“Niềm vui nghề nghiệp không hẳn là ở địa vị thấp cao, công việc chân tay hay trí óc mà là kết quả hữu ích từ sự cống hiến và sáng tạo không ngừng của mỗi người lao động”.
Công việc của Hướng dẫn viên du lịch – một công việc bình thường có cả niềm vui và nỗi buồn như bao công việc khác. Trong đời người ai cũng chọn một nghề lương thiện để mưu sinh, ngoài niềm vui từ công việc mang lại đôi lúc còn phải chịu nhiều khó khăn, áp lực.
Nếu không phải trong nghề chắc hẳn mọi người sẽ cho rằng Hướng dẫn viên du lịch là nghề “ăn trắng mặc trơn”, phong lưu, nhàn nhã và được đi đây đi đó, được giao lưu, tiếp xúc, học hỏi nhiều điều về văn hóa, văn minh của nhiều du khách đến từ các vùng miền, quốc gia khác nhau; còn được hưởng “cái này cái kia” từ sự ưu ái của khách. Tuy nhiên, điều đó chỉ đúng một phần. Anh Lương Thanh Rân – Tổ trưởng Tổ Hướng dẫn tại điểm du lịch Ngũ Hành Sơn cho biết: “ Ngày Lễ, ngày Tết cả gia đình người ta đoàn tụ, sum họp đi chơi, còn mình thì ngược lại, phải phục vụ khách, thậm chí cường độ làm việc cao hơn ngày thường, chưa kể những Hướng dẫn viên các tour phải rong ruổi đường dài từ tỉnh này qua tỉnh khác. Đó là điều tất yếu phải chấp nhận của ngành, nghề dịch vụ, trong đó có nghề Hướng dẫn viên du lịch”.
Với Hướng dẫn viên du lịch tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, công việc không hề đơn giản chút nào. Để phục vụ một tour yêu cầu, người Hướng dẫn phải theo chân du khách leo lên hàng trăm bậc tam cấp, thấm mệt cùng với khách qua những đoạn đường quanh co, khúc khuỷu, những đỉnh núi chỗ thấp, chỗ cao, từ điểm này qua điểm khác. Những cảnh trí, hang động, chùa chiền phân bổ rải rác trong năm ngọn núi; nào là đến Vọng Giang Đài để ngắm sông, đến Vọng Hải Đài ngắm biển, chui lên động Vân Thông ngoằn ngoèo như một đường ống thiên tạo để ngắm cảnh trời biển bao la; đưa khách lên đỉnh Thượng Thai chót vót như chạm đến đỉnh trời để nhìn bao quát quan cảnh thành phố và các vùng phụ cận; nào là xuống động Huyền Không như hư, như thực, động Tàng Chơn lưu dấu tích Chămpa, chui sâu xuống động Âm Phủ nơi đày ải tội đồ… Thật là một hành trình “lên non, xuống biển” đầy gian nan, vất vã, một hành trình “từ địa ngục đến thiên đàng”, từ “trần thế đến bồng lai”.
Để có được một chuyến tham quan trọn vẹn, có đoàn còn yêu cầu Hướng dẫn viên phải đưa khách đến các ngọn núi tại khu vực phía Tây; ở đó có chùa Quan Âm với động Quan Âm; chùa Phổ Đà, chùa Linh Sơn, chùa Thái Sơn với động Huyền Vi, động Tam Thanh; chùa Hương Sơn với địa đạo núi đá chồng v.v. Mỗi điểm, mỗi nơi một vẽ, trong đó người Hướng dẫn không đơn thuần làm công việc dẫn đường mà còn phải ra sức thuyết minh từng vấn đề mạch lạc, trôi chảy và có sức thuyết phục. Những ngày đông khách, mỗi Hướng dẫn viên phải phục vụ từ 05 đến 06 tour/ngày, thuyết minh phục vụ hàng trăm lượt khách, lên xuống núi không biết bao nhiêu lần. Vết mòn trên mỗi bậc cấp lên chùa Ngũ Hành Sơn chắc hẵn có hằn dấu chân của mỗi Hướng dẫn viên du lịch !. Chị Mai Thị Thanh Sen, một sinh viên du lịch mới ra nghề tâm sự: “Em theo nghề hướng dẫn tại Ngũ Hành Sơn đã hai năm, lúc đầu em thấy rất ngại, công việc leo núi hằng ngày không phải đơn giản đối với phụ nữ, nhưng bù lại là một nghề rất vui, tiếp xúc, học hỏi được nhiều điều, các anh chị đồng nghiệp luôn gần gũi, giúp đỡ, lãnh đạo cơ quan lúc nào cũng quan tâm và tạo điều kiện để bọn em tác nghiệp. Niềm vui nghề nghiệp không phải là thu nhập nhiều hay ít, giàu hay nghèo mà ở đó, niềm vui em thấy được là ý nghĩa của sự cống hiến sức trẻ cho việc quảng bá hình ảnh danh thắng Ngũ Hành Sơn đến với mọi du khách trong và ngoài nước”.
