
Liên tiếp trên các số 7, 8, 9 tại mục Lịch sử ký sự trên tuần báo Sông Hương (năm 1936), Phan Khôi đã công bố bài viết: Địa vị của Thái Phiên và Trần Cao Vân trong cuộc biến ở Huế 1916 để phản bác lại ý kiến của Trần Huy Liệu có bài viết trên báo Tiến Hóa ở Hà Nội năm trước và của Việt An trên báo Mai số 20 đều cho rằng Trần Cao Vân là “tay chủ động” về cuộc biến động ở Huế năm 1916. Là người đã từng gặp gỡ, tiếp xúc với Trần Cao Vân, nhất là trong thời gian cả hai bị giam ở nhà ngục Faifo (Hội An) sau Mậu Thân dân biến 1908, đồng thời ông Phan là người của phong trào Duy Tân (do bộ ba Phan Châu Trinh – Trần Quý Cáp – Huỳnh Thúc Kháng đề xướng và hành động) trước đây, cũng như tự bản thân ông đã theo lời Phan Bội Châu ( lãnh tụ tinh thần của Hội Duy Tân, sau là Phong trào Đông Du, rồi Chính phủ Nhật trục xuất các du học sinh, Phan Bội Châu về Trung Quốc tập hợp lực lượng cách mạng để thành lập Việt Nam Quang Phục Hội , VNQPH đã lãnh đạo nhiều cuộc khởi nghĩa vũ trang mà tiêu biểu hơn cả là cuộc khởi nghĩa do Thái Phiên, Trần Cao Vân, Lê Đình Dương, Lê Ngung… chủ động trên danh nghĩa vua Duy Tân, và chính vị vua yêu nước này cũng tham gia ) thuật lại và các nhân chứng khác, nên ông Phan khảng khái nói lại: “Không, không phải thế. Bây giờ vẫn còn có mấy người nhúng tay trong việc ấy đương sống, họ có thể làm chứng chắc rằng chủ động là Thái Phiên chứ không phải Trần Cao Vân”. Đó là những chứng cứ mà nhà báo, học giả Phan Khôi đã thuật lại. Cũng theo thiên ký sự này, ta biết thêm chi tiết: “Cao Vân ở làng Tư Phú, giáp với làng tôi (tức Phan Khôi), vả lại vào lớp trước tôi chẳng bao xa, cho nên tôi biết y khá rõ. Con một vị hào phú trong làng, Cao Vân từ nhỏ đi học chữ Nho vào hạng học trò thông sớm. Trong lúc y trên dưới hai mươi tuổi, vì một cớ trong gia đình sao đó, không biết, y bỏ nhà ra đi, chừng 15, 17 tuổi thì thấy đồn rùm lên rằng Trần Cao Vân đã trở về và đã “đắc đạo” {….}. Bắt đầu từ khi trở về, Trần làm mình ra như một trang đạo sĩ. Thường bịt khăn đen và ngồi yên lặng đến hàng giờ. Y nói với người ta rằng trong lúc y đi lưu lạc, có ở tại Ngũ Hành Sơn, nửa đêm thần nhân hiện đến cho y một quyển sách. Trong sách nói về “cái đạo Trung thiên Dịch”, cái đạo mà sau đó Trần lấy làm căn cứ xướng lên một cái thuyết để dụ người ta theo mình”.
Thực hư nội dung sách Trung thiên Dịch là cái gì? Đương thời và cho đến nay, chưa ai biết; và Trần Cao Vân có đắc đạo hay không vẫn còn là nghi vấn. Nhưng chắc chắn rằng, Trần Cao Vân đã đến, lưu trú, học đạo, rèn luyện ở Ngũ Hành Sơn, rồi sau đó về quê và ngao du nhiều nơi thu nhận đồ đệ theo chí hướng yêu nước mà mình đã chọn.
Sau cuộc khởi nghĩa thất bại, Trần Cao Vân và Thái Phiên bị bắt và bị chém ở An Hòa ngày 17 tháng 5 năm 1916, lúc ông tròn 50 tuổi.
Lúc sắp bị hành hình Trần Cao Vân Khẩu chiếm bài thơ:
Đứng giữa càn khôn vững chẳng nghiêng
Việt Nam văn vật đã lừng tên
Quân dân hợp tác chung quyền chủ
Nhật nguyệt treo gương rạng mối giềng
Bách Việt non sông không Bạch xỉ
Một lòng trung nghĩa có hoàng thiên
Anh hùng thành bại khoan bàn vội
Mặc sử ngàn thu luận trắng đen.
Huỳnh Thúc Kháng có bài thơ điếu:
Hy, Văn sau trước sách truyền đời
Khoảng giữa riêng tây dựng một trời
Nhuộm cả máu tươi vào học thuyết
Phương Nam dịch mới nối không người.
Nhắc lại những chuyện xác thực về lịch sử bi thương một thời gắn với gương oanh liệt của các chí sĩ hết lòng vì dân vì nước, chúng ta những kẻ hậu sinh rất tự hào về Đất Quảng kiên trung, tự hào ở danh thắng Ngũ Hành Sơn đã ghi dấu bước chân của Trần Cao Vân.
Hoài Quảng
BQL khu DLTC Ngũ Hành Sơn