Nghĩ về “cái nhìn” của nhà báo (Kỷ niệm 91 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/06/1925 – 21/06/2016)

 

alt

     Có lần, một nhà báo dẫn nhóm sinh viên ngành báo chí, truyền thông trường Đại học Phan Châu Trinh (Hội An, Quảng Nam) đến thực tập ở Ngũ Hành Sơn, chúng tôi giúp anh và các bạn trẻ khám phá danh thắng như những vị khách đặc biệt. Sở dĩ gọi là “đặc biệt”, bởi đó là một nhóm đầy nhiệt huyết và luôn đặt ra vô vàn câu hỏi, đúng như lời dặn của thầy giáo, nhà báo dẫn đoàn: “Đừng tự tin vào điều mình đã biết. Hãy tò mò như một đứa trẻ. Hãy hỏi cả những điều tưởng như hiển nhiên. Và chắc chắn sẽ có những câu trả lời bất ngờ thú vị”.

     Đi theo nhóm, chúng tôi cũng thử tư duy theo cách ấy, quả nhiên, nhận ra khá nhiều điều mới mẻ ngay tại Ngũ Hành Sơn, nơi chúng tôi đã gắn bó từ lâu, tưởng nhắm mắt lại cũng có thể biết rõ đến từng cành cây, ngọn cỏ.

     Ví như khi khám phá Thủy Sơn, chúng tôi mải miết giới thiệu về những điểm tham quan, thì một bạn sinh viên bỗng hỏi về con đường và những bậc đá. Chính từ kiểu hỏi “tò mò như một đứa trẻ” đó, sau này, bạn sinh viên đã viết nên một bài rất thú vị, đăng độc quyền cho trang web nguhanhson.org, với nhận định: “Nhắc đến Thủy Sơn người đời xưa nay thường nghĩ ngay đến động Huyền Không, chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng, Vọng Hải Đài, Vọng Giang Đài…, mà ít khi nhắc đến các bậc đá. Ấy vậy, 156 bậc đá ấy, nếu chiêm ngưỡng và suy ngẫm, biết đâu lại chẳng tìm ra những điều lý thú, như một ý niệm nhân sinh, cũng đáng để một lần đặt bước chân lên và cảm nhận lắm chứ!”.

     Hay như một bạn sinh viên khác, khi viết về người anh hùng Trần Công Dũng, đã lại nhận ra vai trò vĩ đại của nhân dân, của những người bình dị: “Ở cái làng hơn bốn chục hộ dân, nhà nào cũng có hầm bí mật. Trong vòng kiềm tỏa đến ngột thở của quân thù, thanh niên, phụ nữ, người trẻ và cả người già, ai ai cũng làm cách mạng. Tôi không thể nào quên chuyện mẹ Tươi đứng trước đầu xe tăng mà cản đường giặc, che chở cán bộ ta, hay chuyện trong đêm, nhân dân dũng cảm thắp lửa soi đường cho cán bộ đi qua… Ở K20, trong những tháng năm khắc nghiệt, khi sự sống và cái chết luôn cận kề nhau, hai chữ “lòng dân” chưa bao giờ quý hơn, đẹp hơn thế”.

     Hẳn nhiên, các bạn sinh viên ấy còn một hành trình dài để có thể là một nhà báo thực thụ, nhưng cách nhìn nhận của nhà báo tương lai này quả là thú vị, bởi đã khám phá ra những điều ẩn chứa bên trong sự vật ngỡ như không ai để ý đến.

