Ngũ Hành Sơn – Một điểm đến

 

 

Một lần viếng cảnh Ngũ Hành Sơn, nhà chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng luận rằng: “Núi thấp hơn hết mà danh cao hơn hết”. Thế đất, thế núi tạo nên một quần thể núi non độc đáo nằm bên bờ duyên hải miền Trung, sắp xếp theo phương vị Ngũ Hành của triết lý phương Đông Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ, từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh của Đà Nẵng.             

Ngũ Hành Sơn – Non Nước là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia được xếp hạng năm 1980. Nét nên thơ, độc đáo ở đây là chùa chiền, hang động hòa quyện với nhau như hình với bóng: Hang động có chùa chiền, hang động thêm sinh khí; chùa chiền có hang động, chùa chiền thêm thiêng liêng. Chính với yếu tố này, Ngũ Hành Sơn mang một vẻ đẹp riêng, vừa thoáng đãng thâm u, vừa trầm mặc cổ kính. Đến đây, du khách như thoát khỏi trần tục, bước vào một thế giới bồng lai tiên cảnh.

Núi chen sắc đá, chùa nức hơi hương

Với tâm hồn thư thái, du khách thả những bước dài trên những bậc đá cẩm thạch để lên ngọn Thủy Sơn, những bậc đá được xây dựng vào thế kỷ XVIII đan xen với cây xanh bóng mát, hoa nở nhiều màu. Càng lên cao, khách càng cảm thấy cõi lòng nhẹ tênh, tiếng chuông chùa âm vang lắng đọng khiến người ta có cảm giác đã gác lại bụi trần đâu đó dưới chân núi. 

Qua 156 bậc tam cấp, trước mắt khách là ngôi chùa Tam Thai với cổng tam quan cổ kính, một di tích trải qua 200 năm lịch sử với chất liệu gạch nung, vôi tôi bằng mía đường. Lối trái vào cổng Tam Quan dành cho nam, lối phải dành cho nữ (nam tả, nữ hữu), chính giữa là nơi tôn kính dành cho sư thầy. Qua khỏi cổng Tam Quan, ngôi chùa hiện ra với nghi ngút khói hương, hòa với cảnh núi non thâm u, tĩnh lặng, như lời thơ của bà Bang Nhãn:

Cảnh trí nào hơn cảnh trí này
Bồng lai tiên cảnh hẳn là đây
Núi chen sắc đá màu pha gấm
Chùa nức hơi hương khói lộng mây…

 

Trước sân chùa là tượng Phật Di Lặc với đôi tai lớn như lắng nghe, như thấu hiểu mọi điều của thế gian, nụ cười tươi thể hiện sự bao dung, từ bi, hỉ xả của nhà Phật. Chùa Tam Thai còn gọi là chùa Trong, thư tịch và bi ký cho biết chùa được khởi dựng vào thời hình thành đô thị cổ Hội An. Thiền sư Hưng Liên thuộc dòng thiền Tào Động Trung Hoa đến trụ trì và lập đạo tràng ở đây. Nhân duyên lớn đã đến với chùa Tam Thai khi vua Minh Mạng nhiều lần ngự du viếng cảnh Ngũ Hành Sơn, sắc phong chùa là quốc tự, những giáo phẩm, tăng lữ đều được các vua triều Nguyễn chỉ định.

Ảnh: Quả tim lửa trong chùa Tam Thai

Trải qua bao biến thiên lịch sử và phong ba bão tố, chùa đã bị đổ nát và được trùng tu lại nhiều lần. Bên trong chánh điện thờ đức A Di Đà, bên phải thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, bên trái thờ Đại Thế Chí Bồ Tát, phía sau là nhà thờ Tổ thờ Đạt Ma trên cao, dưới là linh vị của các vị sư thầy quá cố. Cách thờ tự ở đây là tiền Phật, hậu Tổ, khác với nhiều nơi là tiền Phật, hậu Thánh. Các sư ở đây tu theo phái Đại thừa (Thiền môn và Tịnh độ), cách ăn mặc cũng khác, thường mặc đồ lam và đà, chỉ mặc đồ vàng vào những lúc hành lễ.

Hòa quyện giữa chùa chiền và hang động

Đoàn các nhà sư tặng phiên bản bức tranh Thác Kiến Quan Thế Âm.

Bên trái chùa Tam Thai là động Hoa Nghiêm và động Huyền Không. Trong động Hoa Nghiêm có tượng Quan Âm cao lớn nhìn ra cửa động do nghệ nhân Nguyễn Chất tạo dựng năm 1960. Bên phải tượng Quan Âm là tấm bia đá cổ do nhà sư Huệ Đạo Minh lập năm Canh Thìn 1640, ghi lại việc trùng tu, xây dựng các chùa và tôn vinh công đức của những phật tử, trong đó có những gia đình Trung Hoa, Nhật Bản từ thế kỷ XV – XVI. Điều này chứng tỏ mối quan hệ, giao lưu văn hóa giữa nước ta với các nước khu vực châu Á đã có từ rất sớm.

Năm 2010, đoàn các nhà sư chùa Jomyo, Nhật Bản, đã đến thăm Đà Nẵng theo lời mời của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng trong chuyến công tác tại Nhật Bản tham dự tuần lễ ASEAN – Sakai vào tháng 9/2009. Đến điểm chính là danh thắng Ngũ Hành Sơn, đoàn các nhà sư đã thăm lại tấm bia Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật được khắc vào vách đá trong động Hoa Nghiêm. Trong chuyến thăm này, đoàn các nhà sư đã tặng lại phiên bản bức tranh Thác Kiến Quan Thế Âm cho chùa Tam Thai.

