Về sau, trong bộ sách Cơ sở ngữ văn Hán Nôm (Giáo sư Lê Trí Viễn chủ biên, Nxb Giáo Dục, 1987, tập IV, t. 21-34), ông Đặng Chí Huyển đã dịch toàn văn tấm bia Phổ Đà Sơn ra tiếng Việt và xác định năm Canh Thìn là năm 1640 chứ không phải năm 1700 như A. Sallet ước định vì:
– Trong danh sách những người cúng tiền có người tên là Nguyễn Phúc Trăn. Nếu bia được lập năm 1700 phải tránh tên vị chúa xứ Đàng Trong từ năm 1687 đến 1691 (Nghĩa Vương).
– Từ những năm cuối thế kỷ XVII, người Nhật không còn đặt thương điếm ở Hội An nữa. Chứng lý thứ nhất không có giá trị vì Nghĩa Vương (1687-1691) đúng tên là Nguyễn Phúc Thái chứ không phải Nguyễn Phúc Trăn như sử sách trước đã nhầm lẫn vì tự dạng hai chữ giống nhau (Nguyễn Phúc tộc thế phả, HĐQT Nguyễn Phúc tộc, Nxb Thuận Hóa, 1995, t.141). Nhưng chứng lý thứ hai thì rất thuyết phục, vì từ đầu đến giữa thế kỷ XVII người Nhật thường lui tới buôn bán tại Hội An; họ còn được chúa Nguyễn cho lập khu phố riêng tại đó nên có nhiều người Nhật ở Nhật Bản Dinh và Tùng Bản Dinh góp tiền trùng tu xây dựng chùa đã được ghi tên vào bia theo hai địa chỉ trên. Chúng tôi xin bổ sung vài cứ liệu để củng cố thêm cho chứng lý này:
– Trong danh sách những người Nhật góp tiền, có người tên Tống Ngũ Lang còn được Chu Thuấn Thủy nhắc đến với tư cách là bạn thân thiết trong An Nam cung dịch kỷ sự (Ký sự đến Việt Nam năm 1657, Vĩnh Sính dịch, Hội Khoa học Lịch Sử Việt Nam xuất bản, 1999, t. 23-24).
– Cuối thế kỷ XVII, ký sự của Thomas Bowyear và Thích Đại Sán cho thấy phố Nhật ở Hội An đã suy tàn (Đô thị cổ Hội An, Vũ Minh Giang và nhiều tác giả, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1991, t. 213).
Khi đã xác định tấm bia Phổ Đà Sơn lập năm Canh thìn là năm 1640, thì tấm bia Ngũ Uẩn Sơn lập năm Tân vị theo ghi nhận của A.Sallet hẳn là năm 1631. Nhưng không rõ do nguồn tư liệu nào mà trong quyển Ngũ Hành Sơn (Nguyễn Trọng Hoàng, Nxb Đà Nẵng – Cty VPVH 27, 2000), khi viết về động Vân Thông tác giả đã ghi: Ở một điểm khá cao trên vách động phía trước mặt có ba chữ Hán lớn “Vân Thông Động”, ở phía dưới có tấm bia “Ngũ Uẩn Sơn Cổ Tích Phật Tịch Diệt Lạc” khắc vào thành động do nhà sư Huệ Đạo Minh lập tháng 10 năm Tân Tỵ (1641), một năm sau bia “Phổ Đà Sơn Linh Linh Trung Phật” (Sđd, t. 80). Thông tin trên khiến chúng tôi nghĩ có thể Albert Sallet đã nhầm lẫn. Nhưng trước đây ba năm, có dịp ra Đà Nẵng, chúng tôi đã đến động Vân Thông đọc lại tấm bia ấy; tuy đã xuống cấp nhưng tấm bia vẫn còn hiện rõ dòng chữ cuối cùng: “Tuế thứ Tân vị niên thập nguyệt lương nhật thời trùng tu” (Trùng tu vào giờ ngày tốt tháng 10 năm Tân vị). Thế mà trong cuộc tọa đàm khoa học về Ngũ Hành Sơn tại Ngũ Hành Sơn năm 2009, một số nhà nghiên cứu cũng vẫn cho rằng tấm bia Phổ Đà Sơn là xưa nhất nên chúng tôi thấy cần phải đính chính.
Tấm bia Ngũ Uẩn Sơn là chứng tích rất quý về lịch sử Ngũ Hành Sơn, nhưng trước đây chúng tôi thấy nhiều chữ đã mờ hoặc chỉ còn vài nét, lại thêm rêu che bụi bám rất khó đọc; nếu không có biện pháp bảo quản, có thể không bao lâu nữa tấm bia này cũng sẽ không còn đọc được chữ nào như tấm bia ở núi Thạch Bi (Phú Yên). Hiện nay, theo chúng tôi được biết, nội dung tấm bia này trong các sách đều chỉ dịch theo bản tiếng Pháp của Albert Sallet. Vì thế, nhân đây, chúng tôi phiên âm trực tiếp từ tấm bia ấy và dịch nghĩa để giới thiệu với bạn đọc (Nguyên bản chữ Hán trong bản dập hình bên, có dịp chúng tôi sẽ chép lại).
A. Phiên âm: Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc
Đại Việt quốc, Quảng Nam xứ, Thăng Hoa phủ, Lễ Dương huyện; Du Xuyên xã, tì khiêu Huệ Đạo Minh trùng tu khai sáng trụ trì, phần hương chúc thánh, hồi hướng Tam bảo hữu vĩnh lưu truyền chi vạn đại.
Phổ nguyện phụ mẫu pháp giới chúng sinh: “Nhất tâm quy mạng cực lạc thế giới A Di Đà Phật. Nguyện dĩ tịnh quang chiếu ngã, (a) ngã kim chính niệm, xưng Như Lai danh, vị Bồ Đề đạo, cầu sanh Tịnh độ. Phật tích bản thệ: Nhược hữu chúng sinh, dục sinh ngã quốc, chí tâm tín nhạo, xưng ngã danh hiệu (b), nãi chí thập niệm. Nhược bất sanh giả, bất thủ chính giác. Nguyện (c) thử niệm Phật nhân duyên, đắc nhập Như Lai đại thệ hải trung; thừa Phật từ lực, chúng tội tiêu diệt, thiện nhân (d) tăng trưởng. Nhược lâm (đ) mạng chung, dự tri thời chí; thân vô bệnh khổ, tâm bất tham luyến, ý bất điên đảo, như nhập thiền định. Phật cập thánh chúng, thủ chấp kim đài, lai nghinh tiếp ngã. Ư nhất niệm khoảnh, sanh cực lạc quốc. Hoa khai kiến Phật, tức văn Phật thừa, đốn khai Phật huệ, quảng độ sinh (e), mãn Bồ đề nguyện, phụng hành Phật bảo (g)”.
Cẩm Phô xã, tín cúng Trần Thị Thế, hiệu Từ Lễ cúng tam thập quán tác Phật tượng.
Tuế thứ Tân vị niên, thập nguyệt, lương nhật thời trùng tu.
B. Dịch nghĩa: Niềm vui về cõi tịch diệt(1) của Phật tại di tích xưa núi Ngũ uẩn(2).
Tì Kheo(3) Huệ Đạo Minh (gốc) xã Du Xuyên, (hiện trú tại) huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam, nước Đại Việt (đã) trùng tu mở mang và trụ trì (chùa này) đốt hương khấn Phật, hướng về Tam bảo(4) xin cho được lưu truyền lâu dài muôn đời.
Xin cho tất cả các bậc cha mẹ của chúng sinh trong pháp giới(5) “Một lòng quy thuận vào thế giới cực lạc của Phật A-Di-Đà. Xin đem ánh Tịnh quang(6) soi chiếu đến tôi. Tôi nay tâm niệm chính pháp, xưng danh hiệu đức Như Lai, vì đạo Bồ Đề, cầu xin được sống ở cõi Tịnh độ(7). Phật xưa từng thề: Nếu có chúng sinh muốn vào sống ở nước ta, hết lòng tin tưởng, hoan hỷ xưng danh hiệu ta đủ cả mười lần, mà chẳng được vào, thì ta chẳng còn là Phật(8).
