Ngũ Hành Sơn là di sản thiên nhiên, là “của trời cho”, đồng thời cũng là di sản văn hóa và hơn thế nữa – là biểu tượng văn hóa của người Quảng. Ngũ Hành Sơn là tên gọi mà vua Minh Mạng đặt cho cả cụm núi 6 ngọn ở ven bờ Biển Đông này, cùng với các tên Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Âm Hỏa Sơn, Dương Hỏa Sơn, Thổ Sơn cho từng ngọn núi.
Thật ra tên gọi Ngũ Hành Sơn có niên đại xuất hiện sớm hơn – từ năm 1806 – trong cuốn sách Hoàng Việt nhất thống dư địa chí của Lê Quang Định, nhưng mãi đến năm 1837, tên của các ngọn núi ấy mới được vua Minh Mạng tái xác nhận bằng một văn bản hành chính/sắc chỉ.
Chính vua Minh Mạng cũng đặt tên cho hai điểm cao trên Ngũ Hành Sơn là Vọng Giang Đài và Vọng Hải Đài – thể hiện tầm nhìn xa rộng của người đứng đầu đất nước lúc bấy giờ – nhất là qua tên gọi Vọng Hải Đài, vua Minh Mạng từng bộc lộ rõ ý thức cảnh giác và sự nhạy cảm chính trị đối với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngày xưa, người ta thường tôn vinh những người tài giỏi của đất Quảng bằng một danh xưng chung là Ngũ Hành Sơn chí sĩ. Cũng không phải ngẫu nhiên mà họa sĩ Nguyễn Thủy Liên khi thiết kế biểu tượng Đà Nẵng hiện hành đã đặc biệt nhấn mạnh và làm nổi bật hình ảnh Ngũ Hành Sơn.
Năm 2014, nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước – Ngũ Hành Sơn được Hội đồng Di sản quốc gia công nhận là một trong những di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và đang phấn đấu “thổi hồn vào đá” để các sản phẩm của làng nghề truyền thống này trở thành thương hiệu văn hóa mang đặc trưng Đà Nẵng.
Tuy nhiên, tính chất biểu tượng về văn hóa đất Quảng của Ngũ Hành Sơn được khẳng định rõ nhất qua truyện kể dân gian bản địa là Truyền thuyết Ngũ Hành Sơn – còn có tên Sự tích núi Ngũ Hành. Truyện kể dân gian đất Quảng bao gồm hai bộ phận chủ yếu: truyện kể dân gian chung của dân tộc và truyện kể dân gian riêng của người Quảng.
Buổi đầu xa quê, khi phải vật lộn với gian nan để khẩn đất lập làng khai sơn phá thạch, những tiên dân Quảng Nam – những lưu dân đất Quảng đã kể cho nhau nghe truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh, câu chuyện cổ tích về Mai An Tiêm trên hoang đảo, hoặc thiên tình sử của những Tiên Dung – Chử Đồng Tử, Mỵ Châu – Trọng Thủy, Giáng Hương – Từ Thức, Mỵ Nương – Trương Chi…
Và chắc rằng, họ vẫn cứ kể bằng chất giọng đàng ngoài quen thuộc – chứ chưa phải chất giọng đặc sệt Quảng Nam sau này. Và rồi theo dòng chảy không ngừng không nghỉ của lịch sử, đến một ngày nào đó, những lưu dân đất Quảng lại tự mình sáng tác một số câu chuyện dân gian vừa phù hợp với thực tế cuộc sống đương thời, lại vừa thấm đẫm ý thức về cội nguồn Đại Việt. Ý thức về cội nguồn ấy trước hết được thể hiện qua mô-típ folklore rồng đẻ ra trứng, trứng nở thành một nàng tiên xinh đẹp trong Truyền thuyết Ngũ Hành Sơn/ Sự tích núi Ngũ Hành.