Nối tiếp Hoa Nghiêm có một lối vào tranh tối tranh sáng để bước xuống động Huyền Không. Trước cửa động có thần Hộ Pháp và ngài Tiêu Diện trông coi cửa động; trực diện, trên cao là tượng Thích Ca Mâu Ni; bên vách trái là đền Trang Nghiêm, nơi thờ Ông Tơ, Bà Nguyệt để cầu tình duyên đôi lứa; bên kia là đền Thánh Mẫu, cầu con cái, làm ăn.

Trên ngọn Thủy Sơn còn có động Vân Thông (hay còn gọi là đường lên trời), động Thiên Phước Địa (là động mở, có hai cổng Vân Căn Nguyệt Quật – còn gọi là Hang Gió), động Linh Nham (thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế), động Thiên Long, động Ngũ Cốc và động Tàng Chơn. Trong động Tàng Chơn có miếu Linh Động Chân Tiên thờ các vị Tiên Thánh, cuối động có 3 hang đá lớn lưu lại nhiều dấu tích tín ngưỡng, ở giữa là động Chiêm Thành, dân gian gọi là hang Hời, có các tượng Chăm với các hoa văn mang phong cách Phật viện Đông Dương.

Ảnh : Chùa Linh Ứn


Trước động Vân Thông là chùa Linh Ứng, xây mặt về hướng Đông. Khởi thủy, chùa là một cái am nhỏ, gọi là Dưỡng Chơn Am do thiền sư Bảo Đài lập. Đến đời vua Gia Long có tên là Ứng Chơn Tự, rồi đến đời Thành Thái (1891) chùa đổi tên là Linh Ứng như bây giờ.

Dưới chân núi Thủy Sơn có động Âm Phủ ăn sâu xuống lòng đất, đây là hang động lớn và đẹp trong quần thể các hang động tại Ngũ Hành Sơn. Tương truyền, có một lần thám sát hang Âm Phủ, vua Minh Mạng cho quân lính chui xuống, thắp tàn 12 bó đuốc mà vẫn chưa thấy đáy hang, cuối cùng vua cho khắc tên mình vào quả bưởi thả xuống miệng hang, sáng hôm sau quả bưởi lại thấy trên bờ biển. Từ đó, người ta cho rằng động Âm Phủ ăn thông với biển.

Dựa vào tính cấu tạo tự nhiên của động Âm Phủ, con người, bằng sức sáng tạo của mình đã hư cấu, xây dựng nên những hình tượng về sự tích Âm Phủ với cầu Âm Dương, sông Nại Hà, Thiên Thai Giới, Phán Quan Điện, Thập Điện Minh Vương, Địa Tạng Bảo Tòa, Địa Ngục Môn, Mục Kiền Liên – Thanh Đề v.v… mang ý nghĩa giáo dục đầy tính nhân văn.

Điểm đến hành hương, du lịch

Dưới ngọn Kim Sơn ở phía Tây Ngũ Hành Sơn là chùa Quan Thế Âm, chùa được xây dựng vào năm 1956 khi Hòa Thượng Thích Pháp Nhãn phát hiện ra một hang động sau chùa với nhiều thạch nhũ tạo ra hình tượng Quan Thế Âm Bồ Tát rất hoàn chỉnh. Ngoài ra còn có một chuông đá bằng thạch nhũ treo từ trần động xuống, cao khoảng 6m, đánh vào ngân vang như một tiếng chuông. Cuối động có một suối nước trong xanh, mát lạnh, suối này thông ra bến Ngự, sông Cổ Cò.

Ảnh: Lễ hội Quán Thế Âm


Tại đây, Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức hằng năm vào ngày 19/2 âm lịch, đây là một trong 15 lễ hội cấp quốc gia, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và tâm linh tín ngưỡng.

Bên cạnh Kim Sơn là ngọn Hỏa Sơn gồm hai ngọn Âm Hỏa Sơn và Dương Hỏa Sơn. Trong ngọn Dương Hỏa Sơn có động Huyền Vi gồm nhiều tầng, tranh tối, tranh sáng, có hồ nước với hình ông già ngồi câu cá, gọi là hồ Ông Lữ. Phía Nam ngọn Dương Hỏa Sơn là chùa Phổ Đà Sơn, đây là chùa sư nữ đầu tiên trong các chùa chiền tại Ngũ Hành Sơn. Tương truyền, em gái vua Minh Mạng là công chúa Ngọc Lan, sau khi thọ giới ngài Viên Trừng tại chùa Tam Thai đã đến ẩn tu tại chùa này.

Chùa chiền, hang động Ngũ Hành Sơn đẹp và cổ kính, không chỉ là điểm hành hương du lịch nổi tiếng của cả nước, mà còn là nơi che giấu, nuôi dưỡng các chiến sĩ cách mạng trong hai cuộc kháng chiến với những trận đánh huyền thoại, là nơi ghi những dấu son sáng ngời trong lịch sử đấu tranh oanh liệt của quân và dân Ngũ Hành Sơn chống kẻ thù xâm lược.

Ngũ Hành Sơn – Đà Nẵng với núi non, chùa chiền, cảnh trí và phong vị cuộc sống nhân hậu, trữ tình, từ lâu đã trở thành vùng đất thiêng có bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời, là điểm đến hành hương và tham quan, du lịch nổi tiếng của du khách trong và ngoài nước.

Nguyễn Thị Phượng (Tổ Quảng bá du lịch)