Nữ thần Thiên Y Ana và sự tiếp giao văn hóa tại các miếu thờ trên địa bàn quận Ngũ Hành

     Nữ thần Thiên Y Ana còn gọi là Pô Inư Nagar (tiếng Chăm gọi pô là ngài, là bà; inư là mẹ; nagar là xứ sở, đất nước hay đô thị). Bà được xem là Thần Mẹ xứ sở của người Chăm. Tuy nhiên, thật khó xác định nữ thần Thiên Y Ana được người Chăm thờ tự từ bao giờ? Cho đến nay, không còn lại những dấu tích vật chất liên quan đến nguồn gốc tín ngưỡng của người Chăm về Bà. Nhưng qua các truyền thuyết, các địa danh mang thánh tích lại cho chúng ta biết tục thờ nữ thần Thiên Y Ana dường như có mặt trên khắp lãnh thổ của vương quốc Chămpa xưa.

  1. Theo nghiên cứu của các học giả trong nước và quốc tế thì các dân tộc ở khu vực Đông Nam Á nói chung, người Việt và Chăm nói riêng thường có quan niệm về đa thần. Yếu tố tâm linh, thờ các vị thần từ miền núi đến vùng đồng bằng, hải đảo thường được thể hiện trong đời sống hằng ngày của họ. Họ hướng về những nơi như rừng sâu, núi cao, giếng nước,… và cho đó là chốn linh thiêng. Bên cạnh đó, yếu tố Mẫu cũng là một hằng số văn hóa vô cùng quan trọng, nó hiện hữu trong cuộc sống thế tục của con người mà giữa hai tộc người Việt và Chăm cũng đều mang dấu ấn đậm nét. Ở đây, chúng ta bắt gặp sự tương đồng về văn hóa của hai tộc người này trong bối cảnh chung của văn hóa dân gian Đông Nam Á, là sự giao thoa – tiếp biến văn hóa lẫn nhau.

     Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng, việc “thờ phụng Nữ thần và Mẫu thần là cái nền chung của đời sống tôn giáo tín ngưỡng của các tộc người ở Việt Nam và Đông Nam Á. Tuy nhiên, với mỗi đất nước, mỗi dân tộc, xuất phát từ môi trường tự nhiên, hoàn cảnh kinh tế – xã hội và truyền thống văn hóa thì việc thờ phụng Nữ thần, Mẫu thần và Thánh Mẫu có nét đặc thù riêng. Mẫu thần của dân tộc Chăm cũng không nằm ngoài quy luật chung đó”.(1)

  1. Khi người Việt ở vùng đồng bằng Bắc Bộ trong cuộc hành trình tiến về phương Nam mở cõi đã vào định cư trên mảnh đất Ngũ Hành Sơn. Môi trường cảnh quan mới, điều kiện giao tiếp mới đã làm cho tín ngưỡng thờ Mẫu vốn gắn liền với đời sống tín ngưỡng của họ lại có điều kiện phát triển theo chiều hướng mới mẻ hơn so với cội nguồn của nó. Bà được thờ ở rất nhiều nơi. Sự thờ cúng Bà gắn liền với tâm thức là vị thần Mẫu có chức năng cai quản đất đai, độ trì sự bình an, ban tài lộc cho con người. Tín ngưỡng thờ Bà bước đầu đã thể hiện một ý thức nhân sinh, ý thức về cội nguồn, dân tộc, lòng yêu nước, một thứ chủ nghĩa yêu nước đã được linh thiêng hóa mà Mẫu chính là biểu tượng cao nhất.(2)
  2. Thiên Y Ana được người Chăm xem là Thần Mẹ xứ sở của mình. Theo thời gian, sự biến đổi từ Mẹ xứ sở/Pô Inư Nagar của người Chăm thành bà Diễn Ngọc Phi Chúa Ngọc (hay Bà Chúa Ngọc) của người Việt để dễ dàng trong việc tiếp nhận và thờ cúng, cũng như cầu mong, nguyện ước. Dưới thời nhà Nguyễn, Bà được phong tặng danh xưng bằng mỹ tự: “Hồng Nhân Phổ Tế, Linh Cảm Diệu Thông Mặc Tướng Trang Huy Dực Bảo Trung Hưng Thượng Đẳng Thần”.

      Cho đến nay, có nhiều truyền thuyết khác nhau về sự tích của Bà. Chuyện về nữ thần Thiên Y Ana của người Chăm được Phan Thanh Giản ghi lại vào năm 1856, và các quan địa phương đã khắc truyền thuyết đó lên bia đá, dựng ở Tháp Bà (Nha Trang – Khánh Hòa). Sau này, sự tích về Bà được chép trong Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn:

