Tự hào k20 (Kỳ cuối: Tái hiện một vùng quê cách mạng)

     Nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di tích K20 thuộc địa bàn khối Đa Mặn, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, hướng đến xây dựng và phát triển thành một điểm du lịch về nguồn, những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã trùng tu, đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình tại khu vực này.

Tám hạng mục cần được khôi phục đầu tư tại K20.

     Kích thích du khách

     Vừa qua thành phố Đà Nẵng cũng đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch Khu Căn cứ cách mạng K20. Đề án đã thể hiện được tính lịch sử, tính kinh tế hiệu quả, góp phần để một di tích không thành phế tích. Theo đó, khi Đề án được triển khai hoàn thành sớm thì việc trưng cầu các ý kiến, sự đóng góp của các nhân chứng lịch sử cho các hạng mục đầu tư trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Đề án quan tâm đến sự tham gia của các hộ dân đang sống trong khu di tích, đảm bảo cho họ trở thành người trong cuộc chứ không phải ở ngoài cuộc của sự phát triển. Khu Căn cứ cách mạng K20 được phê duyệt đầu tư, khôi phục sẽ tạo ra sản phẩm du lịch mới, có các dịch vụ kèm theo thì sẽ kích thích được nguồn khách đến tham quan. Thay vì du khách đến chỉ tham quan các di tích một cách đơn điệu, thời gian còn lại chẳng có gì để vui chơi, thư giãn thì với một không gian di tích rộng lớn với những hạng mục công trình mang dấu ấn lịch sử – văn hóa như đã nêu trên, Khu Căn cứ cách mạng K20 sẽ là điểm đến hấp dẫn trong tương lai nếu được đầu tư bài bản và có hệ thống. Đây là hình thức bảo tồn di tích lịch sử cách mạng gắn liền với phát triển du lịch mà một số địa phương trong cả nước đã làm và mang lại hiệu quả cao. Khu Căn cứ cách mạng K20 nằm ngay sát nội thành Đà Nẵng, có hệ thống giao thông thuận lợi, trong đó các tuyến đường Lê Văn Hiến, Trần Hưng Đạo, Chương Dương… là những trục lộ chính dẫn du khách đến tham quan Danh thắng Ngũ Hành Sơn, phố cổ Hội An và Khu Căn cứ cách mạng K20. Hướng dẫn viên du lịch sẽ vừa giới thiệu quảng bá Danh thắng Ngũ Hành Sơn, vừa giới thiệu quảng bá Khu Căn cứ cách mạng K20, tạo thành một lộ trình tham quan khớp nối về hai điểm đến này. Bởi, hai điểm đến tham quan Khu Căn cứ cách mạng K20 và Danh thắng Ngũ Hành Sơn đều cùng có chung một đơn vị quản lý và đều được xếp hạng là di tích cấp Quốc gia và di tích Quốc gia đặc biệt. Tương lai không xa, đường Chương Dương sẽ kết nối chùa Quán Thế Âm, Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn và phố cổ Hội An tạo thuận lợi cho du khách vừa tham quan Danh thắng Ngũ Hành Sơn, vừa tham quan Khu căn cứ Cách mạng K20. Khi tuyến đường Chương Dương nối dài hoàn thành thì tuyến đường này sẽ kết nối 2 Di tích Quốc gia đưa khách từ Danh thắng Ngũ Hành Sơn ra K20 và ngược lại; cùng với bến tàu du lịch K20 đưa vào khai thác thì đây sẽ là tuyến đường du lịch của quận Ngũ Hành Sơn trong tương lai. Khi bến cầu tàu du lịch đường thủy nội địa được đầu tư xây dựng tại bến K20 thì du lịch đường sông sẽ có điều kiện phát triển, theo đó nguồn khách đến tham quan du lịch tại K20 sẽ được tăng lên đáng kể.

     Để những điểm tham quan tại Khu Căn cứ cách mạng K20 phong phú và hấp dẫn hơn, cần thiết phải khôi phục lại địa đạo Xóm Đồng, vì đây là địa đạo rất đặc biệt, có quy mô tương đối lớn so với các hầm bí mật trong dân, một địa đạo duy nhất nằm trong lòng thành phố trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước.

     Trước đây, xung quanh Khu Căn cứ cách mạng K20 là những lũy tre bao bọc, có chức năng cản gió và tạo ra một Xóm Đồng riêng biệt (hay còn gọi là xóm Mồ Côi) tách hẳn với xóm Cát bên phía Đông. Do quá trình quy hoạch và chỉnh trang đô thị nên bờ tre hiện nay không còn nữa. Muốn tạo cho khu di tích trở lại nguyên trạng ban đầu thì nhất thiết phải trồng lại các lũy tre xung quanh làng để tăng thêm cảnh quan; đồng thời, các lối vào và các đường nội bộ trong khu di tích nên trồng những hàng dừa, phượng vĩ và các hàng rào cây xanh như chè tàu, dâm bụt, hoa giấy, sen, súng, trước các công trình nhà ở trồng cau ta, sau nhà trồng chuối nhằm gìn giữ và tái hiện không gian làng quê truyền thống xây dựng cảnh quan làng quê thu nhỏ với ụ rơm, chum nước, góc nhà tranh góp phần mang lại cảm giác mát mẻ, nhẹ nhàng đối với du khách khi tham quan làng Cách mạng K20.

