Thuyền thuyết về Ngũ Hành Sơn
Theo truyền thuyết của người Chăm, thưở xa xưa có một ẩn sĩ sống giữa biển cát mênh mông bên bờ biển. Một hôm, ẩn sĩ thấy Nữ Thần Nagar xuất hiện mang theo một cái trứng, giao cho thần Kim Quy cất giữ ngã phía sông hàn để trừ khử sự quấy nhiễu của ma quaí. Thần Kim Quy để quả trứng lại nhờ ẩn sĩ chăm sóc, và tặng ẩn sĩ một cái móng rùa để bảo vệ trứng.
Duới sự theo dõi, bảo vệ của ẩn sĩ, quả trứng ngày càng lớn nhanh một cách kỳ dị. Một hôm sau giấc ngủ say ẩn sĩ tĩnh mộng và nhìn thấy một thiếu nữ sinh đẹp từ trong trứng bước ra, vỏ trứng nứt làm 5 mảnh, trở thành 5 trái núi, là Ngũ Hành Sơn ngày nay. Vua Chăm nghe được câu chuyện ấy liền cưới thiếu nữ làm vợ, còn thần Kim Quy chở ẩn sĩ biến lên trời.
Năm Tân Sửu (1301) sau khi nhường ngôi cho con, Thượng hoàng Trần Nhân Tông đi kinh lý các miền trong nước và sang thăm Chămpa, đồng thời hứa gả công chúa cho vua Chămpa để kết thân. Kết quả vào tháng 2 năm Ất Tỵ (1305), vua Chămpa sai Chế Bồ Đài và hơn 100 tùy tùng sang Đại Việt dâng sính lễ quý để cầu hôn. Tháng 6 năm năm Bính Ngọ (1306), công chúa Huyền Trân nhà Trần được gả cho vua Chămpa là Chế Mân (Jaya simhavarman III ), với sính lễ là 2 châu Ô, Lý ( gồm phần đất từ Quảng Trị đến sông thu Bồn thuộc Quảng Nam ngày nay). Chủ trương hầu hiếu của vua Trần Nhân Tông đã dẫn đến hòa hợp giữa 2 dân tộc Chăm – Việt. Mở ra sự gắn kết của khu vực Ngũ Hành Sơn với không gian vùng Thuận- Quảng.
Năm 1307, nhà Trần đổi 2 châu Ô, Lý thành Thuận Châu và Hóa Châu. Ngũ Hành Sơn thuộc về phía nam Hóa Châu, nằm giữa đoạn đường từ đèo Hải Vân đến sông Thu Bồn . Ngoài tên dân gian là non nước, cụm núi còn có nhiều tên khác như Ngũ Uẩn Sơn, Ngũ Chỉ Sơn, Núi Tam Thai. Dưới thời Nguyễn Vua Minh Mạng đặt tên là Ngũ Hành Sơn và trở nên thông dụng cho tới ngày nay. Người Pháp gọi Ngũ Hành Sơn là Núi Cẩm Thạch.
Theo thuyền thuyết người Chăm, Ngũ Hành Sơn là do các vỏ trứng Rùa vàng nứt ra, trở thành 5 trái núi. Triều Nguyễn gọi là Ngũ Hành Sơn, do 5 quả núi tương ứng theo ngũ hành, nên đặt tên Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ sơn( riêng Hỏa Sơn có 2 ngọn núi là Dương Hỏa Sơn và âm Hỏa Sơn).
Do núi đá bị tác động nước mưa và khí hậu tác động, nên thiên nhiên đã tạo ra những hang động và hình thù kỳ thú, làm cho núi có những sắc thái đặc thù mang vẻ linh thiêng. Đá Cẩm thạch ở Ngũ Hành sơn độc đáo ở chỗ có màu ngũ sắc, phân theo từng núi: đá ở Thủy sơn màu hồng, ở Mộc sơn màu trắng, ở Hỏa sơn màu đỏ, ở Kim sơn màu thủy mặc và Thổ sơn màu nâu. Quanh Ngũ Hành Sơn, về phía đông có biển Đông và bãi cát mịn trắng chạy dọc ven biển; ở phía và nam là sông Cổ Cò chảy qua hòa vào nhánh sông Cẩm lệ. Thế kỷ thứ XVII – XVIII, nhánh sông này là đường thủy thông thương huyết mạch giữa Đà Nẵng với Hội An, về sau bị bồi lấp.
