VU LAN BÁO HIẾU – HOA TẶNG MẸ, HƯƠNG GỬI CHA

          Thật khó để có quỹ thời gian bên cạnh cha mẹ mà không phải cuốn vào vòng xoay cơm áo gạo tiền, cũng thật khó để giữ cha mẹ mãi bên đời khi họ có thể lìa xa chúng ta bất cứ lúc nào. Và vì thế trân quý những phút giây khi còn có thể là điều duy nhất ta có thể làm…

Hoa hồng đỏ em cài trên áo

Mùa Vu Lan hiếu đạo làm con

Công cha nghĩa mẹ tựa non

Một lòng hiếu thảo vuông tròn trước sau

          Tháng 7 âm lịch, khi hơi thu dừng chân trước ngõ , gió nhẹ nhàng ngắt từng chiếc lá vàng lác đác lơ lửng bay, những đám mây màu tím xám về cùng cơn mưa lúc thưa lúc nhặt và có vài khoảnh khắc bầu trời trong màu thủy tinh xanh. Có lẽ, ông trời đã chọn mùa này để cho cảm xúc như đầy hơn với công cha nghĩa mẹ. Tình yêu của mẹ như nắng ấm, ngọt ngào và dễ thấy, tình yêu của cha như trời đêm, lặng im nhưng vô cùng sâu thẳm. Hình như trái tim ai cũng nôn nao khi ngắm trăng mỗi ngày mỗi sáng hơn cho đến ngày rằm, để biết rằng Lễ Vu Lan – ngày hiếu hạnh của những người con kính dâng các bậc sinh thành, dưỡng dục…để được cài bông hồng lên ngực áo, dù đó là bông hồng đỏ hay trắng và hoài niệm về mẹ cha. Có cha, có mẹ chúng ta như có tất cả niềm vui, hạnh phúc trọn vẹn của một kiếp người.

          Là lễ hội thường niên bắt đầu từ năm 2017 trong khuôn viên trước và trong Động Âm Phủ thuộc ngọn Thủy Sơn của Danh thắng Ngũ Hành Sơn, Pháp hội Vu Lan thực sự là ngày hội đậm màu văn hóa dân gian, tôn giáo về hiếu đạo và tâm linh Phật giáo cổ truyền của người Việt. Diễn ra vào dịp Chào mừng kỷ niệm 74 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 – 02/9/2019) và các hoạt động, sự kiện chào mừng Lễ Vu lan năm 2019 tại thành phố Đà Nẵng, Lễ hội Vu Lan báo hiếu – Ngũ Hành Sơn cũng là một điểm đến tâm linh đặc sắc của người dân Đà Nẵng nói chung, hàng ngàn du khách trong và ngoài nước nói riêng tề tựu về đây. Sau những nghi thức văn hóa lễ hội nghiêm cẩn, linh thiêng diễn ra từ sáng sớm như: Lễ Thượng Phan niệm Phật, Lễ thỉnh Anh linh Anh hùng Liệt sỹ, Lễ Phật khai kinh,Nghi thức cài hoa hồng hiếu hạnh…Đúng 17h30 ngày 10 tháng 8, Động Âm Phủ nép mình dưới chân Ngũ Hành rực sáng ánh đèn

          Đức Phật đã dạy rằng “ Tâm hiếu tức là tâm Phật.Đạo hiếu là đạo Phật vì vậy mà đạo Phật xác định cùng cực điều thiện không có gì hơn hiếu,cùng cực điều ác không có gì hơn bất  hiếu. Trong kinh Thi Phụ cũng có một đoạn như sau : Cha sinh ra ta, Mẹ bồng bế ta, thương thay cha mẹ, sinh ta khó nhọc, muốn báo ân sâu, khác nào như trời cao, khôn cùng như một lời tuyên ngôn về Hiếu Đạo. Còn khi đề cập đến công ơn từ mẫu thì đã có công thức chín chữ Cù lao : “Sinh, Cúc, Phủ, Súc, Trưởng, Dục, Cố, Phục, Phúc“. Sinh (đẻ ra), Cúc (nâng đỡ), Phủ (vuốt ve), Súc (nuôi cho bú mớm), Trưởng (nuôi cho khôn lớn), Dục (dạy dỗ), Cố (trông nom), Phục (là xem tính tình mà chỉ bảo), Phúc (là bảo vệ). Chính vì thế, Pháp hội Vu Lan vượt ra khỏi khuôn khổ của một ngày lễ Phật để chuyển thành  ngày lễ hội “văn hóa tình người”, một trong những ngày lễ có sức sống văn hóa mãnh liệt nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người dâng chúng ta. Lễ Vu Lan bắt nguồn từ một điển tích trong kinh Phật nói về đạo hiếu và sự báo đền công ơn với đấng sinh thành. Phật thuyết Vu Lan Bồn Kinh kể rằng, Bồ Tát Mục Kiều Liên là thần thông đệ nhất trong mười đại đệ tử của Phật, thông thạo nhiều phép thuật, Ngài đã thị hiện thần thông đốt cung trời Đế thích để nhắc nhở Kiều Thi Ca, dùng thần thông chiến đấu để điều phục hai con ác long phun khói lửa để hại người tu…vậy mà chỉ một ác nghiệp của mẹ – bà Thanh Đề – lại không thể một mình cứu mẹ ra khỏi địa ngục. Được Đức Phật chỉ bảo, ông đã cúng dường phẩm vật lên mười phương chúng Tăng trong ngày Tự tứ (tức ngày rằm tháng 7). Dưới sự gia trì của Phật Thích Ca, thiện niệm của đại A La Hán và năng lượng từ bi ngưng tụ của chúng Tăng mười phương, ông đã cứu vớt mẹ mình khỏi kiếp khổ ngạ quỷ và đưa mẹ về thiên giới. Các vong linh khác cũng nhờ phúc lành của Chư Tăng mà được siêu thoát. Từ tấm gương hiếu hạnh của Bồ Tát Mục Kiều Liên, Lễ Vu Lan ra đời và trở thành ngày lễ lớn của Phật Giáo ở Việt Nam cũng như nhiều nước Châu Á. Ở Nhật Bản gọi là lễ Obon, tại Trung Quốc phiên âm từ tiếng Phạn ra tiếng Hán là Vu Lan Bồn hoặc Ô Lam Bà Na.

Mẹ yêu con bằng dòng sữa ngọt

Cha yêu con bằng giọt mặn mồ hôi

          Mẹ cha là bầu trời – mặt đất của mỗi người.        Hình ảnh mẹ cha luôn là điểm tựa vững chắc cho con bước vào đời. Điều mà ai cũng biết, mẹ là người mang nặng đẻ đau, chín tháng cưu mang rồi thêm ba năm bồng ẵm. Mẹ nhuờng con ngọt bùi, cay đắng phần mình gánh chịu. Cha là người chăm sóc, lo lắng đủ điều. Công dưỡng sinh thành của cha, của mẹ chẳng ngôn từ nào có thể diễn đạt đủ đầy. Đến một sớm mai nào đó, con vươn mình lớn lên. Con từ biệt mẹ cha để rong ruổi tha phương, con mải mê trên đôi bàn chân của mình. Cha mẹ chính là “ gia tài lớn nhất” mà mỗi người con không cần cố gắng kiếm tìm cũng luôn “ đầy ắp” bên mình. Đừng bao giờ than nghèo nếu bạn còn có cha mẹ, bởi thứ nghèo đáng sợ nhất trên thế gian này là nghèo tình yêu. Ấy vậy mà khi gặp cha mẹ mỗi ngày, ít ai có thể nói ra được những lời yêu thương, họ thể hiện qua những cử chỉ chăm sóc, ngồi ăn chung một bữa. Không ít người hối hận vì hôm nào cũng để mẹ cha chờ cơm rồi lại trách cha mẹ quá nghiêm khắc, không hiểu được chúng ta nhưng tất cả sẽ thay đổi khi chúng ta trở thành những bậc làm cha làm mẹ. Ngoài những người may mắn khi nhận ra giá trị của lời yêu thương kịp lúc, cũng có những giọt nước mắt tiếc nuối khi cha mẹ đã không còn khi bồi hồi nhớ về cha, về mẹ như muốn tìm lại chút dư âm của ngày xưa ấy.

          Trong không khí thiêng liêng, trang trọng của Lễ thắp hoa đăng cầu quốc thái dân an tại Động Âm Phủ – Danh thắng Ngũ Hành Sơn, không ai bảo ai, dòng người nối đuôi nhau tấp nập, người hân hoan với hoa hồng đỏ, người ngậm ngùi mang trên ngực áo đóa hoa trắng. Đã từ lâu, bông hoa hồng đã trở thành biểu tượng cho Lễ Vu Lan báo hiếu của nhà Phật. “ Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được ài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù đã khuất. Người được hoa màu hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai khuất núi sẽ khóc than cũng không còn kịp nữa” còn người tu sĩ cũng muốn mượn màu sắc của hoa màu vàng để nói lên tinh thần đúng nghĩa của Mùa Báo Hiếu – sự giải thoát.Giữa dòng đời hối hả, đôi lúc bạn đang tự cho rằng mình bận rộn với công việc cuộc sống, bận rộn với những mối quan hệ bên ngoài mà quên mất rằng, đằng sau đó là nỗi lòng của cha mẹ – người nuôi bạn khôn lớn nên người. Bạn không biết rằng, sau những chuyến về quê thăm cha mẹ ngắn ngày rồi vội vã lên xe trở lại với cuộc sống tất bật là những giọt nước mắt lo lắng của mẹ, là ánh nhìn buồn rười rượi của cha. Đã bao lâu rồi bạn không ăn cơm cùng gia đình? Đã bao lâu rồi bạn không nói “ con yêu mẹ” và đã bao lâu rồi bạn không về thăm cha?

Bông hồng đỏ con cài áo hôm nay là cả một hành trang

Để con biết rằng mình hạnh phúc biết bao vì vẫn còn có mẹ

Mùa báo hiếu về rồi mẹ ơi, nơi này con lặng lẽ

Gửi về mẹ, cả bầu trời nhung nhớ rộng yêu thương

Cài một bông hồng lên ngực thật gần trái tim, cánh hoa mơ hồ rung nhè nhẹ theo nhịp đập, có lẽ cảm nhận rõ hơn bao giờ hết: Mỗi người chỉ có một gia đình, mất đi khó có thể có lại.

          Vu Lan tối hôm nay, ngoài việc lắng nghe những thanh âm tha thiết về mẹ cha, tham dự những nghi lễ văn hóa tâm linh thì có nhiều người chọn cho mình một góc riêng để gợi nhớ về mẹ, về những tuổi thơ êm đềm mà khi đó ta cảm thấy mẹ quá phiền, nói nhiều và luôn cáu gắt. Lúc đó, người con muốn lớn thật nhanh để thoát khỏi sự quản lý của cha mẹ, để không phải nghe mẹ cha càm ràm suốt ngày. Nhưng khi lớn lên để đi học xa, để kiếm sống thì ai cũng ngậm ngùi nhận ra chỉ có cơm mẹ là vừa ăn vừa cười ríu rít, còn cơm người là cả mồ hôi, nước mắt chát đắng. Chúng ta ai cũng có một đôi mắt sáng nên hãy ngắm dáng hình mẹ cha thật kĩ, hãy biết một lần dâng chén trà cho cha, bê bát cơm cho mẹ trước khi rơi lệ vì một người không máu mủ ruột già, trước khi vỗ cánh bay xa, quay gót ham hưởng hạnh phúc cá nhân tục trần…mỏng manh…hên xui theo thời vận.

          Lễ về đêm đã thưa những bước chân vội vã, Hội trại Vu Lan báo hiếu đã bắt đầu rộn rã một góc sân, chỉ còn đâu đó những bông hoa màu trắng được đặt lại ngay ngắn ở đây như đặt lại một niềm thương nỗi nhớ, còn trong tim mãi mãi hình bóng mẹ cha.

          Cuộc sống sẽ luôn tấp nập, xô đẩy chúng ta đến một chân trời nào đó cũng chẳng rõ nhưng cha mẹ vẫn mãi là bờ vai vững chắc. Một mùa Vu Lan nữa lại đến, mỗi người dường như đều dành cho mình một khoảng lặng để nghĩ về chữ Hiếu và đau đáu nỗi niềm báo hiếu cha mẹ. Nhưng đừng đợi đến ngày lễ mới tỏ lòng thành tâm kính hiếu cha mẹ mà nếu có thể, hãy biến mọi ngày trong năm đều là ngày Vu Lan báo hiếu. Vì suy cho cùng, chúng ta chẳng thể sống mãi bên cạnh mẹ cha, hãy biết trân quý những phút giây quý giá mang tên “ gia đình” khi còn có thể:

Đêm đêm con thắp đèn trời

Cầu cho cha mẹ sống đời với con

Nguyễn Thị Bích Ly – Tổ Quảng bá du lịch