     Hiện nay, theo quy hoạch, Khu đất ký hiệu NT thuộc tờ bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng quy hoạch khu Di tích Lịch sử – Làng văn hóa K20 có diện tích 7.000m2; phía Bắc và phía Đông giáp khu dân cư; phía Tây và phía Nam giáp đường giao thông, có vị trí thuận lợi giáp bãi xe khu vực cổng vào làng. Khu vực này hiện trạng đã được đầu tư cây xanh cảnh quan, khu vui chơi cho trẻ em, nên việc bố trí xây dựng khu sinh hoạt cộng đồng gồm những hạng mục như nhà lá trung tâm, các nhà lục giác xung quanh, bên cạnh đó trang bị ghế đá giả gỗ, tre, các tiểu cảnh, bồn hoa, trồng tre, cây xanh tạo bóng mát… tạo một không gian thoáng đãng để du khách nghỉ chân, thư giãn; các cơ quan, đoàn thể, trường học đến tham quan để có nơi tổ chức các hoạt động ngoại khóa, dã ngoại và các hoạt động khác. Khu phức hợp hiện tại là khu vực đất trũng, trước đây được sử dụng trồng lúa và hoa màu, hiện trạng bỏ hoang thiếu hệ thống tưới tiêu, thoát nước và hiện nay thường xuyên bị ngập úng do thi công tuyến đường Chương Dương nối dài không có cống thoát nước ra sông Cổ Cò. Khu đất phù hợp tổ chức thành khu phức hợp gồm các hạng mục như: Quầy bán vé tham quan di tích, quầy bán hàng lưu niệm, khu chợ quê thu nhỏ bán các sản phẩm nông sản do người dân sản xuất, các quầy ẩm thực dân dã phục vụ du khách khi dừng chân nghỉ ngơi…

     Cùng ăn, cùng ở

     Để đa dạng hóa các dịch vụ du lịch kèm theo và tạo điều kiện cho khách thâm nhập thực tế, cùng ăn, cùng ở trong dân theo loại hình du lịch homestay, một mô hình mà Đà Nẵng đang hướng tới, một số địa phương đã triển khai mô hình này và đã thu được những kết quả khả quan như tại thôn Thái Lai, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang; hoặc các nhà ở trong dân tại làng trái cây Đại Bình – Trung Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, người dân còn có thể tham gia phục vụ những món ăn dân dã làng quê như: bánh đúc, bánh bèo, bánh xèo, khoai lang, sắn luộc và các loại củ quả khác nhằm tạo ra sự trải nghiệm cho du khách về một chuyến tham quan du lịch làng quê đầy thú vị. Cùng với đó, du khách sẽ được thâm nhập thực tế, tìm hiểu đời sống, phong tục, tập quán của người dân địa phương, tham gia các hoạt động truyền thống dân dã cùng với người dân như: Câu cá, kéo rớ trên sông, bơi thuyền trên sông, cuốc đất, làm vườn, trồng rau, trồng cây ăn quả. Triển khai được dịch vụ này sẽ giải quyết công ăn việc làm cho người dân, tạo ra nguồn thu nhập từ sản phẩm du lịch tại chỗ. Trong quá trình triển khai Đề án, tại đây cần phải trồng lại lũy tre bao quanh làng mà trước đây đã có và trồng mới thêm một số cây xanh tạo bóng mát và cảnh quan. Cần thiết phải xây dựng một số hạng mục như: Khu phức hợp, khu sinh hoạt cộng đồng, khai thác hiệu quả bến cầu tàu du lịch, xây dựng mô hình du lịch trong dân… nhằm tạo ra những sản phẩm mới để từng bước thu hút du khách đến tham quan du lịch. Phát huy giá trị di tích sẵn có của Khu Căn cứ cách mạng K20 thành một điểm du lịch; qua đó, để nhân dân, du khách tìm hiểu sâu hơn về lịch sử đấu tranh cách mạng kiên cường của một điểm di tích quý báu này; Khởi động không khí nhộn nhịp đối với một làng quê mà xưa nay vốn yên ắng, thầm lặng với cuộc sống làm nông đầy vất vả của một bộ phận cư dân tại đây, tạo cho họ có công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập từ dịch vụ du lịch, giải quyết lao động tại chỗ; Tạo ra một điểm du lịch mới gắn liền với Di tích quốc gia đặc biệt Danh thắng Ngũ Hành Sơn, góp phần tăng nguồn thu ngân sách từ dịch vụ du lịch. Khu vực cải tạo trồng hoa màu phục vụ du lịch nằm về phía Nam của Khu Căn cứ cách mạng K20, về phía Đông Nam của khu Phức hợp. Khu đất có diện tích khoảng 3.000m2 được cải tạo đổ đất nâng cao độ khoảng 1,5m và đất trồng cây nhằm khôi phục lại một phần cánh đồng của làng trước đây. Tổ chức trồng các loại hoa màu truyền thống của làng như khoai, sắn, bắp, đậu… nhằm tạo thu nhập cho người dân trong làng, đồng thời tạo điểm phục vụ nhu cầu trải nghiệm cuộc sống địa phương (một ngày làm nông dân) của du khách sử dụng dịch vụ lưu trú tại nhà dân trong làng và các du khách đến tham quan khu di tích có thể tự tay lựa chọn mua các sản phẩm nông sản sạch đem về.

     Hy vọng, một ngày không xa, Khu căn cứ cách mạng K20 sẽ trở thành một điểm tham quan mới của quận Ngũ Hành Sơn nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung. Nơi đây, hứa hẹn sẽ là điểm đến của du khách thập phương trong hành trình đến với những di tích lịch sử cách mạng nhằm lưu giữ và phát huy các giá trị, giáo dục truyền thống yêu nước của các thế hệ hôm nay và mai sau.

Đinh Văn Dũng (cadn.com.vn)