Cổng trời – thuộc ngọn Trung Thai – Thủy Sơn nằm trong quần thể Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, là địa danh không thể bỏ qua trong chuyến hành trình khám phá khi du khách đến với Đà Nẵng. Và có lẽ với sự ưu đãi đặc biệt của thiên nhiên, nên khi nhắc đến Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, chúng ta không chỉ nhắc đến hệ thống hang động, chùa chiền và cảnh vật thiên nhiên đẹp tuyệt vời, mà còn trong suốt chuyến đi của mình, bạn sẽ có cơ hội khám phá ra những điều độc đáo mà khó có thể tìm ra ở bất cứ nơi nào.
Cổng trời Đông
Điều độc đáo mà bạn có thể chưa biết đến nơi đây là có đến 2 cổng trời, nghe rất đỗi lạ, nhưng ở Ngũ Hành Sơn mang nét riêng biệt có “cổng trời nơi trần gian”. Đây là những cổng đá tự nhiên rất đẹp, có một sự sắp đặt rất kỳ lạ của tạo hóa, 2 cổng trời nằm ở 2 phía Đông – Tây của ngọn Thủy Sơn tạo nên một không gian rộng, thoáng và tiểu cảnh nên thơ nằm trên con đường liên hoàn nối giữa hai ngôi chùa Tam Thai và Linh Ứng. Tại hai cổng trời luôn có gió mát mẻ quanh năm do gió từ biển đông thổi vào, gió từ trên miệng động Thiên Phước Địa cuộn xuống, gió từ phía sông thổi đến, tốc độ gió thường xuyên thay đổi theo mùa, vì vậy, hai cổng trời này còn có tên là Hang Gió Đông và Hang Gió Tây, ngoài ra còn tên gọi khác rất đỗi thơ mộng Vân Căn Nguyệt Quật do vua Minh Mạng đặt. Ở khoảng giữa của 2 cổng có nhiều hang động liên hoàn với nhau như động Thiên Long, động Vân Thông, động Thiên Phước Địa.
Cổng trời Tây
Để lên Cổng trời du khách có thể đi từ hai phía: Phía đông 108 bậc tam cấp và phía Tây 156 bậc tam cấp, được làm bằng đá tự nhiên. Dù đi bằng đường nào, những bậc tam cấp này cũng làm cho du khách phải thấm mệt và không ít lần phải dừng chân nơi những chiếc ghế đá tựa lưng vách núi để nghỉ ngơi, tận hưởng không khí trong lành trong tiếng nhạc nhẹ nhàng du dương. Nhưng dù đường đi có thấm mệt đến đâu, khi đặt chân tới Cổng Trời du khách cũng cảm thấy thật xứng đáng với những công sức đã bỏ ra. Đi giữa hai cổng trời du khách có cảm giác như đang đi trong lòng hòn non bộ khổng lồ, mát mẻ và dễ chịu, bao nhiêu mệt mỏi bổng chốc tan biến.
Động Thiên Phước Địa
Được hòa mình vào thiên nhiên đất trời, hít thở không khí trong lành, chị Mai Thu Hồng đến từ thành phố Hồ Chí Minh cho biết: “Đây là lần thứ hai chị đến với Di tích Ngũ Hành Sơn, cũng như lần trước chị cũng chọn cách leo những bậc tam cấp để tham quan. Mặc dù toàn thân ướt đẫm khi phải di chuyển, leo trèo nhiều trên ngọn núi này nhưng chị vẫn không thấy nóng bức, mệt mỏi, bởi vừa đặt chân tới Cổng trời đã có những cơn gió từ biển thổi vào, từ trong động thổi ra đã làm khô hết những giọt mồ hôi kia, nó cứ êm dịu, nhè nhẹ, mát mẻ vô cùng”.
Và nếu đã đặt chân lên Cổng trời, thì du khách hãy thử sức dẻo dai của bản thân mình bằng cách chinh phục “đường lên trời”. Ở phía nam Vân Nguyệt Cốc, trên lưng chừng sườn núi có một cửa động hình tròn, đó là động Vân Thông, còn gọi là “đường lên trời” đường vào động tối và hẹp, thông lên đỉnh núi chỉ có một lối nhỏ vừa một người đi. Trong động có tấm bia ghi 3 chữ Hán “Ngũ Uẩn Sơn”, đây cũng là một tấm bia cổ được tạc trực tiếp vào vách đá, cách cửa hang chừng 5m có một pho tượng Phật bằng xi măng. Động Vân Thông được nằm gọn trong lòng núi, miệng hang có dạng hình tròn như đường ống chếch lên phía ngọn núi. Trong động có tấm bia cổ được khắc “Ngũ Uẩn Sơn” và giữa động có 1 tượng Phật lớn. Đường lên động Vân Thông được ví như đường lên trời với lối dẫn lên tới đỉnh núi. Bước chân vào cửa động gặp một tượng Phật lớn, vòng ra phía sau là lối dẫn lên đỉnh núi có một đoạn đi khá khó khăn, phải bám vào vách núi mới qua được. Cuối động là miệng thông ra ngoài với luồng ánh sáng từ trên cao dọi xuống tạo cảm giác như đang nhìn thấy ánh hào quang rực rỡ.
Cũng lên tới Đỉnh Trời, mới thực sự cảm nhận được hết vẻ đẹp thiên nhiên của nơi đây, đứng trên đỉnh cao của núi, một hình ảnh độc đáo mở ra trước mặt du khách với phía Tây là dãy Trường Sơn hùng vĩ, bên dưới là sông Cổ Cò, sông Hàn uốn quanh mềm mại như dải lụa và phía Đông với cả một vùng trời biển mênh mông và đảo Cù Lao Chàm xa xa ẩn hiện. Bạn Trần Minh Nhật đến từ Hải Phòng chia sẻ “Trải qua hành trình dài và tương đối vất vả để đến được với đỉnh núi cao nhất Ngũ Hành Sơn, thật sự rất bất ngờ. Đứng trên đỉnh núi và phóng tầm mắt xuống dưới toàn bộ cảnh vật Đà Nẵng được thu lại . Đường phố, nhà cửa và cả bãi biển bỗng chốc nhỏ lại trước mắt, điều này thật tuyệt vời, đây là cảnh đẹp không phải lúc nào cũng có thể chiêm ngưỡng”.
Cho dù bạn đến Cổng trời vào bất kỳ mùa nào trong năm, thì du khách cũng có cơ hội mở rộng góc nhìn, phải bất chợt thốt lên ngỡ ngàng vì cảnh quan nơi đây quá đẹp, cứ như đang lạc bước vào chốn “bồng lai tiên cảnh”. Trong khung cảnh ấy, giữa tiếng gió reo vi vút, tiếng mõ vang vọng giữa thinh không, mùi hương trầm thoảng đưa trong gió, ánh sáng huyền ảo tràn vào khe đá, tạo nên bức tranh thanh bình, yên ả. Có lẽ chỉ đọc và xem hình ảnh thôi bạn sẽ không cảm nhận hết vẻ đẹp ấy có sức níu giữ kì lạ với du khách mỗi khi có dịp đến tham quan.
Tổ Quảng bá du lịch