SẮC MÀU NON NƯỚC

            Tâm hồn người Việt lớn lên cùng những năm tháng bình yên, mộc mạc. Dẫu nơi phố xá xa xôi, nơi thành thị đèn xe rực rỡ nhưng người ta cũng chẳng thể quên đi màu dân tộc ánh bừng lên trong những triền lúa óng vàng, những ruộng bậc thang ấp nước, nhưng con sông dài thoáng thuyền lấp ló. Việt Nam quê ta đẹp từ những cảnh sắc bình yên giản dị để ở đâu đó ta tìm về cho mình một khoảng rất riêng, rất yên bình, ta đi tìm những nét đẹp hoài cổ, lắng động trong không gian của những làng nghề truyền thống lâu đời nhất được gìn giữ, “bao bọc” trong cuộc sống đầy xô bồ, náo nhiệt.

             Trên dải đất chữ S mang tên Việt Nam, đâu đâu cũng có những làng nghề truyền thống với nhiều sản phẩm độc đáo. Chắc hẳn nhiều người đã từng mân mê trên tay những bộ ấm tách, hay cái chén, cái ly tinh xảo của làng gốm Bát Tràng Hà Nội, những bức tranh nhiều màu sắc của Làng tranh dân gian Đông Hồ hay vô vàn chiếc quạt tay hoàn mỹ từ Làng quạt Chàng Sơn…tất cả đều mang đến những dư âm xúc cảm trong lòng du khách bởi nó ẩn trong lớp trầm cổ, man mác của bao vùng đất viễn xưa.

             Huyền ảo, ma mị, trữ tình, nên thơ hay an yên, tĩnh lặng là tất cả những gì mà bạn sẽ cảm nhận được khi đến với danh thắng Ngũ Hành Sơn – những ngọn núi lấp ló bên bờ biển rộng xanh mát – một di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng của thành phố Đà Nẵng. Hơn 300 năm trước, khi vãn du sơn thủy bị vẻ đẹp của “vùng hoang biển tận, núi lạ đá xinh, nằm hoang trong gai cỏ” này làm cho mê mẩn mà Thích Đại Sán đã viết nên cuốn “Hải ngoại kí sự” với bao lời thán phục và dự báo “ biết đâu nghìn năm sau, nơi rừng bụi hoang vu này có thể trở thành ấp phồn hoa, chốn ve kêu dế khóc này có thể thành nơi đàn ca hát xướng…”. Bánh xe lịch sử đã quay nhanh hơn dự báo của vị danh tăng, đến hôm nay, mỗi ngày Danh thắng Ngũ Hành Sơn đón hàng ngàn du khách đến đây ngắm cảnh và tham quan làng nghề đá mỹ nghệ. Dạo chơi Non Nước, ngỡ ngàng nhìn thấy văn bia chữ Hán “ Ngũ Uẩn Sơn Cổ Tích Phật Diệt Lạc” được chính tay thợ đá làng Quán Khái khắc vào vách đá động Vân Thông từ năm Tân Tỵ (1641). Nhìn nét khắc sắc cạnh mà bay bướm, ta càng hiểu thêm về bề dày lịch sử của làng. Không chỉ đơn thuần là nơi chế tác, sản xuất các sản phẩm thủ công truyền thống mang tính đặc trưng, làng nghề còn là nơi lưu giữ những tinh hoa nghệ thuật dân gian, những kinh nghiệm sản xuất và phong tục tập quán của cộng đồng. Mang vẻ đẹp nhuốm màu thời gian, cũng như Làng nước mắm Nam Ô, Làng nghề chiếu Cẩm Nê, mặc cho dòng chảy thời gian ấy, Làng đá mỹ nghệ Non nước bao đời vẫn mang trong mình trọn vẻ đẹp truyền thống, vẹn nguyên cái hồn xưa trong từng nếp sống. Chính những nét độc đáo này mà những năm gần đây, Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn sánh bước với Danh thắng Ngũ Hành Sơn cuốn hút khách du lịch trong nước và quốc tế.

