Lễ hội của những giá trị văn hoá đặc sắc

 
Ngũ Hành Sơn, năm cụm núi cẩm thạch sừng sững bên bờ biển Đông – được ví như “hòn non bộ khổng lồ giữa lòng thành phố Đà Nẵng”, bên cạnh những cảnh quan tuyệt sắc của Non Nước Ngũ Hành, sự trùng hợp ngẫu nhiên của 5 ngọn núi: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn với Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ – những yếu tố cấu thành vũ trụ trong triết học của người xưa, hàm chứa những vẻ kỳ bí dị thường, lại gắn kết với không khí nhộn nhịp của làng nghề đá Non Nước có chiều dày lịch sử trên 300 năm và hình ảnh người dân Đà Nẵng nặng nghĩa tình, một trong những yếu tố quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc đưa hình ảnh quần thể khu di tích và danh thắng Ngũ Hành Sơn nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung đến với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, đó chính là Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn.

          Chùa Quán Thế Âm, được thành lập vào năm 1957 tọa lạc dưới ngọn núi Kim Sơn, một trong năm ngọn núi của khu quần thể di tích và danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ngoài việc được sở hữu những tài nguyên, phong cảnh hữu tình, nhất là những hang động kỳ bí nơi đây còn được biết đến với Lễ hội đặc sắc, gắn liền với tên tuổi của một nhân vật Phật giáo nổi tiếng đó chính là ngài Bồ tát Quán Thế Âm. Lễ hội này được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1960, tuy nhiên do ảnh hưởng của bối cảnh lịch sử nên bị gián đoạn. Đến năm 1991 được sự cho phép của huyện Hoà Vang và tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ) Lễ hội được tái tổ chức. Từ đó đến nay, theo thông lệ, thường niên cứ đến ngày vía Phật bà Quán Thế Âm, ngày 19/2 Âm lịch, ngoài dân bản địa của thành phố, hàng vạn khách thập phương từ nhiều vùng trong cả nước cũng tìm đến để trẩy hội tham quan, chiêm bái những nét văn hoá đặc sắc.

Không gian nghệ thuật tại Lễ hội năm 2015

         Thời gian tổ chức Lễ hội thường được kéo dài trong ba ngày, trong đó ngày 19/2 Âm lịch là ngày lễ chính thức. Vào thời gian này, có nhiều nghi lễ, hoạt động văn hoá được tổ chức trang trọng, ngoài các nghi lễ thuần tuý của Phật giáo như Lễ Tế Xuân cầu Quốc thái – Dân an, Lễ rước ánh sáng, rước tượng Quán Thế Âm, kèm theo đó là các hoạt động hội: đua thuyền trên sông Cổ Cò, trò chơi đánh cờ người, viết thư pháp, cho chữ, triễn lãm nghệ thuật đá Non Nước… vừa trang trọng vừa hấp dẫn, đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho những du khách đến tham gia.

          Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn với nhiều hoạt động phong phú hấp dẫn, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu chiêm ngưỡng lễ bái của đồng bào theo đạo Phật và tham quan du lịch, thưởng thức của khách thập phương. Vượt ra ngoài ý nghĩa tôn giáo, Lễ hội Quán Thế Âm ngày nay là dịp để mọi người, mọi giới chan hòa trong không khí hội hè, soi mình vào lịch sử, văn hóa, truyền thống dân tộc để ngày một sống đẹp hơn… Lễ hội Quán Thế Âm ngày càng được quan tâm đầu tư tổ chức quy mô hơn, với nhiều hoạt động phong phú sôi nổi, trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ. Cùng với các nghi lễ mang đậm màu sắc Phật giáo, nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức trong suốt thời gian diễn ra Lễ hội. Chính vì thế, Lễ hội Quán Thế Âm tuy mang màu sắc tôn giáo nhưng lại mang ý nghĩa phục hồi và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Với những giá trị văn hóa đặc sắc đã được nhiều người biết đến, việc giữ gìn và phát triển Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn trong giai đoạn hiện nay, không chỉ là dịp để giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân đối với các giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy ở họ lòng tự hào dân tộc, làm cho những nét cổ truyền “cái đẹp xưa” được sống lại; mà còn có thể tạo được một không gian văn hóa lành mạnh để nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và tạo cơ hội cho ngành du lịch thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển.

          Có thể nói Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn là Lễ hội “Trang nghiêm – An toàn – Văn minh – Không rác – Tiết kiệm – Hiệu quả” được dư luận xã hội đánh giá cao và đã ghi điểm, tạo ấn tượng đẹp trong lòng người dân, đồng bào theo đạo và du khách gần xa. Đặc biệt, với việc tiếp tục triển khai chủ đề “Năm văn hóa văn minh đô thị” tại Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn một cách thiết thực, hiệu quả, nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân, đã làm cho Lễ hội trở thành “thương hiệu” với “05 không” đó là: Không có trộm cắp, cướp giật, móc túi, không có lang thang xin ăn, ăn xin biếng tướng; không xả rác bừa bãi; không có thức ăn vi phạm vệ sinh An toàn thực phẩm; không nâng giá giữ xe, không bán hàng rong, chèo kéo khách, ép giá; không bán chim, cá và các loại thủy sản khác phóng sinh; không phát tán tài liệu, hoạt động mê tín dị đoan. Tất cả những điều này đã góp phần nâng cao hơn nữa uy tín cho thành phố Đà Nẵng nói chung và quận Ngũ Hành Sơn nói riêng.

                                                                                                                       Lê Quang Tươi – Trưởng ban

                                                                                                              Ban quản lý khu DLTC Ngũ Hành Sơn