Dựa vào nhân duyên niệm Phật này, (xin) được vào trong lời thề như biển của đức Như Lai; nhờ lực từ bi của Phật, mọi tội được tiêu trừ, người lành tăng nhiều. (Nguyện) khi lâm chung, biết trước ngày giờ; thân không khổ vì bệnh, lòng không tham lam luyến tiếc, ý tưởng không điên đảo, như vào thiền định; Phật cùng các thánh, tay bưng đài vàng, đến tiếp dẫn tôi, chỉ trong khoảng một niệm (9) vào miền cực lạc. Khi hoa nở thấy Phật hiện, được nghe các pháp và tỏ tường ơn Phật, (tôi xin được) cứu giúp khắp chúng sinh, làm tròn tâm nguyện Bồ Đề, noi theo đường chư Phật”.
Tín chủ Trần Thị Thế, hiệu Từ Lễ, ở xã Cẩm Phô cúng ba mươi quan làm tượng Phật.
Trùng tu vào giờ ngày tốt tháng 10 năm Tân vị (1631).
Dòng chữ đầu tiên trên tấm bia cho biết chánh trú quán của nhà sư Huệ Đạo Minh, nhưng với cách ghi liền một mạch tên xã – huyện – phủ – xứ, lại thêm chữ mờ khó đọc, cho nên trước kia Albert Sallet đã dịch ra tiếng Pháp không được chính xác: “Le bonze Huệ-Đạo-Minh, orginaire de Dư Sơn, huyện de Lê-Dương, du phủ de Thăng Hoa, du xứ de Quảng-Nam, au royaume du Đại Việt…” (Les Montagnes de Marbre, Bulletin des Amis du Vieux Huế, 11e Année, N0 1, Jav-Mars 1924, p.129). Về sau, các dịch giả cũng theo đó mà dịch ra tiếng Việt: “Nhà sư Huệ Đạo Minh gốc ở Dư Sơn, huyện Lễ Dương, Phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam thuộc vương quốc Đại Việt”.
Chúng tôi căn cứ chữ viết trong bia, đối chiếu với nguyên bản tấm bia Phổ Đà Sơn và tra cứu thêm địa danh tỉnh Thanh Hóa trong Đại Nam Nhất Thống chí để xác định quê quán của nhà sư Huệ Đạo Minh thời ấy là: Xã Du Xuyên (huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, trấn Thanh Hoa, nay thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa); còn huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, xứ Quảng Nam là trú quán của nhà sư khi ấy(10).
Ở tấm bia này, nhà sư cho biết lúc ấy danh vị của ông trong thiền môn là Tì kheo, còn ở tấm bia Phổ Đà Sơn thì ghi là Thiền sư. Căn cứ hai danh vị ấy, cũng có thể suy đoán tấm bia Ngũ Uẩn Sơn được lập ra trước vì, sau khi thọ giới Tì kheo, phải qua một thời gian “phụng hành Phật bảo” khá dài, nhà sư Huệ Đạo Minh mới được tôn xưng Thiền Sư. Vì thế năm Tân vị không thể thuộc chu kỳ can chi sau năm Canh thìn trên (1640).
Nhà sư Huệ Đạo Minh lập tấm bia này sau khi đứng ra sửa chữa mở mang và trụ trì cảnh chùa ở Ngũ Uẩn Sơn. Điều ấy chứng tỏ trước năm Tân vị (1631) tại Ngũ Hành Sơn đã có một ngôi chùa nếu không cổ xưa thì cũng đã cũ lắm, Thiền sư Huệ Đạo Minh hẳn đã đến đó từ trước và tín đồ ở Hội An hẳn không phải chỉ có bà Trần Thị Thế (hiệu Từ Lễ) trước đó đã đến chùa này lạy Phật. Như vậy, lịch sử chùa chiền ở Ngũ Hành Sơn còn xa hơn nữa về trước, chứ không phải chỉ đóng khung ở năm 1631.
