Đảng bộ Quỹ Đầu tư phát triển TP Đà Nẵng tổ chức hoạt động kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu căn cứ cách mạng K20, quận Ngũ Hành Sơn

     Nhằm tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023) theo Chương trình công tác trọng tâm năm 2023, Kế hoạch số 434-KH/ĐU ngày 13/3/2023 về tổ chức sinh hoạt chuyên đề năm 2023 của Đảng ủy Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng và Công văn số 2637-CV/ĐUK ngày 17/01/2023 của Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố về việc triển khai Hướng dẫn số 02-HD/BTCTU và định hướng sinh hoạt chuyên đề năm 2023,

     Ngày 18/5/2023, Đảng ủy Quỹ Đầu tư phát triển thành phố Đà Nẵng đã tổ chức hoạt động sinh hoạt chuyên đề quý II/2023 với chủ đề về giáo dục truyền thống cách mạng địa phương tại Khu di tích cách mạng K20, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng với sự tham gia của toàn thể đảng viên đang sinh hoạt tại Đảng bộ Quỹ và đoàn viên, người lao động đang công tác tại Quỹ.

    Mở đầu chương trình hoạt động, Đảng bộ Quỹ tổ chức Lễ dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2023).

    Sau Lễ dâng hương Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên tại Đảng bộ Quỹ được Ban quản lý Khu di tích cách mạng K20 giới thiệu về quá trình hình thành, hoạt động và những chiến công của Khu căn cứ cách mạng K20.

Ảnh: Cán bộ, đảng viên Đảng bộ Quỹ đang chăm chú lắng nghe Thuyết minh viên giới thiệu về Khu căn cứ K20

     Tại buổi sinh hoạt chuyên đề, cán bộ, đảng viên tại Đảng bộ Quỹ được tìm hiểu về lịch sử, truyền thống cách mạng Khu căn cứ cách mạng K20 trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tháng 9/1964, Quận ủy quận III quyết định xây dựng Đa Mặn, Mỹ Thị, Bà Đa, trong đó Đa Mặn là khu vực trọng yếu nhất thành một căn cứ lõm, lấy mật danh là K20. Nơi đây, từ đầu năm 1965, trở thành trung tâm đầu não của cách mạng quận III cho đến ngày giải phóng Đà Nẵng vào tháng 3/1975. Đặc biệt, K20 còn là nơi tiếp nhận, phổ biến và truyền đạt mọi chỉ đạo, Chỉ thị, Nghị quyết của các đồng chí lãnh đạo và tập thể Thành ủy Đà Nẵng, Đặc khu ủy Quảng Đà về xây dựng và phát triển phong trào cách mạng của quận và thành phố Đà Nẵng.

      Là căn cứ cách mạng, K20 trở thành trung tâm huấn luyện, bồi dưỡng phương pháp, hình thức hoạt động đấu tranh cách mạng cho lực lượng cơ sở trên toàn địa bàn. Đồng thời, là nơi triển khai kế hoạch, tổ chức xuất quân tấn công địch của lực lượng vũ trang cách mạng, trong đó, tiểu biểu là trận tấn công sân bay Nước Mặn tối ngày 27/10/1965 của Đại đội 1 Đặc công Đà Nẵng và Đại đội 2/489 Quảng Đà. Kết quả ta đã tiêu diệt được 140 tên Mỹ, hơn 100 tên bị thương, phá hủy và làm hư hỏng hàng chục máy bay trực thăng cùng các nhà xưởng, đài chỉ huy, kho tàng của địch.

     Sáng ngày 29/3/1975, trước tình hình chuyển biến cực kỳ mau lẹ, K20 đã phát lệnh khởi nghĩa. Toàn thể quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên, lực lượng du kích Khu căn cứ kéo vào sân bay Nước Mặn. 9 giờ cùng ngày, cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên sân bay Nước Mặn, báo hiệu sự thắng lợi hoàn toàn của quân dân Khu căn cứ, hoàn thành xuất sắc sự nghiệp giải phóng dân tộc với vai trò và chức năng là một căn cứ kháng chiến trong lòng địch.

Ảnh: Cán bộ, đảng viên Đảng bộ Quỹ tìm hiểu các hiện vật tại Khu di tích căn cứ K20

     Tiếp đó, cán bộ, đảng viên Đảng bộ Quỹ đã được xem bộ phim tài liệu về quá trình hình thành và hoạt động của Khu căn cứ cách mạng K20 và thăm quan nhà ông Huỳnh Trưng. Bộ phim tài liệu đã giới thiệu về Khu Căn cứ cách mạng K20 là khu căn cứ bí mật, độc đáo nằm giữa lòng địch, một trong những căn cứ cách mạng quan trọng của thành phố Đà Nẵng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là vùng đệm để bộ đội, cán bộ và du kích  làm bàn đạp tấn công vào các căn cứ của Mỹ – Ngụy, lập nhiều chiến công oanh liệt, tạo tiếng vang lớn trên chiến trường Khu 5, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên Đại thắng mùa xuân năm 1975 và đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích Quốc gia và 04 địa điểm trong Khu căn cứ cách mạng K20 được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử, gồm: nhà ông Huỳnh Phiên (Vấn), nhà thờ bà Nhiêu, nhà thờ tộc Huỳnh và nhà ông Huỳnh Trưng.

Ảnh: Lãnh đạo Đảng bộ Quỹ chụp ảnh lưu niệm với ông Huỳnh Trưng

      Được nghe hướng dẫn viên kể về những chiến công, những trận đánh, những căn hầm bí mật cùng những bút tích, tài liệu được lưu giữ tại nhà truyền thống, từng Cán bộ, đảng viên Quỹ như được trở lại với quá khứ hào hùng, cảm nhận sâu sắc những gian khổ và sự kiên cường của người dân Căn cứ cách mạng K20 trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc. Qua chương trình hoạt động tại khu căn cứ cách mạng K20 đã giúp cho cán bộ, đảng viên Quỹ tìm hiểu, ghi nhớ, hiểu rõ về công lao, tinh thần đấu tranh anh dũng, đoàn kết, sáng tạo của quân dân vùng Ngũ Hành Sơn nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung.

Tập thể Đảng bộ Quỹ đã chụp ảnh lưu niệm tại Nhà truyền thống K20

      Kết thúc chương trình, cán bộ, đảng viên Đảng bộ Quỹ với bao điều cảm xúc, niềm yêu thương, kính trọng và khâm phục vô bờ về thành phố Đà Nẵng tự hào có vùng đất thép – căn cứ lõm K20.

Đoàn Ngọc Vui (www.ddif.com.vn)