Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) đã ảnh hưởng nhất định đến tình hình kinh tế – xã hội của Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng, trong đó rõ rệt nhất là ngành du lịch. Để giữ vững sự an toàn của điểm đến, suốt hơn 1 tháng qua, cả hệ thống chính trị của thành phố Đà Nẵng đã tích cực vào cuộc với quyết tâm và nỗ lực cao nhất. Trước những thiệt hại do Covid-19 gây ra, thành phố thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn, bất cập và xem đây là cơ hội để tái cấu trúc lại nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có ngành du lịch – dịch vụ, vốn là “xương sống” của nền kinh tế thành phố.
Bài 1: Triển khai những giải pháp đồng bộ, kịp thời
Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đã “xắn tay áo” vào cuộc, tìm những giải pháp đồng bộ, kịp thời, cùng với sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận của nhân dân để phòng, chống Covid-19. Nhờ vậy, cho đến thời điểm này, người dân và du khách trong nước, quốc tế vẫn an tâm khi ở Đà Nẵng giữa lúc Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
Khách quốc tế trên tàu biển Crystal Symphony làm thủ tục nhập cảnh để tham quan Đà Nẵng ngày 20-2. Ảnh: P.V
Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị
Đến nay, có thể khẳng định, Đà Nẵng vẫn là địa phương an toàn cho người dân, điểm đến đáng tin cậy của du khách trong và ngoài nước. Bằng chứng là trong những ngày qua, dù tình hình diễn biến Covid-19 vẫn còn phức tạp nhưng lượng khách du lịch từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như: Đài Loan, Hồng Kông (Trung Quốc), châu Âu, châu Mỹ, Ấn Độ… và một số tỉnh, thành phố trên cả nước vẫn đến thành phố tham quan, sinh sống. Hình ảnh rõ nét nhất mọi người nhìn thấy là rất nhiều du khách thảnh thơi phơi nắng ở các khu nghỉ dưỡng hay dạo mát ở nhiều tuyến đường ven biển.
Để có được điều này, chính là nhờ sự vào cuộc quyết liệt với phản ứng nhanh nhạy của lãnh đạo các cấp từ thành phố, các sở, ngành đến từng khu dân cư; cùng với đó là sự đồng thuận của nhân dân thành phố trong công tác phòng, ngừa dịch bệnh.
Trước đó, khi Covid-19 bắt đầu diễn biến phức tạp ở Trung Quốc đại lục, ngay buổi trưa 24-1 (30 Tết), Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì cuộc họp khẩn về công tác phòng, chống Covid-19 với thông điệp chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan chủ động có phương án cũng như tập trung cao độ trong việc phòng ngừa, phát hiện và cách ly kịp thời khi có trường hợp nghi nhiễm Covid-19…
Liên tiếp những ngày sau đó, Thành ủy, UBND thành phố đã có những văn bản chỉ đạo cụ thể đến sở, ban, ngành, đơn vị liên quan, doanh nghiệp trong việc phòng, chống Covid-19. Ngay lập tức, “tư lệnh” của các ngành chủ chốt đã “quên” Tết để gấp rút nhanh chóng bắt tay vào việc, từ triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đến chủ động nắm bắt thông tin, đi cùng các đoàn làm việc xuống các đơn vị liên quan để nắm bắt tình hình, cùng tháo gỡ khó khăn do những ảnh hưởng từ Covid-19 gây ra.
UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Ngoại vụ định kỳ cập nhật thông tin về tình hình phòng, chống dịch tại Đà Nẵng để cung cấp cho cơ quan ngoại giao, lãnh sự quán các nước có văn phòng tại Việt Nam. Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng và tham mưu các phương án, kịch bản trước mắt và lâu dài đối với tình hình kinh tế-xã hội của thành phố…
Là ngành chịu nhiều tác động nhất do Covid-19, Sở Du lịch thành phố sau khi khuyến cáo về dịch bệnh ngay trong thời điểm nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, đã nhanh chóng triển khai kế hoạch và các phương án phòng, chống Covid-19 với 4 cấp độ cùng với các giải pháp phục hồi du lịch sau khi hết dịch. Từ những chỉ đạo nhanh chóng này, ngành du lịch đã có thông báo đến các đơn vị các hoạt động liên quan đến việc phòng, chống dịch tại các cơ sở lưu trú du lịch nhằm cung cấp thông tin về dịch bệnh.
