Nằm ở vị trí địa lý thuận lợi; chiếm giữ địa bàn trọng yếu về kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng, và giao thông vận tải của đất nước; là cửa ngõ của hành lang kinh tế Đông – Tây; được coi là trung tâm kinh tế, văn hóa, đối ngoại của khu vực miền Trung, thành phố Đà Nẵng là nơi tập trung nhiều tổ chức tôn giáo; do đó, có nhiều vị chức sắc và giáo phẩm, có nhiều nhà tu hành, quy tụ nhiều tín đồ. Vì thế, hoạt động lễ hội tôn giáo ở đây diễn ra rất đa dạng và phong phú.
Đặc biệt, khi đến với thành phố Đà Nẵng – một trong những thành phố đang trên đà phát triển năng động vào bậc nhất của cả nước, có lẽ không có ai lại không biết đến khu quần thể di tích và danh thắng Ngũ Hành Sơn – nơi hằng năm cứ vào ngày 19 tháng 2 âm lịch thì Lễ hội Quán Thế Âm lại diễn ra với nhiều giá trị đặc sắc.
Được ví như “hòn non bộ khổng lồ giữa lòng thành phố Đà Nẵng”, bên cạnh cảnh quan tuyệt sắc của vùng Non Nước, sự trùng hợp ngẫu nhiên của việc nơi đây đột khởi năm ngọn núi với con số 5 thể hiện năm yếu tố cấu thành vũ trụ trong triết học của người Trung Hoa, đã khiến cụm núi năm ngọn này được đặt tên là Ngũ Hành Sơn, và từng ngọn núi một cũng được đặt tên theo từng hành trong các yếu tố triết học đó: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Thổ Sơn tương ứng với Kim-Mộc-Thủy-Hỏa-Thổ.
Gắn kết với không khí nhộn nhịp của làng nghề đá Non Nước, với cảnh quan huyền bí thiêng liêng của năm tòa núi đá, một yếu tố góp phần không nhỏ vào việc đưa hình ảnh quần thể khu di tích và thắng cảnh Ngũ Hành Sơn nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung đến với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế chính là Lễ hội Quán Thế Âm. – Ngũ Hành Sơn.
1. “Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn” – Lễ hội của những giá trị văn hóa đặc sắc
Chùa Quán Thế Âm được xây dựng vào năm 1956 tọa lạc dưới ngọn núi Kim Sơn, một trong năm ngọn núi của khu quần thể di tích và danh thắng này. Ngoài việc sở hữu những tài nguyên phong cảnh hữu tình, nhất là những hang động kỳ bí, nơi đây còn được biết đến với lễ hội đặc sắc, gắn liền với tên tuổi của một vị Bồ-tát được dân gian ngưỡng vọng, đó chính là Lễ hội Quán Thế Âm. Lễ hội này đã được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1960, và lần kế tiếp vào năm 1962, đều nhân các dịp khánh thành tượng Bồ-tát Quán Thế Âm tại động Hoa Nghiêm rồi chùa Quan Âm tại động Quan Âm; tuy nhiên, do điều kiện lịch sử, nhiều năm sau đó lễ hội đã không thể tiến hành được. Mãi đến năm Tân Mùi 1991, lễ hội này mới được phục hồi. Từ đó đến nay, theo thông lệ, thường niên cứ đến ngày vía Phật Bà Quán Thế Âm, ngày 19 tháng 2 âm lịch, ngoài dân bản địa của thành phố, hàng vạn khách thập phương từ nhiều vùng trong cả nước cũng tìm đến để trẩy hội tham quan, chiêm bái những nét văn hóa đặc sắc.
