Câu chuyện huyền sử về cặp bàng Âm và Dương ở chùa Tam Thai (Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) gắn liền với dấu tích để lại của Vua Minh Mạng từ năm 1825.
Từ lâu nay, Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn (đường Huyền Trân Công Chúa, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) là điạ điểm du lịch quen thuộc của khách du lịch gần xa.
Cây bồ kết to lớn trước động Tàng Chơn vốn là nơi náu mình các chiến sĩ Cộng sản thời chiến tranh
Những điểm tham quan như: Chùa Linh Ứng, Động Huyền Không, Chùa Tam Thai, Vọng Giang Đài, Tháp Xá Lợi, Động Quan Âm Non Nước… là địa điểm thu hút người xem mỗi lần ghé đến nơi đây.
Ngoài ra, người ta còn ít biết ở đây có những cây cổ thụ với tuổi đời cả trăm năm. Nhiều cây mọc lên giữa vách đá cheo leo, trường tồn qua bao thế kỷ, chứng kiến bước thăng trầm, phát triển của TP Đà Nẵng từ ngày mới hình thành đến nay.
Những cây cổ thụ trăm năm tuổi ấy còn cho thấy sự kỳ diệu của tự nhiên và cả nét đa dạng, hiếm có mà Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn may mắn có được.
Đầu tiên có thể kể tới cây Đa “sộp” mọc ngay sau ngôi chùa Linh Ứng Tự. Được biết, trong giới chơi cây cảnh Việt Nam thường quan niệm “bộ tứ” đem đến sức khoẻ và tài lộc đó là: Sanh, Sung, Đa, Lộc (lộc vừng). Trong các dòng họ đa thì cây đa sộp có giá trị bậc nhất về thẩm mỹ. Đa sộp không những có thân rễ đẹp, sống khoẻ mà còn có lộc và đẹp, búp lộc giống như những búp sen hồng nhỏ.
Cây Đa ‘sộp’ ở Linh Ứng Tự thuộc diện là “Cây cảnh đại thụ”, bởi dáng của nọ nằm trên một “hòn non bộ khổng lồ”. Cây đa tồn tại trên núi đá vôi không mấy màu mỡ mà gốc to đến độ hàng chục người ôm không xuể (có chiều cao khoảng từ 27 đến 30 m và có niên đại khoảng 250 đến 300 năm) là điều xưa nay hiếm thấy.
Cây còn nằm ở vị trí khá hợp lý, theo cái đẹp rất chuẩn của trường phái bonsai là “Thế, Lão, Đại, Hoà”.
Qua mắt thường, người ta có thể thấy cây Đa “sộp” mọc ngay ở sườn núi phía Đông, sau lưng ngôi Quốc tự “Linh Ứng” hướng mặt về phía biển Đông. Thế cây Đa bao trùm che chở cho toàn bộ ngôi chùa cổ kính, tạo cảm giác uy nghiêm mỗi lần ghé thăm.
Chuyện xưa kể rằng: “Vào những năm 1972 – 1974, chùa Linh Ứng đang trùng tu, đến lúc làm mái thì vướng một số cành rất khó thi công. Lúc ấy, sư thầy Thích Hương Sơn bảo rằng để thầy khấn vái rồi hãy chặt. Hôm sau, thầy đi vắng, anh thợ cả nóng ruột nên vội chặt mấy cành để thi công. Không ngờ ngày hôm sau người thợ này phát ốm, sốt cao, uống thuốc điều trị mấy ngày liền không khỏi. Sư thầy nghe vậy lập đàn khấn vái cầu an anh ta mới khoẻ lại và tiếp tục công việc nhưng ba hồn bảy vía không dám đụng vào cây nữa”.
Cách đó không xa Linh Ứng Tự, chếch hướng Nam là Động Tàng Chơn với 3 cây Bồ kết cực lớn ở xung quanh. Nó tỏa bóng mát che chắn đường vào động và cũng bảo vệ cho các chiến sĩ cách mạng trong những năm tháng hoạt động tại đây.
Thời kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ, đây là nơi trú nghị các chiến sĩ cách mạng. Động là nơi lưu giữ, phát đi các công văn giấy tờ (được xem là văn phòng làm việc của các đồng chí cách mạng trong thời chiến). Tại gốc Đa ‘sộp’ ở phía trên một chút cũng từng là nơi thư giãn nghỉ ngơi của các chiến sĩ cách mạng trong những ngày, giờ phút tạm bình yên.
Trải qua bao thay đổi của thời cuộc, hai cây bàng trước sân chùa Tam Thai tại Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn vẫn trường tồn cùng với ngôi Quốc tự, cổ tự vào bậc nhất ở TP Đà Nẵng.
