Làng nghề, di sản và nghệ nhân

        Năm 2014, Bộ VH-TT&DL công nhận Làng nghề Đá mỹ nghệ Non Nước là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Như được chắp thêm cánh, 5 năm qua, người của làng nghề có một không hai trên cả nước này, bằng bàn tay và khối óc, đã ngày một nâng cao nét tinh xảo, sự điêu luyện trong chế tác để chiếm trọn trái tim của bạn bè trong nước và quốc tế.

Nghệ nhân Lê Trung Quân bên tượng Lý Thường Kiệt vừa mới hoàn thành. Ảnh: V.T.L

        Các thế hệ nghệ nhân Làng nghề Đá mỹ nghệ Non Nước không chỉ dày công trong việc nghiên cứu, sáng tác mà còn tâm huyết trong việc truyền nghề cho các thế hệ con cháu, giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghề truyền thống của dân tộc, góp phần tạo thêm việc làm và phát triển kinh tế địa phương.

        Dấu ấn tài hoa một vùng đất

        Hơn 10 năm trước, Hứa Văn Mai có lần lên tham quan Tây Nguyên. Tha thẩn qua các buôn làng ở Gia Lai, anh thấy một phụ nữ người Jrai ngồi nghỉ ngơi sau buổi làm rẫy, một hình ảnh khác xa với cách nghỉ ngơi của phụ nữ nhà nông miền đồng bằng. Người phụ nữ đặt chiếc gùi tựa vào lưng, các sọc hoa văn đỏ xen trắng nổi bật trên nền áo thổ cẩm màu chàm, trước ngực quấn một tấm khăn địu con.

        Về nhà, hình ảnh đó cứ phảng phất mãi trong tâm trí, anh đưa vào phác thảo và sáng tác bức tượng Lên nương. Với tư cách đại diện cơ sở đá mỹ nghệ Non Nước, anh gửi tác phẩm này tham gia và đoạt giải khuyến khích Cuộc thi sáng tạo sản phẩm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phục vụ du lịch do Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) tổ chức. Tác phẩm được trưng bày và tác giả được trao giải tại Hội chợ-Triển lãm hàng công nghiệp nông thôn khu vực miền Trung và Tây Nguyên lần thứ nhất tổ chức tại Quảng Nam tháng 5-2006.

        Từ thực tế cuộc sống đến chiêm nghiệm ý tưởng đề tài rồi thể hiện ra tác phẩm có lẽ là “quy trình” sáng tác của rất nhiều văn nghệ sĩ, nghệ nhân.

        Năm 2017, khi hay tin Tuần lễ Cấp cao APEC (Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương) diễn ra vào đầu tháng 11 ở Đà Nẵng, Mai làm một chuyến “đăng sơn” lên Sơn Trà tìm cách tiếp cận hình ảnh sinh hoạt của loài vọoc chà vá chân nâu. Về, anh sáng tác Một góc Sơn Trà, mô tả hai mẹ con nhà vọoc. Rất tiếc, do tác phẩm này bằng đá khá nặng và cồng kềnh nên anh không thể gửi tham gia hàng lưu niệm phục vụ du khách nhân sự kiện quan trọng này.

        Mai có thâm niên 27 năm làm nghề đá mỹ thuật. Người thầy đầu tiên của anh hiện là Phó phòng Kinh tế quận Ngũ Hành Sơn. Từ các tác phẩm đầu tay bằng đá mềm, anh dần chuyển sang tạc tượng chân dung cho một số cơ quan, trường học.

        Có tuổi nghề “già” hơn Mai 3 năm là Lê Trung Quân. Người thầy đầu tiên của Quân là nghệ nhân Mai Văn Phương – người cho ra đời những sản phẩm đá mềm rất tinh xảo. Tác phẩm đầu tay của anh là bộ tượng Tam đa (Phước Lộc Thọ) và thầy trò Tam Tạng đi thỉnh kinh.

        Trong dạy nghề tạc đá lúc đó, thầy thỉnh thoảng cho tiền trò, sản phẩm trò làm ra thầy đều giữ lại để chỉ ra những chỗ khiếm khuyết, sau đó xuất bán lấy tiền duy trì lớp dạy nghề. Chăm chỉ, chuyên cần, có óc sáng tạo,… Quân đã sớm “ra riêng” và từng bước khẳng định tay nghề của mình qua các tác phẩm đá nghệ thuật.

        Thế mạnh của Quân là tượng chân dung và tượng thời Phục hưng ở châu Âu, nhưng tác phẩm ưng ý nhất của anh lại là bức Lính cứu thương do một khách hàng ở Ngũ Hành Sơn đặt làm theo một tấm ảnh của Australia. Tượng mô tả một người lính bị thương ở bắp chân phải, được đồng đội xé rách một phần quần dài băng bó sơ cứu rồi dìu lên lưng một con la.

        Năm 2018, một người khách đến từ Hà Nội nhờ anh làm tượng Lý Thường Kiệt cao gần 4m, kể cả đế. Vị tướng lừng lẫy chiến công “Phạt Tống, bình Chiêm” này tay trái cầm kiếm, tay phải cầm sách chép bài thơ Nam quốc sơn hà – được xem là bản tuyên ngôn độc lập hùng tráng đầu tiên trong lịch sử dân tộc để cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân Đại Việt chống lại quân Tống lần thứ hai (năm 1076).

