Tối 29-12-2012, vợ chồng tỷ phú người Mỹ George Soros cùng bạn bè và đoàn tùy tùng 8 người đã đáp xuống Sân bay quốc tế Đà Nẵng trên chiếc máy bay riêng. Điều gì đã khiến nhà tài phiệt được mệnh danh là “nhà tỷ phú thông thái nhất nước Mỹ” này chọn Đà Nẵng làm điểm đến để đón năm mới?
Trong bữa cà phê sáng cuối cùng năm 2012 của cánh nhà báo, câu trả lời được nhiều người tán thành là môi trường du lịch của Đà Nẵng đã ngày một lành mạnh hơn so với hai đầu đất nước.
Bà Nà Hills được mệnh danh là “Đường lên tiên cảnh”
Làm đẹp hình ảnh thành phố
Ngày 7-12-2012, UBND thành phố đã kiên quyết xóa bỏ những hình ảnh làm vẩn đục môi trường du lịch qua việc thành lập Cơ quan Thường trực chống chèo kéo, bu bám khách du lịch trên địa bàn thành phố tại Quyết định 10133/QĐ-UBND. Trước đó, nhiệm vụ này được giao cho Đội Trật tự du lịch thuộc Sở VHTTDL, nhưng sau hơn 2 năm hoạt động đã không phát huy được hiệu quả trong công tác chống chèo kéo, bu bám khách du lịch và địa bàn hoạt động hẹp, chủ yếu chỉ tập trung tại trung tâm quận Hải Châu.
Tại buổi họp bàn kế hoạch triển khai một số biện pháp chống đeo bám, chèo kéo khách du lịch trên địa bàn Đà Nẵng vào cuối tháng 6-2012, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Xuân Anh đã yêu cầu Sở VHTTDL bàn giao công tác chống chèo kéo, bu bám khách du lịch về cho các quận, huyện để các địa phương thành lập Tổ chuyên trách trật tự du lịch nhằm giải quyết dứt điểm tồn tại, bất cập này.
Riêng ở khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, nơi từng phàn nàn vì bị quấy rầy theo kiểu dai như đĩa này, từ năm 2006, UBND quận đã ban hành Chỉ thị 01 về việc giữ gìn trật tự văn hóa, văn minh du lịch, văn minh thương mại và trật tự an toàn giao thông tại khu danh thắng Ngũ Hành Sơn và làng đá mỹ nghệ Non Nước. Từ đó, thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chỉ thị 01 do một phó chủ tịch UBND quận làm trưởng ban và Đội công tác liên ngành thực hiện Chỉ thị 01 do một phó trưởng Công an phường Hòa Hải làm đội trưởng.
Ông Lê Quang Tươi, Trưởng ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, cho biết đến nay tuy tình trạng bu bám, chèo kéo khách ở Ngũ Hành Sơn đã giảm hẳn, nhưng vẫn chưa “xóa sổ” được một nhóm phụ nữ gồm 24 người hoạt động theo kiểu “du kích”ở làng đá mỹ nghệ. Họ nói trôi chảy tiếng Anh, mặc nhiên coi việc mời chào khách nước ngoài như một cái nghề. Ngày thường họ buôn bán trong nhà, khi có khách nước ngoài đến là ra làm “cò”, “dụ khị” khách đến mua hàng ở các cơ sở nghề đá. Giá sản phẩm đã có mặt bằng chung rồi, nếu họ “hô” lên được bao nhiều thì “ăn” bấy nhiêu, ngoài ra còn được các chủ cơ sở cho thêm huê hồng. Nhiều người trong số họ có nhà 2-3 tầng, cuộc sống ổn định, nhưng vẫn làm “nghề” chèo kéo, vì nó siêu lợi nhuận.
UBND phường Hòa Hải, nhất là Hội LHPN phường, đã nhiều lần động viên, thuyết phục 24 phụ nữ này, xem đây là công tác đối ngoại nhân dân, đừng vì lợi cá nhân mà làm xấu hình ảnh thành phố. Với tư cách công dân của thành phố, đừng vị lợi nhuận mà chèo kéo, bu bám du khách để hương vị cuộc rong chơi thư giãn của họ không bị “bay đi ít nhiều”.
See You Again!
Nếu khu danh thắng Ngũ Hành Sơn tiếp tục làm mới mình bằng cách kiên quyết xóa hẳn “nghề” bu bám, chèo kéo, thì Khu du lịch Bà Nà Hills đưa vào sử dụng Khu vui chơi giải trí Bà Nà Hills Fantasy, góp thêm một nét chấm phá điểm xuyết vào bức tranh tiên cảnh của Bà Nà. Bà Dương Thị Thơ, trợ lý Chủ tịch Tập đoàn Sun Group kiêm Giám đốc Khu Du lịch Bà Nà Hills, cho biết đó là một trong những cách làm mới mình trong mắt du khách của Bà Nà Hills nhằm vươn đến tầm cao một thương hiệu đẳng cấp quốc tế, một điểm đến không thể thiếu của du khách quốc tế khi đến Việt Nam.
Năm qua, đã có gần 550 nghìn lượt khách đến Ngũ Hành Sơn (trên 150.000 lượt khách nước ngoài), tăng trên 17% so năm 2011; khoảng 800 nghìn lượt người lên Bà Nà Hills, tăng 33% so năm 2011. Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm, con số này đã nói lên nỗ lực của ngành Du lịch Đà Nẵng nói chung, các điểm đến nói riêng trong việc quảng bá hình ảnh chính mình, gợi mở những ấn tượng tốt đẹp để du khách hẹn ngày quay lại.
Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho hay tháng 3-2012, Trung tâm đã tổ chức khảo sát thị hiếu của khách du lịch qua 5 thị trường gồm: Nga, Nhật, Hàn, Trung Quốc và Thái Lan. Mỗi thị trường, Trung tâm phát ra 1 nghìn phiếu và thu lại từ 120 – 150 phiếu. Hầu hết ý kiến đều cho rằng khách đã tham khảo thông tin trước khi đến Đà Nẵng và hài lòng với môi trường, hạ tầng, vẻ đẹp của thành phố; nếu có điều kiện sẽ quay lại Đà Nẵng. “Có thể đây là câu trả lời có tính cách xã giao, nhưng cái chính là họ mong muốn trở lại. Để mong muốn của khách trở thành hiện thực, Đà Nẵng phải thực sự đổi thay, bởi du lịch là tìm đến cái mới, cái khác” – ông Bình chia sẻ.
Năm qua, Đà Nẵng đã phát triển loại hình thể thao giải trí súng sơn (paint pall); Tiến hành khảo sát thực tế phát triển du lịch làng quê 7 tỉnh phía Bắc; hỗ trợ đưa vào khai thác các tour du lịch mới: tắm bùn, tắm nước nóng, Team Building, Tour Trực Thăng; khai trương khu chợ đêm tại siêu thị Nguyễn Kim, Vĩnh Trung Plaza. Cùng với môi trường lành mạnh, thân thiện, hạ tầng thông thoáng, ít cướp giật, không ăn xin,… những sản phẩm mới này, theo đánh giá của Phó Giám đốc Sở VHTTDL Đà Nẵng Huỳnh Minh Nhơn đã góp phần đưa Đà Nẵng vào danh sách những điểm đến hàng đầu để du khách, nhất là khách nước ngoài, lựa chọn mỗi khi tham quan, du lịch.
Sự xuất hiện của những thương hiệu tấm cỡ quốc tế tại Đà Nẵng, cụ thể như InterContinental Danang Sun Peninsula – nơi “nhà tỷ phú thông thái nhất nước Mỹ” cùng đoàn của mình lưu trú 3 ngày đón năm mới 2013, đã là một minh chứng cho sức hút của Đà Nẵng. Du lịch như một sân khấu lớn đòi hỏi các vở diễn phải luôn mới lạ và hấp dẫn ngay từ phút đầu: “Cái buổi ban đầu lưu luyến ấy, ngàn năm chưa dễ mấy ai quên” (Thế Lữ). Có như thế, “khán giả” mới háo hức quay lại sau khi nhận được lời chào tạm biệt đầy nhiệt tình: See You Again!
Năm 2012, Đà Nẵng đón gần 2,66 triệu lượt khách du lịch, tăng 12% so với năm 2011, đạt 103% kế hoạch; trong đó, khách quốc tế đạt gần 631 nghìn lượt, tăng 18% so với năm 2011, đạt 115% kế hoạch, khách nội địa đạt gần 2.029 triệu lượt, tăng 10% so với năm 2011, đạt xấp xỉ 100% kế hoạch.
Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch ước đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 36% so với năm 2011 và đạt 119% kế hoạch.
Văn Thành Lê
Theo báo Đà Nẵng cuối tuần số 4714 ngày 06 – 01 – 2013