Truyền thuyết duy nhất do người Quảng/người Việt sáng tác về di sản thiên nhiên Ngũ Hành Sơn kể rằng: Ngày xửa ngày xưa, có một cụ già từ miền biển phía Bắc xa xôi bơi thuyền đến cập vào bãi biển phía Đông. Cụ lên bờ và dựng một túp lều tranh sống hiu quạnh một mình với công việc chài lưới. Một buổi sáng, như thường lệ, cụ sửa soạn thuyền để ra khơi đánh cá, thình lình trời bỗng nổi sấm, gió thổi vùn vụt, mặt biển sôi động, từng đợt sóng cao xô vào bờ cuồn cuộn. Trong tiếng gầm rít của gió, tiếng gào thét của sóng cụ già thấy hiện ra một con rồng khổng lồ làm mặt đất rung chuyển, cát bụi bay mù mịt, cụ già tưởng như căn lều của mình đã tan tành ra từng mảnh khi con rồng tiến gần về phía đó. Cụ bỗng nghe một tiếng sấm vang lên và từ dưới bụng con rồng lăn ra một quả trứng lớn. Sau đó, con rồng từ từ quay ra biển và biến mất sau những đợt sóng khổng lồ.
Một lát sau, trời yên biển lặng, cụ già chưa kịp hoàn hồn thì bỗng thấy một con rùa vàng lớn cũng từ ngoài khơi đi vào và đến bên túp lều. Rùa Vàng đào một lỗ trên cát rồi vùi quả trứng xuống. Sau đó, Rùa Vàng quay lại bảo cụ già: “Ta là thần Kim Quy, ta muốn ngươi phải gắng sức bảo vệ giọt máu này của Long Quân”.
Chưa hết bàng hoàng, cụ già lúng túng trả lời: “Nhưng tôi tuổi già, sức yếu làm sao đủ sức đảm đương công việc hệ trọng này”. Thần Kim Quy liền trao cho cụ già một chiếc móng và nói: “Ngươi đừng lo, hãy cấm lấy chiếc móng này và hễ có chuyện chẳng lành thì cứ đặt móng bên tai, ta sẽ chỉ cách cho”. Cụ già nhận chiếc móng và thưa với thần Kim Quy: “Được, tôi xin cố hết sức”. Xong việc, thần Kim Quy liền quay ra biển và biến mất sau làn nước xanh. Từ đó, cụ già giữ gìn và chăm nom quả trứng rất cẩn thận.
Một hôm, đang làm việc trong vườn, cụ già kinh hãi khi thấy một chiếc xe trâu từ đằng xa cứ nhắm thẳng vào chỗ chôn quả trứng mà tiến đến, trên xe lố nhố những khuôn mặt dữ dằn với binh khí hùng hổ trên tay. Với ý nghĩ chỉ cần chiếc xe trâu lăn qua cũng đủ làm quả trứng vỡ tan tành, cụ già vội lấy chiếc móng rùa ra đặt sát bên tai mình và cụ nghe một giọng nói dịu dàng vang lên: “Hãy nằm xuống, nằm xuống đi!”.
Cụ già liền làm theo. Quả nhiên vừa nằm xuống, cụ liền hóa thành một con hổ to lớn khiến bọn người kia hoảng hồn quay xe tháo lui chạy mất. Sau đó, cụ già dỡ cả túp lều của mình ở đến dựng ngay bên trên chỗ chôn quả trứng Rồng. Cụ không ngờ trứng mỗi ngày một lớn và trồi dần lên khỏi mặt đất. Trứng cứ lớn mãi, lớn mãi, choáng gần hết căn nhà tranh bé nhỏ của cụ. Vỏ trứng lấp lánh như một hòn ngọc khổng lồ.