Qua Hướng dẫn – thuyết minh, những vẽ đẹp tiềm ẩn của di tích, lịch sử sẽ hiện lên một cách sinh động, mỗi hiện vật, mỗi công trình sẽ vọng lại tiếng nói tâm linh từ quá khứ. Những ngọn núi, những ngôi chùa, những hang động tại thắng tích Ngũ Hành Sơn là mỗi câu chuyện truyền kỳ đầy bí ẩn; người Hướng dẫn tài hoa sẽ đưa du khách đến được cội nguồn của Chân -Thiện – Mỹ, từ đó bớt sân si, dục vọng để hướng đến những điều tốt đẹp hơn sau một chuyến hành hương về thăm đất Phật.
Muốn làm được điều đó, các Hướng dẫn viên du lịch Ngũ Hành Sơn trong quá trình tác nghiệp phải có nhiều cố gắng vươn lên trong tìm tòi, học hỏi. Ngoài kiến thức về địa lý, văn hóa, lịch sử còn phải cập nhật thông tin về nhiều lĩnh vực, có chút ít năng khiếu về thuyết trình, văn nghệ, biết tạo nên những tình huống bất ngờ, lôi cuốn, biết dí dõm, dẫn chuyện và pha trò. Anh Lê Văn Hòa – Tổ phó chuyên môn cho biết thêm: “Mình vừa thuyết minh vừa phải biết kết hợp pha một chút hài hước, có thể là những câu chuyện tiếu lâm nhẹ nhàng, hay đọc vài câu thơ, hát vài đoạn nhạc, có lúc phải thể hiện sự am hiểu về lịch sử, văn hóa, Phật pháp, về triết lý nhân sinh từ những điển tích, truyền thuyết, biết truyền đạt vẽ đẹp văn hóa của vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi mà du khách đang đến để am tường, cảm thụ v.v…như vậy, khách sẽ không cảm thấy mệt mỏi và chuyến tham quan sẽ thú vị hơn. Đó là đối với khách Việt, còn khách là người nước ngoài thì rất dễ nhưng lại khó bởi họ biết chưa nhiều về đất nước, con người, văn hóa, phong tục, tập quán Việt Nam…, ngoài yêu cầu phải thông thạo về ngoại ngữ, Hướng dẫn viên còn phải biết giải thích từng khía cạnh, từng vấn đề một cách khách quan, sâu sắc. Thông qua công việc Hướng dẫn, thuyết minh phải biết kết hợp quảng bá để tôn vinh hình ảnh, văn hóa Việt Nam dưới góc nhìn của khách quốc tế.
Không chỉ có vậy, theo ý kiến của nhiều anh chị, Hướng dẫn viên phải có trách nhiệm trong từng việc làm cụ thể, phải thật năng động, khôn khéo trong lời ăn tiếng nói, nhạy cảm và ứng xử kịp thời với các tình huống. Vì đứng trước du khách, Hướng dẫn viên sẽ là một “đại sứ thiện chí”, một “nhà ngoại giao” khôn ngoan, sâu sắc, một người bạn, một “hoa tiêu” trên mỗi chặng đường của khách.
Theo chân các Hướng dẫn viên du lịch tại Ngũ Hành Sơn, có thể nhận ra rằng họ có những nỗi buồn và niềm vui chung trong nghề. Buồn là khi phục vụ rất nhiệt tình, thuyết minh bằng cả tâm huyết mà có những vị khách không nghe, hoặc có nghe cũng với thái độ thờ ơ, vô cảm. Với họ, Hướng dẫn – thuyết minh chỉ là một dịch vụ trả tiền, là người dẫn đường hơn là “đối tác” để trao đổi, tìm hiểu lịch sử, văn hóa nơi mình đang đến…Vui là được học hỏi nhiều điều từ khách, được gặp gỡ giao lưu nhiều người, hơn thế nữa là được tôn trọng và lắng nghe, thẩm thấu nhiều điều thú vị trong chuyến tham quan do mình truyền đạt. Những tiếng vỗ tay nhiệt tình khi kết thúc chuyến tham quan, để rồi giữa khách và người Hướng dẫn chia tay nhau đầy lưu luyến và không quên hẹn ngày gặp lại. Chính điều này, Hướng dẫn viên là người có bè bạn khắp nơi, có lúc thành tri âm, tri kỷ. Tất cả những điều có được như trên, đối với Hướng dẫn viên là niềm khích lệ, là những phần quà tinh thần quý giá mà chưa hẳn các ngành nghề, dịch vụ khác có được.
Buồn vui, vất vã trong nghề là thế, nhưng họ – những Hướng dẫn viên du lịch tại Ngũ Hành Sơn vẫn nhiệt tình, xông xáo, vẫn nở nụ cười thật tươi như “nụ cười du lịch” mỗi khi thuyết minh hay trò chuyện cùng du khách. Anh Lê Quang Tươi – Trưởng ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn tại buổi sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2012, khi đánh giá về công tác Quảng bá và Hướng dẫn – thuyết minh đã khẳng định: “Để quảng bá hình ảnh về Ngũ Hành Sơn, ngoài việc quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, chính những Hướng dẫn viên du lịch là những người trực tiếp làm công tác quảng bá rất hiệu quả và thiết thực nhất”.
Để có được “nụ cười du lịch”, những Hướng dẫn viên Ngũ Hành Sơn đã có những trải nghiệm đích thực, họ đã đi thẳng trên đôi chân vững chải của mình với những khát vọng cháy bỏng từ nhịp đập của trái tim trong tình yêu nghề nghiệp./.
Nguyễn Thị Phượng – Tổ Quảng bá du lịch