Quận Ngũ Hành Sơn, nơi có khu danh thắng Ngũ Hành Sơn được mệnh danh là “Nam Thiên Danh Thắng” vừa có 7 cây được công nhận Cây di sản Việt Nam thuộc 4 loài đa, thị, bồ kết và bàng.
Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) vừa cho biết, tại cuộc họp xét chọn chiều 26/8, Hội đồng Cây di sản Việt Nam đã chính thức công nhận quần thể 4 loài (gồm 7 cây) ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn) là Cây di sản Việt Nam.
Cây đa sộp 610 năm tuổi ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn
Thứ nhất là cây đa sộp 610 năm tuổi, cao 25m, chu vi thân chính 11 m, đường kính gốc 2,438m. Cây đa phân bố ở sườn Đông ngọn Thủy Sơn, sau lưng Chùa Linh Ứng và tán lá bao trùm toàn bộ mái chùa. Môi trường sống trên núi đá vôi, khô hạn, chịu ảnh hưởng mạnh của gió biển. Cây có hình dáng đặc sắc bề thế, vẫn đang xanh tốt, ra hoa, kết trái hàng năm, được BQL khu danh Thắng Ngũ Hành Sơn và nhà chùa đặc biệt quan tâm, chăm sóc bảo vệ.
Đây là cây đa lớn nhất ở Ngũ Hành Sơn, nằm ở vị trí hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên và ngôi chùa “Quốc Tự”. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp – Mỹ, cây đa là nơi các chiến sĩ cách mạng tụ họp, nghỉ ngơi. Dưới gốc cây đa là động Tàng Chơn – văn phòng hoạt động mật thời chống Mỹ. Cây đa là một trong bốn loại cây cảnh có giá trị đối với người phương Đông, gồm “Sanh – Sung – Đa – Lộc”. Vị trí của cây kết hợp với chùa rất hài hòa “Thế – Lão – Đại – Hòa” tạo nên cảnh quan rất đẹp. Ngoài ra, cây có giá trị bóng mát, ẩm thực và tâm linh.
Thứ hai là cây thị 205 năm tuổi, cao 18m, chu vi thân 2,17m, phân bố ở sườn Nam ngọn Thủy Sơn, sau chùa Tam Thai. Môi trường sống (Habitat) trên núi đá vôi, khô hạn, chịu ảnh hưởng mạnh của gió biển. Cây có hình dáng đẹp, vẫn đang xanh tốt, ra hoa và kết trái hàng năm, được BQL khu danh thắng Ngũ Hành Sơn và chùa Tam Thai quan tâm, chăm sóc bảo vệ. Cây nằm ở vị trí hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên và ngôi chùa, có giá trị thẩm mỹ cao, có thể làm cây cảnh, dáng đẹp, trái thơm.
Cây Thị sau chùa Tam Thai
Thứ ba là cụm 3 cây bồ kết trong khu vực động Tàng Chơn ở sườn Nam ngọn Thủy Sơn. Gồm 01 cây 210 năm tuổi, 01 cây 200 năm tuổi và 01 cây năm 160 tuổi; chiều cao từ 18 – 25m, chu vi thân từ 1,3 – 1,75m; Cụm cây bồ kết này có tuổi khá cao, đường kính lớn. Hiện nay sức sống của 3 cây bồ kết bình thường, tuy nhiên cây số 2 và 3 đang bị cây đa che bóng.
Cây bồ kết ở khu vực động Tàng Chơn
Thứ 4 là 02 cây bàng ở sườn Nam ngọn Thủy Sơn, trước chùa Tam Thai, tán lá bao trùm toàn bộ sân chùa. Gồm 01 cây bàng 240 năm tuổi, cao 15m, chu vi thân 2,72m và 01 cây bàng cái 350 năm tuổi, cao 20m, chu vi thân 4,2m. Cây nằm ở vị trí hài hòa giữa khung cảnh thiên nhiên và ngôi chùa “Quốc Tự”, có kích thước lớn, hình dáng đặc sắc bề thế, tạo dáng đẹp và bóng mát che sân chùa, có giá trị về cảnh quan văn hóa du lịch và còn mang đậm chất truyền thuyết dân gian. Hiện cây vẫn đang xanh tốt, ra hoa hàng năm và được BQL khu danh thắng Ngũ Hành Sơn và chùa đặc biệt quan tâm chăm sóc, bảo vệ.
Danh thắng Ngũ Hành Sơn là một thắng cảnh nổi tiếng trong cả trong và ngoài nước, được ví như hòn non bộ khổng lồ nằm về phía Đông Nam TP Đà Nẵng, cách trung tâm TP 12 km, đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1980, là biểu tượng văn hóa của TP Đà Nẵng.
Theo bà Nguyễn Thị Anh Thi, đây là trường hợp hiếm hoi một địa phương có cả một quần thể cây thuộc nhiều loài được công nhận là Cây di sản Việt Nam chứ không chỉ 01 cây thuộc 01 loài. Việc quần thể 7 cây 4 loài ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn được công nhận Cây di sản Việt Nam sẽ góp phần nâng cao ý thức bảo vệ thiên nhiên, môi trường của người dân, đồng thời tạo thêm sức hút du khách trong và ngoài nước đến với “Nam Thiên Danh Thắng”.
Cây bàng cái trước chùa Tam Thai
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, hồi tháng 6/2014, cây đa cổ thụ 800 năm tuổi ở tiểu khu 63 Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, Đà Nẵng) cũng đã được công nhận là cây di sản Việt Nam. Cây đa này có tên thường gọi là đa núi cao, thuộc họ dâu tằm, cao 22m, chu vi thân chính và cụm thân phụ 85m, chu vi thân chính rộng 10 m, có 26 rễ phụ cao 25 m, chu vi tán cây rộng 85 m, được đánh giá là cây đa có hình thế hùng vĩ nhất Việt Nam.
Đặc biệt, cây đa Sơn Trà là nguồn sống của quần thể voọc chà vá chân nâu – loài linh trưởng đặc hữu Đông Dương tại Sơn Trà được phát hiện đầu tiên vào năm 1771. Về giá trị sinh học, cây đa Sơn Trà nằm trong quần thể hệ sinh thái đa cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm tuổi tại Khu bảo tồn thiên nhiên trên bán đảo Sơn Trà. Từ khi được công nhận là Cây di sản Việt Nam đến nay, cây đa Sơn Trà ngày càng thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến thưởng lãm.
Hải Châu