     Lại nói đến nhà báo, thầy giáo dẫn đoàn. Anh dặn các bạn sinh viên: “Mỗi sự vật, đôi khi nhỏ bé, bình dị, nhưng biết đâu ẩn chứa nhiều điều thú vị. Một viên sỏi nhỏ chứa hàng triệu năm kiến tạo. Một cây cổ thụ chứng kiến biết bao biến thiên thời đại. Một tà áo bay chứa cả một tâm hồn. Như trong bài hát “Áo lụa Hà Đông”, tác giả viết: Dù ở đâu, Pari, London hay những miền xa, thoáng thấy áo dài bay trên đường phố, sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó. Tà áo bay ai cũng thấy, nhưng chỉ có tâm hồn chứa chan của người nghệ sỹ mới nhận ra cả một không gian bao la, đó chính là tâm hồn quê hương… Hay như, sống giữa đô thị, bỗng nghe một tiếng ếch, biết bao người sẽ ngẫm ngợi xa xăm. Bởi tiếng ếch ấy như vọng từ quá khứ, khi nơi đây chưa có những con đường rải nhựa, những bức tường bê tông…, mà là đồng lúa, ao hồ, sông suối… Vùng thôn quê hiện hữu không còn nữa, nhưng vẫn còn đó hồn quê trong tâm khảm mỗi con người phố thị”…

     Trộm nghĩ, cái nhìn ấy của một nhà báo cũng đã phần nào phản ánh cái nhìn nhân văn của cộng đồng báo giới, của những người ngày đêm miệt mài với con chữ trong nền báo chí cách mạng Việt Nam. Họ không chỉ thực hiện thiên chức của người đưa tin đối với xã hội, thực hiện nhiệm vụ chính trị, mà theo cách nào đó, họ còn có những cái nhìn tinh tế, từ đó viết nên những tác phẩm cổ vũ cho cái hay, cái đẹp, diệt trừ, hóa giải cái xấu, cái ác ở trong đời thông qua ngòi bút của mình. Với riêng chúng tôi, khi tự “tò mò như một đứa trẻ”, lại tìm thấy những ý niệm nhân sinh, những điều thú vị ở mỗi sự vật ở danh thắng Ngũ Hành Sơn, đó là trầm tích văn hóa và thời gian ẩn chứa trong từng vách đá, bụi cây, cả những con người nơi đây, cả những vị khách phương xa quá bước đến nơi này nữa…

     Tất nhiên, với vai trò là những cán bộ, nhân viên làm công tác quảng bá, từ cách nhìn ấy, chúng tôi còn nhận ra vẻ đẹp và giá trị vô tận của danh thắng Ngũ Hành Sơn: Một dòng chữ người xưa viết trên vách đá trong động Âm Phủ có thể ẩn chứa câu chuyện lịch sử, đời người, những phút giây giằng xé của số phận; một tiếng chuông từ chùa Tam Thai có thể truyền trong nhân gian biết bao thông điệp, hóa giải bao nhiêu uẩn ức, đánh thức biết bao điều thiện trong mỗi con người; một ánh nắng rọi xuống động Huyền Không gợi nên bao ý niệm về không gian, thời gian, thẩm mỹ… Và chúng tôi, với sự giúp đỡ của các nhà báo, các tay viết, sẽ cố gắng lý giải, quảng bá điều ấy đến với bạn đọc gần xa qua trang web nguhanhson.org.

     Hằng năm, cứ vào dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21-6), Ban quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn thường tổ chức gặp mặt cộng tác viên (CTV), những người bạn thân hữu đã đồng hành cùng trang thông tin điện tử nguhanhson.org suốt nhiều năm qua. Tuy rằng đó chỉ là những buổi gặp mặt ngắn ngủi, đơn sơ, nhưng lại chất chứa nghĩa tình. Hơn thế nữa, qua những buổi gặp mặt, chúng tôi lại có dịp cảm nhận rõ hơn thiên chức, vai trò của nhà báo với xã hội, mà trang thông tin điện tử nguhanhson.org cũng là một phần trong đó. Chúng tôi cũng tin tưởng, mong mỏi, với những cái nhìn đầy nhân văn, sâu sắc, các nhà báo sẽ tiếp tục đồng hành cùng chúng tôi trong hành trình phía trước.

                                                                                                            Nguyễn Thị Phượng

                                                                                                 BQL Khu DLTC Ngũ Hành Sơn