Gần 13 năm trước, nhà điêu khắc (NĐK) người Na Uy – ông Oyvin Storbaekken (sinh năm 1947) một lần đến thăm Làng đá mỹ nghệ Non Nước đã ngay lập tức bị cuốn hút bởi vô số tượng Phật, Chúa Giêsu, thần Shiva, cá heo, sư tử, rồng, hổ để dọc hai bên đường… Những khối đá sần sùi, thô ráp, nặng hàng tấn trở nên mềm mại, bóng bẩy đủ hình dáng dưới đôi bàn tay tài hoa của người thợ đá.
Duyên nợ
Kể từ giây phút đó, đá trở thành duyên nợ giữ chân Oyvin Storbaekken ở lại Đà Nẵng và dành phần lớn thời gian còn lại của cuộc đời thực hiện dự án đào tạo thợ điêu khắc sử dụng các phương tiện kỹ thuật hiện đại, đưa các NĐK nổi tiếng châu Âu đến đây giao lưu sáng tác, mở đường cho đá mỹ nghệ Non Nước Đà Nẵng xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu.
Tốt nghiệp Viện Hàn lâm mỹ thuật quốc gia Na Uy, có trên 20 năm giảng dạy tại ĐH Kiến trúc và ĐH Mỹ thuật ở thủ đô Oslo, bằng uy tín của mình, ông Oyvin thuyết phục được Bộ Ngoại giao Na Uy, sau đó là Cơ quan hợp tác phát triển Na Uy (NORAD) tài trợ toàn phần cho Dự án điêu khắc Đà Nẵng giai đoạn 2003-2006 và Tổ chức Cứu trợ Nhà thờ Na Uy, Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV) giai đoạn 2007-2009 với tổng giá trị viện trợ đạt 16,5 tỷ đồng. Kế thừa và phát huy những thành tựu của dự án, UBND thành phố Đà Nẵng cho phép Quỹ điêu khắc Đà Nẵng thành lập từ tháng 6-2009, là tổ chức phi lợi nhuận, hoạt động vì sự phát triển văn hóa và nghệ thuật điêu khắc của thành phố Đà Nẵng.
Bà Phan Quỳnh Hương, Giám đốc Quỹ điêu khắc Đà Nẵng cho biết, từ năm 2003 đến nay, ngoài các đoàn khách du lịch, có hơn 100 NĐK và nghệ nhân từ nhiều nước, chủ yếu từ châu Âu đến thăm Quỹ điêu khắc Đà Nẵng đóng tại Làng đá mỹ nghệ Non Nước. Trong số đó, khoảng 40 NĐK Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Áo, Úc… sử dụng cơ sở vật chất tại Quỹ điêu khắc Đà Nẵng để hoàn thiện tác phẩm nghệ thuật của mình. Một số tác phẩm lớn như Bánh răng công nghiệp của Hans Martin Oien; Gương mặt âm bản, Đôi mắt của Hilde Maehlum; Chảy, Sóng ánh sáng của Gunn Harbitz… được phác thảo và thực hiện tại Làng đá mỹ nghệ Non Nước Đà Nẵng. Những tác phẩm của họ đã góp phần quảng bá hình ảnh đá mỹ nghệ Non Nước đến bạn bè yêu mỹ thuật trên thế giới.
Không dừng lại ở việc đào tạo, giao lưu văn hóa đơn thuần, từ sáng kiến của Oyvi Storbaekken, Hội trại Điêu khắc Đà Nẵng – Na Uy được tổ chức năm 2006 tạo cơ hội cho NĐK ở Na Uy, Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm, làm việc cùng nhau bên những tảng đá nặng hàng chục tấn. 12 tác phẩm điêu khắc sáng tác dịp này như Khát vọng mùa xuân của Phạm Hồng, Ba cô gái của Oyvin Storbaekken, Phan Châu Trinh của Phạm Văn Hạng, Thiếu nữ với cây tì bà của Lê Công Thành… sau đó được Ban tổ chức trao tặng lại TP. Đà Nẵng trưng bày bên bờ đông sông Hàn. Hiện nay, Oyvin là tình nguyện viên trực tiếp giúp đỡ, cộng tác với Quỹ điêu khắc Đà Nẵng, là tác giả của nhiều tác phẩm mới ra đời từ làng đá.
Trường học lớn về mỹ thuật
Dự án điêu khắc đá Đà Nẵng nay là Quỹ điêu khắc Đà Nẵng ra đời đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Làng đá mỹ nghệ Non Nước, khoảng 20 thợ điêu khắc địa phương đã được tiếp cận kỹ thuật hiện đại, bố cục hình khối chính xác đến từng milimét, thực hành nặn tượng bằng đất sét, đúc tượng thạch cao, điêu khắc đá, giải phẫu học, tượng điêu khắc truyền thống Chàm, tượng chân dung, kỹ thuật phóng tượng bằng máy vẽ truyền (pantograph) và compa, vẽ cơ bản… Ngoài ra, học viên thuộc dự án còn được đào tạo tiếng Anh 3 lần/tuần để việc giao tiếp giữa thợ Làng đá mỹ nghệ Non Nước với các điêu khắc gia người nước ngoài diễn ra dễ dàng, thuận lợi hơn.