               Sử cũ kể rằng cách đây khoảng 400 năm, theo phủ biên tạp lục của Lê Qúy Đôn thì Làng đá mỹ nghệ Non Nước Đà Nẵng trước đây có tên là: Quán Khái Đông GiápQuán Khái Tây Giáp (được hình thành từ giữa thế kỉ XVII đến đầu thế kỉ XVIII). Dựa theo văn bia của Tiền hiền họ Huỳnh có ghi: “ Thạch tượng Quán Khái Đông Huỳnh Bá Công thỉ khai” và “ Bổn xã Huỳnh Bá Tộc lập” cùng với sự kể lại của các cụ già ở đây thì nghề đá ở chân núi Ngũ Hành có thể ra đời cùng với thời điểm lập làng. Ông tổ nghề là một người quê gốc Thanh Hóa, tên là Huỳnh Bá Quát, người đã có công đem nghề đá từ xứ Thanh vào Đà Nẵng. Để ghi nhớ công ơn của ông, người dân ở đây đã lập đền thờ Thạch Nghệ Tổ sư và lấy ngày mồng 6 tháng Giêng Âm lịch hằng năm là ngày giỗ Tổ của làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước- là dịp để các nghệ nhân, các thợ điêu khắc, các cơ sở sản xuất và kinh doanh đá của làng nghề có dịp ngồi lại với nhau để tri ân và tưởng nhớ đến bậc tiền bối đã có công khai phá và tạo dựng nên làng nghề truyền thống.

            Hội tụ đầy đủ 4 tiêu chí cụ thể: Biểu thị được bản sắc văn hóa cộng đồng; Phản ánh được sự sáng tạo nhưng vẫn gìn giữ được truyền thống qua nhiều thế hệ; Có khả năng tồn tại và phát triển bền vững lâu dài theo thời gian; Được cộng đồng cam kết, bảo vệ và duy trì. Năm 2014, Làng đá mỹ nghệ Non Nước được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Có người ví Ngũ Hành Sơn là nơi đá hóa tâm hồn, bởi ở đó đá núi được tạo tác thành những tuyệt phẩm mang hơi thở của cuộc sống và tâm hồn của người nghệ sĩ. Và cũng ở đó cái tên Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non nước đã được tôn vinh thành di sản, trở thành một cái tên đáng chú ý trên bản đồ nghệ thuật điêu khắc đá trên thế giới.

Nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước ẩn chứa các lớp lịch sử, văn hóa trong từng công đoạn của nghề, trên từng sản phẩm, là bảo tàng sống về sinh hoạt văn hóa, đời sống tinh thần của người dân địa phương. Từ thuở khai hoang, lập ấp sinh sống, để mưu sinh, đá núi được đục đẽo thành vật dụng thô sơ phục vụ cho cuộc sống hằng ngày như hòn chì đá dùng để buộc neo tàu thuyền, các loại cối giã gạo, xay bột…đến khi triều nhà Nguyễn bắt đầu công cuộc xây dựng lăng tẩm, cung điện…thì những chế tác rồng, phượng, rùa dùng để trang trí chùa chiền, miếu mạo…bắt đầu ra đời. Bằng nhân chứng thời gian và bàn tay khéo léo của nghệ nhân mà chúng ta có được một nơi tham quan thú vị và bổ ích, một di tích mang nhiều nét văn hóa của người Việt.

