1. Công chúa Huyền Trân là con út của vua Trần Nhân Tông và hoàng hậu Khâm Từ Quyên Thanh, cháu ngoại Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn, em ruột vua Trần Nhân Tông.
Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Mùa hạ, tháng 6 (năm Bính Ngọ, nhằm 1305 dương lịch, nhà Trần) gả công chúa Huyền Trân cho chúa Chiêm Thành là Chế Mân”, thực hiện lời hứa của vua Trần Nhân Tông từ năm 1301.
Công chúa Huyền Trân được vua Chế Mân sủng ái và đề cao, tấn phong là hoàng hậu thứ nhất, với tôn hiệu Hoàng hậu Paramesvari, đứng đầu các hậu và phi của vua Chiêm. Nhưng chẳng may chỉ được non một năm, tháng 5 Đinh Mùi (1307), trong lúc công chúa đang có thai, vua Chế Mân bị bạo bệnh qua đời.
Tuy trì hoãn vì phải chờ ngày hoàng tử được sinh ra và đón đoàn sứ thần của Đại Việt vào viếng tang, nhưng theo luật tục Chiêm Thành thì hoàng hậu phải chịu hỏa thiêu chết theo vua.
Đoàn Đại Việt do các quan Nhập nội Hành khiển Thượng thư Tả bộc xạ (Tể tướng) Trần Khắc Chung, An phủ sứ (Tỉnh trưởng) Hóa Châu Đặng Văn và một số vị tăng sĩ Phật giáo dẫn đầu, đưa theo hàng nghìn thủy thủ tùy tùng, đi thuyền sang Đồ Bàn (kinh đô Chiêm Thành, nay ở Bình Định), cuối năm 1307. Lúc đó, hoàng hậu Paramesvari (Huyền Trân) đã sinh thế tử Chế Đa Da và đang chờ hành lễ tự hiến để theo chồng trên giàn thiêu đã sắp đặt sẵn ở bờ biển Quy Nhơn, bên thành Đồ Bàn. Đoàn sứ Việt xin lập trai đàn trên một số chiến thuyền được kết lại ở ngoài biển để làm lễ cho vua Chế Mân và xin đón hoàng hậu đích thân ra tới trai đàn đứng làm chủ lễ cúng tế chiêu hồn cho chồng theo phong tục Việt, trước khi quay vào bờ lên giàn hỏa thiêu. Phó vương Chiếm Chế Chí thuận theo. Khi thuyền của hoàng hậu đang đi trên biển thì thủy quân Việt bất ngờ đón lấy và bắt theo 300 cung nữ, lính hầu người Chiêm, giong buồm về Bắc. Có lẽ cân nhắc tình thế và thể tình, nên triều đình Chế Chí đã không cho đuổi theo, mặc dù chiến thuyền của Chiêm Thành thời đó rất mạnh. Khi đến Hóa Châu, đoàn nhà Trần tạm dừng nghỉ và cho 300 người Chiêm trở về nước.
Phải bỏ con mới mấy tháng tuổi ở lại Đồ Bàn, công chúa Huyền Trân về Thăng Long, gặp vua cha Trần Nhân Tông lúc ấy đã là thiền sư Trúc Lâm đại đầu đà, bà xuất gia thành ni sư Hương Tràng trù trì chùa Quang Nghiêm Tự, xã Hổ Sơn, trấn Sơn Nam. Bà cũng thường về làng Thái Đường (nơi có Chiêu lăng thờ tiên tổ nhà Trần), nay thuộc huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình, để chăm lo hương khói cho mẹ vốn mất sớm, đồng thời dạy dân dệt vải trồng lúa theo lối người Chiêm và để dành vàng mua ruộng đất làm phúc cho dân nghèo ở 36 làng xã quanh vùng. (Riêng làng Dành, nay là xã An Ninh tỉnh Thái Bình được hưởng 28 mẫu ruộng ấy, truyền tụng là “ruộng vàng”).
Bà viên tịch vào đêm mùng 9 tháng giêng, được ngoài 50 tuổi. Dân làng Thái Đường nhớ ơn, tôn Bà làm Mẫu Huyền Trân và dựng ngôi Chùa Cả ở gần sông Thái Sư để thờ, nay còn dấu tích; còn dân làng Dành thì tôn bà làm thành hoàng.
2. Tháng giêng năm Đinh mùi, nhằm 1307 dương lịch, quan Ngự sử Trung tán (tương đương Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Nhà Nước ngày nay) Lương Nhữ Hài vâng mệnh vua Trần Anh Tông, vào tiếp nhận và đổi Châu Ô, Châu Rí là đất sính lễ của Chiêm Thành, thành Châu Thuận và Châu Hóa. Như thế, nhờ cuộc “hôn nhân hòa hiếu chính trị” của Bà, một giải Đất nước từ bờ nam Sông Hiếu (Đông Hà, Quảng Trị) đến bờ bắc Sông Thu Bồn (còn gọi Sông Ngũ Bồ, Quảng Nam – trong đó có đệ nhất hùng quan Hải Vân và toàn bộ lãnh thổ thành phố thành phố Đà Nẵng ngày sau) trở thành lãnh thổ của Đại Việt, theo con đường hữu nghị hòa bình. Lưu dân Việt theo Ngự sử Lương Nhữ Hài, từ miền Bắc (hẳn chủ yếu chung quanh Thăng Long và cùng Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ) đã di cư đợt đầu tiên đến Nam Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam ngày nay, sinh sống làm ăn phần nhiều ở lưu vực các con sông lớn, đan xen hòa hợp với thổ dân, nhất là ở phía nam đèo Hải Vân.
3. Đánh giá cao sự hy sinh và công đức dấn thân đi mở đất cũng như hành trạng, đức hạnh của Bà, cá triều vua Chính Hòa, Cảnh Hưng nhà Lê, Cảnh Thịnh nhà Tây Sơn, các vua triều Nguyễn… đều có sắc tôn phong. Tổ tiên ta tôn kính, nhớ ơn công chúa Huyền Trân như vị tổ khai cơ của một vùng đất. Nhiều nơi trong nước và ngay ở Thuận Hóa cũ, lưu truyền nhiều đền miếu thờ Bà, nhưng do thiên tai địch họa và thời gian phong hóa nên phần lớn bị tàn phá mai một, nay đang dần dần được tôn tạo laị.
Chùa Quang Nghiêm (tức chùa Nôn Sơn, nay ở xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định), đền Dành (nay ở huyện Quỳnh Phụ tỉnh Thái Bình)… vẫn truyền đời thờ Bà với đầy đủ thần phả, sắc phong. Ở Cam Lộ (Quảng Trị), cửa biển Tư Hiền (Phú Lộc, Thừa Thiên Huế)…, miếu Bà còn nguyên vẹn. Gần đây, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và các cơ quan, các nhà hoạt động văn hóa, xã hội, kinh doanh… hằng tâm hằng sản, năm 2007, đã nhất trí xây dựng Ngôi đền Huyền Trân Công Chúa ở núi Ngũ Phong, thành phố Huế; chọn ngày 9 tháng giêng (ngày mất của Bà) làm Ngày hội Đền Huyền Trân Công Chúa của nhân dân Thuận Hóa thọ ơn tiền nhân.
Riêng thành phố Đà Nẵng chúng ta, ở vùng Hóa Khuê cũ là tụ điểm dân cư Việt sớm nhất trong lịch sử bên sông Hàn, và tựa lưng vào núi Kim Sơn – trong quần thể Ngũ Hành Sơn, tổ tiên ta đã truyền lại miếu thờ Bà Huyền Trân Công Chúa, xây dựng bằng gạch Chăm cổ, có văn bia và nơi thờ tự nghiêm cỉnh. Tiếc rằng, khoảng những năm 1980, do trào lưu thực hành “”bài trừ mê tín dị đoan” thiếu sáng suốt phân biệt, miếu Bà bao gồm văn bia đã bị đập phá san bằng, may còn lưu giữ một số dấu vết cũ.
Năm 2006, trong tinh thần tôn kính tổ tiên công đức và bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, chi bộ Đảng và nhân dân thôn Sơn Thủy đồng tâm xây dựng lại miếu thờ Bà Huyền Trân Công Chúa theo gương ông cha đã làm, tại đúng vị trí cũ và cố bảo tồn hình dáng cũng như vật liệu ban đầu. Miếu thờ Huyền Trân Công Chúa/ Ngũ Hành Sơn xây dựng lại tồn tại đã 2 năm, và đang chờ tôn tạo xứng đáng!
Lê Hoàng Vinh và Lê Anh Dũng
Nguồn từ sách: Ngũ Hành Sơn, vùng lịch sử – văn hóa tâm linh