Lễ hội thường kéo dài trong ba ngày, trong đó ngày 19 tháng 2 âm lịch là ngày lễ chính thức. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, có nhiều nghi lễ và hoạt động văn hóa được tổ chức trang trọng. Ngoài các nghi lễ thuần túy của Phật giáo như lễ tế Xuân cầu quốc thái dân an, lễ rước ánh sáng, lễ rước tượng Phật Bà Quán Thế Âm, còn có các hoạt động thuộc phần hội: đua thuyền trên sông Cổ Cò, trò chơi đánh cờ người, viết thư pháp, cho chữ, triển lãm nghệ thuật đá Non Nước v.v. vừa tươi vui vừa hấp dẫn, đã để lại những ấn tượng sâu sắc cho mọi du khách tham dự. Có thể nói, bất cứ ai đã từng tìm về lễ hội này cũng sẽ cảm nhận giá trị của những hoạt động đặc trưng ở lễ hội cũng như ảnh hưởng của các giá trị đó đối với sự phát triển của thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn có nhiều đổi mới hiện nay.
Trước hết là những yếu tố mang màu sắc Phật giáo. Trong phần lễ, người tham dự sẽ được hòa mình vào nghi lễ Rước Ánh sáng với ý nghĩa đề cao trí tuệ giải thoát trong đạo Phật, lễ Khai kinh tế Xuân thể hiện sự thành tâm cầu cho quốc thái dân an, lễ Trai đàn chẩn tế có mục đích cầu siêu cho thập loại chúng sinh với quan niệm âm siêu dương thái, lễ thuyết giảng về Phật Bà Quán Thế Âm đề cao lòng bi mẫn của vị Bồ-tát được quần chúng châu Á hết lòng ngưỡng vọng, lễ rước tượng Phật Bà Quán Thế Âm nói lên tinh thần biết ơn của con người trước sự gia hộ của chư Phật, chư Bồ-tát. Từ đó, người đến với lễ hội được đáp ứng về nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, được hướng tâm về nẻo thiện.
Kế đến là những yếu tố mang màu sắc dân tộc, dân gian. Cũng trong phần lễ, cùng với lễ rước tượng Đức Phật Bà Quán Thế Âm, người dự lễ còn tham gia cuộc lễ rước các vị tổ nghề đá. Bên cạnh đó, những giá trị văn hóa lịch sử của địa phương – đặc biệt là những truyền thuyết về vùng Non Nước Ngũ Hành Sơn – cũng được chuyển giao đến với du khách. Qua đó, tinh thần dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn, nhớ ơn tổ tiên, tìm về cội nguồn dân tộc lại được gợi lên trong lòng những người tham gia lễ hội.
Trong phần hội, những yếu tố dân tộc dân gian được nhấn mạnh thêm nữa. Hội đua thuyền nhắc lại cho người dự hội về truyền thống hoạt động trên sông nước của dân tộc ta, nhắc nhở ý thức bảo vệ vùng mặt nước; những hoạt động kéo co, đẩy gậy khơi gợi ý thức luyện tập về thể lực; những sinh hoạt như cho chữ, hát bài chòi, triển lãm thư pháp lại nêu cao tinh thần văn học; đặc biệt, hình thức hội trại của đoàn thể Gia đình Phật tử với những sinh hoạt cộng đồng có tác dụng xây dựng ý thức tập thể. Những giá trị đó chính là hành trang để những người tham gia lễ hội có ý thức cố gắng duy trì bản sắc văn hóa dân tộc trong quá Đến với Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn còn là đến một vị trí trung tâm đối với các di sản văn hóa thế giới đã được công nhận gồm có cố đô Huế, phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn và Rừng quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng. Vị trí đó giúp du khách có những cảm nhận về một nhu cầu đầu tư và khai thác cho có hiệu quả những giá trị và lợi thế của lễ hội, để có thể tạo nên một động lực phát huy tiềm năng du lịch của địa phương và của thành phố Đà Nẵng.
Từ khi được ghi nhận là một trong số 15 lễ hội mang tầm cỡ quốc gia, Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn đã trở thành một kênh thông tin quan trọng để quảng bá cho Đà Nẵng, tạo thành cầu nối đưa hình ảnh thành phố Đà Nẵng vươn tầm đến mọi miền đất nước và với bạn bè quốc tế.
2. Giữ gìn và phát triển Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn trong giai đoạn hiện nay là tất yếu và cần thiết
Trong xu thế hội nhập, khi nền kinh tế của đất nước không ngừng được phát triển, đời sống tinh thần của người dân được nâng cao, con người ngày càng có khuynh hướng thiên về các sinh hoạt vui chơi, giải trí, tham quan, du lịch, thì các hoạt động tại Lễ hội Quán Thế Âm có thể được coi là một hình thức tổ chức thiện xảo để hướng con người đến những giá trị tâm linh; khơi gợi nhận thức cho một nếp sống thanh cao, lành mạnh; xây dựng ý thức trở về với cội nguồn của dân tộc. Việc lễ hội nhanh chóng trở thành tâm điểm thu hút khách du lịch là điều dễ dàng được nhận thấy hiện nay; đồng thời cũng là điều cần được nắm bắt một cách nhanh nhạy để có thể có những đóng góp cho việc định hướng hoạt động nhắm đến các giá trị hướng thượng.
Gắn liền với đời sống tinh thần, các sinh hoạt thuộc về tâm linh và tín ngưỡng đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống của không ít người dân. Trong khi đó, Lễ hội Quán Thế Âm là lễ hội mang đậm dấu ấn của Phật giáo, một tôn giáo lớn của dân tộc ta, đã có mặt với người Việt từ hàng ngàn năm qua. Cho nên, về lâu dài lễ hội này sẽ vẫn chiếm giữ những ý nghĩa to lớn, có những tác động quan trọng đến đời sống xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị đặc sắc do lễ hội đem lại, đứng về phương diện khách quan, khi nhìn qua lăng kính của thực trạng xã hội, Lễ hội Quán Thế Âm trong giai đoạn hiện nay vẫn bộc lộ không ít những hạn chế, tiêu cực cần được khắc phục. Đó là các dịch vụ ăn theo như bán hàng rong, các hình thức phóng sinh chim, cá; các hoạt động in ấn, mua bán văn hóa phẩm trái phép; các dịch vụ ăn uống xuất hiện tràn lan không được quy hoạch chặt chẽ; công tác tổ chức lễ còn nhiều thiếu sót, cập rập; chưa huy động được hết nguồn lực xã hội, vẫn chủ yếu là do chính quyền bao biện trong khi nhân dân vẫn còn đứng ngoài; không gian lễ hội chật hẹp dẫn đến quá tải về số lượng khách gây ùn tắc giao thông, đi lại khó khăn.
Thời gian qua, dù lễ hội đã nhận được sự chỉ đạo và quan tâm sâu sắc của các cấp lãnh đạo và chính quyền thành phố Đà Nẵng, song so với các giá trị lịch sử văn hóa và tiềm năng vốn có của cả vùng Ngũ Hành Sơn, quy mô lễ hội vẫn chưa tương xứng với tài nguyên của mình, hiệu quả lễ hội đem đến vẫn còn hạn hẹp, các hoạt động văn hoá dù đa dạng nhưng dường như vẫn có tính lặp lại chứ chưa thực sự có sáng tạo. Trong khi đó, nằm ở vị trí trung điểm của “Con đường di sản miền Trung”, Lễ hội Quán Thế Âm-Ngũ Hành Sơn hoàn toàn có thể được đầu tư quy mô để phối hợp với các khu du lịch sinh thái đang được nâng cấp như Bà Nà, Sơn Trà, Hải Vân… cùng thu hút du khách.
Với những giá trị văn hóa đặc sắc đã được nhiều người biết đến, việc giữ gìn và phát triển Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn trong giai đoạn hiện nay không chỉ là dịp để giáo dục và nâng cao nhận thức của người dân đối với các giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy ở họ lòng tự hào dân tộc, làm cho những nét cổ truyền, “cái đẹp xưa” được sống lại; mà còn có thể tạo được một không gian văn hóa lành mạnh để nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân và tạo cơ hội cho ngành du lịch thành phố Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung, ngày càng phát triển.
Đinh Đức Hiển (website: vanhoaphatgiaoblog.com)