            Nếu có dịp “ sống” ở Ngũ Hành Sơn một ngày bạn sẽ phát hiện một điều vô cùng độc đáo nơi đây, một nét đặc trưng riêng biệt mà không nơi nào có được đó chính là ĐÁ. Không nhiều người biết rằng đá ở Ngũ Hành là loại đá cẩm thạch ( hay còn gọi là đá hoa) có nhiều màu sắc: sáng đục, trắng sữa, hồng phấn, nâu đen, xanh lục…là chất liệu vô cùng quý giá để tạc tượng và đồ mỹ nghệ trang trí. Điều kì lạ hơn nữa là đá núi ở đây thay đổi sắc màu theo thời gian sáng chiều, từ màu lục chuyển dần sang màu xám hay nâu đen. Sự đặc sắc này tạo nên một làng nghề có sức sống mãnh liệt qua hàng trăm năm. Thân thuộc và ấn tượng là những điều bạn cảm nhận được khi đặt chân đến Làng đá mỹ nghệ Non nước. Thân thuộc bởi tiếng cưa, tiếng đục, tiếng mài, đã trở thành âm thanh không còn xa lạ, như một “món ăn” tinh thần mỗi ngày; ấn tượng bởi vô vàn những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc từ đá mỹ nghệ. Có thể nói rằng, mỗi một tác phẩm là một thành quả lao động kì công của những bàn tay tài hoa,cẩn mẫn, khéo léo và đầy tâm huyết. Từng mũi khoan, nét đục đẽo của những nghệ nhân đều thể hiện một tình yêu vô cùng với những tảng đá vô tri, tình yêu với nghề truyền thống bao đời của cha ông, tình yêu với đất nước, quê hương. Bao thế hệ nghệ nhân và con cháu của họ mỗi ngày đều mài mò để có thể tạo ra những tuyệt tác có giá trị nhất, giữ vững và phát huy nét đẹp của làng nghề truyền thống, để hãnh diện với bạn bè quốc tế về sự tài hoa của người Việt. Có lẽ vậy, những người ghé thăm làng nghề đều bị hút hồn bởi phong cách và sắc thái của từng sản phẩm. Mỗi một tạo tác mang trong mình cả “hơi thở” của một làng nghề, cả “ hồn thiêng” của núi non Ngũ Hành.

            Sự sắp xếp màu sắc từ tối giản đến sống động hài hòa với sự đan xen kích cỡ giữa các tác phẩm tạo nên một làng sóng nghệ thuật độc đáo ở Làng đá mỹ nghệ Non Nước đủ để chiều lòng vị khách khó tính nhất. Đặt những bước chân đầu tiên đến làng nghề nổi tiếng dưới chân núi Ngũ Hành Sơn, trên đoạn đường Huyền Trân Công Chúa, những pho tượng Phật, tượng Thánh, tượng người, muông thú, tạo tác khá phong phú các hình tượng, cảnh vật của tứ thời Xuân, Hạ, Thu, Đông hay mai, lan, trúc, cúc,… tăm tắp nhau nối dài, đủ mọi kích cỡ từ vài chục centimet đến kích thước cao khổng lồ hơn cả người thật. Cái đặc sắc nằm ở cái hồn của các pho tượng cùng với sự sáng tạo tài tình, tấm lòng và biết bao công sức mồ hôi của người thợ đã làm ra nó. Đôi tay vàng ấy càng ngày càng “ trưởng thành”, càng ngày càng điêu luyện, được mài giữa, được tôi luyện bởi sự cần cù, tỉ mẩn, bởi trí tưởng tượng phong phú và cả bởi sở thích của du khách ghé thăm. Lượng khách du lịch đến với Danh thắng nhiều tầng lớp, mang tới những yêu cầu chuẩn mực khác nhau về phong cách tượng đá các loại. Điều này buộc nghệ nhân không những khéo tay nghề mà còn phải có trình độ thẩm mỹ và phương tiện hành nghề để đáp ứng. Khi yêu cầu thêm phong phú, người thợ buộc phải học thêm về nghệ thuật sắp đặt và lịch sử điêu khắc khi chế tác đình chùa, miếu mạo hoặc lân phụng, sư tử, nghê đá,…hoặc tạc tượng theo ảnh, họ phải hiểu rõ về thần thái học. Bằng cách này, người thợ điêu khắc đã bước từng bước trên con đường nghệ thuật đẳng cấp. Lẽ đó mà các tác phẩm của nghệ nhân làng đá Non Nước được trưng bày ở Úc, New Zealand, Mỹ, Canada, Nhật,…là cả niềm tự hào của người dân làng nghề thủ công truyền thống.

