Hệ thống tư liệu Thư tịch cổ và văn khắc Hán – Nôm ở Di tích Quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn

           Để phục vụ công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di tích, đồng thời tiến tới xây dựng hồ sơ đề nghị Ủy ban quốc gia Chương trình Ký ức thế giới tại Việt Nam xem xét trình UNESCO công nhận hệ thống tư liệu Thư tịch cổ và văn khắc Hán – Nôm tại di tích Quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn là “di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”.

Ngũ Hành Sơn nhìn từ ngọn Thủy Sơn

        Đưa hệ thống tư liệu đến gần hơn với công chúng

          Không phải đến bây giờ vấn đề liên quan đến những giá trị đặc biệt đang lưu giữ trong các hang động, trên các vách đá, trong các ngôi chùa ở Ngũ Hành Sơn mới được đề cập đến. Trước đó, nhiều nhà nghiên cứu khoa học cũng đã tiếp cận và có nhiều bài viết nghiên cứu, những công trình nghiên cứu khoa học cấp thành phố về những tư liệu cổ hiện đang được lưu giữ. Đặc biệt, khi làm hồ sơ đề nghị Ngũ Hành Sơn là di tích Quốc gia đặc biệt, Bảo tàng Đà Nẵng cũng đã cho dập toàn bộ văn khắc, hệ thống ma nhai này để xây dựng hồ sơ trình Hội đồng di sản Việt Nam.

          Năm 2017, để thực hiện chuyên đề “Di sản Phật giáo Ngũ Hành Sơn”, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (Huế) đã nhiều lần đến Danh thắng Ngũ Hành Sơn, tiến hành nghiên cứu các bảo vật còn lại, như: Bia ký, di sản Chăm-pa, chuông, tượng, pháp khí, hoành phi – đối liễn, các danh tăng xuất thân tại Ngũ Hành Sơn.

          Cùng thời gian này, một tư liệu quý về Phật giáo ở Ngũ Hành Sơn được công bố là bản sách Hán Nôm chép tay trên giấy dó có tên “Ngũ Hành Sơn Lục” gồm 46 tờ, do Tú tài Hồ Thăng Doanh (người làng Hóa Khuê, Ngũ Hành Sơn) biên soạn vào đầu triều Khải Định – 1916.

          Vào tháng 5 năm 2018 Chùa Quán Thế Âm đã phối hợp Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán – Huế tổ chức Hội thảo liên quan đến những giá trị Văn hóa Phật giáo Đàng Trong của Ngũ Hành Sơn, các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về Hán Nôm, Văn hóa Phật giáo, lịch sử… đã có nhiều tham luận về hệ thống ma nhai, văn khắc, thư tịch cổ có tại Danh thắng này. Sau hội thảo, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán cùng một số nhà nghiên cứu tại Huế đã bỏ gần 2 tháng vào Ngũ Hành Sơn tiếp tục nghiên cứu sâu, toàn diện tất cả hệ thống văn khắc cổ tự tại đây.

Tọa đàm khoa học “Thư tịch cổ và Văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn”

          Đầu năm 2019, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán cho ra ấn phẩm chuyên đề “Ngự chế thi và thơ văn ma nhai Ngũ Hành Sơn”, đồng thời phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, UBND quận Ngũ Hành Sơn tổ chức Tọa đàm khoa học “Thư tịch cổ và Văn khắc Hán Nôm Ngũ Hành Sơn” với sự tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và đi đến khẳng định: “Hiện tại, trong các hang động Ngũ Hành Sơn đang lưu giữ một số lượng các bản bản ma nhai – hệ thống văn khắc Hán Nôm có giá trị với đủ các thể loại từ bi ký, tán, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối, hát nói… của các vị cao tăng, vua quan triều Nguyễn cùng bao thế hệ tao nhân mặc khách từng dừng chân lưu đề trên các vách động, với niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến tận những thập niên cuối của thế kỷ XX”.

            Bên cạnh đó, Ban Quản lý Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn thường xuyên phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các chùa trong khu di tích thường xuyên kiểm kê, bảo quản các di sản vật thể và phi vật thể, nhất là chống vẽ, kẻ bậy trên các vách núi, bảo vệ các văn khắc, hoành phi, liễn, đối… Thường xuyên quảng bá hệ thống tư liệu này trên trang website của đơn vị, các cơ quan truyền thông, báo chí và đặc biệt là chiếu phim tư liệu, trưng bày hệ thống tư liệu này tại các sự kiện, lễ hội trên địa bàn quận để nhân dân, du khách có dịp tiếp cận và tìm hiểu sâu hơn về các giá trị của nó.

      Đề nghị UNESCO công nhận Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thế giới

Ngũ Hành Sơn không chỉ nổi tiếng bởi sơn thủy hữu tình mà từ xa xưa, vùng linh địa này đã sớm định hình là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của cả nước. Hiện, số lượng lớn các văn bản ma nhai (văn tự khắc lên vách núi đá) trong các hang động ở Ngũ Hành Sơn vừa được các nhà nghiên cứu xuất lộ, giải mã gần đây càng khẳng định thêm giá trị văn hóa, lịch sử, văn học, nghệ thuật của Ngũ Hành Sơn. Đây là cơ sở để thành phố Đà Nẵng lập hồ sơ đề xuất Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương di sản tư liệu thế giới, hiện nay Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đang phối hợp với UBND quận Ngũ Hành Sơn và các cơ quan chuyên môn xây dựng hồ sơ tham mưu cho UBND Thành phố trình UNESCO công nhận “văn khắc Hán – Nôm tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” dự kiến sẽ họp xét tại Ấn Độ vào tháng 10 năm 2020.

 

Các bản ma nhai – hệ thống văn khắc Hán Nôm tại các vách động thuộc quần thể Di tích Quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn

          Bia ma nhai (văn tự được khắc lên vách đá ở sườn núi) Ngũ Hành Sơn vượt trội về số lượng, tích hợp đa niên đại khắc bản, phong phú về thể loại, hội tụ nhiều tác giả là danh nhân của 3 miền… Hơn thế, ma nhai Ngũ Hành Sơn với nghệ thuật điêu khắc tinh xảo đọng lại qua hệ thống bia ký thời các chúa Nguyễn, còn đánh dấu một nét son đáng tự hào trên bản đồ phân bố ma nhai Việt Nam. Theo nghiên cứu thống kê có khoảng hơn 90 văn bản trong quần thể Danh thắng Ngũ Hành Sơn và có thể khẳng định thời điểm hiện tại hệ thống văn khắc ở đây lớn nhất cả nước. Với những giá trị tiềm ẩn được các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đã và đang công bố, cùng với sự nỗ lực đầy trách nhiệm trách nhiệm thế hệ hôm nay đối với những di sản quý báu mà tiền nhân đã để lại cho hậu thế, chúng ta có thể tin tưởng rằng hệ thống tư liệu Thư tịch cổ và văn khắc Hán – Nôm tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn” sẽ sớm được UNESCO công nhận là “di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”.

​     Công tác quy hoạch, kế hoạch, quảng bá đến với du khách trong và ngoài nước

          Danh thắng Ngũ Hành Sơn là biểu tượng văn hóa của thành phố Đà Nẵng, điểm tham quan nổi tiếng đối với khách du lịch trong và ngoài nước. Danh thắng Ngũ Hành Sơn được xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1980 và ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg xếp hạng là di tích cấp Quốc gia đặc biệt. Cùng với đó Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non nước cũng đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản phi vật thể Quốc gia năm 2016.

          Hiện nay UBND thành phố Đà Nẵng đang chỉ đạo các ngành chức năng triển khai lập quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị bền vững của di tích gắn với phát triển kinh tế – xã hội của thành phố. Trong đó tập trung hoàn thiện kế hoạch quản lý tổng thể, xây dựng các quy định, quy chế, dự án, kế hoạch về quản lý, bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể gắn liền với danh thắng; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; tổ chức kiểm tra, giám sát, giữ gìn, tôn tạo, bảo vệ nghiêm ngặt các di tích lịch sử – văn hóa, di chỉ khảo cổ, di vật, cổ vật và cảnh quan môi trường theo đúng luật Di sản. Trong đó chú trọng tu bổ các yếu tố gốc tại di tích; thiết lập không gian trưng bày các sản phẩm làng nghề đá Non Nước để quảng bá rộng rãi tới thị trường trong nước và quốc tế.

          Thời gian qua, UBND quận cũng đã chỉ đạo Ban Quản lý Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn phối hợp với Bảo tàng Đà Nẵng thực hiện việc kiểm kê các di vật, cổ vật tại di tích; sao chụp, dập và biên dịch các tư liệu Hán Nôm; thực hiện bản vẽ kỹ thuật các công trình kiến trúc cổ; đồng thời, tập trung quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa hiện hữu, các công trình văn hóa – du lịch; nâng cao hiệu quả hoạt động của trang thông tin điện tử cơ quan (www.nguhanhson.org); đổi mới giao diện, hỗ trợ tính năng truy cập website bằng điện thoại di động để du khách dễ dàng truy cập; phối hợp Công ty TNHH truyền thông Lenel quảng bá khu di tích bằng 04 ngôn ngữ (Việt – Anh – Hàn – Trung) trên ấn phẩm Vietnam Pocket Guide; tích cực tham gia các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.

          Cụ thể, đơn vị đang tham mưu xây dựng Bảo tàng điêu khắc đá Non Nước trưng bày, lưu giữ các di vật, cổ vật cảu làng nghề, bao gồm các sản phẩm làng nghề qua các thế hệ để giới thiệu đến khách tham quan; kiến nghị nhanh chóng thực hiện giải tỏa, đền bù dứt điểm các hộ dân còn lại trên đường Huyền Trân Công Chúa để cải tạo không gian ngọn Thủy Sơn; xây dựng Đề án mở rộng không gian du lịch phía Tây nhằm phát huy tối đa các giá trị tiềm ẩn và phát triển hài hòa quần thể Danh thắng Ngũ Hành Sơn (hiện nay mới tập trung chủ yếu tại ngọn Thủy Sơn).

          Với những giá trị tiềm ẩn, hiện hữu mà tạo hóa, tiền nhân đã ban tặng để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau, cùng với sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp các ngành, đặc biệt là khi được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt và trong tương lai không xa khi được UNESCO công nhận hệ thống tư liệu Thư tịch cổ và văn khắc Hán – Nôm tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là “di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương” thì Danh thắng Ngũ Hành Sơn cùng với Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước sẽ mãi là điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách trong và ngoài nước.

Lê Ngọc Nhất