      “Tương truyền Thiên Y là một nàng Tiên, ban đầu giáng xuống núi Đại Điền. Thuở ấy có hai vợ chồng ông già ở sườn núi, trồng dưa để sinh sống. Khi dưa chín thường bị hái trộm, ông lấy làm lạ để ý rình. Một đêm nọ, ông thấy một cô gái, độ 13, 14 tuổi từ bóng cây khoan thai đi đến, cầm dưa vần chơi ở dưới bóng trăng. Ông đón lại gạn hỏi, thì ra chính là người đã hái trộm dưa hôm trước. Ông thương cô gái còn nhỏ  nhưng rất xinh bèn đem về nuôi. Cô gái dịu dàng tha thướt, là người của trời sinh nên hai ông bà rất thương yêu. Ngày nọ, mưa lũ bỗng tràn đến, cô gái sực nhớ phong cảnh cũ ở núi Tam Thần, liền kiếm cây hoa, chất mảnh đá đắp làm núi giả để chơi. Ông già thấy vậy, bực tức la mắng. Đang lúc cô gái oán hận thì có cây già nam trôi theo nước lũ đến đó, bèn biến hình nhập vào thân cây ấy, rồi trôi theo nước lũ giạt vào bờ biển phương Bắc. Người phương ấy thấy cây thơm lạ, rủ nhau khiêng về nhà, nhưng nặng quá không nhấc lên nổi. Lúc bấy giờ, vị Thái tử nước ấy nghe nói, bèn đến bờ biển xem, rồi xuống vớt cây nâng lên tay, đem về để nơi điện các.

      Thái tử khi ấy vừa 20 tuổi, chưa có vợ, thường ngày đến vỗ về thân cây, trong lòng bồi hồi vơ vấn. Có khi chợt thấy bóng trắng thoang thoảng mùi thơm, trông lờ mờ như có người đi thoáng đến, nhiều lần như thế, trong lòng lấy làm lạ. Đêm nọ, sau khi mọi người đều yên giấc, Thái tử đi đến chỗ cũ rình xem thì cũng lại thấy như đêm hôm trước, liền đi sát đến tận nơi, thì ra là một cô gái đẹp. Nàng hoảng hốt muốn chạy trốn, nhưng bị Thái tử giữ lại gạn hỏi, không thoát thân được, cô đành phải kể lại duyên cớ. Thái tử nửa sợ nửa mừng, tâu lên vua cha. Vua sai bói được quẻ tốt, bèn cho cùng nhau kết hôn. Vợ chồng ăn ở với nhau được ít lâu, sinh được một con trai đặt tên là Tri, và một con gái tên là Qui.

    Một hôm bà nhớ nơi ở cũ, bèn dắt con trai con gái nhập vào cây gỗ hương, vượt biển theo hướng Nam, thẳng đến cửa biển Cù Huân, rồi tìm về chỗ cũ tại ven núi Đại Điền. Đến nơi thì hai ông bà trồng dưa đã mất rồi, bà bèn lập đền tại chỗ ấy để phụng thờ.

    Thấy dân làng ở vùng này khờ dại thật thà không biết việc sinh nhai và phòng hoạn nạn, bà bèn dạy cho họ những phép tắc và bày cho cách làm ăn. Bà lại cho đục đá ở núi Cù Lao làm bức tượng truyền thần, rồi đương lúc ban ngày, bay lên trời đi mất.

    Sau khi bà về Nam, Thái tử ở Bắc Hải không biết bà đi đâu, bèn sai người đáp thuyền đi tìm. Khi bọn này đến Cù Huân, thì giở giọng hách dịch hà hiếp dân sở tại và không kính trọng tượng Thần. Tức thì, thình lình nổi trận cuồng phong làm cho chiếc thuyền chở bọn đó bị lật úp xuống, hóa thành một đống đá to.

    Từ đấy về sau, bà càng hiển linh. Có khi cưỡi voi trắng đi dạo trên đỉnh núi. Mỗi khi bà xuất hiện, nghe trong núi có ba tiếng nổ vang như súng lớn; có khi bà hiện hình như giải lụa bay giữa không trung; lại có khi bà cưỡi sấu qua lại trong vùng đảo Yên núi Cù. Dân địa phương ngưỡng vọng, cho là Thần, có cầu khẩn việc gì thường được ứng nghiệm, bèn xây hai ngọn tháp trên núi Cù Lao… Người Chiêm Thành gọi bà là Ana Diễn Bà Chúa Ngọc Thánh Phi. Buổi đầu triều ta, phong tặng bà là Hồng Nhân Phổ Tế Linh Ứng Thượng Đẳng Thần”.(3)

      Tuy nhiên, truyền thuyết về Bà được Phan Thanh Giản ghi lại như trên thông qua lời kể của người dân Việt được nhiều người cho rằng, đó có thể là dị bản từ một câu chuyện truyền thuyết khác về nàng Mưjưk hiện còn lưu truyền trong người Chăm ở vùng Ninh Thuận và Bình Thuận như sau:

      “Ngày xưa tại núi Lănggari thuộc xứ Nha Trang, có vợ chồng nhà nọ, ăn ở phúc đức, nhưng hiềm một nỗi, đến cuối đời vẫn không sinh được một mụn con cho vui cửa vui nhà.

      Năm ấy, vợ chồng già trồng được một rẫy dưa rất nhiều quả. Đêm rằm tháng bảy, một cô gái, nhan sắc tuyệt trần, tuổi chừng mười sáu, không biết từ đâu, đi vào rẫy dưa. Nàng điềm nhiên hái những trái dưa tốt rồi tung lên trời làm trò chơi. Sáng hôm sau, vợ chồng ông già vào thăm rẫy thì thấy dấu chân người và những trái dưa rớt lung tung. Ông bà ngạc nhiên. Liền ba đêm liền như vậy. Đêm thứ tư, ông bà quyết định bắt cho được kẻ phá dưa. Vào khoảng nửa đêm, bỗng họ thấy một nàng tiên trên trời bay xuống hái dưa tung chơi. Vợ chồng ông già vừa sợ, vừa mừng. Họ nhủ thầm: có lẽ trời thương cảnh già hiu quạnh nên cho tiên nữ xuống đây. Thế rồi ông bà cùng chạy ra ôm cô gái và nói cho cô biết ý muốn của mình. Cô gái vui lòng ở lại và nhận ông bà làm cha mẹ nuôi. Ông bà yêu cô gái như con đẻ, và đặt tên nàng là Mưjưk.

