Bình luận thơ

Thử luận bài thơ “Vô đề”

Tác giả: Phan Bân

( Bài thơ được đăng trong tuyển tập “Một thoáng Ngũ Hành”. Tác giả đang công tác tại BQL khu DLTC Ngũ Hành Sơn và đã có nhiều bài viết và thơ về Ngũ Hành Sơn được đăng tải trên mạng).

VÔ ĐỀ

Em về thăm Ngũ Hành Sơn

Tóc bay như thể dỗi hờn với ai

Đường lên bước ngắn, bước dài

Em đi lạc giữa thiên thai – cõi thiền

Chập chùng bóng núi chiều nghiêng

Tóc trời mây bạc, giáp viền biển xanh

Dáng em in bóng cổ thành

Em tìm Em giữa Ngũ Hành Âm – Dương

Cửa thiền nghi ngút khói hương

Mới hay nhân thế nặng vương bụi trần

Em chừ ảo ảnh, phù vân

Dang tay níu lấy phong trần – là anh.

Vô đề – bài thơ không có đề, có nghĩa là tác giả không chủ tâm nêu lên một quan niệm nhân sinh nào cả. Tự thân bài thơ khắc họa những cảm xúc tự phát có thể về một tình yêu, về thân phận nhỏ lẽ, về một cõi miên trường trong thế giới “thiền” của Phật giáo.

Con người cụ thể trong bài thơ là Em. Một đại từ, viết hoa, không có đối thoại. “Em về thăm Ngũ Hành Sơn”. Em là ai và từ đâu đến, tác giả không chủ tâm tìm hiểu, chỉ biết dáng vóc em với những bước chân trên các bậc cấp trong không gian Ngũ Hành Sơn và mái tóc thề bay trong chiều là cảm nhận rất thực của tác giả, có xét nét, có quan sát nhưng hoàn toàn không có ý theo đuổi:

Em về thăm Ngũ Hành Sơn

Tóc bay như thể dỗi hờn với ai

Đường cấp lên cao, có cao vời vợi lắm không mà em phải từng “bước ngắn, bước dài”. Điểm đến của em là đâu, không phải là đoạn cuối con đường, không phải là hết đoạn dốc và càng không phải là một điểm đến nào đó trong cõi hư vô.

Người con gái trong thơ ở tuổi biết yêu, biết hờn dỗi vu vơ“tóc bay như thể dỗi hờn với ai”. Một trinh nữ trong đời thực sao lại “lạc giữa cõi thiền”. Đây là khúc quanh của ý tưởng giữa thực, giữa không, giữa biến ảo khôn cùng tồn tại bất biến. Bước chân không chủ định và không có ý đến đích. Những bước chân cứ đi và cứ đi như thế đến bao giờ:

Đường lên bước ngắn, bước dài

Em đi lạc giữa thiên thai – cõi thiền

Chân bước đi mà hồn đã lạc. Giữa khoảng vắng của không gian đất trời và sự thinh lặng của vạn vật. Em đã “lạc giữa thiên thai – cõi thiền” tự lúc nào.

Cảnh vật và con người là mối liên hệ mật thiết làm nên cảm xúc dâng trào trong em:

Chập chùng bóng núi, chiều nghiêng

Tóc trời, mây bạc, giáp viền biển xanh

Dáng em in bóng cổ thành

Em tìm Em, giũa Ngũ Hành âm Dương

Bóng cổ thành và em là một. Không minh định đâu là em và đâu là bóng cổ thành. Tất cả hoà quyện là một, làm nên huyền tích bí ẩn giữa người và vật. Giữa hoà quyện bí ẩn ấy, Em đang tìm lại chính Em, tìm lại cái tôi nhỏ bé, tội nghiệp trong trận đồ của Âm dương – Ngũ Hành, chính trong lạc lối giữa trận đồ và trong cõi thiên thai ấy, em nhận ra điều trần tục:

Cửa thiền nghi ngút khói hương

Mới hay nhân thế nặng vương bụi trần

Thoát khỏi cơn mê từ trong bản ngã, em lại thấy chính em, một mảnh đời có thật, cụ thể hình hài của một kiếp đa đoan, một bóng phù vân mờ ảo để về với đời thực, rất thực và được nương nấu bên anh, dẫu anh là kẻ phong trần:

Em chừ ảo ảnh phù vân

Dang tay níu lấy phong trần là anh

Bài thơ không có ý tả thực và không đàm luận một triết lý nào. Ngôn ngữ dung dị, rất đời thường, không phô diễn văn chương uyên bác. Những mỹ từ – nếu có – chỉ là phương tiện chuyển tải hình ảnh một bóng hồng chập chờn giữa cơn mê sảng và sự khát vọng được yêu. Không gian trong thơ đẹp và trầm mặc, bàng bạc chất thiền đạo và trữ tình.

Cảm nhận bài thơ là điều có thể, nhưng để hiểu được tâm trạng, hoàn cảnh của đối tượng trong thơ là điều không thể và không nên./.

Tổ Quảng bá

BQL khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn