Ý tưởng quy hoạch khu danh thắng Ngũ Hành Sơn – hướng đến một di sản trong tương lai

Danh thắng Ngũ Hành Sơn, một tuyệt tác về cảnh quan thiên nhiên “thủy tú, sơn kỳ” vừa huyền ảo vừa mộng mơ, tạo hóa đã ban tặng cho TP.Đà Nẵng, cho miền Trung và cho cả Việt Nam.

Tuy nhiên quần thể Ngũ Hành Sơn ngày càng mai một vì sự tàn phá bởi thời gian và sự can thiệp thiếu thân thiện của con người. Vấn đề đặt ra hôm nay cần bảo tồn, tôn tạo, phát triển danh thắng Ngũ Hành Sơn phát triển hài hòa trong quy hoạch tổng thể đô thị Đà Nẵng hiện tại và hướng đến một di sản văn hóa trong tương lai.

I. Danh thắng Ngũ Hành Sơn dưới góc nhìn văn hóa tâm linh và giá trị thời đại.

1. Quá trình hình thành và tên gọi Ngũ Hành Sơn:

Có nhiều truyền thuyết về sự ra đời và hình thành quần thể núi Ngũ Hành Sơn, trong đó có niềm tin đầy vẽ kỳ bí cho rằng, các ngọn núi ở Ngũ Hành Sơn có nguồn gốc từ một quả trứng của con khủng long thời xưa. Song ngày nay, với tiến bộ của khoa học kỹ thuật càng làm rõ về sự vận động địa chất của vỏ trái đất đã làm xuất hiện các hiện tượng tự nhiên trong đó có sự hình thành quần thể núi Ngũ Hành Sơn.

Theo sử sách ghi lại và những bài viết của nhiều người yêu thích Ngũ Hành Sơn đều cho rằng: Gần hai trăm năm trước đây, Vua Minh Mạng đã đến chiêm ngưỡng và đặt tên cho các ngọn núi theo phương vị bát quái của Kinh Dịch và đặt tên cho các chùa, các hang động vừa huyền ảo, vừa thơ mộng như một cõi thiên thai ở trần gian.

Như vây dù từ truyền thuyết hay lịch sử hình thành của tạo hóa thì Ngũ Hành Sơn cũng là một danh thắng kỳ vĩ, tiềm ẩn nhiều điều cần được nghiên cứu khám phá.

2. Ngũ Hành Sơn với thuyết âm dương:

a. Quần thể 5 ngọn núi tương ứng theo Ngũ Hành của trời đất:

Ngũ Hành Sơn độc đáo bởi màu sắc theo từng hòn núi: Thủy Sơn màu hồng, Mộc Sơn màu trắng, Hỏa Sơn màu đỏ, Kim Sơn đá màu thủy mặc và Thổ Sơn màu nâu và được tạo hóa sắp đặt theo phương vị bát quái: Hòn phía Bắc tượng trưng hành thủy, gọi là Thủy Sơn; hòn phía Nam ứng với hành hỏa gọi là Hỏa Sơn; hòn phía Đông hành mộc gọi là Mộc Sơn và hòn chính giữa là hòn Thổ, gọi là Thổ Sơn.

Nhìn chung các ngọn núi Ngũ Hành Sơn không cao, ngọn Thủy Sơn cao nhất 106m song tổng thể vẫn tạo ra sự hùng vĩ và đặc sắc bởi thắng cảnh đặc biệt về thiên nhiên. Bao quanh Ngũ Hành Sơn về phía Đông là biển cả; ở phía Tây và Nam là sông Cổ Cò, hiếm có 1 di tích nào lại nằm giữa biển và sông như Ngũ Hành Sơn.

b. Ngũ Hành Sơn tương đồng chu kỳ sinh khắc của tạo hóa:

Có thể nhìn nhận từ một phương diện “đức tin” 5 ngọn núi là 5 nguyên tố cơ bản của vũ trụ được biểu trưng theo những đặc tính của chu kỳ sinh khắc:

Chu kỳ sinh: Kim sinh Thủy – Thủy sinh Mộc – Mộc sinh Hỏa – Hỏa tự thiêu sinh ra Thổ – Thổ sinh Kim.

Chu kỳ khắc: Kim khắc Mộc – Mộc khắc Thổ – Thổ khắc Thủy – Thủy khắc Hỏa – Hỏa khắc Kim.

Thật là thú vị các đặc tính của hai chu kỳ này được trở thành đời sống tinh thần và vật chất của quần thể Ngũ Hành Sơn.

3. Ngũ Hành Sơn trong nghệ thuật phong thủy:

a. Ngũ Hành Sơn, “tiền án” cho Trung tâm đô thị Đà Nẵng:

Trung tâm đô thị thành phố Đà Nẵng đang thay đổi, đang chuyển mình hướng đến những giá trị đô thị hiện đại, giàu bản sắc của khu vực miền Trung. Có thể nhìn nhận thành phố Đà Nẵng hiện đại cũng như trong tương lai ở thế đắc địa về phong thủy. Đây là một mong muốn phổ biến và mang tính toàn cầu như đảm bảo sự “trường tồn” của các đô thị trên thế giới hiện nay.

Từ trên đỉnh cao nhất của Ngũ Hành Sơn (ngọn Thủy Sơn) ta bất ngờ cảm nhận trung tâm TP. Đà Nẵng có vị trí ổn định, vững vàng ở thế:

Bên tả có núi đảo Sơn Trà (Bạch Hổ)

Bên hữu có núi Phước Tường (Thanh Long)

Phía trước có Sông Hàn (Minh Đường)

Phía sau có dãy Trường Sơn (Hậu Chẩm)

Như vây, Ngũ Hành Sơn là “tiền án” uy nghi cho khu Trung tâm đô thị TP. Đà Nẵng hướng về minh đường là biển Đông.

b. Ngũ Hành Sơn điểm trung hòa, hội tụ Âm Dương Ngũ Hành:

Nhìn nhận về khía cạnh “Sơn thủy” trong tổng thể đất nước hình chữ S, cho ta thêm một cảm nhận: phía Bắc đất nước có dãy núi Tam Đảo nổi tiếng (3 núi), phía Nam ở một trong những nơi tận cùng của Tổ Quốc có ngọn núi Thất Sơn nhiều huyền thoại (7 núi) và miền Trung vị trí trung tâm có quần thể núi Ngũ Hành Sơn (5 ngọn). Phải chăng Ngũ Hành Sơn là điểm trung hòa giữa Tam Đảo (3) và Thất Sơn (7)? Kỳ lạ hơn nơi đây còn có Âm Dương – Ngũ Hành (Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ) như một thông điệp minh chứng về tính chất hội tụ của cả một vùng lãnh thổ.

Như vậy Ngũ Hành Sơn không còn là thắng cảnh riêng của thành phố Đà Nẵng, của miền Trung mà còn là vùng đất địa linh vô cùng quan trọng của nước Việt Nam.

4. Ngũ Hành Sơn một thực thể trường tồn:

a. “Đa dạng hóa” đời sống tinh thần:

Đến danh thắng Ngũ Hành Sơn đúng vào dịp tháng 2 âm lịch hàng năm, du khách được thưởng thức và chiêm nghiệm lễ hội Quán Thế Âm truyền thống gồm 2 phần: Lễ và hội.

Phần lễ: Mang màu sắc lễ nghi Phật giáo với các nội dung:

– Lễ rước ánh sáng: Nghi lễ rước ánh sáng thường tổ chức vào tối ngày 18, gồm rước đuốc, rước kiệu, múa lân, múa rồng để cầu mong ánh sáng soi đường cho chúng sinh, mà trong Phật giáo ánh sáng đồng nghĩa với trí tuệ, trí tuệ sáng thì tấm lòng, đạo đức trong sáng, sẽ làm nhiều việc thiện.

– Lễ khai sinh: Lễ được tổ chức vào sáng sớm ngày 19, đây là lễ cầu nguyện cho Quốc thái dân an, chúng sinh an lạc.

– Lễ trai đàn chẩn tế: Lễ này cũng được tổ chức vào sáng ngày 19 để cầu siêu, cúng thập loại chúng sinh, thường trước đó đồng phật tử gởi danh sách những người thân của mình đã mất đến chùa để làm lễ cầu siêu. Trong lễ này phải mời người có giới phẩm đứng ra làm lễ.

– Lễ thuyết giảng về Bồ tát Quán Thế Âm và dân tộc: Lễ cúng được tổ chức vào sáng ngày 19, ngợi ca lòng từ bi bác ái của Đức Phật Bồ Tát Quán Thế Âm và cầu nguyện cho dân tộc an bình, thịnh vượng.

– Lễ rước tượng Quán Thế Âm: Lễ này cầu nguyện cho đồng bào, chúng sinh đi biển, đi làm ăn (cúng Sơn Thủy, Thổ Thần) để cầu quốc thái dân an. Lễ thường được tổ chức vào đêm ngày 18 tháng 2 âm lịch.

Phần hội: Diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa – thể thao mang đậm bản sắc dân tộc xen lẫn với hiện đại như hội hóa trang, hát dân ca, thi cờ, nhạc, họa, điêu khắc, múa tứ linh, thả đèn trên sông, hát tuồng… các hoạt động văn hóa như triển lãm thư pháp và tranh thủy mặc, hội thi huyết minh về danh thắng Ngũ Hành sơn, hội thi nấu ăn chay…

b. “Nhất nghệ tinh”:

Làng nghề truyền thống Ngũ Hành Sơn hiện có khoảng hơn 3000 lao động với hơn 400 cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ. Sản phẩm đá mỹ nghệ đã nhiều năm nổi tiếng trong và ngoài nước bởi bàn tay tài hoa khéo léo của người dân Ngũ Hành Sơn. Tuy nhiên hiện nay mức độ ô nhiễm như bụi đá, tiếng ồn ngày càng ảnh hưởng đến sức khỏe người dân và hiện tượng cảnh quan thiên nhiên ngày càng bị xâm phạm đã là vấn đề nhức nhối đối với thắng cảnh Ngũ Hành Sơn.

5. Ngũ Hành Sơn đồng hành với thời đại:

a. Bảo tồn và phát triển:

Tôn tạo và bảo tồn di tích thắng cảnh Ngũ Hành Sơn theo hướng nào? Giải pháp ra sao? Để đạt được mục tiêu giữ gìn phát huy giá trị của di tích và tạo cho di tích có sức dống của thời đại, có tinh thần mới. Bảo tồn – tôn tạo và phát triển những giá trị vật thể, phi vật thể của di tích phù hợp với đời sống xã hội hiện nay và mai sau.

b. Tạo ra những giá trị mới:

Từ xa xưa tạo hóa đã sinh ra Ngũ Hành Sơn, vua Minh Mạng có công đặt tên và lý giải Ngũ Hành Sơn theo thuyết Âm – Dương, Ngũ hành, từ đó tạo ra một đời sống tinh thần về văn hóa tâm linh phong phú và mãi mãi trường tồn. Hôm nay, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa rất cần thiết tạo ra những giá trị mới mang dấu ấn của thời đại.

II. Ý tưởng quy hoạch hướng đến giá trị một di sản văn hóa:

III. Phương án quy hoạch danh thắng Ngũ Hành Sơn:

1. Mục tiêu chung:

– Quy hoạch chi tiết khu vực danh thắng Ngũ Hành Sơn trở thành khu danh thắng có giá trị đặc biệt, hội tụ các yếu tố bảo tồn văn hóa di tích, tôn tạo không gian kiến trúc cảnh quan, phát triển kinh tế xã hôi, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, hòa nhập hữu cơ vào đời sống xã hội đô thị hiện đại.

– Quy hoạch sử dụng đất, đề xuất các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc và các quy định xây dựng tại khu vực làm cơ sở để quản lý và đầu tư các dự án xây dựng theo từng giai đoạn phát triển.

2. Mục tiêu cụ thể:

Xây dựng một khu danh thắng Ngũ Hành Sơn bao gồm các hạng mục sau: Khu trung tâm Lễ hội – Bảo tàng đá, công viên Ngũ hành – chùa Quán Thế Âm – Làng Hành hương – Công viên tượng – Khu buôn bán đá mỹ nghệ và Khu danh thắng bảo tồn.

3. Tổ chức cấu trúc hình thái không gian:

Hình thái không gian Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn được cấu trúc dựa theo ý tưởng hình thành “Con đường huyền thoại trở về với cội nguồn” kết nối 5 ngọn núi của Ngũ Hành (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ sơn) với sông Cổ Cò và Đại dương.

4. Chi tiết các khu chức năng:

A. Khu trung tâm Lễ hội:

Khu trung tâm Lễ hội là nơi diễn ra các hoạt động chính của Khu Danh thắng Ngũ Hành Sơn, các hoạt động hằng ngày cũng như tổ chức các Lễ hội quốc gia hằng năm. Trục Lễ hội là không gian mở được cấu trúc từ đường Lê Văn Hiến kéo dài đến sông Cổ Cò gồm 2 phần: Khu lễ đài chính và Khu lễ hội.

B. Bảo tàng đá trên công viên Ngũ Hành:

Xây dựng bảo tàng đá mỹ nghệ duy nhất tại Việt Nam với mục đích trưng bày, triển lãm, chế tác và trao đổi mua bán. Bảo tàng được xây dựng theo dạng hang động (ngầm dưới lòng đất) tạo nên cảnh trí hấp dẫn. Ngoài ra bảo tàng còn là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa về đá mỹ nghệ trong và ngoài nước.

Xây dựng công viên truyền thuyết Ngũ Hành nhằm truyền tải về quá trình hình thành từ đại dương qua hàng nghìn năm vận động. Quá trình hình thành vũ trụ theo quan điểm triết lý phương đông về Ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa và Thổ và tái hiện lại câu chuyện lịch sử của Vua Minh Mạng và các bậc trí nhân đã từng viếng thăm Ngũ Hành Sơn.

Các chỉ tiêu xây dựng chính: diện tích 9.39 ha, mật độ xây dựng: 10 – 15% chiều cao tối đa: 9m.

C. Chùa Quán Thế Âm

Chùa Quán Thế Âm tọa lạc tại ngọn Kim Sơn gắn liền với hiện tượng tạo hóa tôn tượng Ngài bằng thạch nhũ thiên nhiên màu nhiệm. Cấu trúc trục tâm linh song song với trục Lễ hội theo hướng Bà Nà – Thủy Sơn, tả hữu có dãy núi che chắn, hậu tựa ngọn Kim Sơn có cao độ khoảng 80m, mặt nhìn về phía sông Cổ Cò. Tổng thể bố cục chùa theo kiểu “Tọa sơn”, nền chùa nằm trên cao tựa lưng vào núi, phóng tầm nhìn ra xung quanh. Tượng Quán Thế Âm thiên thủ thiên nhãn cao 15m bằng pha lê nằm trên hồ sen hướng tầm nhìn về phía Lễ đài tạo điểm nhấn cho toàn thể không gian khu danh thắng.

Các chỉ tiêu xây dựng chính: Diện tích: 2.0923 ha, mật độ dựng: 20 – 30%, chiều cao tối đa: 20m.

D. Làng Hành Hương:

Làng Hành Hương được xây dựng theo mô hình nhà nghỉ dưỡng thấp tầng (resort) làm nơi cư trú cho du khách hành hương về Khu danh thắng Ngũ Hành sơn vào dịp Lễ hội Quán Thế Âm và nhu cầu phục vụ khách du lịch hằng ngày. Mô hình xây dựng Làng Hành Hương theo kiểu làng quê Việt, gắn liền hình ảnh của di tích lịch sử Đình Hóa Khuê (có niên đại gần 300 năm) và cảnh trí của vùng đồng quê êm ả. Cấu trúc không gian chức năng bao gồm: Khu tiếp đón – dịch vụ trung tâm, khu nhà nghỉ dưỡng 3, nhà hàng, hồ bơi và khu chăm sóc sức khỏe.

Các chỉ tiêu xây dựng chính: diện tích: 5.2747 ha, mật độ xây dựng: 10 – 15%, chiều cao tối đa: 12m.

E. Khu Vườn tượng:

Vườn tượng được xây dựng tại khu vực phía bắc núi Thủy Sơn, trên đồi cát tự nhiên có độ cao thay đổi. Vườn tượng được thiết kế theo nguyên tắc tạo sự giao tiếp giữa người và tượng, tạo cảm xúc và khuyến khích sự đối thoại. Chủ đề khai thác bao gồm truyền thuyết, tự nhiên và cuộc sống đời thường nhằm giáo dục tinh thần nhân văn cao đẹp. Tổng thê bố cục lấy ngọn Thủy Sơn làm nền để tôn vinh vẻ đẹp của tác phẩm điêu khắc. Cấu trúc không gian bao gồm 02 phần: khu trưng bày tượng và Khu vui chơi – giải trí.