      Phía nam nhà ông bà già, có một con sông lớn chảy ra biển. Ngày ngày nàng Mưjưk thường ra sông tắm. Một hôm nàng thấy một cây trầm hương lớn độ một ôm, dài chừng ba sải đang lập lờ trôi theo dòng sông. Nàng liền bám vào cây trầm để tập bơi. Đột nhiên, một con sóng lớn ập tới, kéo cây trầm cùng nàng ra biển.

      Tại một xứ nọ, dân chúng đang làm ăn yên ổn, bỗng dưng bị hạn hán liên miên. Đồng ruộng trở nên khô cằn, xóm làng tiêu điều. Nhà vua và triều đình cho lập đền cầu mưa, nhưng vẫn không có mưa. Các nhà thông thái cũng bó tay, không hiểu vì sao mà suốt bảy năm trời hạn hán liên miên như vậy. Bỗng một đạo sĩ tâu với vua: ngoài cửa biển có một cây trầm hương từ phương xa dạt vào. Muốn hết hạn phải vớt cây trầm hương đó lên.

      Lập tức, cả ngàn người được gọi ra cửa biển. Nhưng họ không tài nào kéo được cây trầm hương lên. Chuyện cây trầm kỳ lạ lọt đến tai Thái tử. Chàng tới bờ biển và thử kéo cây trầm lên. Lạ thay, cây trầm trở nên nhẹ bỗng và Thái tử vác cây trầm về cung. Từ khi cây trầm được vớt lên thì mưa thuận, gió hòa, nhân dân no đủ. Nhưng Thái tử thì lại đổ bệnh, quên ăn, mất ngủ. Đêm đêm chàng ngồi canh cây trầm. Và lập tức từ trong cây trầm phát ra tiếng kèn, tiếng sáo du dương.

      Một đêm trăng sáng, như thường lệ, Thái tử lại một mình ngồi bên cây trầm. Bỗng một nàng tiên xinh đẹp từ cây trầm bước ra. Thái tử hỏi nàng là ai? Nàng e thẹn đáp: ‘Nhà em ở xa lắm. Vì mải chơi nên em trôi dạt đến đây. Cha mẹ vẫn gọi em là Mưjưk’. Từ hôm đó Thái tử không còn u sầu nữa. Một hôm thái tử ướm lời muốn được cùng Mưjưk kết tóc se tơ. Nàng lắc đầu: ‘Em chẳng dám nhận lời, vì xa quê, xa cha mẹ, còn chàng lại là Thái tử. Nếu chàng thật lòng yêu em thì phải được vua cha và mẫu hậu thuận tình’. Thái tử vui sướng gặp vua cha ngay. Nghe Thái tử nói, nhà vua vô cùng phẫn nộ và truyền rằng: ‘ta đường đường là một bậc vua, há lại đi cưới cho con ta một đứa con gái không cha không mẹ ư?’. Lời của vua cha làm chàng rất buồn. Từ đó chàng như người mất trí, cứ đêm đến chàng lại lén ra ngồi bên cây trầm âu sầu than thở. Thấy vậy vua và hoàng hậu cho mời các danh y tới chữa bệnh cho chàng. Nhưng bệnh của chàng mỗi ngày một nặng thêm. Sực nhớ tới vị đạo sĩ, người đã phát hiện ra cây trầm dạo nào, vua cho đón ông ta tới và hỏi nguyên nhân bệnh tật của Thái tử. Vị đạo sĩ tâu: ‘Bệnh của Thái tử không thuốc gì chữa nổi. Số là Thái tử và nàng tiên cây trầm hương có duyên nợ từ kiếp trước. Nàng tiên ấy chính là con của thượng đế được sai xuống nước Chiêm Thành. Muốn cho Thái tử khỏi bệnh chỉ có cách cho hai người được kết duyên”. Không còn cách nào khác vua bèn cho họ kết duyên. Tiệc cưới được tổ chức suốt một trăm ngày liền. Sau sáu năm chung sống với nhau, họ sinh được hai người con trai khôi ngô tuấn tú.

        Thấy chồng luôn đem quân đi cướp phá các nơi, nàng Mưjưk cố can ngăn nhưng không được. Một đêm, nàng biến mình vào cây trầm rồi bay về quê hương xứ sở. Về tới nơi, nàng dạy dân cày bừa, dệt vải, xây thành đắp lũy rồi tự xưng là Pô Inư Nưgar.