        Những tác phẩm của các nghệ nhân dù làm từ đá, nhưng tàng ẩn trong đó là hồn cốt, sự tinh túy của đất trời và con người, những thứ khiến cho chúng có thể “bay” khắp bốn phương trời mang theo dấu ấn tài hoa của một vùng đất.

        Giữa một bên non một bên nước

        Các nghệ nhân cao niên với tay nghề lão luyện của làng đá đã lần lượt ra đi. Người “sót” lại như Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Việt Minh (Mười Minh), nguyên Chủ tịch Hội Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, cũng đã gần bát tuần.

        Ông kể, ban đầu các vị tiền hiền khai sáng làng nghề chỉ thuần dùng hai bàn tay trong chế tác đá. Để đập đá, các vị dùng cái vồ như vồ ép dầu – nghề đá gọi là cái cui. Chừ thời buổi khoa học kỹ thuật, người ta dùng các loại máy cầm tay, năng suất lao động cứ thế mà vụt lên như tên lửa. Nhiều công đoạn, kỹ thuật chế tác như chạm lộng chẳng hạn, ngày trước thủ công gần như không làm được thì giờ đây, với trợ thủ đắc lực là máy cơ giới, tất cả đều được giải quyết tất tần tật.

        Ông nhớ lại, năm 1976, sau khi từ Côn Đảo về, ông khôi phục lại nghề xưa sau thời gian ngừng nghỉ vì chiến tranh. Cán bộ xã Hòa Hải (lúc đó còn trực thuộc huyện Hòa Vang) xuống thu búa, nói nghề này là xa xỉ phẩm, dẹp, chỉ được làm nông (!). May mà có đoàn của Trung ương vào thăm nên làng nghề cổ truyền này đã có cái kết rất có hậu.

        Ngay năm sau ông đã tập hợp được 30 “thợ đục” và 70 lao động phổ thông chuyên nghề khuân vác, đập đá, phá núi… để “lên” HTX. Nói là “thợ đục” bởi họ phần lớn chỉ giỏi nghề đục đẽo, chứ người xứng đáng được gọi là “nghệ nhân” thực sự bấy giờ chỉ đếm lưng mười đầu ngón tay.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Việt Minh, một trong những nghệ nhân cao niên luôn quan tâm đến việc truyền nghề cho lớp trẻ. Ảnh: V.T.L

        Thời ông Mười Minh dạy học trò có được mấy người thành nghề, khó lắm. Chừ thì, theo Trưởng ban Quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước Võ Đức Huy, học nghề “dễ như ăn cháo” theo kiểu nghề dạy nghề. Từ lao động phổ thông không lương tại các cơ sở điêu khắc đá, cơm ăn ngày 3 bữa, qua vài ba tháng là lõm bõm biết nghề. Thêm thời gian nữa (lâu mau tùy sự sáng dạ của mỗi người) là bước lên làm thợ được ngay.

        Các lớp đào tạo nghề điêu khắc đá ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên – hướng nghiệp quận Ngũ Hành Sơn trước đây chủ yếu dạy lý thuyết, thỉnh thoảng học viên mới cầm tới cục đá, cái đục, nên rất khó học được nghề.

        Những nghệ nhân – người thầy của làng đá là những con người đam mê, quyết không để nghề bị mai một. Ghi nhận sự cống hiến của họ đối với di sản làng nghề, tháng 8-2016, nghệ nhân Nguyễn Long Bửu được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”; các nghệ nhân Lê Bền, Nguyễn Việt Minh, Nguyễn Hùng được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”.

        2 tháng sau, Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Đà Nẵng” ngành thủ công mỹ nghệ đã họp và thống nhất đề nghị UBND thành phố công nhận danh hiệu “Nghệ nhân Đà Nẵng” ngành thủ công mỹ nghệ lần thứ nhất cho 5 nghệ nhân, trong đó có 4 nghệ nhân làng đá Non Nước là: Lê Ngọc Diệp, Hứa Văn Mai, Lê Trung Quân và Mai Thanh Thiện.

        Ai về Non Nước thì về/ Trước sông sau biển, núi kề một bên. Câu ca xưa như một nét cọ phác họa diện mạo của vùng đất Ngũ Hành. Ngày nay, giữa một bên non một bên nước là sự trỗi dậy của một làng nghề, nâng tầm một địa danh thành một thương hiệu lan tỏa khắp năm châu.

Năm 2014, Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Theo quy định của Luật Di sản văn hóa, Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đã hội tụ đủ 4 tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

Hiện làng nghề có 560 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ với gần 4.000 lao động, nhiều doanh nghiệp đã lập website riêng để giới thiệu, quảng bá sản phẩm.

Từ năm 2015, Làng nghề đã đưa vào hoạt động khu sản xuất tập trung rộng 35,5ha. Trong 20 năm, từ 1999 đến 2018, tổng doanh thu làng nghề tăng từ 14 tỷ đồng lên 580 tỷ đồng.

                       Nguồn: Văn phòng UBND quận Ngũ Hành Sơn

Văn Thành Lê (Đà Nẵng Cuối tuần)