Lịch sử gìn giữ và bảo tồn di sản của Đà Nẵng sẽ mãi lưu giữ khoảnh khắc 12 giờ trưa ngày 26-11-2022 (giờ địa phương) khi hệ thống bia ma nhai (tức văn khắc trên đá) tại danh thắng Ngũ Hành Sơn được Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Binh Dương (MOWCAP) công nhận là Di sản ký ức khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Sự kiện đặc biệt này cũng gợi lên sự tò mò về nguồn gốc, nội dung và ý nghĩa của ma nhai – di sản đầu tiên của thành phố có danh hiệu danh giá được UNESCO công nhận.
Bia ma nhai Phổ Đà sơn Linh trung Phật của Thiền sư Huệ Đạo Minh soạn năm Canh Thìn (1640).Ảnh: K.H
Tư liệu quý về mối bang giao của nhiều quốc gia
Một tuần sau sự kiện ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận là Di sản ký ức khu vực châu Á – Thái Bình Dương, chúng tôi theo chân cán bộ thuộc Ban quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn đến động Hoa Nghiêm (nằm trong ngọn Thủy Sơn, thuộc quần thể núi Ngũ Hành Sơn) để “mục sở thị” một số ma nhai được lưu giữ tại đây. Ở khu vực cửa động, phía bên trái, cạnh bàn thờ và bức tượng Quan Thế âm Bồ Tát, là tấm ma nhai Phổ Đà sơn Linh trung Phật của Thiền sư Huệ Đạo Minh soạn năm Canh Thìn (1640), được khắc bằng chữ Hán Nôm với nội dung: Thiền sư Huệ Đạo Minh, người xã Du Xuyên, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia đã đứng ra chủ trì hưng công trùng tu tôn tạo Chùa phật trên núi Phổ Đà (Ngũ Hành Sơn) và chùa Bình An ở dưới núi… Ngoài hai tấm ma nhai nằm ngay khu vực cửa động, tại động Hoa Nghiêm còn có 18 ma nhai khác. Theo quan sát của chúng tôi, nhiều văn khắc trên các vách đá đã bị mòn mờ nên tương đối khó đọc được chữ.
Trong hồ sơ “Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn” do Sở Văn hóa và Thể thao hoàn thiện, báo cáo lên Chương trình ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhấn mạnh, hệ thống ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn có niên đại trải dài từ nửa đầu thế kỷ XVII đến những năm 60 của thế kỷ XX, là loại hình độc đáo, ở Việt Nam rất hiếm và trong danh mục di sản tư liệu thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng không có nhiều. Đây cũng là điểm nhấn thể hiện “tính độc đáo, hiếm có” của di sản – một trong những tiêu chí quan trọng nhất của hồ sơ đề cử và mang tính cạnh tranh so với các hồ sơ của 5 địa phương còn lại. |
Theo ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn, nội dung ma nhai trên động Hoa Nghiêm chủ yếu là thơ vịnh cảnh núi Ngũ Hành, được viết bằng chữ Chân (Khải). Bản ma nhai Phổ Đà sơn Linh trung Phật của Thiền sư Huệ Đạo Minh là một trong những ma nhai có niên đại sớm nhất trong hệ thống các ma nhai tại Ngũ Hành Sơn, muộn nhất là ma nhai Phụng tạo Quán Thế Âm Bồ Tát tôn tượng (được viết năm Ất Mùi 1955).
Theo tập hợp ý kiến đánh giá từ các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước của Sở Văn hóa và Thể thao, ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là kho tàng di sản tư liệu quý giá bằng chữ Hán và chữ Nôm với số lượng lớn, nội dung đa dạng, hình thức độc đáo, tính duy nhất không thể thay thế với nhiều thể loại như ngự bút, bia ký, thơ văn, đề từ, đề danh, câu đối… của các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, cùng các tao nhân, mặc khách đã từng dừng chân lưu đề trên vách đá, hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đây là nguồn tư liệu quý được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị lịch sử, nghệ thuật, văn hóa và khoa học.
Ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn là những dương bản duy nhất hiện còn lưu lại ở trên các vách đá; chưa hề có tư liệu nào đề cập đến việc thay đổi, chỉnh sửa hay làm mới về hình thức cũng như nội dung. Tính xác thực còn thể hiện ở việc các tư liệu này do chính các vị vua chúa triều Nguyễn, danh thần, tăng sư sáng tác, với thân thế con người, niên hiệu cụ thể, được sử sách ghi chép lại. Đặc biệt, hệ thống ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là tài liệu gốc duy nhất được vua Minh Mạng ngự bút và cho khắc lên các vách núi, hang động. Nhìn chung, mỗi ma nhai tuy có sự khác nhau về hình thức, nội dung nhưng là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, có giá trị cao, hàm chứa những giá trị nội dung lịch sử, nhân văn quý báu, được ra đời trong sự kết hợp của tâm hồn, tài hoa của thi nhân và của kinh nghiệm, kỹ nghệ của nghệ nhân điêu khắc đá Non Nước.
Sự hội nhập, mang tính quốc tế của Phật giáo thế kỷ XVII
Ở một khía cạnh khác góp phần làm nên giá trị của hệ thống ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn, theo ông Hà Vỹ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, đó là nội dung nhiều ma nhai là nguồn cứ liệu lịch sử chân xác phản ánh mối quan hệ giao lưu văn hóa, kinh tế, xã hội từ rất sớm của các nước châu Á, nhất là 3 đất nước Việt Nam – Trung Quốc – Nhật Bản. Trong nội dung ma nhai Phổ Đà sơn linh trung Phật thể hiện rõ điều này.
Nội dung bia ghi danh tính của 82 Phật tử công đức, trong đó có 2 người nước ngoài đến đây du thám và phụng cúng tiền của để xây dựng chùa Bình An là người Nhật Bản và Đại Minh. Ngoài ra, văn bia này cũng cho biết thông tin về cuộc hôn phối giữa những người phụ nữ bản địa và thương nhân nước ngoài tại thương cảng Hội An. Những nội dung trên bia “Phổ Đà Linh Trung Phật” luôn là nguồn dẫn liệu quan trọng của tất cả các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế khi đề cập đến vấn đề ngoại giao văn hóa kinh tế của 3 nước Việt Nam – Trung Quốc – Nhật Bản nói riêng và giao lưu hàng hải khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung.
Ngoài ra, nội dung ở nhiều ma nhai cũng cho thấy sự hội nhập, mang tính quốc tế cao của Phật giáo ở thế kỷ XVII, khi khu vực Ngũ Hành Sơn được xem là trung tâm Phật giáo của Quảng Nam – Đà Nẵng, thu hút sự quan tâm và sùng bái của không chỉ người Việt Nam mà của các dân tộc khác, như người Nhật Bản và người Trung Quốc. Cụ thể, dữ liệu khắc trên văn bia “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” (1640) và “Ngũ uẩn sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc” (1631) cho thấy, ngay từ thế kỷ XVII, Phật giáo ở vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng có sự ảnh hưởng rộng khắp và mang tính quốc tế.
Trong 79 ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, mỗi ma nhai là một thực thể độc lập và duy nhất, không lặp lại. Điều này cho thấy hệ thống ma nhai tại Ngũ Hành Sơn không chỉ thể hiện ưu điểm về mặt số lượng so với các địa phương khác mà mỗi ma nhai còn mang trong mình một giá trị đặc trưng riêng có và không trộn lẫn.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu ma nhai tại Việt Nam thì so với các địa chỉ lưu dấu văn khắc trên đá nổi tiếng của Việt Nam, Ngũ Hành Sơn không chỉ vượt trội về mặt số lượng (với 79 văn khắc), tích hợp đa niên đại khắc bản, phong phú về thể loại, hội tập nhiều thế hệ tác giả là những danh nhân, yếu nhân của 3 miền đất nước cũng như ngoại kiều, mà còn hơn thế, văn khắc trên vách đá ở Ngũ Hành Sơn với nghệ thuật điêu khắc đá tinh xảo đọng lại qua hệ thống bia ký thời các chúa Nguyễn còn đánh dấu một nét son đáng tự hào trên bản đồ phân bố bia ký tại Việt Nam.
Nền tảng vững chắc nâng tầm di sản
Với quá trình tham gia nghiên cứu chuyên sâu về hệ thống di sản tại Đà Nẵng, trong đó có ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, bên cạnh việc khẳng định ý nghĩa quan trọng của hệ thống tư liệu bia ma nhai Ngũ Hành Sơn là dấu nối giữa tiền nhân và hậu thế, là nhịp cầu giao lưu, quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia dân tộc trong khu vực, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Thân, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học, Xã hội và Nhân văn (Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng) khuyến nghị: “Hiện nay, di sản này đang dần mai một do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Nếu không nhanh chóng kiểm kê, sưu tầm, in rập, số hóa thì sẽ vĩnh viễn mất đi”.
Thông tin từ Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, đi cùng với việc được công nhận là Di sản ký ức khu vực châu Á – Thái Bình Dương, hệ thống ma nhai tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ nhận được nhiều sự quan tâm và quyền lợi đáng giá: được hỗ trợ hoạch định chính sách bảo tồn và phát huy giá trị các di sản tài liệu cho thế hệ mai sau và tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, học giả, công chúng tiếp cận với di sản tài liệu này theo hướng hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong khi đó, cơ quan quản lý di sản tài liệu sẽ được hưởng những quyền lợi như: được ưu tiên sử dụng logo của MOWCAP; trở thành đối tượng của những nỗ lực toàn cầu nhằm nâng cao nhận thức và hỗ trợ cho việc bảo quản di sản tài liệu; có thể tham gia nhóm các cơ quan có di sản tài liệu được công nhận bởi UNESCO; được công chúng biết đến cơ quan quản lý cũng như sưu tập tài liệu của cơ quan. Xa hơn, đây sẽ là cơ sở, nền tảng vững chắc để đề trình UNESCO công nhận danh thắng Ngũ Hành Sơn là di sản văn hóa thế giới; tạo lợi thế lớn để Đà Nẵng khai thác, nâng cao vị thế, phát huy các di sản phục vụ cho mục đích phát triển kinh tế, xã hội.
Ở giai đoạn cao điểm, danh thắng Ngũ Hành Sơn đón gần 2 triệu lượt khách/năm, con số này rất lớn đối với một điểm đến du lịch như thành phố Đà Nẵng, tuy nhiên, nếu so với Cung đình Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đón 4,2 triệu lượt khách (số liệu năm 2018) thì vẫn còn khiêm tốn. Trong đó, riêng sự kiện “Thơ văn cung đình Huế” được công nhận là Di sản ký ức khu vực châu Á – Thái Bình Dương vào năm 2016 đã tạo ra hiệu ứng du lịch rất tốt, doanh thu từ vé tham quan Cung đình Huế năm 2017 tăng 20,78% so với năm 2016.
Trong chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam, hoạt động tham quan di sản tại Việt Nam đang và sẽ là hoạt động được du khách quốc tế ưa thích thứ 2 chỉ sau nghỉ dưỡng tắm biển. Đặc biệt, những điểm đến có các di sản văn hóa được UNESCO công nhận các danh hiệu đã trở thành điểm nhấn quan trọng trên bản đồ du lịch Việt Nam và là điểm phải đến của khách du lịch, đặc biệt là du khách quốc tế. Như vậy, với hệ thống ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn vừa được UNESCO vinh danh, Đà Nẵng đã đặt tên mình vào bản đồ du lịch “hành trình di sản” danh giá trong nước nói riêng và thế giới nói chung.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn có 79 văn bản ma nhai, tập trung ở động Hoa Nghiêm (khoảng 21 ma nhai), động Huyền Không (30 ma nhai), động Tàng Chơn (20 ma nhai), động Vân Thông (2 ma nhai), động Linh Nham (3 ma nhai) và nằm rải rác ở một số nơi khác. Toàn bộ nội dung ma nhai ở danh thắng Ngũ Hành Sơn đã được dịch ra tiếng Việt và được xây dựng cơ sở dữ liệu để tra cứu. Hệ thống công cụ tra cứu toàn bộ văn khắc gồm có mục lục các ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn lưu giữ theo cách truyền thống và tra cứu trên mạng nội bộ và Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng tại Bảo tàng Đà Nẵng. Tra cứu trên Website: baotangdanang.vn. “Hệ thống ma nhai hiện nằm trong khu vực bảo tồn riêng, chưa được giới thiệu rộng rãi đến công chúng. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục công bảo bảo tồn một cách nghiêm ngặt nhằm giữ nguyên hiện trạng tư liệu lịch sử quý hiếm này”, ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban quản lý danh thắng Ngũ Hành Sơn chia sẻ. |
Khánh Hòa(baodanang.vn)