Theo đó, Sở Du lịch yêu cầu các đơn vị thường xuyên cập nhật tình hình dịch bệnh cho du khách; nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử với du khách; quán triệt nhân viên nắm thông tin từ các kênh chính thức của cơ quan quản lý Nhà nước, hạn chế cập nhật và lan truyền thông tin không chính thống; hướng dẫn công tác cách ly theo quy định.
Các khu, điểm du lịch thường xuyên đông khách đến tham quan như: Khu du lịch Bà Nà Hills, Khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng… đều có các khuyến cáo, hỗ trợ du khách bằng việc phát khẩu trang, tuyên truyền việc bảo vệ sức khỏe khi đến tham quan, du lịch.
Trong khi đó, ngày 12-2-2020, Sở Công thương ban hành Kế hoạch số 185/KH-SCT về phòng, chống Covid-19, trong đó yêu cầu các đơn vị liên quan như: Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, lực lượng quản lý thị trường, các siêu thị, trung tâm thương mại… triển khai nhanh chóng công tác phòng, ngừa Covid-19 với mục tiêu xuyên suốt.
Tất cả các điểm cung ứng dịch vụ trên toàn địa bàn tiếp tục duy trì hoạt động như ngày thường trên tinh thần chủ động ứng phó dịch bệnh, nhưng không để xảy ra tình trạng kỳ thị hay có hành vi khiếm nhã đối với du khách, nhất là khách nói tiếng Trung Quốc; kiên quyết bảo vệ uy tín và hình ảnh “Đà Nẵng, điểm đến thân thiện” dù dưới bất cứ tình huống phát sinh nào xảy ra.
Các cửa ngõ dẫn vào thành phố như sân bay, cảng biển, bến tàu, xe đều nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, ngừa Covid-19 một cách chủ động và bài bản. Bên cạnh đó, các đơn vị sản xuất hàng thiết yếu và mặt hàng khẩu trang gấp rút cung ứng cho thị trường theo nhu cầu.
Ông Nguyễn Hà Bắc, Giám đốc Sở Công thương thành phố cho biết, với nhiệm vụ của mình, ngành công thương đã nhanh chóng vào cuộc nhằm góp phần phòng, ngừa Covid-19. Đặc biệt, ở nhiều điểm thường xuyên tập trung đông người dân và du khách đến tham quan, mua sắm như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… đã chủ động đề xuất, triển khai những hoạt động thiết thực, đem lại hiệu quả tuyên truyền cao.
Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, từ cấp cao nhất đến từng tổ dân phố đã tạo được hiệu quả trong công tác tuyên truyền về Covid-19 đến từng cá nhân trong cộng đồng. Không chỉ làm tốt công tác phòng, ngừa trên phương diện chuyên môn mà những hành xử tích cực, văn minh trong thời điểm cả thành phố “căng mình” trước Covid-19 đã “làm nóng” nhiều diễn đàn, mạng xã hội đã góp phần kịp thời định hướng, tạo sự an tâm trong dư luận, áp chế được những thông tin sai lệch, gây tâm lý hoang mang, bất ổn không đáng có.
Có thể nói, đến thời điểm này, Đà Nẵng vẫn là điểm đến an toàn trước Covid-19 là nhờ sự vào cuộc chủ động, nhanh chóng và quyết liệt của cả hệ thống chính trị với sự đồng thuận của người dân thành phố.
Biến “nguy” thành “cơ”
Trong buổi làm việc với Hiệp hội Du lịch ngày 12-2, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nhận định: “Hơn lúc nào hết đây là giai đoạn hết sức khó khăn của doanh nghiệp, nhưng cũng coi đây là một cơ hội phải làm, là dịp để cơ cấu lại nguồn khách để có các quyết định cho kịp thời”.
