Nhìn biển nhớ người

 

Ở nơi cao xanh nào đó, Phạm thi sĩ hẳn đã tỏ lòng cảm ơn Ngũ Hành Sơn nói chung, Vọng Hải đài nói riêng, với cảnh sắc trời mây non nước, đã khiến mình “phải lòng” mà cảm tác nên những câu thơ được người đời nhắc hoài đến… vô tận!

Không ai nhẩm được đã có bao nhiêu lượt tao nhân mặc khách, giáo sĩ, khách thương hồ… đến vãng cảnh Ngũ Hành Sơn. Họ đến, bị cái kỳ vĩ đan xen với sự uyên nguyên thoát tục của nơi này níu kéo mà trải lòng theo cách riêng của mỗi người.

Bác sĩ Albert Sallet, nhà nghiên cứu dân tộc học người Pháp tại xứ Trung Kỳ đã ghi lại trong thiên biên khảo “Les Montagnes Marble” (“Những ngọn núi cẩm thạch”, nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy chuyển dịch và bổ chú) ở lời nói đầu “Gởi xứ Trung Kỳ thân yêu” vào cuối thế kỷ XIX: “Tôi mong muốn, bằng từng sự kiện chính xác, tập hợp nguồn cảm hứng bao la, đa dạng làm cho những cụm núi đá này trở nên đặc thù, trả lại mong muốn một cái quá khứ vinh quang, truyền kỳ và bí nhiệm của chúng”.

Cái sự mong muốn “tập hợp nguồn cảm hứng bao la” của Bác sĩ Albert Sallet xem ra là điều bất khả thi, bởi không ai đong đếm được xúc cảm từ bình dân đến bác học đối với một nơi mà cảnh quan thiên nhiên ghi dấu ấn khá sâu nặng vào lòng người như Ngũ Hành Sơn. Nữ sĩ Đà Nẵng Huỳnh Thị Bảo Hòa (1896 – 1982), người phụ nữ đầu tiên viết tiểu thuyết ở Việt Nam, đã gửi lại lòng mình khi thăm thú Ngũ Hành Sơn: “Khách trần mơ cảnh Thiên thai/ Qua chơi Non Nước, nhớ hoài nước non”.

Có lần một cô gái người Non Nước chính hiệu đưa tôi dạo quanh năm ngọn núi để tìm những cảnh vật ngoài đời thực ngày nay so với hình hảnh trên bưu thiếp do các tác giả người Pháp chụp từ trên dưới một thế kỷ trước. Mấy bậc đá lên xuống các hang động nhiều chỗ nhẵn thính, chắc hẳn từng được mài mòn bởi những chiếc guốc mộc của các cư sĩ, sư sãi thuở trước. Cô gái, vốn đã nhiều lần lên xuống những bậc đá cao ngất trời này, nụ cười lúng liếng dù có cố giữ vẻ e ấp, khẽ khàng đến mấy cũng vang vọng khắp các hang động khiến lũ chim di trú ở đó hoảng hốt bay đi và lòng tôi thì dùng dằng những mong ở lại.

 
      Với phong cảnh như thực như hư hòa quyện giữa cảnh tiên và cõi tục, Ngũ Hành Sơn là nguồn cảm hứng bất tận cho các tao nhân mặc khách, từ các bậc vương giả đến hàng thường dân, tự cổ chí kim, từ Đông sang Tây,… một lần đến vãng cảnh là để lại những tác phẩm nghệ thuật làm xao xuyến lòng người.

Tôi muốn gửi lại lòng mình đâu đó trên cõi mông lung huyền hoặc của năm ngọn Ngũ Hành. Không đủ tứ để làm thơ, không đủ duyên để viết nhạc, chỉ biết dừng chân đâu đó giữa lưng chừng núi mà lắng lòng nhẩm lại những câu thơ xưa.

Nghe đâu hơn nửa thế kỷ trước, chàng trai Tường Linh đã sớm rời xa quê nhà Quế Sơn xứ Quảng qua phía bên kia đèo Ải rồi lưu lạc vào tận vùng sông nước Cửu Long. Nhà thơ có tên thật là Nguyễn Linh này đã góp nhặt xúc cảm làm nên Hai miền thương, bài thơ đã đi vào lòng người nhiều thế hệ với những câu thơ gắn với tình người, tình đất. Trong đó, có hai câu phác họa nên bức tranh thủy mặc vùng non soi bóng nước: Ngũ Hành Sơn năm cụm ngóng sông Hàn/ Chùa Non Nước trầm tư hương khói quyện.

Câu thơ của Tường Linh không cho biết cụ thể nhà thơ đến những đâu khi vãng cảnh Ngũ Hành Sơn, nhưng một nhà thơ xứ Quảng khác, Phạm Hầu, lại xác định vị trí của mình khi cảm tác những câu tuyệt bút trong bài “Vọng Hải đài”: Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận/ Chẳng biết xa lòng có những ai? Cái cảm giác chông chênh, nhẹ hẫng khi đứng trên đài trông ra biển ấy đã nâng nhà thơ người Điện Bàn lên với gió với mây, chạm đến khoảnh khắc hiện tồn mà bất giác neo một câu hỏi nửa thực nửa hư vào bao la vô tận.

Hai câu thơ bất hủ đó đã lọt vào mắt xanh của Hoài Thanh – Hoài Chân, hai nhà phê bình văn học này đã “tạc” chân dung vẫy ngoài vô tận của Phạm Hầu vào cuốn Thi nhân Việt Nam 1932 – 1941 từ năm 1942 với bản in lần đầu do Nguyễn Đức Phiên xuất bản. Ở nơi cao xanh nào đó, Phạm thi sĩ hẳn đã tỏ lòng cảm ơn Ngũ Hành Sơn nói chung, Vọng Hải đài nói riêng, với cảnh sắc trời mây non nước, đã khiến mình “phải lòng” mà cảm tác nên những câu thơ được người đời nhắc hoài đến… vô tận!

Giờ đây mỗi lần bước chân trên các bậc đá lên Vọng Hải đài, đứng nhìn ra phía biển khơi, không khỏi chạnh lòng nhớ Phạm thi sĩ với những câu thơ xưa không chỉ tạc vào đâu đó trong cảnh sắc Ngũ Hành Sơn mà còn neo lại trong tâm thức du khách gần xa nhiều thế hệ…

                                                                                             Văn Thành Lê

                                                                                BQL Khu DLTC Ngũ Hành Sơn