Năm 2020, các điểm đến văn hóa, lịch sử trên địa bàn thành phố tiếp tục được đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng phục vụ để thu hút người dân và khách tham quan.
Nhà Trưng bày Hoàng Sa hiện trưng bày hơn 300 tư liệu, hiện vật minh chứng chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. Ảnh: NGỌC HÀ
Lượng khách tham quan tăng
Thời gian qua, các bảo tàng trên địa bàn thành phố trở thành điểm đến thu hút người dân và du khách. Năm 2019, tổng lượt khách đến Bảo tàng Điêu khắc Chăm đạt 310.000 lượt (trong đó có 283.000 lượt khách quốc tế); Bảo tàng Đà Nẵng 330.000 lượt (trong đó có 290.000 lượt khách quốc tế), tăng 38% so với cùng kỳ năm 2018; Bảo tàng Mỹ thuật đón tiếp 20.000 lượt (trong đó có 4.200 lượt khách quốc tế), tăng 13% so với cùng kỳ năm 2018.
Những năm qua, nhờ làm tốt công tác quảng bá, kết nối với các cơ quan, đơn vị, các tour tuyến du lịch, nhất là kết nối từ di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn, nên lượng khách đến tham quan Khu căn cứ cách mạng K20 không ngừng tăng lên, năm 2016 đón 1.294 lượt khách thì tính đến hết 2019 tại đây có 5.000 lượt khách tham quan. Đối tượng chủ yếu là cựu chiến binh, học sinh, sinh viên, hội viên, đoàn viên thanh niên, phụ nữ, các đoàn hành hương về nguồn…, đến học tập, nghiên cứu, trải nghiệm…
Tương tự, tuy là đơn vị đặc thù, khánh thành và mở cửa đón khách tham quan (tháng 3-2018), song Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã dần được người dân và du khách biết đến. Năm 2019, Nhà Trưng bày Hoàng Sa đã đón tiếp 30.446 lượt khách với 467 đoàn khách là học sinh, sinh viên, đoàn viên thanh niên, lực lượng vũ trang, cơ quan Nhà nước, khách trong và ngoài nước (thành phần chủ yếu là học sinh, sinh viên chiếm hơn 50%, tăng 18% so với năm 2018).
Nâng cao chất lượng hoạt động
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao thành phố cho biết, năm 2019, sở đã phối hợp với Sở Du lịch nghiên cứu hình thành các tour, tuyến du lịch đường thủy nội địa kết nối các di tích lịch sử, các nghề truyền thống tại các làng quê dọc sông, như tuyến sông Hàn – Khu căn cứ cách mạng K20; tuyến sông Hàn – Túy Loan – Thái Lai; tuyến du lịch sông Cu Đê. Đồng thời, chú trọng triển khai các hoạt động giáo dục di sản văn hóa cho học sinh các cấp tại di tích, khuyến khích học sinh tìm hiểu giá trị và trải nghiệm các di sản văn hóa tại địa phương.
Hoạt động trải nghiệm tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm luôn hấp dẫn đối với học sinh.
Chính quyền các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch phát huy giá trị di tích trong việc giáo dục thế hệ trẻ, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi công dân bằng nhiều hình thức: tham quan, nghiên cứu, học tập, tưởng niệm, tổ chức sinh hoạt truyền thống về các nhân vật, các sự kiện lịch sử, cuộc thi tìm hiểu… “Trong năm 2020, các bảo tàng tiếp tục thực hiện kế hoạch truyền thông, quảng bá, phục vụ khách tham quan; chỉnh lý trưng bày các chuyên đề, tổ chức tốt hoạt động giáo dục sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức nhiều chương trình trải nghiệm… để thu hút khách tham quan và trở thành điểm đến du lịch của thành phố”, ông Huỳnh Văn Hùng cho biết.
Trong khi đó, cuối năm 2019, UBND thành phố có văn bản công nhận điểm du lịch Nhà Trưng bày Hoàng Sa. Đây là cơ sở để tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá nhà trưng bày đến với du khách, các công ty lữ hành. Trong năm 2020, tại Nhà Trưng bày Hoàng Sa dự kiến diễn ra một số cuộc triển lãm ý nghĩa như “Trên cánh đồng đại dương”, “Truyền thống vươn khơi bám biển của người dân miền Trung”, “Hoàng Sa dưới thời Pháp qua số tư liệu mới”…
Ngoài ra, Ban Giám đốc nhà trưng bày sẽ thực hiện chỉnh lý, bổ sung không gian trưng bày của hai chủ đề “Tư liệu về quần đảo Hoàng Sa trước triều Nguyễn”, “Tư liệu về quần đảo Hoàng Sa dưới triều Nguyễn”; sưu tầm tư liệu Hán Nôm liên quan đến thủy quân triều Nguyễn và biển, đảo; sưu tầm tư liệu Hán Nôm về Hoàng Sa tại các trung tâm lưu trữ…
Đối với Khu căn cứ cách mạng K20, ông Lê Ngọc Nhất, Phó Ban quản lý (BQL) khu di tích cho biết, BQL đã tham mưu với quận trình thành phố phê duyệt đề án Phát triển du lịch Khu căn cứ cách mạng K20.
Trong đó, có đề xuất khôi phục lại địa đạo Xóm Đồng và một số hầm bí mật tại nhà dân, trồng lại lũy tre bao quanh làng, tạo cảnh quan cây xanh bóng mát; nghiên cứu khai thác hiệu quả bến cầu tàu du lịch, xây dựng mô hình du lịch trong dân… tạo ra những sản phẩm hấp dẫn mới. “Khu căn cứ cách mạng K20 được phê duyệt đầu tư, khôi phục sẽ tạo ra sản phẩm du lịch mới, có các dịch vụ kèm theo sẽ kích thích được nguồn khách đến tham quan.
Thay vì du khách đến chỉ tham quan các di tích một cách đơn điệu, thời gian còn lại chẳng có gì để vui chơi, thư giãn thì với một không gian di tích rộng lớn với những hạng mục công trình mang dấu ấn lịch sử – văn hóa sẽ là điểm đến hấp dẫn nếu được đầu tư bài bản và có hệ thống. Đây là hình thức bảo tồn di tích gắn liền với phát triển du lịch như một số nơi đã làm và mang lại hiệu quả”, ông Nhất chia sẻ.
NGỌC HÀ ( Báo Đà Nẵng)