Cung bậc cảm xúc trên từng bậc đá ở Thủy Sơn  

 “Rủ nhau lên động Huyền Không

Bụi trần rũ sạch như không có gì.”

                                                                                    (Tản Đà)

     Trong một lần ghé thăm động Huyền Không Ngũ Hành Sơn, nhà thơ Tản Đà đã cảm thán nên hai câu thơ trên, và để đến được nơi có thể “rũ sạch bụi trần” du khách phải trải qua một chặng đường dài, dốc đứng, gồm 156 bậc (lối lên cổng số 1) hoặc 108 bậc (lối lên cổng số 2). Lưu truyền rằng đây là con đường ngày xưa vua Minh Mạng cho xây dựng để đi lên ngắm nước non khi đến du ngoạn ở ngọn Thủy Sơn trong quần thể Ngũ Hành Sơn. Ngày trước, đó chỉ là con đường mòn, sau được Vua cho khai phá và xây dựng thành lối đi bằng tre nứa để tiện di chuyển. Trong chiến tranh chống Mỹ, con đường bị phá hủy, sau này, các Phật tử của chùa Tam Thai đã chung tay cùng nhau xây dựng lại để có lối lên chùa.

Du khách vượt qua 156 bậc đá để khám phá Thủy Sơn.

     Một chiều tháng Tư, bóng vàng ngả mình vào lưng núi, có bước chân ai thơ thẩn giữa những bậc đá lặng lẽ ngắm nhìn nước non, lại cũng trên những bậc đá ấy, có bước chân ai khác đang cười vui rộn rã. Cùng một con đường, một điểm đến nhưng có người háo hức, có người ưu tư, lại có đôi ba người thư thái ung dung. Thiết nghĩ, những bậc đá ấy đã nâng bao bước chân du khách đến với cõi trời mây, non nước này, chứng kiến biết bao câu chuyện, bao cảm xúc? Từ dưới chân núi đi lên, con đường có chỗ thẳng, chỗ gấp khúc, chỗ uốn lượn theo triền núi, hai bên cây xanh vươn rộng tán che chở. Nắng chiều xuyên qua những tán lá, dịu dàng thả mình trên bờ vai, trên khuôn mặt của những du khách gần xa, như làm nổi bật những cảm xúc trên từng khuôn mặt.  Là họ tìm đến động Huyền Không để phủi bụi trần, cũng có thể lên chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng để tịnh tâm, để thắp nén hương, để nghe sư thầy giảng thuyết pháp…

     Trên mỗi bậc đá, du khách như quyện hòa với thiên nhiên Ngũ Hành – Non Nước, bâng khuâng giữa thực và hư, giữa mộng và tỉnh, giữa đất trời với lòng người. Để một phút giây nào đó, trong thoáng chốc, bao phiền muộn bỗng tan biến hết, để lòng nhẹ hư không, để biết bình yên vẫn còn tồn tại, để vững lòng mà bước tiếp.

     Anh Lê Minh Đạt, du khách tôi gặp khi cùng bước trên những bậc đá, chia sẻ: “Mình thấy nơi đây rất độc đáo, vì nó tự nhiên và rất đẹp. Khi đi lên mình thấy rất háo hức và tò mò không biết trên đấy có gì, sự khúc khuỷu của con đường khiến mình muốn khám phá những bậc thang tiếp theo. Thực sự rất thu hút và ấn tượng!”.

     Còn một người quen những bậc đá, đã hàng trăm lần đặt bước đến nơi này – anh Đoàn Ngọc Thi làm nghề hướng dẫn viên, lại có sự chiêm nghiệm khác. Anh Thi chia sẻ: “Với riêng tôi khi lên đến đây là được ngẩng đầu đón ánh mặt trời trong động Huyền Không, bầu không khí rất trong lành, đặc biệt là được đón lấy những làn gió man mát, mang lại cho mình cảm giác vô cùng khoan khoái và minh mẫn. Nếu lên đây mà không ghé qua Vọng Hải Đài nhìn xuống biển, không ghé qua Vọng Giang Đài nhìn xuống sông, xuống xóm làng thì không cảm nhận hết được vẻ đẹp của nước non, trời biển, con người Việt Nam mình. Hay uống một ngụm nước mát lạnh sau khi rời khỏi động Huyền Không – là một cảm giác trong ngần mà không thể nào diễn tả hết bằng lời, không thể tìm kiếm ở chốn đô thị nhộn nhịp. Ấy mới thấy giá trị của mỗi bước chân đi lên bậc thang, rồi vào chùa thành tâm thắp một nén nhang thành kính, tuy là mệt đấy nhưng được tưởng thưởng xứng đáng, chính là sự an lạc ở trong tâm hồn”.

Du khách quốc tế thích thú khám phá Ngũ Hành Sơn bằng lối bậc cấp

     Dưới bóng chiều tà, bước từng bậc thang xuống tới chân núi, lòng như lắng lại, tận hưởng sự thanh thịnh từ tận sâu tâm hồn. Lẽ thường, người ta thường hay chú ý đến kết quả hơn là cách thức, chú ý điểm đến hơn đường đi, các bậc đá ở nơi đây cũng vậy, bình dị và lặng lẽ giữa những điểm đến quá nổi tiếng, trước cảnh sắc thiên nhiên kỳ thú ở Ngũ Hành Sơn. Nhắc đến Thủy Sơn du khách xưa nay thường nghĩ ngay đến động Huyền Không, chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng, Vọng Hải Đài, Vọng Giang Đài…, mà ít khi nhắc đến những bậc đá. Ấy vậy, những bậc đá ấy, nếu chiêm ngưỡng và suy ngẫm, biết đâu lại chẳng tìm ra những điều lý thú, như một ý niệm nhân sinh, cũng đáng để một lần đặt bước chân lên và cảm nhận lắm chứ!

Tổ Quảng bá du lịch