữa là được tôn trọng và lắng nghe, thẩm thấu nhiều điều thú vị trong chuyến tham quan do mình là người dẫn đường. Những tiếng vỗ tay nhiệt tình khi kết thúc chuyến tham quan, để rồi giữa khách và người hướng dẫn chia tay nhau đầy lưu luyến và không quên hẹn ngày gặp lại. Chính điều này, Hướng dẫn viên là người có bè bạn khắp nơi, có lúc thành tri ân, tri kỷ. Để có được tất cả những điều đó, đối với hướng dẫn viên là niềm khích lệ, là những phần quà tinh thần quý giá mà chưa hẳn các ngành nghề, dịch vụ khác có được.

Buồn vui, vất vã trong nghề là thế, nhưng họ – những Hướng dẫn viên du lịch tại Ngũ Hành Sơn vẫn nhiệt tình, xông xáo, vẫn nở “nụ cười thật tươi – nụ cười du lịch” mỗi khi thuyết minh hay trò chuyện cùng du khách. Ông Lê Quang Tươi, Trưởng ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho biết: “Để hình ảnh Danh thắng Ngũ Hành Sơn đến với du khách trong và ngoài nước, ngoài việc quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, thì chính những hướng dẫn viên du lịch nơi đây là những người trực tiếp làm công tác này một cách hiệu quả và thiết thực nhất”.

                                                                                                     Lê Ngọc Nhất

                                                                            BQL khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn