Tổ công tác mang tên Chỉ thị 43

           Ở Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn có một Tổ công tác gọi là “Tổ 43 trên Thủy Sơn”. Năm 2015, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chỉ thị số 43 chỉ đạo thực hiện chủ trương “Năm văn hóa, văn minh đô thị”. Tổ 43 trên Thủy Sơn ra đời từ đó, lấy theo tên gọi của Chỉ thị 43, trực tiếp xử lý những phần việc về văn hóa, văn minh đô thị trên Thủy Sơn, vừa tích cực hưởng ứng chủ trương chung, vừa góp phần bảo đảm danh thắng Ngũ Hành Sơn luôn xứng đáng với danh hiệu “An toàn – Văn minh – Thân thiện”. Tiếp đó, năm 2016, thành phố triển khai chủ trương “Thành phố 4 an” (an ninh trật tự, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, an sinh xã hội”, thì những nội dung này cũng được giao cho Tổ 43 trên Thủy Sơn. Như vậy, Tổ 43 trên Thủy Sơn có thể xem là lực lượng trực tiếp thực hiện 2 chủ trương lớn của thành phố Đà Nẵng – “Năm văn hóa, văn minh đô thị” và “Thành phố 4 an” tại ngọn Thủy Sơn trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Trao trả lại tài sản cho du khách bỏ quên

          Ông Đỗ Xuân Trông, Tổ trưởng Tổ 43 trên Thủy Sơn cho biết: Theo phân công của lãnh đạo Ban, công việc ban đầu của Tổ chủ yếu là tuần tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động trên ngọn Thủy Sơn, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, cảnh quan, môi trường, chủ động phòng cháy, chữa cháy, thiên tai, bão lụt, hỗ trợ du khách thực hiện Nội quy tham quan và những thông tin cần thiết… Đặc biệt, Tổ chú trọng giữ gìn trật tự văn minh, môi trường văn hóa du lịch, chống các hành vi tiêu cực làm xâm hại môi trường văn hóa du lịch, nhất là các hành vi đeo bám, chèo kéo khách thiếu văn minh, lịch sự…

          Trong thực tiễn hoạt động, Tổ 43 trên Thủy Sơn đã chủ động phát hiện, tham mưu, đề xuất xử lý hàng loạt vấn đề. Chẳng hạn, Tổ đã theo dõi, kịp thời phát hiện, ngăn chặn các đối tượng khả nghi lấy trộm tài sản, vật dụng của du khách, trao trả các tài sản do du khách đánh rơi, để quên tại các điểm tham quan. Chỉ riêng trong 6 tháng đầu năm 2017, Tổ đã phối hợp với các Bộ phận chuyên môn tích cực tìm kiếm, trao trả lại nhiều tài sản có giá trị cho 13 du khách đánh rơi, để quên trong hành trình tham quan, tạo được nhiều thiện cảm tốt đẹp đối với du khách. Bên cạnh đó, Tổ thường xuyên giám sát hoạt động leo núi mạo hiểm do Công ty cổ phần du lịch mạo hiểm Việt chi nhánh Hội An tổ chức thí điểm tại động Vân Thông.

          Thời gian gần đây, nổi lên vấn đề hướng dẫn viên “chui”, chuyên tổ chức các tour du lịch nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của du khách cũng như vi phạm pháp luật. Trước thực tế này, Tổ 43 trên Thủy Sơn đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn, không để các đối tượng tự do hướng dẫn khách hoặc hướng dẫn viên hành nghề không đeo thẻ hướng dẫn, góp phần bảo đảm môi trường du lịch an toàn, lành mạnh.

          Một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Tổ 43 trên Thủy Sơn là tích cực vận động các cơ sở tôn giáo, hộ buôn bán ký cam kết bảo vệ di tích, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, làm tốt công tác phòng chống cháy nổ và đảm bảo vệ sinh môi trường… Tổ thường xuyên tuần tra, theo dõi việc xây dựng, cơi nới đất đai trái phép của các cơ sở tôn giáo trên Thủy Sơn, kịp thời báo cáo lãnh đạo và phối hợp với Đội Kiểm tra Quy tắc đô thị quận và UBND phường Hòa Hải lập biên bản đình chỉ xây dựng trái phép đối với các chùa Linh Ứng, Từ Tâm; ngăn chặn việc chặt phá cây xanh, viết vẽ bậy trên vách đá, văn bia, tham gia các đợt lao động ra quân dọn vệ sinh môi trường, trồng thêm cây xanh trên ngọn Thuỷ Sơn

          Đề cập công việc hằng ngày của Tổ 43, ông Lê Ngọc Nhất, Phó Trưởng Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho biết: “Ngũ Hành Sơn được xem là di sản quý của đất nước nằm trên địa bàn TP Đà Nẵng, nơi hội tụ những giá trị thiêng liêng của đất trời và con người. Bởi vậy, không chỉ cán bộ, nhân viên Ban quản lý mà tất cả người dân, du khách cần phải có ý thức gìn giữ nơi này. Nhưng trong thực tế vẫn xảy ra những hành động thiếu ý thức, vô tình hoặc cố ý xâm hại đến thực thể danh thắng Ngũ Hành Sơn cũng như môi trường du lịch nơi đây. Đó có thể đơn giản là việc vẽ bậy lên vách đá, hái hoa, bẻ cành, hay nặng hơn là xây dựng trái phép… Từ năm 2016, Ngũ Hành Sơn đã vượt qua mốc 1 triệu khách/năm. Tức là, lượng khách về với Ngũ Hành Sơn đông hơn dân số Đà Nẵng. Làm sao để bảo đảm cho hàng triệu du khách an toàn, hài lòng, đồng thời ngăn chặn không để cho một bộ phận trong số ấy có những hành động xâm hại đến Ngũ Hành Sơn là điều không đơn giản. Trong điều kiện nhân lực hạn chế – hiện chỉ có 06 người (đa số đều kiêm nhiệm làm công tác chuyên môn) – nên các thành viên Tổ 43 trên Thủy Sơn phải hết sức nỗ lực ở mọi lúc, mọi nơi mới có thể hoàn thành trọng trách này”.

Tổ quảng bá du lịch