Phần giữa là nội dung chính (đoạn được đặt trong ngoặc kép ở phần phiên âm và bản dịch), nhà sư Huệ Đạo Minh đã mượn toàn văn lời phát nguyện của Từ Vân Sám chủ(11) được lưu truyền trong kinh sách Tịnh độ tông(12) để cầu xin cho khắp cả chúng sinh và bản thân được vào thế giới cực lạc của Phật A Di Đà. Đối chiếu văn bia với văn bản trong kinh sách nhà Phật, chúng tôi thấy đại thể hai bản văn đều giống nhau, chỉ có vài câu và một ít chữ khác biệt (xem dị bản). Nội dung những lời phát nguyện trên cho thấy nhà sư Huệ Đạo Minh là tu sĩ phái Tịnh Độ tông. Vì thế tấm bia Ngũ Uẩn Sơn không chỉ là di tích lịch sử của Ngũ Hành Sơn mà còn là chứng tích về lịch sử Phật Giáo xứ Đàng Trong vào đầu thế kỷ XVII.
Dị bản: Khác với bản Kinh sách Pháp môn Tịnh độ, chương 5 (buddhahom.net).
a. Xen giữa hai câu này có câu: “từ thệ nhiếp ngã” (theo lời thề từ bi mà bảo dưỡng tôi) – b. Kinh sách không có câu: “xưng ngã danh hiệu” – c. Dĩ thử – d. Thiện căn – đ. lâm dục mạng – e. Chúng sinh – g. Kinh sách không có câu “phụng hành Phật bảo”.
(1) Tịch diệt là cõi Niết bàn.
(2) Ngũ uẩn: Thuật ngữ nhà Phật, chỉ sự hòa tụ thuộc 5 yếu tố của hai pháp thân và tâm là: sắc, thụ, tưởng, hành và thức. Thời xưa, nhà Phật dùng từ “ngũ uẩn” để đặt tên cho Ngũ Hành Sơn.
(3) Tì kheo (hoặc tì khưu, tì khiêu): Người nam xuất gia thọ Cụ túc giới (250 giới); người nữ gọi là tì khiêu ni, thọ 348 giới.
(4) Tam bảo: Ba ngôi báu: Phật, pháp và tăng.
(5) Pháp giới: Cõi đời bao gồm cả vạn vật.
(6) Tịnh quang: Ánh sáng ở cõi tịnh thiên.
(7) Tịnh độ: Cõi trời của các bậc thánh ở, không bị ngũ trọc nhiễm bẩn. (Ngũ trọc là năm thứ ô trọc: Kiếp trọc, kiến trọc, phiền não trọc, chúng sinh trọc và mệnh trọc).
(8) Đây là lời thề thứ 18 trong 48 lời thề của đức Phật A Di Đà.
(9) Một niệm: Một khoảnh thời gian cực ngắn. 60 niệm bằng một lần búng tay, 20 niệm bằng một lần chớp mắt; có sách dịch là sát-na (ksana) tức khoảnh khắc của một ý nghĩ, một cái khảy ngón tay có 60 sát-na.
(10) Trong bia Phổ Đà Sơn ghi rõ chánh quán là xã Du Xuyên, huyện Ngọc Sơn, Phủ Tĩnh Gia; còn trú quán chỉ ghi: xứ Quảng Nam.
(11) Từ Vân Sám chủ: Tức ngài Linh Ứng ở chùa Thiên Trúc Linh Sơn, tại Hàng Châu. Ngài tên là Tuân Thức (963-1032) được vua Chân Tông nhà Tống ban cho hiệu Từ Vân. Ngài đã san định những sách quy chế nghi thức lễ sám hối nên đời sau gọi là Từ Vân Sám chủ. Ngài đã từng đốt một ngón tay trước tượng đức Phổ Hiền để phát nguyện việc truyền bá Phật pháp.
(12) Tịnh Độ tông: Tên một tông phái Phật giáo, lấy ngài Phổ Hiền làm vị sơ tổ, lấy việc niệm Phật cầu vãng sinh làm trọng tâm. Tịnh độ tông được sáng lập ở Trung Hoa, sau truyền qua Nhật Bản và Việt Nam.
St kiến thức ngày nay online của Nguyễn Công Thuần