Vốn là người yêu nghệ thuật, có đầu óc sáng tạo, thời gian tham gia dự án được Lê Công Dũng ví von giống như trường học lớn về mỹ thuật, nơi tạo cho anh niềm đam mê của người nghệ sĩ. Năm 2006, Lê Công Dũng có mặt trong nhóm 10 thợ điêu khắc của dự án đến Tolga làm việc 2 tháng để xây dựng cây cầu dài 10m, rộng 2,5m, vòm 6m, có tổng trọng lượng 120 tấn đá granite từ Na Uy và Việt Nam vận chuyển sang.
Chiếc cầu khánh thành ngày 24-7-2006, mang tên cầu Hữu nghị Tolga, biểu tượng của tình hữu nghị Tolga và thành phố Đà Nẵng. Theo anh Dũng, thời gian làm việc với những NĐK châu Âu mang lại cho anh nhiều so sánh thú vị: thợ Làng đá mỹ nghệ Non Nước có thế mạnh làm việc quen tay, nhanh, gọn nhưng đường nét không thật sự sắc sảo, phần lớn sao chép mẫu có sẵn; người châu Âu có tính cẩn thận hơn, họ sẵn sàng dành thời gian hàng tháng trời chỉ để hoàn thành một tác phẩm đơn giản nên chất lượng mang lại thường rất ấn tượng.
“Với hình mẫu chiếc ghe, tôi để ý thấy thợ Việt Nam làm 2 – 3 ngày là xong thì người châu Âu làm cả tháng trời. Kết quả, sản phẩm điêu khắc của họ sắc nét từng chi tiết, xen kẽ những đường lượn sóng dưới thân ghe, tạo nên sức gợi rất lớn cho tác phẩm. Khi đó, nó không đơn thuần là cái ghe nữa, mà đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật. Điều đó khiến tôi nhận ra, những người thợ ở Làng đá mỹ nghệ Non Nước cần có thêm sức sáng tạo cải tiến mẫu mã để đưa uy tín, chất lượng làng đá ngày một tiến xa hơn nữa trên thị trường đồ đá mỹ nghệ”, anh Dũng đúc kết.
Trong số những người thợ trẻ được đào tạo bài bản từ Dự án điêu khắc đá Đà Nẵng, có 2 thành viên sau này trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Đà Nẵng và hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam là Lê Công Dũng và Trần Hữu Hóa. Vượt qua hình ảnh người thợ đá hằng ngày sao chép mẫu như xu hướng bao đời nay của làng đá Non Nước, cả hai miệt mài tạo ra những tác phẩm mang tính nghệ thuật cho riêng mình, tham gia các triển lãm mỹ thuật trong và ngoài thành phố. Qua đó, một số tác phẩm như Sự tích trầu cau, Sinh tồn, Biển đảo, Trống đồng của Lê Công Dũng; Cái bóng, Tâm trạng, Đôi cánh của Trần Hữu Hóa vinh dự nhận được giải tặng thưởng hằng năm của Hội Mỹ thuật TP. Đà Nẵng. Đây cũng là kết quả đáng mừng của những người thợ trẻ trong quá trình học tập không ngừng trên hành trình “lấy đi những phần thừa của đá”.
Cần tôn vinh thợ giỏi
Theo đánh giá của ông Huỳnh Chín, Trưởng BQL Làng đá mỹ nghệ Non Nước, hiện làng nghề có gần 50 thợ tay nghề cao, trong đó có 10 người xuất sắc xứng đáng được gọi là nghệ nhân như Lê Ngọc Diệp, Lê Trung Quân, Huỳnh Bá Song, Lê Công Dũng, Mai Văn Hào, hai anh em Huỳnh Văn Cường – Huỳnh Văn Trung…
Tuy nhiên, đây mới chỉ là sự ghi nhận ở góc độ địa phương. Nguyên nhân, theo ông Huỳnh Chín là do quy định phong tặng nghệ nhân hiện nay chưa sát với thực tế như người thợ phải sống được với nghề, sáng tạo ra tác phẩm mới được xã hội công nhận, có sản phẩm tham dự triển lãm đoạt giải. Nhưng không phải ai cũng đủ điều kiện dự triển lãm bởi nó tốn kém không chỉ công sức mà cả thời gian, tiền bạc. Do đó, nhiều thợ giỏi tại làng nghề đành đứng ngoài cuộc chơi được công nhận danh hiệu.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, những năm qua BQL Làng đá mỹ nghệ Non Nước ít tổ chức các cuộc thi sáng tác trên chất liệu đá nhằm tạo cơ hội cho thợ trẻ phô diễn tài năng điêu khắc, tạo điều kiện bổ sung hồ sơ xét công nhận nghệ nhân sau này. Một người hoạt động trong lĩnh vực điêu khắc nói để được công nhận nghệ nhân, người thợ giỏi đôi khi phải mất 30 năm cống hiến, gom góp những thành tích theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Phần lớn người được phong nghệ nhân có tuổi đời cao như ngay ở làng đá Non Nước hiện chỉ có 3 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu là Lê Bền, Nguyễn Việt Minh, Nguyễn Long Bửu. Thiết nghĩ, để tạo điều kiện cho Làng đá mỹ nghệ Non Nước phát triển bền vững, cơ quan chức năng cần có những chính sách, đa dạng hóa các danh hiệu, kịp thời khen thưởng, tôn vinh người thợ giỏi để họ toàn tâm, toàn ý dành trọn tình yêu với đá.
Tiểu Yến (Đà Nẵng Cuối tuần số 5224 ngày 28/9/2014)