Từ chỉ đạo này của Bí thư Thành ủy, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn thành phố đã nhanh chóng tìm kiếm các giải pháp để thích ứng với điều kiện hiện tại; một mặt để giảm thiểu thiệt hại do Covid-19 gây ra, mặt khác để khẳng định Đà Nẵng vẫn là điểm đến an toàn, thân thiện với du khách.
Đà Nẵng đã nhanh chóng vào cuộc để hỗ trợ người dân địa phương và du khách trong công tác phòng, chống Covid-19. Trong ảnh: Du khách quốc tế nhận khẩu trang tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: THU HÀ
Hiệp hội Du lịch thành phố đã nhanh chóng làm việc với các Hội Vận chuyển, Hội Lữ hành, Hội Khách sạn, Hội Hướng dẫn viên… để nắm bắt tình hình và thảo luận, trao đổi các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế của Đà Nẵng hiện nay.
Trong bối cảnh chung đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng cho rằng, bài toán đặt ra hiện nay là làm sao để các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch bị thiệt hại ít nhất mà vẫn duy trì được hoạt động kinh doanh của ngành. Vì thế, Hiệp hội đã phải làm việc với Hiệp hội Du lịch Việt Nam và Hiệp hội một số địa phương để tính đến các giải pháp lâu dài trong việc phát triển du lịch.
Theo đánh giá của ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitour), với những “sự cố” như Covid-19 là cơ hội để thành phố Đà Nẵng nhìn nhận đúng hơn về chiến lược thu hút và khai thác các thị trường khách du lịch.
Trước mắt, theo ông Tùng, trong thời điểm này, khi thị trường khách Trung Quốc, Hàn Quốc… sụt giảm thì thị trường khách tiềm năng sẽ đến Đà Nẵng ngay sau dịch, nhất là các dịp lễ lớn đang đến gần chính là nguồn khách nội địa. Bởi lẽ, dưới những ảnh hưởng của Covid-19, lượng khách trong nước đi du lịch nước ngoài cũng giảm mạnh nên vào các kỳ nghỉ lễ lớn sắp tới, họ sẽ có xu hướng ưu tiên lựa chọn các điểm đến trong nước.
Có thể thấy, trong thời điểm hiện nay, khi thị trường khách Trung Quốc hạn chế đến Đà Nẵng, thị trường khách Hàn Quốc cũng sụt giảm đáng kể, một số doanh nghiệp du lịch vẫn nỗ lực, duy trì các thị trường khách khác, dù nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố vẫn thấy nhiều du khách đến từ các nước trên thế giới tham quan, vui chơi, tắm biển. Trước động thái này, Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh đã có thư ngỏ gửi các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch và du khách bằng 6 thứ tiếng khẳng định, hiện tại Đà Nẵng vẫn là điểm đến an toàn đối với du khách và du khách cứ yên tâm chọn Đà Nẵng là điểm đến trong hành trình du lịch của mình.
Tàu biển tiếp tục đưa khách du lịch từ châu Âu đến Đà Nẵng Ngày 20-2, tàu biển Crystal Symphony do Công ty Dịch vụ lữ hành Tân Hồng khai thác đã đưa 145 khách mang quốc tịch châu Âu, Mỹ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng. Cơ quan chức năng đã kiểm tra, giám sát, kiểm dịch y tế đối với du khách trước khi đi tham quan tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Tàu đến cảng Chân Mây (Thừa Thiên Huế) ngày 19-2, sau đó tới cảng Tiên Sa. Tàu rời Cảng Đà Nẵng đi thành phố Hồ Chí Minh vào chiều 20-2. Liên tiếp trong 2 ngày 19 và 20-2, các tàu biển chở khách du lịch mang quốc tịch châu Âu, Mỹ đưa khách đến du lịch, tham quan tại Đà Nẵng, chứng tỏ hiện tại, thành phố Đà Nẵng vẫn là điểm đến an toàn được du khách tin tưởng và lựa chọn tham quan. Nhật Hạ |
Thu Hà – Khánh Hòa – Khang Ninh (baodanang.vn)