Lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Vu lan báo hiếu tại Ngũ Hành Sơn

     Vào dịp rằm tháng Bảy năm nay, lần đầu tiên tại động Âm Phủ, một địa điểm văn hóa tâm linh nổi tiếng nằm trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng, sẽ diễn ra Lễ hội Vu lan báo hiếu – Ngũ Hành Sơn 2017.

     Ông Nguyễn Hòa, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, vào rằm tháng Bảy hằng năm, các chùa trên địa bàn quận đều tổ chức các hoạt động, nghi thức tôn giáo Vu lan báo hiếu. Năm nay là lần đầu tiên Lế hội Vu lan báo hiếu được tổ chức ở động Âm Phủ.

Du khách chiêm bái động Âm Phủ trong quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn

     TheoThượng tọa Thích Huệ Vinh, Trưởng Ban Trị Sự Giáo Hội Phật giáo quận Ngũ Hành Sơn, đây là Lễ hội văn hóa dân gian, tôn giáo về hiếu đạo và tâm linh Phật giáo của người Việt, là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng lớn, góp phần gìn giữ, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa đân tộc. Hoạt động Lễ hội nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để du khách và các tầng lớp nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hoá, góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động Lễ hội và du lịch trên điạ bàn quận Ngũ Hành Sơn.

    Cổng vào động Âm Phủ, nơi sẽ diễn ra Lễ hội Vu lan báo hiếu – Ngũ Hành Sơn 2017

     Động Âm Phủ là một trong những điểm tham quan, hành hương chính nằm dưới ngọn Thủy Sơn, gắn liền với các hoạt động văn hóa tâm linh từ xa xưa. Cùng với tạo tác độc đáo của tự nhiên, nơi này đã được các cấp thẩm quyền, các chư tăng, Phật tử và nhân dân dành nhiều công phu, tâm huyết tu bổ, tạo dựng cảnh giới âm phủ theo quan niệm Phật giáo. Nơi đây đặt tượng thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, vị bồ tát cứu rỗi linh hồn ở âm phủ theo quan niệm nhà Phật. Từ nhiều năm qua, chư tăng, Phật tử, khách hành hương đã chiêm bái, thực hành các nghi thức tôn giáo tại động Âm Phủ nhưng đây là lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Vu lan báo hiếu tại nơi này.

     Theo kế hoạch, Lễ hội Vu lan báo hiếu – Ngũ Hành Sơn năm 2017 diễn ra từ ngày 2-9 đến này 3-9(nhằm ngày 12 và 13- 7 năm Đinh Dậu). Địa diểm chính là khuôn viên trước động Âm phủ, địa điểm phụ là không gian trên các tuyến đường Huyền Trân Công Chúa, Lê Văn Hiến, Trường Sa.Các hoạt động phần Lễ và phần hội thực hiện theo nghi thức truyền thống, tổ chức tiết kiệm, trang trọng, an toàn, vui tươi, lành mạnh. Huy động nguồn lực từ cộng đồng chuẩn bị chu đáo các điều kiện tổ chức các hoạt động Lễ hội. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị của di tích, Lễ hội; nội dung tuyên truyề phải hấp dẫn, phù hợp với mọi đối tượng để nhân dân tích cực tham gia.

     Để chuẩn bị cho Lễ hội, Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đang khẩn trương triển khai hang loạt công việc. Ông Lê Quang Tươi, Trưởng Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, Phó Trưởng Ban thường trực BTC Lễ hội, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo quận, chúng tôi sẽ phối hợp với các các cơ quan, đơn vị, người dân trong khu vựckhông để xảy ra tình trạng người lang thang xin ăn, không có hiện tượng chèo kéo, đeo bám, chào mời thiếu văn minh đối với du khách, đảm bảo an ninh trật tự, giao thông an toàn và thông suốt, an toàn vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, cháy nổ, hỏa hoạn trong khu vực các di tích và không gian Lễ hội. Đồng thời, sẽ chủ động ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp mê tín, dị đoan, lợi dụng tâm linh để trục lợi cá nhân trước, trong và sau Lễ hội.

Nguyễn Lê (Báo Công an Đà Nẵng)