“Quả tim lửa” trong chùa Tam Thai

Chùa Tam Thai ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện lưu giữ một phiến đồng hình chiếc lá đề, chiều rộng nhất 45cm, chiều hẹp nhất 35cm, chung quanh có hình tượng tia lửa đang cháy nên được gọi là “quả tim lửa”.

 

Tương truyền, cả hai mặt “quả tim lửa” đều khắc chữ rập theo ngự bút của vua Minh Mạng. (Ảnh: L.H)

Khách leo hết 156 bậc cấp bằng đá lên ngọn Thủy Sơn, vào chùa Tam Thai lễ Phật, đừng quên xin phép Thượng tọa Thích Huệ Mãn, thầy trụ trì chùa, vào Nhà Tổ phía sau chánh điện để viếng hương chư vị trụ trì đã viên tịch và tận mắt xem qua “quả tim lửa” nay đã lên đến tuổi 186.

Giữa trầm nhang thanh thoát, khách sẽ nghe các nhà sư kể chuyện xưa tích cũ. Rằng một lần khi chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) thất trận chạy ra biển gặp một hòn đảo, nguyện được nước ngọt thì sẽ tạ ơn Trời Phật. Nước ngọt tuôn ra, thoát chết, mọi người tìm vào đất liền thì gặp giữa cảnh núi non u tịch một thiền sư đang thuyết giảng trong động. Chúa phát nguyện, nếu thắng Tây Sơn sẽ về lập cảnh chùa. Về sau, khi phục quốc xong, vua Gia Long mải lo việc triều chính nên di ngôn cho vua Minh Mạng lo hoàn thành đại nguyện.

 

Năm Minh Mạng thứ sáu (1825), vua cho xây dựng lại chùa Tam Thai, sức cho quan dân đưa vật liệu lên xây chùa, biến cảnh hoang vu thành nơi phát triển đạo Phật. Chuyện này, dân gian còn nhắc: Gia Long phát nguyện, Minh Mạng lập chùa.

Khi hoàn nguyện, khánh thành chùa, vua Minh Mạng ban một tấm biển ghi (phiên âm theo nguyên văn Hán tự): “Ngự chế Tam Thai tự, Minh Mạng lục niên phụng tạo”. Tạm dịch: Ngự chế chùa Tam Thai, lập năm Minh Mạng thứ sáu.

Kèm theo đó là “quả tim lửa” bằng đồng. Mặt trước ghi: “Ngã Như Lai dĩ pháp vương ngự thế, hoằng tế nhân thiên biến hiện thập phương hư không thường trú, tác thập đại công đức nhi viêm phương độc hậu yên”. Tạm dịch: “Đức Như Lai của ta đã cai quản thế gian này bằng pháp môn vô thượng, rộng lòng tế độ cho trời người, thoắt ẩn thoắt hiện khắp mười phương hư không thường trú, tạo ra mười công đức lớn mà không chỉ riêng nước Nam ta chịu ân huệ sâu dày này”. Mặt sau ghi: “Minh Mạng lục niên kiết nhật tạo”. Tạm dịch: Làm vào ngày tốt năm Minh Mạng thứ sáu.

Biết bao khách vãng cảnh chùa nhưng có mấy ai biết rằng nơi đây vẫn còn lưu giữ “quả tim lửa” với bút tích của một vì vua được cho là anh minh nhất triều Nguyễn trong suốt 186 năm qua. Đó là một trong những dấu ấn làm nên sự khác biệt cho danh thắng Ngũ Hành Sơn của Đà Nẵng.

LÊ HUỲNH