Dấu tích của con người Ngũ Hành Sơn có từ rất sớm, thể hiện qua các di chỉ thuộc văn hóa Sa Huỳnh. Đây cũng là nơi người Chăm thờ cúng thần linh của mình trong nhiều thế kỷ. Trên dãy Hỏa sơn vẫn còn lại những đống gạch đá sụp lở là di tích đền tháp của người Chăm. Thổ Sơn còn là linh địa của người Chăm, với những mảng phù điêu trên đá còn lưu lại.
Sự chuyển giao hòa bình giữa hai vương triều là nền tảng bảo đảm cho ác công trình văn hóa Chămpa trên Ngũ Hành Sơn được người Việt tiếp thu và tiếp tục duy trì. Tương thuyền vào thời Lê sơ, vua Lê Thánh Tông( trị vì từ 1460 đến 1497) đã khám phá Ngũ Hành Sơn. Việc thờ cúng của người Chăm được tiếp nối bằng việc tu học và thờ cúng của Phật giaó qua những ngôi chùa do người Việt lập nên, tiêu biểu là những ngôi chùa Thái Bình và Vân Long.
Thời các chúa Nguyễn, Phật giáo rất thịnh hành ở Xứ Đàng Trong. Chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1613- 1635) đã từng đóng góp lập các chùa Long Hưng, Bửu Châu ở Quảng Nam. Chùa Tam Thai tại Ngọn Thủy Sơn xây dựng năm 1630, còn tấm biển bằng đồng ghi bút tích của vua Minh Mạng là một trong những ngôi chùa xưa ở Đà Nẵng. Bia Phổ Đà sơn linh trung Phật tại động Hoa Nghiêm (1640) và bia Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc tại động Vân Thông (1641) là các bia đá do Thiền sư Huệ Đạo Minh dựng lập, để tán thán công đức của tín đồ Phật tử người Việt, người Nhật và người Hoa đã cúng dường xây dựng chùa. Chùa Bình An xây dựng trước đó cũng được trùng tu vào năm 1960. Thời Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (1691-1725) Hòa thượng Thạch Liêm ( Thích Đại Sán) từ Trung Hoa qua Thuận – Quảng hộ trì Phật giáo Thích Đại Sán từng đến Ngũ Hành Sơn.
Với lòng mộ đạo, có lúc cả ngàn tín đồ Phật tử đến chùa Thái Bình ở Ngũ Hành Sơn nghe nam Đại Hòa thượng giảng kinh. Hòa thượng Hưng Liên trụ trì chùa Tam Thai, truyền bá Thiền Tào Động, được chúa Nguyễn Phúc Chu tôn phong Quốc sư.
Thời nhà Nguyễn, Ngũ Hành Sơn rất được các vua triều Nguyễn quan tâm và ngưỡng mộ. Tương truyền chúa Nguyễn có lần thất trận trước quân Tây Sơn ở Quảng Nam, đã vào ẩn trốn ở Ngũ Hành Sơn và nhờ một vị tiên xuất hiện chỉ đường nên thoát nạn, quân sĩ khỏi bị đói ; vì thế sau khi lên ngôi hoàng đế, vua Gia long mới bày tỏ sự tri ân . Công chúa Ngọc Lan con vua Gia Long cũng đã vào hoang động ở Ngũ Hành Sơn đã ẩn tu tại Phổ Đà Sơn.
Vua Minh Mạng thường nhiều lần đến thưởng ngoạn vẻ đẹp thiên nhiên và lưu lại dài ngày nơi cảnh Phật; nhiệt tâm ủng hộ và góp công lớn để tôn tạo Ngũ Hành Sơn có quy mô bề thế, để lại nhiều công trình kiến trúc giá trị.Năm 1825, vua Minh Mạng đến thăm Ngũ Hành Sơn, quyết định đặt lại các danh xưng, cho khắc tên lên thềm và sườn núi; đồng thời tiến hành tu sửa chùa Tam Thai và xây dựng chùa Linh Ứng gọi là Ứng Chân Tự ( đến đời vua Thành Thái đổi tên thành Linh Ứng Tự ). Chùa Linh Ứng thờ tam thể Phật, chính giữa Phật Thích Ca, bên phải Di Lặc; bên trái Di Đà; có tượng lớn Đức quán Thế Âm Bồ Tát ( năm 1970 các tăng ni, Phật tử Quảng Nam Đà Nẵng xây lại chùa mới ). Năm 1936 nhà vua cho đúc 9 pho tượng và 3 quả chuông lớn ở chùa Tam Thai, hiện chùa còn lưu giữ “ quả tim lửa ”và chiếc chuông tên vua Minh Mạng. Các chùa Tam Thai, Linh Ứng cũng được sắc ban là Quốc tự.
Qua nhiều giai đoạn lịch sử, ở Ngũ Hành Sơn có 13 chùa Phật giáo được xây dựng. Các chùa tại Ngũ Hành Sơn thường kết hợp giữa thờ Phật và tưởng vọng các triều đại có công lao đói với dân tộc; như ở chùa Từ Tâm thờ Địa Tạng, lại có bàn thờ tưởng nhớ các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê và cả bàn thờ của các linh hồn lạc lõng không ai thờ cúng, không nơi nương tựa. Nhiều ngôi chùa ở Ngũ Hành Sơn lưu giữ những hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, tôn giáo quý giá.
Chùa tại Ngũ Hành Sơn thường nằm cạnh các hoang động trong khung cảnh thiên nhiên hữu tình, và hang động đã làm cho cổng chùa tăng thêm vẻ thâm nghiêm.Ở đây có nhiều hang động như Hoa Nghiêm, Huyền Không, Vân Nguyệt, Vân Thông, Nguyệt Quận, Âm Phủ, Tàng Chân, Quán Thế Âm, Huyền Vĩ..
Hang động ở Ngũ Hành Sơn có cảnh sắc kỳ lạ, khi ánh sáng mặt trời lăn qua các ngách đá tạo sự lấp lánh trên thạch nhũ với vô số hình hài khác nhau. Ở động Quán Thế Âm, nhiều thạch nhũ tạo ra những tượng Phật rất độc đáo như khối thạch nhũ tạo thành tượng Quán Thế Âm Bồ Tát thanh tú. Một lớp da đá như dải lụa kim tuyến phủ từ bờ vai phải chạy đến hết thân tượng, tay phải nâng bình nước cam lồ. Trong động Quán Thế Âm còn có bộ tam khí nhà Phật gồm chuông, trống, mõ bằng đá, đánh phát ra âm thanh. Cuối động là hồ nước mát lạnh, trong suối quanh năm tựa hồ nước cam lồ.
Động Tàng Chân sau chùa Linh Ứng thông lên trời qua cửa Thiên Long Cốc có hai hang gọi là Vân Nguyệt Cốc ( hang của mây và trăng) và động Vân Thông( động thông và mây). Thiên Long Cốc ( hang của rồng và trời) có miếu thờ Thái Thượng Lão Quân, bên trái thờ Bát bộ Kim Cương, bên phải là tượng thần của người Chăm. Âm Phủ huyệt nằm ở phía nam Thủy Sơn, thiếu ánh sáng mặt trời, càng sâu càng tối, thông ra tới biển, nên có tên là Âm Phủ.
Động Huyền Không đi qua cổng vòm Huyền Không Quan, cửa hơi hẹp, động tối, những bật đi xuống sâu, giữa của động có tượng ông Thiện và ông Ác. Trong hang có ánh sáng từ trên cao chiếu qua lỗ trống trên động, càng tăng sự lung linh huyền bí.Vòm động cao, thạch nhũ bám vào vách với nhiều đượng nét thiên nhiên, cộng với bàn tay con người tạo thêm nhiều hình ảnh như tượng Phật Quán Thế Âm trên bệ thờ, thạch nhũ nhỏ nước tí tách, dưới nền có khôí đá điêu khắc tượng của người Chăm, trên bàn thờ có tượng Thiên-Y-A-Na ( Bà Chúa Ngọc ).
Ngoài ra còn có động nhỏ như Tam Thanh( Thanh Thanh Tiên động), Hang Gió – còn gọi lá Hang Thần Tượng ( hang của Thần bề trên ), động Chiêm Thành ( Champa), động Bàn Cờ, hang Ráy …. cũng mang đầy vẻ thâm nghiêm.
Nhìn toàn cảnh Ngũ Hành Sơn như một vọng hải đài ở Đà Nẵng nhìn ra biển Đông đầy vẻ chiêm nghiệm, bởi ngọn núi Ngũ Hành vẫn luôn chúa đầy hơi thở của thế giới tâm linh trải suốt cả ngàn năm, từ tâm linh Chăm qua tâm linh Việt.
Tọa lạc giữa dòng thành phố. Ngũ Hành Sơn cũng là một thắng cảnh sinh thái tự nhiên đan xen đời sống văn hóa tâm linh một cách hài hòa; tồn tại trong lòng đô thị hiện đại nhưng không bị lạc điệu và mất đi giá trị văn hóa tâm linh. Sự xác lập và gắn bó lâu đời, sâu sắc trải qua nhiều giai đoạn lịch sử của Phật giáo và các tín ngưỡng truyền thống của cư dân bản địa, đã biến Ngũ Hành Sơn thành mảnh đất thiêng, núi thiêng thấm đượm tinh thần giải thoát.
Yếu tố tâm linh được xác lập vững chắc khiến Ngũ Hành Sơn không chỉ là một thắng cảnh dành cho khách thập phương đến thưởng ngạn di tích lịch sử – văn hóa. Vẻ đẹp thiên nhiên, hít thở không khí trong lành của khu sinh thái; mà còn là nơi linh địa, tôn thờ các vị tiên nhân, Phật thánh cứu nhân độ thế ngót cả ngàn năm; nơi dành cho các bậc chân tu tu tập, tham thiền nhập định để cầu phúc cho dân và bản thân được siêu thoát; nơi giúp ngươì trần tục tạm quên những vướng bận đời thường hướng đến sự tịnh tâm thanh thản trong thế giới tâm linh.
Trung Quốc có “ Tứ Đại Phật Sơn” nổi tiếng là Ngũ Đài Sơn, Nga Mi Sơn, Cửu Hoa Sơn, Phổ Đà Sơn tập trung nhiều chùa, khiến không chỉ tăng đồ mà du khách trong và ngoài nước luôn nườm nượp tìm đến vãn cảnh. Trong đó, Phổ Đà Sơn nổi tiếng về sự linh ứng của Quán Thế Âm Bồ Tát như Ngũ Hành Sơn ở Việt Nam. Các địa phương ở Trung Quốc có Tứ Đại Phật Sơn nhờ thế trở nên sầm uất về kinh tế- xã hội phát triển.
Ngũ Hành Sơn với khí thiêng hun đúc cả ngàn năm, từ Chăm đến Việt; với truyền thống Phật giáo và các tín ngưỡng địa phương được xác lập trong một không gian đặc thù qua hàng chục công trình chùa tháp, hang động; với lễ hội Quán Thế Âm được duy trì vào ngày 19-2 âm lịch hằng năm ….đã biến Ngũ Hành Sơn thành một “ Đại Phật Sơn” ở Việt Nam trong thực tế!
Bằng những giá trị đã được thừa nhận, thiết nghĩ về đầu tư quản lý, trùng tu, tôn tạo, phát triển hợp lý Ngũ Hành Sơn thành một trung tâm văn hóa tâm linh là hết sức cần thiết. Đó không chỉ là sự thừa nhận khách quan chiều dài lịch sử của vùng đất, mà còn là sự công nhận những giá trị văn hóa tâm linh cao cả đã sản sinh trên vùng đất này.
Trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế- xã hội, văn hóa tinh thần nói chung, văn hóa tâm linh nói riêng giữ vai trò động lực phát triển không kém phần quan trọng.Vì thế, cần có quy hoạch và cơ chế quản lý tương xứng của thành phố để phát huy thế mạnh văn hóa tâm linh của Ngũ Hành Sơn, tạo sự thăng bằng trong tổng thể cảnh quan đô thị Đà Nẵng, sự hài hòa trong cuộc sống và sinh hoạt xã hội, sự cuốn hút khách thập phương; ngõ hầu thiết thực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội ở quận Ngũ Hành Sơn và thành phố Đà Nẵng.
Nguyễn Quang Trung Tiến
Số 3601 Báo Đà nẵng cuối tuần 26/4/2009