Làng nào xã nấy vòng tay: Thưa thầy.

  Ông Mười Minh vừa được công nhận là Nghệ nhân Ưu tú cùng với lão nghệ nhân Lê Bền và nghệ nhân trẻ Nguyễn Long Bửu.
Ảnh: V.T.L

Hơn 400 năm hình thành và phát triển, nghề đá mỹ nghệ Non Nước rồi đây sẽ được quy hoạch thành làng nghề mang tầm vóc không chỉ lịch sử – văn hóa mà còn cả về kinh tế lẫn môi trường.

Lấy chồng thợ đá ăn chi/ Mang ba mũi xó, xách đi, xách về/ Em ơi, đừng nói mà quê/ Lấy chồng thợ đá có nghề trong tay… Từ lúc bị dè bỉu là “thợ đá ăn chi” cho đến khi được xã hội nhìn nhận là “có nghề trong tay”, nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước đã phải kinh qua nhiều thăng trầm dâu bể.

1. Thông tin về Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước chính thức được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia khiến cho người dân Ngũ Hành Sơn nói chung, người làng đá nói riêng không giấu được niềm vui.

Theo “lý lịch” Làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước do Trung tâm Quản lý Di sản Văn hóa – Sở VH-TT&DL Đà Nẵng thực hiện, địa danh Quán Khái xã (làng Quán Khái), nơi quy tụ những thợ đá đầu tiên của làng nghề, được ghi trên một văn bia ở chùa Phổ Khánh, xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, được lập vào năm Mậu Ngọ (1678) thời vua Lê Hy Tông (1663-1716).

Ngày ấy đường sá xa xôi, việc truyền thông còn lạc hậu, thế mà ở tít tắp nơi tả ngạn sông Thu Bồn này vẫn có người biết tiếng thợ đá làng Quán Khái và “rước” họ lên khắc bia cho chùa làng mình. Quán Khái về sau tuy tách thành hai làng, Quán Khái Đông và Quán Khái Tây, nhưng chỉ mỗi làng được gọi tắt là Khái Đông mới chuyển đổi từ “nhất làm nông, nhì đục đá” thành “nhất đục đá, nhì làm nông” và phát triển nghề điêu khắc đá từ đó đến giờ.

Cũng theo tài liệu đã dẫn, bia mộ Tiền hiền tộc Huỳnh Bá (lập vào thời Bảo Đại) có câu được cho là trích lại từ sắc phong: “Thạch tượng Quán Khái xã, Huỳnh Bá tộc thủy khai” (nghề tạc tượng đá làng Quán Khái do tộc Huỳnh Bá khai sinh đầu tiên). Dân gian cũng kể rằng người đem nghề đá từ quê nhà Thanh Hóa vào vùng đất Ngũ Hành Sơn và đứng ra lập làng Quán Khái là cụ Huỳnh Bá Quát. Bia mộ cụ hiện vẫn còn nhưng sắc phong xưa đã bị giặc Pháp thiêu hủy cùng với đình làng Quán Khái.

2. Nghe phóng viên nói chuyện thợ đá Non Nước xưa lên Đại Lộc khắc bia, ông Nguyễn Việt Minh (Mười Minh), nguyên Chủ tịch Hội làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, khoát tay cười: Chừng đó thì nhằm nhò chi, gần thế kỷ trước ông Huỳnh Bá Triêm còn ra tới Huế nữa đó. Ông ra trang trí lăng tẩm, cung đình, học được cách làm bộ ấm chén trà bằng đá cẩm thạch đỏ – sản phẩm được xem là độc đáo, tinh xảo nhất của nghề đá mỹ nghệ Non Nước lúc bấy giờ.

Nhưng nói về người đầu tiên dùng đá quý tạc tượng, ông Mười Minh nói, là phải nhắc đến nghệ nhân Nguyễn Chất, người từng băng bộ từ Ngũ Hành Sơn vô học ban Điêu khắc Trường Dạy nghề Biên Hòa (dân gian thường gọi là Trường Bá nghệ Biên Hòa, thành lập từ năm 1903, nay là Trường Cao đẳng Mỹ thuật Trang trí Đồng Nai). Tốt nghiệp, cụ Chất về quê nhà “thổi hồn vào đá”, biến những tảng đá vô tri, câm nín thành những tác phẩm sống động, trong đó hiện còn hai pho tượng thờ ở động Hoa Nghiêm và động Tàng Chơn, hiện vẫn ngày ngày được khách hành hương chiêm ngưỡng.

Ngày trước nghề ai làm người nấy biết, cho vàng cũng không đặt đàng đi buôn (ý nói giấu nghề – ông Mười Minh giải thích), có người làm nghề nhưng đưa ra sau nhà như sản xuất hàng quốc cấm. Thế mà Mười Minh lại được thầy Nguyễn Chất nhận làm đệ tử và nhanh chóng trở thành một trong những thợ giỏi của làng nghề.

