Khai thác di tích làm du lịch

     Lâu nay, việc khai thác di tích lịch sử, văn hóa một cách hiệu quả để phát triển du lịch là bài toán không hề dễ dàng nhưng tại một số khu, điểm du lịch của Đà Nẵng, sự kết hợp giữa du lịch và di tích đang từng bước đem lại hiệu quả tích cực.

Danh thắng Ngũ Hành Sơn luôn là điểm đến được rất đông du khách quốc tế lựa chọn. Ảnh: T.H

     Danh thắng Ngũ Hành Sơn như biểu tượng của Đà Nẵng mà ai đến đây cũng đều muốn ghé thăm. Bởi ngay giữa lòng thành phố, du khách được trải nghiệm leo núi, được thỏa sức khám phá không gian huyền ảo của hệ thống chùa chiền, hang động. Những năm qua, Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn luôn là điểm đến không thể thiếu trong chương trình tour của du khách trong nước và quốc tế.

     Ông Trần Lực, Phó Giám đốc Công ty Lữ hành Saigontourist- chi nhánh Đà Nẵng đánh giá, văn hóa chính là nền tảng để phát triển du lịch. Vì vậy, danh thắng Ngũ Hành Sơn được xem là một trong những điểm đến đặc biệt của Đà Nẵng, đây giống như hình ảnh nhận diện thương hiệu của thành phố, có giá trị văn hóa lâu bền và danh thắng này là điểm đến không thể bỏ qua trong hành trình tour của du khách khi đến với Đà Nẵng.

     Theo thống kê của Ban quản lý Khu du lịch danh thắng Ngũ Hành Sơn, năm 2018, danh thắng Ngũ Hành Sơn đón 1,946 triệu lượt khách đến tham quan, trong đó khách nước ngoài khoảng 1,150 triệu lượt; tổng thu ngân sách khoảng 82 tỷ đồng, đạt 126% kế hoạch.

     Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố, ông Cao Trí Dũng cho rằng, giá trị của điểm đến nằm ở các sản phẩm du lịch của địa phương, việc khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt có ý nghĩa rất quan trọng đối với ngành du lịch thành phố. Điều này giúp nâng tầm thương hiệu điểm đến, tăng sức hấp dẫn cho hệ thống sản phẩm du lịch và có thể huy động được nhiều nguồn lực cho việc đầu tư nâng tầm khu di tích cũng như phát triển hệ thống sản phẩm phụ trợ đặc sắc.

     Tuy nhiên, ông Cao Trí Dũng cũng chỉ ra rằng, lâu nay du khách đến với danh thắng Ngũ Hành Sơn mới chỉ đơn thuần leo núi, tham quan các hang động, ngắm cảnh chùa… Vì thế, để Ngũ Hành Sơn trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, tạo sự khác biệt thì phải kết hợp được 3 yếu tố trong điểm đến thành một khối khép kín, đó là thiên nhiên độc đáo (núi trong lòng phố, gần sông, gần biển), văn hóa tâm linh (hệ thống các chùa, hang động trên núi) và làng nghề truyền thống (làng đá Non Nước).

     Bên cạnh đó cũng cần nhanh chóng có quy hoạch dài hạn, tập trung nhiều nguồn lực để triển khai, biến danh thắng Ngũ Hành Sơn thành một không gian văn hóa, tâm linh làng nghề và thiên nhiên đặc sắc.

     Theo ông Huỳnh Đức Trung, Trưởng phòng Quản lý lữ hành, Sở Du lịch thành phố, danh thắng Ngũ Hành Sơn là một trong những điểm đến không thể bỏ qua trong các tour, tuyến dành cho khách du lịch. Tuy nhiên, để du khách biết đến danh thắng này nhiều hơn nữa cần tăng cường công tác tuyên truyền để quảng bá giá trị của điểm đến tới du khách, đặc biệt là khách quốc tế.

     Song song với đó, địa phương cũng cần có các giải pháp cụ thể và phù hợp để thu hút khách. Nếu được, có thể khai thác thêm vào buổi tối để đón dòng khách không thể đi tham quan danh thắng được vào ban ngày hay dòng khách tàu biển lưu lại Đà Nẵng đến khoảng 22-23 giờ mới rời cảng.

     Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho hay, trong rất nhiều công việc cần triển khai thì yếu tố con người rất quan trọng, vì thế Ban quản lý sẽ tập trung nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, thái độ phục vụ khách đối với đội ngũ cán bộ, nhân viên.

     Song song với đó, tập trung giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa hiện hữu, chống các hành vi làm xâm hại di tích; đảm bảo an ninh trật tự, môi trường du lịch an toàn cho khách…; phối hợp với các ban, ngành liên quan, các đơn vị lữ hành để giới thiệu, quảng bá hơn nữa về điểm đến.

     Trong quý 1-2019, Tổ hướng dẫn của khu danh thắng sẽ được tăng cường thêm thuyết minh viên tiếng Trung Quốc và tiếng Hàn Quốc bên cạnh tiếng Anh…, góp phần giúp du khách nước ngoài hiểu thêm về bề dày văn hóa, lịch sử cũng như giá trị của khu di tích.

     “Để có thêm sản phẩm phục vụ khách du lịch, Ban quản lý cũng mong muốn được mở rộng không gian của khu du lịch thắng cảnh về phía tây, nơi có chùa Quán Thế Âm, động Quan Âm, động Huyền Vy…, phát huy giá trị của Bảo tàng Văn hóa Phật giáo để tạo thành chuỗi sản phẩm liên hoàn.

     Đồng thời, để khai thác một cách hiệu quả hơn nữa giá trị của khu du lịch thắng cảnh mang tầm cấp quốc gia, Ban quản lý cũng dự kiến sẽ tham mưu lãnh đạo địa phương hình thành nhà truyền thống, trưng bày các hiện vật liên quan đến di tích, là các sản phẩm của làng nghề qua các thế hệ, bổ sung thêm sản phẩm phục vụ du khách vào chuỗi các sản phẩm của Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn”, ông Nguyễn Văn Hiền bày tỏ.

Thu Hà – Báo Đà Nẵng cuối tuần