      Được tin nàng Mưjưk đã bỏ về quê cũ và làm vua nơi ấy, Thái tử vô cùng tức giận và quyết định cùng hai con đi gọi nàng về. Hôm đó, nhìn thấy một chiếc thuyền lạ tiến vào cửa biển Nha Trang, nàng Mưjưk biết ngay là người chồng tàn bạo của mình đã đến. Lập tức nàng làm cho giông tố nổi lên, nhấn chìm chiếc thuyền xuống đáy biển. Thái tử và hai người con biến thành ba tảng đá. Ngày nay tại cửa biển Nha Trang vẫn còn dấu vết của những tảng đá đó”.(4)

      Ngoài ra, còn có nhiều truyền thuyết khác về nữ thần Thiên Y Ana, chẳng hạn người Chăm cho rằng: “Pô Inư Nagar là một nữ thần do ánh mây và bọt nước biển biến sanh. Bà sinh ra với một tấm thân cân đối, một khuôn mặt xinh đẹp tuyệt vời và chói rọi hào quang. Bà sinh ra tận ngoài biển khơi. Nước biển dâng cao đưa bà vào bến Yjatran. Sấm trời và gió hương nổi dậy báo cho muôn loài biết tin Bà giáng thế. Liền đó những khe suối trên nguồn dồn lại thành sông chảy xuống mừng Bà, và núi hạ mình thấp xuống để đón rước Bà. Bà bước lên bờ. Cây cong cành xuống sát đất để tỏ lòng thần phục. Chim muông kéo nhau đến chầu hai bên đàng. Và hoa cỏ vươn lên để điểm hương vào bước chân Bà đi. Nơi hậu cung bà có 97 ông chồng. Nhưng chỉ có ông Pô Yan Amư là có uy quyền và được trọng vọng hơn cả. Bà sanh được 38 nữ thần, người nào cũng xinh đẹp. Song chỉ có ba người được Bà ban cho nhiều quyền phép là Pô Nogar Dara, Rarai Anaih, nữ thần vùng Phan Rang và Pô Bia Tikuk, nữ thần vùng Phan Thiết”. Chính vì vậy mà trong một bài hát của người Chăm đối với vị thần Mẹ xứ sở của mình đã ca ngợi: “Thần có tên là Pô Yan Inư Nưgar Taha, nữ thần vĩ đại của xứ sở. Thần có tên nữa là Muk Juk (Bà Đen), là Patao Kumây (chúa tể của phụ nữ). Thần sinh ra từ mây và bọt biển. Thần có 97 chồng, mà nổi tiếng nhất là Pô Yan Amư (ngài thần cha). Thần sinh ra 38 con gái. Thần sinh ra cây lúa, phù hộ cho những người làm ruộng”.(5)

      Ngày nay, khi ca ngợi công đức của Thiên Y Ana, những thầy cúng ở làng Hữu Đức, tỉnh Ninh Thuận hát về Bà như sau: “Ngài là nữ thần Mẹ của đất nước. Ngài tạo lập cả vùng đất này cho cây cối và rừng gỗ quý sinh sôi. Ngài tạo ra cây lúa và dạy dân trồng lúa. Thượng đế trên trời cao ngửi thấy hương thơm của lúa lẫn hương thơm của gỗ trầm mà người dưới trần dâng lễ. Rồi Pô Yan Inư Nagar mới dâng lên trời một hạt lúa có cánh trắng như mây. Thượng đế gieo hạt lúa ấy xuống để làm ra tất cả mọi giống lúa. Tuy các giống lúa có khác nhau, nhưng ruột thì hoàn toàn như nhau. Nữ thần Mẹ ghét những người độc ác và giúp đỡ những người hiền lành. Lễ cúng Ngài tôi dâng trên hai tay nâng cao”.

      Từ đó có thể nói rằng, nữ thần Thiên Y Ana là vị nữ thần bản địa có vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người Chăm. Trải dài theo thời gian, vị nữ thần người Chăm đã có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống tâm linh của người Việt trên vùng đất mới. Giữa họ có sự giao thoa, tiếp nhận qua lại giữa các yếu tố văn hóa phù hợp giữa hai tộc người Việt – Chăm, Chăm – Việt cho dù những vùng đất mà sau này khi người Chăm rút dần vào phía Nam, người Việt đến khai phá vẫn bảo lưu những tín ngưỡng văn hóa dân gian của họ và được Việt hóa, thể hiện sự thờ kính, giữ gìn, tôn trọng sự linh thiêng của thần, trong đó có quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

  1. Qua kết quả khảo sát, bước đầu chúng tôi phát hiện trên địa bàn 4 phường Hòa Hải, Mỹ An, Khuê Mỹ và Hòa Quý thuộc quận Ngũ Hành Sơn còn hiện diện 69 ngôi miếu thờ thần, trong đó 8 ngôi miếu thờ Bà Chúa Ngọc và Bà Chúa Lồi6 như: miếu Bà Chúa Ngọc làng Hóa Sơn, phường Hòa Hải; miếu Bà Chúa Ngọc, tổ 1A, làng Sơn Thủy, phường Hòa Hải; miếu Bà Chúa Lồi nằm bên cạnh miếu Bà Chúa Ngọc ở tổ 1A, làng Sơn Thủy, phường Hòa Hải; miếu Bà Chúa Ngọc, tổ 91, phường Khuê Mỹ; miếu Bà Chúa Lồi ở tổ 18, phường Mỹ An; miếu Bà Chúa Ngọc, miếu Bà Chúa Lồi trong động Huyền Không, và miếu Bà Chúa Ngọc trong động Tàng Chơn, thuộc Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, phường Hòa Hải.

      Có thể nói, Bà Chúa Ngọc là danh xưng phổ biến của nữ thần Thiên Y Ana được người dân ở khu vực Ngũ Hành Sơn dùng để gọi tên vị nữ thần trong các miếu thờ của mình. Tên của Bà thường dùng để gọi tên của ngôi miếu. Bà được người dân ở đây quan niệm là Mẹ Đất, có lúc lại đồng nhất Bà với trời, đôi khi người ta lại gán cho Bà là một con người bằng xương bằng thịt ở trong làng, vì một lý do nào đó mà qua đời, sau này có công trong việc phò trợ, giúp đỡ nhân dân. Việc thờ phụng Bà Mẹ Đất đối với cư dân Ngũ Hành Sơn từ thuở khai hoang lập ấp đến nay thường mang hai ý nghĩa, một mặt họ quan niệm “Mẹ” là yếu tố âm, gắn với đất, để đối đãi với “Cha” mang tính dương, gắn với trời. Đó là quan niệm mang tính phổ quát trong quan niệm của người phương Đông và người Việt. Mặc khác, đối với vùng đất Ngũ Hành Sơn khi người Việt mới đặt chân tới, thì bà Mẹ Đất ở đây có nghĩa là vị Thần Đất của người dân bản địa thuở trước (người Chăm). Do vậy, thờ vị thần của cư dân bản địa để cầu mong sự che chở, phù hộ thì đó cũng là quan niệm truyền thống của những di dân người Việt trên bước đường Nam tiến.

      Trong một sắc phong của vua Minh Mạng cho xã Hóa Khuê Đông đã ca ngợi công đức của Bà: “Sắc tặng vị nữ thần Thiên Y Ana Diễn Phi Chúa Ngọc là bậc thần có công phò nước giúp dân, công đức rất sáng rõ, đã được xã dân phụng thờ. Từ khi đức Thế tổ Cao hoàng đế ta thống nhất bờ cõi, mang lại hạnh phúc cho cả thần linh và con người. Nay ta vâng nối nghiệp lớn lên nối ngôi, chạnh nghĩ đến đức tốt của các bậc thần linh, nên trân trọng nêu lên những danh hiệu quý, để gia tặng ngài danh hiệu: Hồng Nhân Phổ Tế Linh Cảm đứng ở bậc Thượng đẳng thần, (nhưng có lẽ nên dịch là “vẫn”, nhưng là âm Hán Việt, vô tình vào đây trùng với âm “nhưng” – liên từ của tiếng Việt, lại khác nghĩa đi) chuẩn cho xã Hóa Khuê Đông, huyện Diên Phước được phụng thờ như cũ. Ngài hãy vừa giúp bảo hộ cho đám dân đen của ta. Hãy kính cẩn vâng mệnh. Ngày mười một, tháng hai, năm Minh Mạng thứ hai”.

      Cư dân nơi đây không còn nhớ rõ các truyền thuyết về Bà. Khi chúng tôi phỏng vấn thì họ chỉ cho biết: “Bà linh lắm, Bà là Mẹ xứ sở”. Cá biệt như làng Sơn Thủy thì lưu truyền về gốc tích của Bà như sau: “Bà tên gì thì họ cũng không nhớ, chỉ nghe những người đời trước kể rằng, Bà là một người phụ nữ sống ở trong làng, nhưng vì gia đình nghèo khó, trong một lúc túng quẫn Bà đã đi trộm khoai và bị dân làng bắt được đánh Bà, không may Bà chết. Từ đó Bà thường hiển linh về phá xóm, phá làng. Đến khi lập miếu thờ Bà thì nhân dân trong làng mới được yên ổn làm ăn và được Bà độ trì cho. Dưới thời Minh Mạng, Bà đã được sắc phong”. Qua câu chuyện trên, thực hư chưa rõ, nhưng có thể người đời sau không biết gốc tích về Bà nên đã “mượn” hình ảnh của một người trong làng để đề cập đến Bà chăng? Nhưng vào những thập niên đầu của thế kỷ XX bác sỹ Albert Sallet đã cho biết về sự linh ứng của Bà: “Người làng Quán Khái nói rằng, nhiều biểu hiện tương tự được lặp lại, đôi khi tại nhà người giữ sắc phong. Người ta thuật về Bà: Một đứa trẻ làm tổn hại đến chùa Tam Thai, ăn trộm trong hộp trầu của các bàn thờ. Nó bị phạt lập tức, bất động không cựa quậy gì được, người không một chút sinh khí, bất lực hoàn toàn dù chỉ là một cử động nhỏ, như thể có sợi dây vô hình trói buộc. Bà Ngọc sai âm binh bộ hạ, và những kẻ khuất mặt này trừng phạt đứa bé ăn trộm, tiếp ngay sau đó Bà đã cởi trói khi người ta chạy đến cầu khẩn trước bàn thờ Bà. Cái hộp sắc được giữ nơi làng Quán Khái”.(7)

      Qua khảo sát miếu thờ Bà trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, chúng tôi thấy phần lớn các ngôi miếu đều có kích thước nhỏ. Chúng tọa lạc trong các hang động và tựa lưng vào vách đá (như ở động Huyền Không, động Tàng Chơn) hoặc trên một đồi cát cao (ở phường Mỹ An), hay nằm bên triền sông (ở Hóa Sơn),… Phần lớn kiến trúc được xây dựng khá đơn giản, kiểu mái vòm và có một gian thờ. Những ngôi miếu này thông thường chỉ cao khoảng 3 m. Chỉ có miếu Bà Chúa Lồi ở phường Mỹ An được xây dựng với quy mô rộng lớn, chia thành ba gian thờ.

