Bài 2 : Ngự bút vua Minh Mạng và thơ đề

     Ngoài việc vén màn bí ẩn về các cổ tự ở Ngũ Hành Sơn, việc nghiên cứu còn cho thấy Ngũ Hành Sơn là một danh thắng nổi tiếng thu hút biết bao thế hệ vua quan, đại thần, tao nhân mặc khách đến đây thưởng lãm, đề vịnh, đề thơ ngợi ca cảnh sắc thiên nhiên cẩm tú.

Ngự bút vua Minh Mạng khắc vào đá tại động Vân Thông.

     Về ngự bút của vua Minh Mạng, ngoài các tấm bia khắc đại tự “Vọng giang đài”, “Vọng hải đài” và biển đề “Huyền Không môn”, có 7 bia ma nhai đại tự do vua Minh Mạng đặt tên và khắc vào đá, như: động Huyền Không, động Linh Nham, động Lăng Hư, động Vân Thông, động Tàng Chân, hang Vân Nguyệt, hang Thiên Long… vào năm Minh Mạng thứ 6 (1825).

     Riêng chùm bài thơ ngự chế về danh thắng Ngũ Hành Sơn của Vua Minh Mạng vào năm thứ 18 (1837) cho thấy đây là tiến trình Nam tuần của vua Minh Mạng, đấy cũng là lần thứ 3 xa giá của vị Thánh tổ triều Nguyễn lâm hạnh Ngũ Hành Sơn. Ngoài các ngự bút trên, hầu hết các bia ma nhai đề thơ có niên đại từ năm Đồng Khánh thứ 3 (1887) trở về sau.

     “Riêng triều đại Thiệu Trị và Tự Đức lại tuyệt nhiên vắng bóng. Cụ thể, chúng tôi sưu tra được 2 văn bản thuộc niên đại Đồng Khánh, 25 văn bản thuộc niên đại Thành Thái, 4 văn bản thuộc thời Duy Tân, 4 văn bản thuộc thời Khải Định và 9 văn bản thuộc triều Bảo Đại”, Đại đức Thích Không Nhiên, trưởng nhóm nghiên cứu Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (Huế) chia sẻ.

     Trong đó, các nhà nghiên cứu đặc biệt lưu tâm đến hai văn bản ma nhai thời Đồng Khánh tại động Huyền Không gồm bài tán của Lý Triệu Tuấn và bài thơ của Bùi Văn Dị. Đây là hai văn bản có niên đại sớm nhất trong số nhiều bài thơ của các thế hệ tao nhân mặc khách ca tụng cảnh đẹp và sự thiêng liêng của thắng tích Ngũ Hành Sơn (năm Đinh Hợi 1887).

     Về bài tán của Lý Triệu Tuấn, căn cứ vào dòng cuối bài “Quỳnh phủ Xuân hữu Lý Triệu Tuấn thư”, các nhà nghiên cứu đoán định ông là người Hoa kiều, gốc Hải Nam. Văn bản ma nhai này có kích thước khá lớn (154cm x 110cm) và đoán định là văn bản có kích thước lớn nhất so với các văn bản ma nhai còn lại tại Ngũ Hành Sơn.

     Đây cũng là văn bản ma nhai duy nhất được viết theo thể “tán”. “Tán” là một thể tài trong văn học cổ Trung Hoa mà về mặt cú pháp tuy có vần điệu như thơ nhưng không quá khắt khe về mặt niêm luật hay câu chữ. Bài tán của Lý Triệu Tuấn chủ yếu ca ngợi cảnh sắc Tam Thai, cảm thán trước vẻ đẹp huyền ảo của Huyền không động.

     Đối với thơ đề của các đại thần, quan lại đời Thành Thái, nổi lên một số nhân vật, như: Đông các đại thần Trương Quang Đàn, Tiểu cao Nguyễn Văn Mại (lúc đang là Bố chánh Quảng Nam), Phạm Phú Lâm (cháu Phạm Phú Thứ), Kim Giang Nguyễn Trọng Hợp… Trong những lần đến thăm Ngũ Hành Sơn hoặc đi công cán ngang qua, các đại thần, quan lại đã bày tỏ lòng cảm thán trước vẻ đẹp của Ngũ Hành Sơn như: Cát vàng đá trắng hợp nên đồi/ Biêng biếc um tùm cảnh đẹp thay, Sông biển quanh co thế tự nhiên/ Cát bằng bát ngát chẳng chân in…

     Thơ đề của các yếu nhân thời Khải Định và Bảo Đại thì ngoài ca ngợi vẻ đẹp sông núi vùng Ngũ Hành còn bày tỏ chí lớn và cả nỗi niềm riêng… Theo thầy Thích Như Thịnh, Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán (Huế), hầu hết các bia ma nhai đề thơ có niên đại từ năm Đồng Khánh thứ 3 (1887) đến năm đầu triều Khải Định (1916) đều được sao lục khá đầy đủ trong cuốn Ngũ Hành Sơn lục – một tư liệu Hán Nôm do Tú tài Hồ Thăng Doanh biên soạn dưới sự cố vấn và đóng góp công sức rất lớn của Thiền sư Ấn Lan Từ Trí; chính thức được hoàn chỉnh vào năm 1916. Bài tán của Lý Triệu Tuấn và bài thơ của Bùi Văn Dị cũng được sao lục trong tác phẩm này. Những ghi chép trong Ngũ Hành Sơn lục hoàn toàn chân xác với nội dung của ma nhai khắc trên vách động Huyền Không mà nhóm tác giả đã nghiên cứu.

     Trong khi đó, nhà nghiên cứu Phan Đăng (Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán) cho rằng, những bài thơ khắc trên vách đá Ngũ Hành Sơn là một di sản quý của văn hóa xứ Quảng. Việc sưu tầm, dập, chép, đối chiếu rồi phiên âm, dịch nghĩa và giới thiệu đầy đủ những tác phẩm này là việc làm vô cùng ý nghĩa, không chỉ lưu truyền cho đời sau mà còn góp phần giới thiệu giá trị lịch sử, ngôn ngữ, văn chương, mỹ thuật của quần thể di tích này.

     Nhà nghiên cứu Phạm Đức Thành Dũng, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nhìn nhận, từ những bài thơ và các tác giả đề thơ nơi đây tuy chỉ mới một phần nhỏ trong kho tàng văn hóa của danh thắng Ngũ Hành Sơn nhưng có thể hình dung thêm một mảng văn học nghệ thuật độc đáo, những cứ liệu lịch sử sống động, những bức thư pháp, tác phẩm phù điêu đặc thù…

     “Vẫn biết “trăm năm bia đá cũng mòn”, nhưng tâm tư, tình cảm của bao thế hệ tiền nhân gửi gắm vào thắng tích Ngũ Hành Sơn chắc chắn vẫn mãi hòa điệu, trường tồn trong lòng hậu thế”, thầy Thích Như Thịnh chia sẻ.

Bài và ảnh: Ngọc Hà – Báo Đà Nẵng