             Tinh hoa không chỉ nằm ở vô vàn những pho tượng cao lớn, sự sắc sảo, tinh tế đến từng góc cạnh của đồ trang sức đá hay vật phẩm phong thủy đủ sức níu chân bất kì ai từng ghé thăm, đủ khiến họ phải dừng lại để thỏa sức ngắm nhìn không thôi. Từ những chiếc vòng tay nhỏ bé, xinh xắn, trong suốt; trâm cài tóc với đủ hình dáng khác nhau đến bộ 12 con giáp, tỳ hưu, thiểm thủ, dĩa thái tinh,…đều có đủ. Một sợi dây chuyền Phật Quán Thế Âm, một chiếc nhẫn xanh ngọc bích hay đơn giản chỉ là một chiếc lắc tay mã não như một món quà lưu niệm vô giá, như cô đọng cả vẻ đẹp truyền thống nơi đây theo chân du khách đi khắp mọi miền trên thế giới, chỉ cần ai đó nhìn vào hoặc lắm khi họ mân mê trên tay thì cả một Danh thắng Ngũ Hành Sơn, cả một làng nghề đá Non nước hiện lên trong tâm trí đẹp một cách lạ thường. Thu hút bởi tầng tầng lớp lớp các pho tượng, vãng cảnh trên non cao trong lành, thanh khiết rồi lại dừng chân bên các gian hàng đầy sắc màu….chuyến hành trình nếu tự mình trải nghiệm thực sẽ thú vị hơn bất kì một trang báo, một lời mời gọi nào.

Cái thu hút, hấp dẫn của Làng đá Non nước không chỉ dừng lại ở sự phong phú, đa dạng ở những sản phẩm mang đậm hồn quê mà độc đáo hơn cả thảy chính là sự giao thoa một cách hài hòa của hai nền văn hóa Việt Cổ và Champa. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, người dân Chăm – Hoa – Việt đã tạo nên bản sắc, tinh hoa văn hóa; tạo ra dòng chảy phong phú cả về sự sáng tạo và hình tượng nghệ thuật đầy sức sống. Ngũ Hành Sơn vốn dĩ là nơi mà cư dân Champa xưa thờ cúng thần linh của mình trong nhiều thế kỷ, còn lưu lại đến ngày nay qua hình thức tín ngưỡng thờ linga – yoni, những tượng thần được chạm trổ công phu trên các bệ đá ở động Tàng Chơn, trong động Huyền Không. Minh chứng cho việc ảnh hưởng văn hóa Champa đậm nét thể hiện qua các di vật vẫn còn sót lại tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Vào năm 2000, trong một cuộc khai quật được thực hiện ở phía nam ngọn Thổ Sơn, các nhà khảo cổ thu thập được nhiều hiện vật có nguồn gốc từ Trung Hoa và văn hóa Sa Huỳnh, còn thấy nhiều đồ sứ, gạch ngói Chăm. Ở Động Tàng Chơn nằm trên ngọn Thủy Sơn, phía sau chùa Linh Ứng.Động chính giống như một thung lũng nhỏ có chiều dài 10m, ngang khoảng 7m, rất thoáng mát nhờ thông lên trời qua cửa Thiên Long Cốc, bên dưới được lót gạch Chăm,trong hang tối có linga-yoni bằng đá được thờ rất trang trọng. Linga ở đây có hai phần đều có dạng hình trụ nhưng không đều nhau, phần trên là khối trụ lục giác nhỏ, phần dưới cũng là khối trụ lục giác nhưng lớn và dài hơn, còn yoni là khối tròn, xung quanh trang trí hình vú phụ nữ căng tròn đầy sức sống, tượng trưng cho sự trù phú. Trước sân chùa Linh Ứng có một đài thờ với chiều dài 0,9m, ngang 0,47m, cao 0,6m được chạm trổ cả 3 mặt. Đây là đài thờ mang phong cách Đồng Dương nhưng có kiểu chạm khắc khá lạ so với các đài thờ ở Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Không chỉ ở Tàng Chơn mà động Huyền Không cũng là nơi lưu lại rõ nét vết tích và di vật về tín ngưỡng của cộng đồng cư dân Champa. Đầu tiên phải kể đến chính là đền thờ nữ thần Po Inư Nagar được trang trí rực rỡ trong Huyền Không, Theo bác sĩ Albert Sallet đó là “vị thần hảo tâm có nhiều cảm ứng hiển hiện mà những sự phán xét có lẽ được chấp nhận nhiều hơn, và nhất là cự tuyệt những lời thề giả dối, vị lương thần có nhiều biểu hiện quyền năng. Bà ban ân huệ và hiển linh. Dân chúng thường gọi bà là Bà chúa Ngọc”.Tại đây còn có một bệ thờ có hình chữ L, cao 70cm, dài 80cm. Bệ đá phía trên trang trí chim thần, đây là con vật biểu trưng của thần Vishnu, tượng trưng cho sự bình an. Bên dưới là hình một vị thần đang ở tư thế dâng cúng với một chân co, một chân duỗi; hai tay nâng một vật đưa về phía trước.Phía trước là vị thần đầu sư tử, mình người đang đứng quay lại là một trong những tác phẩm độc đáo nhất, được chạm trổ khá sắc sảo, công phu gần lối xuống động của cư dân Champa còn lưu lại.

