Bảo tàng, di tích Đà Nẵng trở lại trong tâm thế mới

     Từ 1-1-2023, hệ thống bảo tàng, công trình văn hóa, di tích cấp quốc gia đặc biệt ở Đà Nẵng bán vé tham quan trở lại sau một năm hoạt động miễn phí theo nội dung Nghị quyết 58/2021/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố. Theo nhận định, sự kiện này sẽ tạo đà cho các địa chỉ văn hóa tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ du khách thời gian tới.

     Nâng cao chất lượng phục vụ

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng tiếp tục miễn phí cho trẻ em, học sinh và giảm 50% giá vé dành cho sinh viên. Ảnh: T.Y

     Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban quản lý di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn cho biết đã sẵn sàng mở lại dịch vụ bán vé tham quan kể từ ngày 1-1-2023, theo giá vào cổng 40.000 đồng/người, 15.000 đồng/lượt thang máy; đối với học sinh, sinh viên, danh thắng Ngũ Hành Sơn áp dụng giá vé 10.000 đồng/lượt.

     Để chuẩn bị hoạt động này, đơn vị huy động cán bộ, nhân viên vệ sinh, sơn sửa toàn bộ khu vực phòng vé, phân công lịch trực ở các vị trí bán vé, soát vé, hỗ trợ người dân và du khách đến tham quan ngày đầu năm. Dịch vụ đặt mua vé online cũng khởi động trở lại nhằm giúp đơn vị lữ hành thuận tiện đưa khách đến tham quan, thưởng lãm.

     Trước nhu cầu trùng tu, tôn tạo, sửa chữa các hạng mục phục vụ khách du lịch, việc bán vé trở lại đầu năm 2023 là tín hiệu vui cho ngành văn hóa nói chung và công tác bảo tồn di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn nói riêng. Theo ông Hiền, kinh phí trùng tu di tích và sửa chữa các hạng mục phục vụ khách du lịch chủ yếu trích từ tiền bán vé tham quan và một phần ngân sách Nhà nước theo phân cấp quản lý. Do đó, trong thời gian danh thắng thực hiện miễn phí vé tham quan, đơn vị gặp không ít khó khăn trong triển khai kế hoạch trùng tu, sửa chữa các hạng mục hư hỏng.

     Năm 2022, danh thắng Ngũ Hành Sơn phục vụ miễn phí gần 602.000 lượt khách, trong đó có hơn 85.000 lượt khách quốc tế. Để phục vụ tốt nhu cầu tham quan, thưởng lãm, đơn vị đề xuất UBND quận Ngũ Hành Sơn phê duyệt kinh phí sửa chữa chống trượt, dặm vá vị trí bong tróc, hệ thống điện, camera, âm thanh trong các hang động, lối dẫn lên di tích. Đặc biệt, sau bão số 4 và trận mưa lớn hồi giữa tháng 10, nhiều hạng mục bị hư hỏng nặng, cần kinh phí sửa chữa thay thế.

     “Thời gian qua, không vì miễn phí vé tham quan mà chất lượng phục vụ khách tại danh thắng Ngũ Hành Sơn không bảo đảm. Chúng tôi xem đó là chính sách cần thiết để kích cầu du lịch sau Covid-19. Đến nay, khi mọi thứ ổn định, việc bán vé trở lại sẽ giúp danh thắng có điều kiện trùng tu, sửa chữa, làm mới các hạng mục phục vụ khách”, ông Hiền nói.

     Sẵn sàng chào đón khách đến tham quan bảo tàng dịp đầu năm, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cũng sắp xếp, bố trí lại đội ngũ nhân sự bán, soát vé; sửa sang quầy bán vé và toàn bộ không gian trưng bày hiện vật.

     Bà Nguyễn Thị Trinh, Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng cho hay, bảo tàng tạo điều kiện tốt nhất để người dân cảm thấy thoải mái khi đến tham quan. Sau một năm thực hiện chính sách miễn vé vào cổng, bảo tàng đón khoảng 36.000 lượt khách, trong đó có hơn 6.000 lượt khách quốc tế, đồng thời bổ sung 299 tác phẩm, hiện vật có giá trị mỹ thuật và làm đầy thêm các bộ sưu tập trong bảo tàng.

     Bà Trinh đánh giá, khoảng thời gian thành phố thực hiện chính sách miễn phí vé vào cửa giúp bảo tàng thu hút khách du lịch cũng như mở rộng mối quan hệ hợp tác với các đơn vị lữ hành. Từ năm 2023, việc bán vé tham quan trở lại sẽ giúp đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch trùng tu, tôn tạo, sửa chữa, thay thế các hạng mục hư hỏng cũng như tạo tâm thế mới cho công tác phục vụ khách tham quan.

     “Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan và hưởng thụ văn hóa của người dân nên dù thu phí hay miễn phí vé vào cổng thì bảo tàng vẫn luôn chăm lo chu đáo hoạt động đón tiếp, phục vụ khách. Dù vậy, tôi nghĩ hoạt động bán vé là rất cần thiết, bởi giúp du khách chung tay cùng bảo tàng trong bảo tồn, phát huy giá trị các bộ sưu tập. Mặt khác, nguồn tiền bán vé cũng giúp đơn vị cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ du khách và điều kiện làm việc của cán bộ bảo tàng. Việc bán vé trở lại mang đến tâm thế phấn khởi cho những người làm bảo tàng chúng tôi”, bà Trinh hồ hởi nói.

     Chung tay gìn giữ các giá trị văn hóa

Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng bắt đầu bán vé tham quan trở lại từ ngày 1-1-2023. Ảnh: T.Y

     Trước thềm năm mới, ngoài mức phí dành cho khách du lịch 20.000 đồng/lượt, Bảo tàng Đà Nẵng tiếp tục thực hiện chính sách miễn phí tham quan cho công dân Đà Nẵng, Quảng Nam và cho trẻ em, học sinh, sinh viên, người khuyết tật, người từ 60 tuổi trở lên. Với Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, ngoài giá vé theo quy định, đơn vị tiếp tục miễn phí cho trẻ em, học sinh và giảm 50% giá vé dành cho sinh viên (10.000 đồng/lượt).

     Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng khẳng định, việc tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm giá tham quan đối với công dân Đà Nẵng, Quảng Nam và học sinh, sinh viên, người khuyết tật, người từ 60 tuổi tạo điều kiện cho người dân tiếp tục đến tham quan bảo tàng dịp đầu năm mới.

     “Sau một năm đồng hành cùng thành phố kích cầu du lịch, tôi nghĩ đây là thời điểm thích hợp để du khách chung tay bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa trên địa bàn thông qua hoạt động mua vé vào cổng. Nhằm tạo “sinh khí” mới, chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết với doanh nghiệp, đơn vị lữ hành tổ chức những sự kiện văn hóa phục vụ khách tham quan, xứng đáng với kinh phí họ bỏ ra khi đến bảo tàng”, ông Thiện cho hay.

     Theo ghi nhận của chúng tôi, hoạt động bán vé tham quan trở lại nhận được sự ủng hộ của các đơn vị kinh doanh du lịch, lữ hành trên địa bàn thành phố. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố cho biết, chương trình kích cầu du lịch năm 2022 với chủ đề “Tận hưởng Đà Nẵng – Enjoy Danang” đã giúp ngành du lịch thành phố phục hồi sau Covid-19. Đến thời điểm hiện tại, ngành du lịch cần tiếp tục chung tay cùng ngành văn hóa trong hoạt động bảo vệ, trùng tu di sản và nâng cao chất lượng phục vụ tại điểm đến thông qua hoạt động thu phí vé tham quan.

     Ông Cao Trí Dũng khẳng định, việc thu phí vé tham quan nhiều năm qua đã góp phần thay đổi nhận thức, chất lượng phục vụ khách du lịch tại các điểm đến. Trong điều kiện nguồn kinh phí dành cho hoạt động trùng tu, bảo vệ di sản chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, thì việc chia sẻ nguồn thu từ hoạt động du lịch đối với công tác này là cần thiết và mang tính bền vững.

Tiểu Yến (baodanang.vn)