Trước cổng chùa Tam Thai rêu phong, hai cây bàng đại thụ như hai vị hộ pháp canh giữ tạo sự uy nghiêm cho ngôi chùa. Thân cây bàng xù xì vết thời gian, cành lá phân chi khác thường so với đồng loại. Thậm chí nhiều khi du khách ngồi nghỉ mát dưới gốc, nhưng không biết đó gốc cây bàng, bởi nó quá lớn lao, vĩ đại so với bình thường.
Không biết hai cây bàng này đã tồn tại được bao lâu, xuất hiện khi nào. Nhưng các sư thầy và bô lão tại địa phương đều xác định có thể chúng đã được trồng vào thời vua Minh Mạng.
Khi ấy đức vua triều Nguyễn cho trùng tu và phong Quốc tự Tam Thai (năm 1825) và cũng có khả năng chính Đức Vua chỉ định trồng hai cây này.
Ngày nay, giá trị của hai cây bàng không chỉ là tạo bóng mát, sự uy nghi cho ngôi chùa. Nó còn là minh chứng về thời gian và cả thêm câu chuyện kỳ thú, đẫm màu dã sử xung quanh sự ra đời của nó.
Người dân địa phương nơi đây cho rằng, sự đặc biệt của hai cây bàng có âm và có dương, có “Đực và Cái” rõ ràng. Lý do ngẫu nhiên một cây bàng bên phải của chùa có một bìu thịt dư lồi ra khá to người ta gọi là “Bàng Đực”, cây bàng bên kia có một khe lõm vào người ta gọi là “Bàng Cái”.
Cây “Bàng Đực” nằm phía Tây (thuộc hướng âm), cây “Bàng Cái” nằm phía Đông (thuộc hướng dương). Theo lẽ biến hóa vận động của sự sống thì trong âm có dương, trong dương có âm, trong “Kinh dịch” còn gọi là thiếu âm và thiếu dương.
Người xưa cũng truyền miệng rằng: “Những đôi nam nữ đang yêu, khi dắt nhau lên thăm Ngũ Hành Sơn và muốn cầu duyên, thì người nam áp má vào cây “bàng đực”. Nếu nghĩ về người yêu mình một cách trong sáng, nguyện giữ và thực hành năm chữ: “Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín”.
“Trong khi đó người nữ áp má vào cây “bàng cái” cũng nghĩ về người yêu mình một cách chân thành nguyện giữ và thực hành bốn chữ “Công, Dung, Ngôn, Hạnh”. Nếu sau đó cả hai dắt tay nhau vào động Huyền Không trình diện, nguyện cầu “ông Tơ, bà Nguyệt”, chắc chắn sau này cuộc tình của họ sẽ toại nguyện và đẹp như mộng…” – câu chuyện xưa cũ mang màu huyền thoại về hai cây bàng ở Chùa Tam Thai.
Những cây cổ thụ trên trăm năm tuổi đang chờ được công nhận là cây di sản
Có khoảng 10 cây đang chờ được công nhận từ Hội bảo vệ thiên nhiên Việt Nam
Đến với Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, là đến với một vùng đất địa linh nhân kiệt. Nơi thắng cảnh nổi tiếng, một thế giới đầy huyền tích mà câu chuyện hai cây bàng là một trong những mang màu sắc huyền sử.
Câu chuyện hai cây bàng “Âm và Dương” như minh chứng cho lòng chung thuỷ sắt son luôn trường tồn cùng với thời gian.
Trước những giá trị về mặt lịch sử cũng như sinh học, ngày 5/6, Đoàn khảo sát của Hội bảo vệ thiên nhiên Việt Nam đã làm việc thực địa và bước đầu ghi nhận có thể công nhận được “Cụm cây di sản tại Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn”.
Các cây nằm trong cụm cây khảo sát, bao gồm: cây Đa sộp (sau chùa Linh Ứng), 3 cây Bồ kết (trong động Tàng Chơn), cây Huyết Long, cây Sứ và cây Phượng (khu vực Tháp Xá Lợi), cây Thị (sau chùa Tam Thai), 2 cây Bàng (trước chùa Tam Thai).
Trao đổi với PV báo Người Đưa tin, ông Lê Ngọc Nhất (Phó Ban quản lý Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn) cho biết: “Việc được công nhận cây di sản sẽ tạo ra sản phẩm mới phục vụ du khách tham quan, tăng vẻ đẹp của di tích quốc gia và quan trọng hơn hết là trách nhiệm của những người làm công tác quản lý đối với một thắng tích được thiên nhiên ban tặng, sẽ có điều kiện hơn trong việc chăm sóc, bảo tồn các loài cây quý hiếm, các cây có giá trị về mặt văn hóa lịch sử lâu đời nơi đây”.
Anh Tuấn
(Báo Người Đưa Tin, ngày 14/6/2016)