            Làng đá Non nước Ngũ Hành Sơn không chỉ nức tiếng với nghệ thuật “ thổi hồn vào đá” mà còn vang danh trên trường thế giới bởi tại Bảo tàng Guimet (Musée National des Arts Asiatiques-Guimet – Bảo tàng quốc gia Nghệ thuật châu Á-Guimet) ở số 6 quảng trường Léna thuộc quận 14 thành phố Paris (Pháp) có một bức tượng Vishnu-Garuda có nguồn gốc từ Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng, cho đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa biết tượng được phát hiện vào thời điểm nào và bằng con đường nào đã lưu lạc sang tận Pháp. Bức phù điêu Vishnu-Garudahình thần Vishnu cưỡi trên cổ con chim thần Garuda. Toàn bộ pho tượng thể hiện một cách cân đối và cân xứng, hai nhân vật gắn liền nhau trên một trục thẳng đứng. Thần Vishnu mình trần mặc một cái quần dài xuống tận đầu gối, trên đầu đội một chiếc mũ cứng hình trụ cao sáu cạnh hình chóp nón, được siết chặt vào trán bằng một vương miện, trán có một vòng hoa, khuôn mặt khá sinh động với cặp mắt to, lông mày cong nổi cao, ria mép cong gắn liền với môi trên; miệng mỉm cười, tai to và dài. Thần chỉ còn 2 tay, tay trái sau nắm cái vỏ sò sankha (tượng trưng cho bầu trời), tay phải trước cầm quả đất bhumi (tượng trưng cho cõi nhân gian). Chim thần Garuda có thân hình béo mập, bụng phệ, chân chim, hai cánh cụp vào trong, hai tay nắm chặt hai chân của thần Vishnu, mắt tròn mở lớn. Như ta biết Garuda là chim thần đại bàng, vua của các loài chim, vật cưỡi của thần. Còn Vishnu mặc dù đứng sau vị thần Brahma trong Tam vị (Brahma-Vishnu-Shiva) của Hindu giáo nhưng là vị thần nổi trội nhất, là vị thần bảo tồn mang tính người nhất với những thuộc tính và mối cảm thông của thần đối với con người.Các hóa thân của thần chính là để hoàn thành công việc cần thiết tối thượng: Bảo vệ cho sự tồn tại của con người. Bất kỳ nơi nào những thế lực độc ác bắt đầu thống trị thì thần Vishnu-vị thần bảo vệ tối cao-từ thiên giới sẽ giáng trần để cứu vớt con người khỏi các thế lực độc ác.Tượng Vishnu-Garuda Ngũ Hành Sơn là di vật độc đáo trong truyền thống nghệ thuật Chăm, bởi đây là loại hình nghệ thuật độc đáo và phổ biến của truyền thống điêu khắc Chăm và Hindu giáo nhưng lại hiếm ở nước ta.Điều đáng ngưỡng mộ hơn cả là pho tượng Chăm ấy đã trở thành “bảo vật” vô cùng quý hiếm tại Bảo tàng Văn hóa Á châu – Guimet của Pháp. Dẫu biết rằng những giá trị văn hóa là tài sản chung của nhân loại, nhưng chính chúng ta cũng luôn mong muốn tượng Vishnu-Garuda Ngũ Hành Sơn được trưng bày trên chính quê hương của nó, cùng với câu chuyện phiêu lưu đầy lý thú!”.

             Bởi lẽ ấy, dạo chơi Làng đá mỹ nghệ – nơi hòa quyện hai nền văn hóa đặc sắc, bắt gặp hàng trăm bức tượng Champa không chỉ đơn thuần là đá mà chúng cũng biết cười, biết nói, biết suy tư và trăn trở. Đó là tượng vũ nữ uyển chuyển trong vũ điệu Apsara, tượng thần Indar, Siva, bò Nadin, chim thần Garuda và không thể không nhắc đến là tượng Yoni và Linga…đắm chìm trong những bức tượng đậm nét Champa này, du khách ngỡ như mình đang đứng giữa lòng khu tháp cổ Mỹ Sơn với những cổ tháp phủ bụi thời gian đầy nét rêu phong, u tịch. Tất cả từng chút một tạo nên một bức tranh sinh động mang tên “ Ngũ Hành”.

Từ triều Gia Long, một điều luật đã được ban hành, theo đó chỉ duy quốc gia mới có chủ quyền chuyên mãi đá cẩm thạch ở Ngũ Hành Sơn trong tỉnh Quảng Nam. Do đó, nay tiếp tục nghiêm cấm bất cứ kẻ nào, làng nào xâm phạm vào những ngọn núi đá cẩm thạch này”

(Một chỉ dụ của Hội đồng cơ mật năm Khải Định thứ 4)

Chỉ dụ dưới thời vua Nguyễn Phúc Bửu Đảo thực sự đã góp phần làm nên “ thương hiệu” Làng đá Non nước độc đáo, một bản sắc “ có một không hai” này. Dù bây giờ, việc khai thác đá ở Ngũ Hành Sơn bị cấm hoàn toàn nhưng với bàn tay vàng của những nghệ nhân, Làng nghề đá Non nước nay đã thành thương hiệu danh tiếng, là cái nôi cho ra đời nghệ thuật “vẽ trên đá”. Đi dọc đường Huyền Trân Công Chúa trong cái nắng vàng ươm những ngày đầu hè, ai đó, nếu xa làng đá vài ba năm trở về sẽ ngỡ ngàng trước những đổi thay đến lạ lẫm của từng con đường. Sự lấn át của phố phường hiện đại không thể nào che khuất cái đẹp của gương mặt thường hằng nét trầm tư của làng nghề đá. Đá mượn hình nhân của con người để ký thác lời của thiên thu. Quê hương Việt Nam như một bức tranh đời không tô vẽ. Nó mộc mạc nhưng du tình, nó bám rễ trong lòng người những điều bình dị ngày thường đâu đâu cũng có nhưng khiến người ta chẳng thể quên dẫu cuộc sống có thêm lụa là. Những xúc động, những chân tình vẫn dâng lên, gợi nhắc và thấm thía. Bốn trăm năm rồi một làng đá vẫn kiêu hãnh dưới bóng núi Ngũ Hành Sơn đẹp mê hồn một góc trời Đà Nẵng.

             Chia tay Non Nước như vừa bước ra khỏi bức tranh thủy mặc, về với những bộn bề, bắt gặp nhóm nghệ nhân làng đá đang miệt mài bên bức tường phù điêu phỏng theo tranh dân gian Đông Hồ của tòa biệt thự mới xây, tôi chợt nhớ tới nét mặt hóm hỉnh của ông già coi miếu Sơn thần khi cất giọng bài Chòi:

Lấy chồng thợ đá ăn chi

Lấy chồng thợ đá có nghề trong tay

Nguyễn Thị Bích Ly – Tổ Quảng bá du lịch