Năm 1976, ông Mười Minh sau khi từ Côn Đảo về, khôi phục lại nghề xưa sau thời gian ngừng nghỉ vì chiến tranh. Cán bộ xã Hòa Hải (lúc đó còn trực thuộc huyện Hòa Vang) xuống thu búa, nói nghề này là xa xí phẩm, dẹp, chỉ được làm nông (!). May mà có đoàn của Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm nên làng nghề cổ truyền này đã có cái kết rất có hậu. Ngay năm sau ông đã tập hợp được 30 “thợ đục” và 70 lao động phổ thông chuyên nghề khuân vác, đập đá, phá núi… để “lên” HTX. Nói là “thợ đục” bởi họ phần lớn chỉ giỏi nghề đục đẽo, chứ người xứng đáng được gọi là “nghệ nhân” thực sự chỉ đếm trên đầu ngón tay.

3. Dưới chân phía nam ngọn Mộc Sơn có Nhà thờ Thạch nghệ Tổ sư với những câu đối Hán Nôm do Hội chủ ở làng nghề đá Non Nước Lê Quang Châu (còn gọi là ông Trì) trực tiếp biên soạn và bố trí. Tất cả đều mang nội dung tôn vinh công đức của Tổ nghiệp, trong đó có một câu có thể thâu tóm hết đạo nghĩa. Tạm dịch: Kính ngưỡng công đức tiền nhân khai sáng nghiệp để (con cháu) ngày nay thành công trong việc làm rạng danh nghề đá.

Mười năm chúng tôi quay lại, ông Châu giờ đã quy tiên, người thay thế là ông Hai Ngộ người tộc Nguyễn, 79 tuổi. Ông kể, nhà thờ Tổ trước ở bên kia cầu Biện, trong khuôn viên chợ Non Nước (mới) hiện nay; giặc Pháp giật sập, dân làm cái bàn vọng thờ tạm. Từ đó việc cúng Tổ hằng năm vào 16-3 âm lịch được tổ chức theo kiểu “di động”, mỗi năm ai được bầu làm Hội chủ thì người đó đứng ra tổ chức cúng Tổ tại nhà mình.

Ngày trước mỗi lần khai thác đá là khó tránh chuyện núi lở đá chuồi làm chết người nên làng lập miếu Sơn Thần dưới chân Mộc Sơn để cầu mong bình yên mỗi khi phá đá và kết hợp những vong hồn “vị nghệ vong thân”. Sau năm 1975, dân làng thỉnh bàn vọng thờ Tổ về miếu Sơn Thần và nâng cấp miếu thành Nhà thờ Thạch nghệ Tổ sư như hiện nay. Đầu những năm 2000, việc chính quyền ban lệnh cấm khai thác đá ở Ngũ Hành Sơn đã bảo vệ được năm ngọn núi không bị “sứt mẻ” thêm và không có ai thêm vào danh sách những người vì nghề bỏ mình.

4. Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước đang được quận Ngũ Hành Sơn lập phương án xây dựng tại tổ 52 phường Hòa Hải, với quy mô 35,5ha. Theo thông tin từ Ban Quản lý Làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước, tính đến ngày 22-9-2014 đã có 210/437 cơ sở sản xuất được xét di dời vào làng nghề. Các thủ tục cho thuê đất, giao đất sẽ kết thúc trong năm 2014; dự kiến đến cuối tháng 11-2014 sẽ có từ 50-70 cơ sở xây dựng nhà xưởng tại làng nghề và đến cuối tháng 5-2015 sẽ di dời toàn bộ vào làng nghề. Hiện có trên 300 cơ sở không đủ khả năng xây dựng nhà xưởng kiên cố chống chịu được mưa bão và các điều kiện bảo đảm môi trường. Gần 60% cơ sở được giao đất có chiều ngang chỉ 5m nên rất bất tiện trong sản xuất. Đến địa điểm mới có nhiều khoản chi phí phát sinh, không kết hợp được lao động phụ tại gia đình.

Hơn 400 năm hình thành và phát triển, nghề đá mỹ nghệ Non Nước rồi đây sẽ được quy hoạch thành làng nghề mang tầm vóc không chỉ lịch sử – văn hóa mà còn cả về kinh tế lẫn môi trường. Lấy chồng thợ đá ăn chi/ Mang ba mũi xó, xách đi, xách về/ Em ơi, đừng nói mà quê/ Lấy chồng thợ đá có nghề trong tay/ Ra đi chân dép, chân giày/ Làng nào xã nấy vòng tay: Thưa thầy.

Họ, những người thợ đá, giờ đã được xã hội trọng vọng, nể vì. Bởi, không ai được như họ có thể “phù phép” biến những tảng đá vô tri, câm nín thành những tác phẩm tâm linh sống động.

 

                                                 Văn Thành Lê (Đà Nẵng Cuối tuần số 5224 ngày 28/9/2014)