      Những đồ án trang trí chủ yếu hiện nay ở trong các miếu thường là đồ án tứ linh (lân, ly, quy, phượng), tứ quý (mai, lan, cúc, trúc), quả đào, quả lựu, quả phật thủ, hoa sen, chim hạc,… Ngoài ra, trên các bức tường bên trong gian thờ thường vẽ phong cảnh của danh thắng Ngũ Hành Sơn bằng sơn màu rất sống động. Tuy nhiên, đồ án chủ đạo trang trí trong các ngôi miếu vẫn là chim phượng, bởi chim phượng là tượng trưng cho hoàng hậu, cho giới nữ nên được trang trí trên các miếu thờ nữ thần Thiên Y Ana.

      Đặc biệt, trong miếu còn trang trí nhiều câu đối chữ Hán, nhằm ca ngợi, suy tôn  công đức của Bà như: 廟祀女神風色四 / 名尊玉主御金山: Miếu tự nữ thần phong sắc tứ / Danh tôn Ngọc chúa ngự Kim Sơn (Miếu thờ bà nữ thần được ban sắc tứ8 / Được tôn danh là Bà Chúa Ngọc ngự trị ở Kim Sơn). Hay: 枑國封文彰聖德 / 庇民加贈顯神功: Hộ quốc phong văn chương thánh đức / Tí dân gia tặng hiển thần công (Phò nước nhận phong thánh đức sáng ngời / Giúp dân lĩnh tặng thần công linh hiển).(8)

      Trong 8 ngôi miếu thờ Bà ở Ngũ Hành Sơn thì có đến 6 nơi có linh tượng Bà như: miếu Bà Chúa Ngọc làng Hóa Sơn (Hòa Hải); miếu Thiên Y Ana làng Sơn Thủy (Hòa Hải); miếu Bà Chúa Lồi nằm bên cạnh miếu Bà Chúa Ngọc ở làng Sơn Thủy (Hòa Hải); miếu Bà Chúa Ngọc và miếu Bà Chúa Lồi trong động Huyền Không; và ngôi miếu trong động Tàng Chơn thuộc Khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn (Hòa Hải), hai ngôi miếu còn lại không thờ tượng Bà:

– Miếu Bà Chúa Ngọc ở làng Sơn Thủy, tổ 1A, phường Hòa Hải: Tượng thờ được chế tác bằng đất nung, cao 80 cm, đế làm bằng đá cao 25 cm. Tượng của Bà thể hiện vị nữ thần trong tư thế ngồi trên ngai, đầu đội mũ, khuôn mặt tròn, hiền lành phúc hậu. Bên ngoài được choàng 7 lớp áo với ba màu sắc chủ đạo là vàng, hồng, xanh.

– Miếu Bà Chúa Lồi ở làng Sơn Thủy, tổ 1A, phường Hòa Hải: Tượng thờ bà được làm bằng đất nung cao 34 cm, đế cũng làm bằng đất nung cao 6 cm. Tượng thể hiện người phụ nữ đang ngồi trên ngai, đầu đội mũ, bên ngoài được choàng 7 lớp áo với ba màu sắc chủ đạo là vàng, hồng, xanh. So với toàn bộ những tượng thờ Bà trong các miếu ở quận Ngũ Hành Sơn thì pho tượng này mang đặc điểm nhân chủng Chăm rõ nhất, như tóc xoăn, môi dày,…

– Lăng Bà Chúa ở làng Hóa Sơn, phường Hòa Hải: Tượng có chiều cao 45 cm, chiều ngang là 22 cm, được làm bằng sành sứ tráng men trắng, đang ngồi trên ngai, khuôn mặt hiền lành, phúc hậu. Tượng Bà được choàng một tấm choàng bằng kim tuyến màu vàng từ đầu đến chân, đặt trong khung kiếng.

– Miếu thờ Bà Chúa Ngọc trong động Huyền Không: Tượng thể hiện Bà trong tư thế ngồi, đầu đội mũ hình chóp, bên ngoài khoát áo màu xanh lá cây, trên áo đính những viên ngọc nhiều màu. Bác sỹ Albert Sallet đã miêu tả về tượng Bà như sau: “Vị thần tiếp đó núp trong một cái miễu nguyên là công trình của một góc núi đá cẩm thạch. Đó là chỗ thờ dung nạp một cái khám được viền quanh bằng vôi nề, một nhân vật được phủ dạ ngồi đấy, tráng một lớp son với nhiều màu sắc chỏi nhau, phơi bày một cách ác liệt, tất cả các chi tiết điêu khắc đều chìm nghỉm, những cảm tưởng biến mất và không có sự sống. Hai trái tai to tướng của hai tai trĩu xuống, tóc dường như dựng đứng lên, thế ngồi theo phong cách Ấn Độ, tượng bằng đá: đó là Bà Ngọc Phi, vết tích tín ngưỡng xưa của người Chàm, nguyên thủy được sùng bái, tôn sùng theo một nền văn hóa vốn dĩ khác biệt. Đó là vị thần hảo tâm có nhiều cảm ứng hiển hiện mà những sự phán xét có lẽ được chấp nhận nhiều hơn, và nhất là cự tuyệt những lời thề giả dối, vị lương thần có nhiều biểu hiện quyền năng, Bà ban ân huệ và hiển linh. Dân chúng thường gọi là Bà Chúa Ngọc, và họ kể về bà nhiều chuyện thị chứng và quyền lực của Bà”.(9)

