Cùng với những danh hiệu được các tổ chức thế giới bình chọn, Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút hàng triệu lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghỉ dưỡng.
Theo đó, ngoài tài nguyên thiên nhiên, môi trường, dịch vụ không ngừng được nâng cao thì hệ thống các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thành phố chính là nét đặc trưng, làm phong phú thêm môi trường, sản phẩm du lịch trong dòng chảy của một đô thị hiện đại.
Du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ảnh: K.H |
Theo thống kê từ Sở Du lịch, toàn thành phố có 18 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 49 di tích xếp hạng cấp thành phố, 3 di sản phi vật thể trong danh mục Di sản quốc gia. Trong đó, các công trình văn hóa – lịch sử là Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, khu căn cứ cách mạng K20 và khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đang được khai thác phục vụ khách du lịch.
Một số tuyến du lịch với điểm đến là các di sản văn hóa đã đưa vào khai thác, có sức hút đối với du khách như: Đà Nẵng – Ngũ Hành Sơn – Hội An; Đà Nẵng – Ngũ Hành Sơn – bán đảo Sơn Trà; Hành trình di sản miền Trung: Đà Nẵng – Huế – Hội An – Quảng Bình…
Từ khi được kết nối, đưa vào khai thác du lịch, danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành điểm đến hấp dẫn, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách. Ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel – Chi nhánh Đà Nẵng bày tỏ, du khách đến Đà Nẵng luôn muốn tham quan, khám phá và tìm hiểu nét văn hóa, lịch sử của vùng đất thông qua các di sản văn hóa, bảo tàng. Riêng danh thắng Ngũ Hành Sơn là điểm đến ưu tiên hàng đầu trong các tour, tuyến bởi sự kỳ vĩ của nó.
Chia sẻ niềm vui với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng ban Quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho biết, vài năm trở lại đây, lượng khách đến tham quan ngày càng đông. Năm 2017, danh thắng này đón hơn 1,4 triệu lượt khách, đến tháng 10-2018, dự kiến sẽ đón hơn 1,5 triệu lượt khách. Hằng năm, từ tiền vé khu danh thắng này thu về hơn 65 tỷ đồng, đóng góp quan trọng vào ngân sách địa phương.
Tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm, trong 7 tháng đầu năm đã đón hơn 25.000 lượt khách đến tham quan (trong đó khoảng 21.819 lượt khách quốc tế, 3.181 lượt khách nội địa). Bảo tàng Điêu khắc Chăm là điểm đến ưa thích của thị trường khách du lịch châu Âu trong nhiều năm qua.
Nằm trong quần thể khu di tích đặc biệt cấp quốc gia thành Điện Hải, Bảo tàng Đà Nẵng gìn giữ hệ thống những cổ vật chứa đựng trong đó những câu chuyện về lịch sử, con người Đà Nẵng. Đây chính là điểm đến yêu thích của các khách du lịch Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản…
Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, hằng ngày bảo tàng đón từ 600-800 khách đến tham quan, lúc cao điểm có thể lên tới 1.000 khách/ngày. Lượng khách như vậy và giá vé 20.000 đồng/người đã giúp đem lại nguồn thu tốt cho đơn vị.
Để phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch, cùng với việc đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích, thành phố Đà Nẵng đã chú trọng xây dựng, bảo tồn các di sản văn hóa bằng việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động đón tiếp, giới thiệu, quảng bá về điểm đến ngày một chuyên nghiệp với các hình thức phong phú như đưa vào chương trình tour, tuyến, giáo dục trong trường học; tổ chức và nâng tầm các lễ hội như:
Quán Thế Âm, Đình làng Hải Châu, Cầu ngư… theo đúng thuần phong mỹ tục, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Từ nguồn ngân sách thành phố cũng như nguồn thu từ hoạt động bán vé, hàng trăm di tích lịch sử – văn hóa được đầu tư, tu bổ, phục hồi với số tiền hàng chục tỷ đồng, giúp bảo tồn được không gian văn hóa thực hành tín ngưỡng và không gian thực hành di sản. Nhờ đó, lượng khách đến tham quan, khám phá tại các di sản, di tích văn hóa-lịch sử, bảo tàng ngày càng tăng.
“Hằng năm, chính quyền quận Ngũ Hành Sơn đều chỉ đạo Ban Quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn chú trọng việc kết nối với các đơn vị truyền thông, tour, tuyến, cơ quan xúc tiến du lịch. Đồng thời, gìn giữ tốt 5 cây di sản (2 cây bàng và 3 cây bồ kết có tuổi đời hàng trăm năm); đầu tư các điểm dừng chân, lối đi vào hang động…”, ông Nguyễn Văn Hiền cho hay.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm thời gian qua cũng được thành phố quan tâm đầu tư mở rộng hơn; các phòng trưng bày được thiết kế đẹp và sang trọng hơn, hàng loạt cổ vật được đem vào trưng bày góp phần nâng cao giá trị và quy mô của bảo tàng.
Trong khi đó, ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng khẳng định, việc xây dựng thương hiệu du lịch từ di sản văn hóa đã tạo nên sự khác biệt hấp dẫn cho du lịch tại mỗi địa phương cũng như của thành phố.
Di sản được đưa vào phát triển du lịch sẽ đem lại nguồn thu trực tiếp để đầu tư trở lại công tác quản lý, bảo tồn di sản; đồng thời, tạo việc làm cho người dân thuộc vùng di tích, di sản đó, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội thành phố.
Để tiếp tục bảo tồn, khai thác tốt các giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch, ở tầm nhìn bao quát, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho rằng, cần có chiến lược khai thác, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc thù, độc đáo đối với từng di tích, từ đó “biến di sản trở thành tài sản”, là nguồn tài nguyên quan trọng thúc đẩy phát triển du lịch tiếp tục trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.
Bên cạnh đó, ngành sẽ tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa địa phương; đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá các lễ hội, kết hợp trong các tour tham quan các di tích lịch sử – văn hóa của thành phố và kết hợp với các thị trường lớn trong nước như Hà Nội, Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Huế, Quảng Nam để xây dựng các tour tham quan lễ hội.
Ngành du lịch sẽ tập trung thu hút nguồn vốn hỗ trợ đầu tư từ các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các nguồn vốn hỗ trợ công tác trùng tu, tôn tạo di tích, các dự án hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng, gắn với khu vực nông thôn như làng nghề truyền thống hay văn hóa của đồng bào dân tộc ít người. Đây là nguồn vốn đầu tư rất quan trọng cho phát triển du lịch ở Đà Nẵng, trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Qua đó, ưu tiên nghiên cứu xây dựng các chương trình du lịch gắn với các di tích văn hóa – lịch sử cũng như quản lý chặt chẽ hoạt động du lịch tại các điểm du lịch theo hướng phát triển bền vững nhằm hạn chế các tác động tiêu cực đến môi trường và tài nguyên” Ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng |
Khánh Hòa (Đà Nẵng Cuối tuần)