Các chỉ tiêu xây dựng chính: diện tích: 16.6534 ha, mật độ xây dựng: 5 -10%, chiều cao tối đa: 12m.

F. Khu phố buôn bán đá mỹ nghệ:

Khu phố buôn bán đá mỹ nghệ Non Nước kết hợp hoạt động kinh doanh phục vụ khách du lịch. Tổ chức khu phố theo kiểu nhà ở kết hợp buôn bán và gia công đá mỹ nghệ (công đoạn không ô nhiễm) theo kiểu làng nghề truyền thống. Kết hợp cung cấp dịch vụ cho hoạt động du lịch tham quan bao gồm: khách sạn mini, nhà hàng, cà phê, buôn bán hàng thủ công. Kết hợp tổ chức hoạt động phố đêm với nhiều loại hình giải trí đường phố sinh động. Khuyến khích người dân làm đẹp khu phố bằng cách trồng hoa, trang trí mặt tiền theo hướng sinh động, phù hợp với đời sống văn hóa tâm linh của Ngũ Hành Sơn. Một hành lang đi bộ có mái che từng phần rộng 3m nằm phía trước mặt tiền trên đường Huyền Trân Công Chúa (phía đối diện với Thủy Sơn) được đề xuất để tạo sự đồng bộ về kiến trúc và tạo sự thuận tiện cho du khách tham quan và mua sắm. Tổng số căn: 656 căn.

Các chỉ tiêu xây dựng chính: diện tích: 14.8315 ha, mật độ xây dựng: 70 – 80%, chiều cao tối đa: 11m.

G. Khu danh thắng bảo tồn:

Khu Danh thắng bảo tồn bao gồm cấu trúc 5 ngọn Kim sơn, Mộc sơn, Thủy sơn, Hỏa sơn và Thổ sơn. Tôn tạo cảnh quan và nâng cao giá trị di sản tự nhiên thông qua công tác cải tạo cảnh quan, tăng cường dịch vụ phục vụ cho khách rham quan. Tổ chức không gian xung quanh 5 ngọn núi với chủ đề: Vườn Thiền Việt – Vườn Bách Thảo – Vườn Tượng – Vườn Gốm Việt và Vườn Đá.

Các chỉ tiêu xây dựng chính: diện tích: 55.5032 ha, mật độ xây dựng: 2-3%, chiều cao tối đa: 5m.

H. Bãi xe:

Bố trí 02 bãi xe phục vụ cho nhu cầu tham quan và tham dự lễ hội Quán Thế Âm với sức chứa khoảng 12600 người/ngày. Bãi xe Lê Văn Hiến quy mô 2,46 ha có sức chứa 9000 người gồm: 50 xe bus 50 chỗ, 150 xe 4 chỗ, 3000 xe máy. Bãi xe Sơn Trà – Điện Ngọc quy mô 1,30 ha có sức chứa 3600 người gồm: 20 xe bus 50 chỗ, 150 xe 4 chỗ, 1000 xe máy. Khi tổ chức lễ hội cần có phương án bố trí đậu xe trên vỉa hè và các khu vực kế cận nhằm tăng quy mô lên khoảng 50.000 người/ngày.

Diện tích và các chỉ tiêu xây dựng chính: 3.7654 ha.

IV. Kết luận:

Xuất phát từ ý tưởng của Hội thảo khoa học diễn ra tại TP. Đà Nẵng, với sự chỉ đạo quyết liệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, chính quyền thành phố và quận Ngũ Hành Sơn, cùng với sự đồng thuận , chia sẻ trách nhiệm của cộng đồng dân cư và lòng đam mê của nhóm kiến trúc sư đến từ Trường Đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh, dự án đầu tư xây dựng tổng thể khu danh thắng (khoảng 131 ha) đang được thực hiện một cách khẩn trương và đầy ắp cảm xúc lãng mạn. Di tích – Danh thắng – Di sản văn hóa là một hành trình tất yếu đối với Ngũ Hành Sơn, báu vật của tạo hóa đã ban tặng cho thành phố Đà Nẵng./.

 

TS.KTS. Phạm Tứ Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM