Những đặc điểm nổi bật của Khu văn hóa – Tâm linh Ngũ Hành Sơn

 Non Nước Ngũ Hành Sơn là một địa danh được nhắc đến từ rất lâu, cả hàng trăm năm nay, cả trong và ngoài nước, mỗi khi nói đến Quảng Nam – Đà Nẵng nhưng hầu như chưa một lần được xác định một cách khoa học chân giá trị của nó.

Nhìn từ những đỉnh cao Hải Vân, Bà Nà Non Nước Ngũ Hành Sơn giống như một khu “non bộ thiên tạo khổng lồ” nổi lên ngay giữa lòng thành phố, là một tặng phẩm vô cùng quý giá của thiên nhiên ban tặng cho thành phố, các giá trị cần được nhận thức một cách đầy đủ và chính xác để có kế hoạch bảo tồn và phát huy.

Ở đây, tôi chỉ xin nhấn mạnh ba đặc điểm nổi bật: văn hóa, tâm linh và lịch sử.

1. Về văn hóa:

Tại danh thắng Non Nước Ngũ Hành Sơn có nhiều hoạt động văn hóa như lễ hội Quán Thế Âm vào tháng 2 âm lịch, nghề chạm khắc đá mỹ nghệ v.v… nhưng điểm cần nhấn mạnh là danh xưng Ngũ Hành Sơn, điều trước nay ít được đề cập đầy đủ.

Danh xưng các ngọn núi ở nước ta thường dựa theo hình dáng, số lượng, truyền thuyết, nhân vật, v.v… như Tam Đảo, Thất Sơn, Thiên Ấn, Thiên Bút, đồi Trạng Nguyên, núi Thần Đồng, vv…

Chắc chắn không có ngọn núi nào lại mang danh xưng của học thuyết triết học duy vật phương Đông “Âm Dương Ngũ Hành” với đầy đủ các yếu tố: Thủy, Thổ, Kim, Mộc, Hỏa (có cả Âm và Dương), như ở Ngũ Hành Sơn.

Tất nhiên, việc đặt tên là do con người thực hiện nhưng cũng phải căn cứ trên sự tương đồng tương đối giữa thế đất thế núi với những yếu tố cơ bản của tên đặt.

Ở Ngũ Hành Sơn có một sự tương đồng ngẫu nhiên rất cao giữa thế đất thế núi với các điểm cơ bản về bản chất và cấu trúc không gian của học thuyết triết học Âm Dương Ngũ Hành.

Thứ nhất, về hình dáng, núi ở đây không phải là những “dãy” hoặc những “ngọn” mà là những “hòn” đá vôi đứng kề nhau nhưng độc lập với nhau, không dính liền nhau, với độ cao vừa phải, trên một diện tích không quá rộng, giống như những quả trứng khổng lồ nổi lên giữa đất liền nên có thể xem như các “hành” trong triết học Âm Dương Ngũ Hành.

Thứ hai, về số lượng, Ngũ Hành Sơn không chỉ có 3 ngọn như Tam Đảo ở phía Bắc hoặc 7 ngọn như Thất Sơn ở phía Nam mà có đúng 5 hòn, trùng hợp với con số 5, con số sinh thành và vận động trong vũ trụ của học thuyết. Trên thực địa có 6 hòn nhưng hai hòn phía nam được nối liền với nhau nên được xem là hòn kép có cả âm và dương (Âm Hỏa Sơn và Dương Hỏa Sơn).

Thứ ba, về bố cục, 5 hòn núi đó được sắp xếp thành 2 hàng theo cấu trúc 2+3 (cả dọc và ngang), trùng hợp với cấu trúc “tham thiên lưỡng địa” (2+3=5) về sự chuyển động không ngừng của vạn vật của học thuyết.

Thứ tư, do sự tương đồng về vị trí của các hòn núi với phương vị hướng và số của Hà Đồ nên hòn núi phía bắc có tên Thủy, phía nam là Hỏa, phía tây là Kim, phía đông là Mộc và ở trung tâm là Thổ.

Như vây, danh xưng Ngũ Hành Sơn không hoàn toàn do con người đặt ra một cách tùy tiện mà mang đậm yếu tố văn hóa, khó có nơi nào có thể có được.

Vì vây, cần hết sức trân trọng yếu tố này. Chẳng hạn, không nên gọi danh thắng này bằng tên “Những núi đá cẩm thạch” (Les montages de marbre), tên do người Pháp đặt ra và chỉ phản chất liệu đá mà thôi như trong cách sách hướng dẫn du lịch và các hướng dẫn viên du lịch thường giới thiệu.

Nếu cần thì có thể dịch là: “Les monts des einq éléments”.

2. Về Tâm linh:

Ngũ Hành Sơn cũng là một thế giới tâm linh. Chỉ trên bốn hòn Thủy Sơn, Hỏa Sơn, Kim Sơn, Thổ Sơn đã có 10 ngôi chùa lớn nhỏ hiện đang tồn tại: Tam Thai, Tam Tôn, Từ Tâm, Linh Ứng (Thủy Sơn); Phổ Đà sơn, Linh Sơn, Ứng Nhiên (Hỏa Sơn); Quán Thế Âm, Thái Sơn (Kim Sơn); Long Hoa (Thổ Sơn). Đấy là không kể các ngôi chùa chung quanh chân núi hoặc hiện nay không còn nữa như các chùa Thái Bình, Vân Long, Bình An, Bửu Quang, Di Lặc.

Một đặc điểm nổi bật ở đây là chùa thường đi với động như hình với bóng. Bên cạnh chùa Tam Thai là động Huyền Không, bên cạnh chùa Linh Ứng là động Tàng Chân, bên cạnh chùa Quán Thế Âm là động Quán Thế Âm, vv…

Chùa ở đây được xây dựng từ rất sớm, ngay từ những năm đầu thế kỷ XVII. Dưới triều Nguyễn chùa Tam Thai đã được xem là Quốc tự và có Quốc sư.

Trong động Quán Thế Âm có thạch nhũ có hình tượng Phật bà Quán Thế Âm.

Trên vách đá hòn Thổ sơn, cạnh chùa Long Hoa, có một vách đá cao hơn 30 mét, nếu được gia công thì Đà Nẵng sẽ có một bức phù điêu khổng lồ hình tượng Phật Di Lắc trên vách núi, có một không hai trong cả nước, vv…

Hằng năm tại đây có lễ hội Quán Thế Âm vào đầu năm âm lịch.

Rõ ràng đây là một thế giới chùa chiền hang động, không nên trần tục hóa.

3. Về lịch sử

Non Nước Ngũ Hành Sơn là một thắng cảnh đã được các vương triều trước đây ca ngợi, viếng thăm. Vua Minh Mạng đã ban hành nhiều chiếu, chỉ dụ tu bổ, tôn tạo. Thích Đại Sán có thể được xem như vị khách du lịch đã viếng thăm Ngũ Hành Sơn vào năm 1695 và đã có bài trường ca ca ngợi danh thắng.

Tại Non Nước Ngũ Hành Sơn cũng có nhiều bia đá cổ trên vách núi và điều rất quý là có những tấm bia còn hoàn toàn nguyên vẹn như bia “Phổ Đà Linh Trung Phật” trong Hoa Nghiêm, trên hòn Thủy Sơn có dựng từ năm 1640, bia “Ngũ Uẩn Sơn” trong động Vân Thông được dựng năm 1641. Đây là những tấm bia cổ nhất trên địa bàn thành phố chứ không phải tấm bia tại chùa Long Thủ (được dựng vào năm 1657), như xưa nay vẫn nói. Nội dung cho thấy rõ tình hình xã hội lúc bấy giờ, ghi rõ họ tên và số tiền quyên góp để xây dựng chùa trong đó hơn 50% là của thương gia Nhật Bản ở Hội An và cả ở Nhật.

Các hang động Ngũ Hành Sơn cũng ghi lại dấu tích đấu tranh chống Mỹ kiên cường và oanh liệt của nhân dân Quảng Nam Đà Nẵng.

Như vậy, Ngũ Hành Sơn không chỉ là một thắng cảnh thiên nhiên mà còn là một nhân chứng lịch sử của đời sống nhân dân địa phương./.

 

                                                                NGND Nguyễn Trọng Hoàng

                                        Nguồn từ sách: Ngũ Hành Sơn vùng lịch sử – Văn hóa tâm linh

                                                               của Lê Hoàng Vinh và Lê Anh Dũng