– Miếu thờ Bà Chúa Lồi trong động Huyền Không: Trên miếu Bà có ghi ba chữ Hán là Linh Sơn Tự (靈山寺). Trong cuốn Ngũ Hành Sơn có đoạn miêu tả: “Ở góc khác, trên bức tường đá bên phải, đối diện với Bà Ngọc, đặt cái tẩm nhỏ thờ Bà Lồi Phi với những hành động trái ngược ban ơn của Bà Ngọc: ghim sự việc trong bụng, rầy rà, Bà tỏ ra dịu xuống với những ai đến quỳ lạy van xin. Nhưng Bà kém được tôn vinh và người ta cũng ít nói về Bà. Hình như có một lần Bà được sắc phong là thần, mới đây thôi, niên hiệu triều Duy Tân. Làng Hóa Quê giữ phần việc thờ cúng Bà Lồi, và cuộc lễ tiến hành như lễ Bà Ngọc Phi của làng Quán Khái. Hai cuộc lễ ấy cùng xảy ra một ngày, và cùng thời điểm như nhau”.(10)

– Miếu thờ Bà Chúa Ngọc ở động Tàng Chơn: Trong động Tàng Chơn vốn dĩ phối thờ nhiều vị thần như Thái Thượng Lão Quân, Bát Tiên và còn có tượng thờ Bà. So với các pho tượng trong động thì tượng Bà tạc “bằng đá, nhưng cấu tạo đặc biệt hơn. Kích thước mạnh hơn; nhân vật ngồi theo kiểu Ấn Độ, với trái tai treo cao mà người ta ngờ rằng là quá cao, cuối cùng mặc dù có lớp sơn và quang dầu, dưới những mảnh lưu dấu, người ta phát hiện đường nét xưa của tượng Chàm; đó là di tích thể hiện cá tính của tiên ‘Thiên Y Ana chúa Ngọc’ hay ‘Bà Ngọc’ là tên gọi biến danh từ nguyên thể gốc”.(11)

   Ngày nay, những ngôi miếu thờ Bà trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn không còn vẻ cổ kính nữa, bởi trải qua nhiều năm tháng, thời gian, chiến tranh, bom đạn của kẻ thù tàn phá vùng đất này nên những di tích miếu thờ cũng chịu chung số phận bị hủy diệt, chỉ có hai ngôi miếu ở trong động Huyền Không, một ngôi miếu trong động Tàng Chơn và một ở phường Khuê Mỹ là còn giữ được những dấu ấn kiến trúc cổ như mái lợp ngói âm dương, được khắc các họa tiết trang trí cổ kính.

      Có thể nói, hình tượng Thiên Y Ana đã được Việt hóa theo cách ứng xử của người Việt ở Ngũ Hành Sơn, chỉ có tượng Bà Chúa Lồi ở Sơn Thủy và tượng Bà Chúa Ngọc ở động Tàng Chơn thuộc phường Hòa Hải còn mang phong cách nhân chủng Chăm, còn lại một vài nơi người ta dùng chất liệu màu sơn kẻ lại hình tướng các tượng thờ đặt bên trong miếu Bà, và trước hình tướng của vị nữ thần, người Việt đặt một bát/nồi hương và thực hiện nghi lễ theo cách riêng của mình. Đây chính là sự Việt hóa, tiếp biến văn hóa tín ngưỡng dân gian xảy ra ngay từ khi người Việt ở Ngũ Hành Sơn đặt bước chân của mình vào vùng đất phương Nam nắng gió này khai cơ lập nghiệp.

      Hàng năm, các ngôi miếu có liên quan đến nữ thần Thiên Y Ana thường được người dân địa phương tiến hành cúng tế thành kính theo nghi lễ tế thần truyền thống vào dịp Xuân Thu nhị kỳ. Còn lễ cúng Bà tại động Huyền Không được tổ chức vào ngày 25 tháng giêng âm lịch. Phần nghi lễ tế Bà trong các lễ cúng thường giống nhau, gồm: Lễ tế Âm linh, Lễ Cáo, Lễ Chánh. Ba năm một lần người ta tổ chức đại lễ. Lễ vật dâng cúng gồm hương hoa, áo giấy, đồ ăn chay và đồ ăn mặn, có nơi thì cúng heo quay, có làng thì cúng cả con bê. Trước đây dâng lễ thì có đồng tử đội mâm lăn lộn nhiều vòng vào miếu (lăng) dâng lễ. Nhưng ngày nay, với phong trào xây dựng đời sống văn hóa mới thì hình thức dâng lễ trước kia được bãi bỏ, thay vào đó chỉ dâng lễ một cách đơn giản do ông chánh tế thực hiện: sau khi tẩy uế, xin keo thì dâng lần lượt từng mâm lên bàn thờ.