Một đêm, cụ già vừa nằm chợp mắt thì nghe có tiếng lửa cháy lách tách, thì ra bọn người hôm nọ đang quay lại phóng lửa đốt túp lều của cụ. Thấy thế, cụ liền khấn xin thần Kim Quy cứu giúp. Vừa khấn xong, cụ già liền thấy mình đang ở trong một hang đá rộng rãi và mát mẻ, trong góc hang có giường chiếu sẵn sàng. Cụ không hề hay biết rằng có một phép màu đã xảy ra: chính cụ đang ở trong hang đá của một trong sáu ngọn núi cẩm thạch vừa được hình thành từ mấy mảnh vỡ của chiếc vỏ trứng thần. Từ trong chiếc trứng ấy đã bước ra một bé gái xinh xắn – chính là con gái của Long Quân. Cụ già càng bàng hoàng hơn khi bước ra cửa hang và nhìn thấy quanh mình có sáu hòn núi đá với đủ loại cây cỏ chim muông… Từ đó, cụ già với cô gái nhỏ sống bên nhau như hai cha con, chim chóc và thú rừng là những người bạn của họ.
Hằng ngày, từng đàn chim thay nhau đi lấy sữa từ trong các mạch đá và hái trái cây quanh núi về nuôi cô bé. Chúng còn tha bông vải từ các nơi về dệt nên những bộ quần áo xinh đẹp cho cô bé và ông cụ. Cô bé và cụ già được người dân trong vùng yêu mến, bởi hai cha con đã dạy cho họ biết trồng cây, dệt vải để sinh sống và còn vào rừng hái lá để chữa bệnh cho mọi người. Thời gian thấm thoắt trôi qua, cô bé giờ đã trở thành một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt vời.
Một hôm, hoàng tử đi săn với đoàn tùy tùng lạc đến cửa hang dưới chân núi và chàng đã nhìn thấy cô gái. Quá si mê vẻ đẹp kiều diễm, hoàng tử trở về xin vua cha cho cưới nàng làm vợ. Ngày đoàn tùy tùng đem kiệu rước cô gái về cung cũng là ngày thần Kim Quy lên bờ đón cụ già xuống biển. Từ đó, những người dân làng chài đã kéo đến sinh sống lập nghiệp quanh chân sáu ngọn núi và quen gọi đấy là hòn Non Nước.
Mô-típ rồng đẻ ra trứng, trứng nở thành một nàng tiên trong Truyền thuyết Ngũ Hành Sơn/ Sự tích núi Ngũ Hành rõ ràng có quan hệ với mô-típ mẹ Âu Cơ sinh một bọc trăm trứng, trứng nở thành trăm con trong truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên. Và trên vùng đất chưa hề có bóng dáng con người, hình ảnh ông lão ngư dân bị đắm thuyền từ phương Bắc trôi dạt tới được thần Kim Quy dạy cách bảo vệ quả trứng rồng cho đến ngày khai nở đã nói lên gốc gác Thanh – Nghệ của những lưu dân đất Quảng. Rồi cảnh thần Kim Quy tháo móng chân trao cho ông lão cũng gợi nhớ cảnh Rùa Vàng từng tháo móng chân trao cho vua Thục làm lẫy nỏ trong truyền thuyết An Dương Vương ngày nào.
Như vậy, với Truyền thuyết Ngũ Hành Sơn/ Sự tích núi Ngũ Hành, người Quảng đã biết dựa vào cha ông để sáng tạo cho riêng mình một truyện kể dân gian rất quen mà rất lạ. Ở đây, ông lão ngư dân là lạ, mà vỏ trứng rồng lớn mãi, lớn mãi thành 6 ngọn núi Kim, Mộc, Thủy, Dương Hỏa, Âm Hỏa và Thổ kia cũng là lạ. Những cái lạ ấy là đóng góp đáng quý của người Quảng vào văn học dân gian nước nhà nói riêng và văn học nước nhà nói chung – với một truyền thuyết duy nhất mang tính suy nguyên về 6 ngọn núi Ngũ Hành.
Bùi Văn Tiếng (Báo Đà Nẵng 13/7/2015)