      Vào ngày lễ, nhân dân tập trung đông đủ tại miếu và cùng chuẩn bị các đồ lễ dâng lên Bà. Trong ngày này, họ đến đây để tỏ lòng kính nhớ tới Bà và cầu an, cầu Bà giúp cho “quốc thái dân an, phong điều vũ thuận”, mùa màng bội thu, công việc làm ăn được hanh thông, thuận lợi. Luôn luôn trong các cuộc lễ, hương đèn được thắp sáng lên trên bàn thờ của Bà thường kéo dài, những tàn đỏ lửa vung vãi đầy tia sáng và hiện tượng được chấp nhận có lợi khi những bằng sắc của bà được người ta đem đến dâng cúng. (12)

      Như vậy, trải qua nhiều thế kỷ tồn tại đến nay, Thiên Y Ana là vị nữ thần có vai trò quan trọng trong đời sống tôn giáo tín ngưỡng của người Chăm, Bà không chỉ được người Chăm thờ tự, mà ngay cả người Việt trên bước đường Nam tiến đã tiếp nhận. Vị nữ thần đầy quyền năng, siêu việt, cứu giúp người dân, giúp họ vượt qua những khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống thực tại. Niềm tin về Bà đã được thần thánh hóa, thêu dệt lên những truyền thuyết, những huyền thoại về sự hóa thân, cứu rỗi con người, để rồi đến nay, hình tượng cũng như sự cứu độ của Bà vẫn được người dân Ngũ Hành Sơn tôn kính phụng thờ.

      Có thể nói, tín ngưỡng thờ Thiên Y Ana của cộng đồng cư dân người Việt trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn là bộ phận quan trọng, chủ đạo, là một tổng thể văn hóa và là những di sản quý báu trong đời sống văn hóa của cư dân Đà Nẵng suốt bao thế kỷ qua. Thông qua hình thức thờ Thiên Y Ana, phần nào đã phản chiếu được quá trình phát triển, đời sống kinh tế – xã hội của cộng đồng cư dân nơi đây từ thuở khai hoang lập ấp cho đến ngày nay. Nó còn biểu hiện của quá trình giao lưu và dung nạp văn hóa giữa cộng đồng các tộc người đang sinh sống trên mảnh đất Đà Nẵng.

      Ngày nay, cần mở rộng việc nghiên cứu và bảo tồn tín ngưỡng thờ Thiên Y Ana ở Ngũ Hành Sơn trong quá trình đô thị hóa như hiện nay là một việc làm cần thiết. Đây không chỉ là một gạch nối giữa con người và thần linh, giữa con người với con người, giữa truyền thống và hiện tại mà còn là cơ sở cho sự tiếp tục gắn bó của các cộng đồng cư dân đang sinh sống trên mảnh đất Ngũ Hành Sơn.

  1. Ngô Đức Thịnh. Đạo Mẫu Việt Nam. (Hà Nội: Tôn giáo, 2010), 125.
  2. Ngô Đức Thịnh. Sđd, 137.
  3. Quốc Sử quán triều Nguyễn. Đại Nam nhất thống chí.Tập 1.(Hà Nội: Lao động – Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2012), 644 – 646.
  4. Ngô Văn Doanh. Tháp cổ Chămpa – Sự thật và huyền thoại. (Hà Nội: Văn hóa – Thông tin, 1994), 145.
  5. Ngô Văn Doanh. Sđd, 154 – 157.
  6. Bà Chúa Lồi còn có tên là Giàng Lồi, Lồi Phi.Một số người cho rằng, Bà Chúa Ngọc và Bà Chúa Lồi là hai chị em. Chẳng hạn, bác sỹ Albert Sallet cho rằng: “Hai Bà Thiên Phi này, có thể là hai chị em, không chỉ có cùng một hành động và tôn vinh mà có một nguồn gốc rõ ràng, minh bạch về trạng thái giống nhau của hai nhân vật bằng đá, mặc dầu những nét cương nghị của họ trên bề mặt đã bị sửa sang lại. Như Bà Ngọc, Bà Lồi Phi có thể là xuất xứ Chàm, cả hai Bà đều được chuyển từ những tẩm thờ cũ xưa, người An Nam do có tính xuê xoa dễ dung nạp, đem theo về động này để thờ”. Nhiều người khác lại cho cho rằng, Bà Chúa Ngọc và Bà Chúa Lồi đều là hóa thân của nữ thần Thiên Y Ana, bởi trên mảnh đất miền Trung, hầu như nơi nào có vết tích của nền văn hóa Chămpa thì thường có những hóa thân của Thiên Y Ana hiện diện rất nhiều như Bà Bô Bô, Chúa Yàng,…
  7. Albert Sallet. Ngũ Hành Sơn (bản dịch của Nguyễn Sinh Duy). (Đà Nẵng: Đà Nẵng, 1996), 126.
  8. Tuy nhiên, chúng ta cần chú ý rằng, trong câu đối này, vế thứ nhất viết nhầm ba chữ cuối là Phong Sắc Tứ. Ở đây, người ta viết Phong  風: có nghĩa là gió chứ không phải là phong tặng, viết đúng phải là Phong 封; Sắc không phải là Sắc 色 mà phải là sắc phong 敕; còn Tứ không phải là số 4 四 mà là Tứ: ban tặng 賜.
  9. Albert Sallet. Sđd, 126.
  10. Albert Sallet. Sđd, 127-128.
  11. Albert Sallet. Sđd, 103 nt.

     Đinh Thị Trang (Tạp chí Non Nước)