Từ ý thức đến trách nhiệm trước một di sản cấp quốc gia

Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, khắc họa nên tính chất độc đáo, đặc trưng của mỗi vùng miền, mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, trong đó, con người với ý thức tự chủ trước vẽ đẹp hữu hình và vô hình của văn hóa để từ đó thấy rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của ông cha ta đã dày công bồi đắp trong quá trình dựng nước và giữ nước.

Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, với vai trò quản lý, bảo vệ khu danh thắng Ngũ Hành Sơn – một di tích mà từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa của thành phố Đà Nẵng, chúng tôi cùng ý thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình trong việc quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo để quần thể khu di tích này mãi tồn tại với thời gian.

Núi non, chùa chiền, hang động hòa quyện giữa cảnh trí thiên nhiên cùng với các di vật, cổ vật, văn bia, cổ tự đến các nhóm tượng in đậm dấu tích văn hóa Chămpa đang hiện hữu tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là tài sản văn hóa vô cùng quý giá. Các công trình kiến trúc chùa tháp mang dấu ấn văn hóa hoàng kim của triều đại nhà Nguyễn, các bia cổ như “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” tại động Hoa Nghiêm” năm 1640, bia “Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệc lặc” trong động Vân Thông năm 1641 đến các bài thơ cổ Hán – Nôm được khắc trên các vách đá minh chứng cho một Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng (đất Hàn) đã sớm giao lưu văn hóa với Nhật Bản, Trung Hoa.

Tấm kim bài của vua Minh Mạng sắc phong Quốc tự chùa Tam Thai năm 1825, các tượng Phật cổ hiện đang còn giữ tại chùa Từ Tâm, chùa Thái Bình, khu Hoàng cung để vua ngự bên hông chùa Tam Thai đến cột gỗ lim neo thuyền của vua Minh Mạng khi vi hành đến Ngũ Hành Sơn còn lưu gữi tại chùa Quan Âm… chứng tỏ qua các triều đại, văn hóa Phật giáo tại Ngũ Hành Sơn đã hình thành và phát triển rất sớm, hòa quyện với tập quán, văn hóa của một bộ phận cư dân sinh sống dưới chân những ngọn núi làm nên một nét văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của vùng đất này.

Các di tích lịch sử – văn hóa như: mộ Bảo Đài đại sư tại chùa Linh Ứng, đền thờ Công chúa Ngọc Lan, em gái vua Minh Mạng, đền thờ Huyền Trân Công Chúa, miếu ông Chài đến các văn bia trên Vọng Giang Đài, Vọng Hải Đài, cổng trụ biểu bằng đá sa thạch trên đường lên Thủy Sơn đến các nhóm tượng cổ trong động Tàng Chơn là lớp trầm tích hội tụ các giá trị văn hóa trong kiến trúc, trong điêu khắc, là hơi thở, tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của ông cha ta trong buổi đầu đi khai hoang, mở đất.

Làng đá mỹ nghệ tại Non Nước – Ngũ Hành Sơn là một trong những làng nghề truyền thống có giá trị văn hóa, nghệ thuật cao, tồn tại và phát triển trên 300 năm, góp phần làm nên diện mạo văn hóa đặc trưng tại Ngũ Hành Sơn và từ lâu là sản phẩm du lịch độc đáo đối với khách hành hương, du lịch.

Một vùng đất địa linh, văn hóa thường sản sinh các danh nhân, nghệ sỹ và anh hùng. Từ các thế kỷ trước, những thợ điêu khắc đá Non Nước – Ngũ Hành Sơn, qua bàn tay điêu luyện của mình đã để lại những tác phẩm, những công trình có giá trị nghệ thuật cao. Dưới triều vua nhà Nguyễn, cụ Huỳnh Văn Nên, thợ điêu khắc đá Non Nước – Ngũ Hành Sơn được triều đình chiêu mộ về điêu khắc, trang trí lăng Tự Đức và được phong hàm Cửu phẩm, lớp hậu duệ của thập niên 60 có cụ Nguyễn Chất, bàn tay vàng Nguyễn Sang, Lê Bền và sau này có Nguyễn Việt Minh, Lê Pháp, Nguyễn Long Bữu… Một số tác phẩm Nguyễn Long Bữu tham gia dự thi quốc tế đạt những giải cao, trong lao động nghệ thuật, anh đã để lại nhiều công trình, tác phẩm điêu khắc có giá trị theo phong cách cổ truyền và hiện đại

Ngoài các giá trị văn hóa vật thể, Ngũ Hành Sơn còn là vùng đất khai sinh các giá trị văn hóa phi vật thể thông qua các lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian như: Lễ hội làng đá tại địa phương Hòa Hải, lễ hội Vu Lan tại động Âm phủ, lễ hội Quán Thế Âm tại chùa Quan Âm. Với quy mô và nội dung, hình thức tổ chức, lễ hội Quán Thế Âm hiện nay đã trở thành là một trong 15 lễ hội cấp quốc gia. Truyền thuyết về thần Kim Quy với Quả trứng rồng, Phật tích Địa Tạng Vương Bồ Tát, sự tích Mục Kiền Liên Thanh Đề đi tìm Mẹ được tái hiện dưới động Âm phủ…. đến các bài hát hò khoan, đối đáp một thời vang lên trong những lần hội hè tại một làng quê – vùng ven duyên hải Ngũ Hành Sơn, để từ đó tình yêu trai gái nẩy mầm và phát sinh những sáng tạo trong lao động nghệ thuật, góp nên sắc màu văn hóa của một vùng đất.

Nhằm phát huy, bảo tồn những giá trị di tịch lịch sử – văn hóa, trong các năm qua Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn đã có có những nỗ lực trong việc trung tu, tôn tạo: Khai thông động Âm Phủ, nâng cấp động Huyền Vi, đề xuất một số phương án bảo vệ bia Trung Linh Phật, trùng tu cổng trụ biểu, phục chế bến ngự thuyền vua Minh Mạng, tái tạo khu Hoàng cung, nâng cấp lễ hội Quán Thế Âm, phát triển lễ hội Vu lan rằm tháng bảy, nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ di tích, chống sự xâm hại của thời gian và con người để khu di tích Ngũ Hành Sơn trường tồn trong niềm tự hào chung của chúng ta.

Nằm giữa các di sản văn hóa thế giới: Huế – Hội An – Mỹ Sơn, Ngũ Hành Sơn như một nàng tiên bước ra từ quả trứng rồng thần thoại, những mãnh vỡ từ quả trứng hoang đường ấy hóa thân thành những hòn núi ngọc, để cho ta một danh thắng ngày nay. Là những người được nhà nước giao trọng trách quản lý và bảo vệ một di sản, hơn ai hết chúng tôi nhận thức rằng khu danh thắng Ngũ Hành Sơn là tài sản văn hóa quý hiếm của thành phố, là năm viên ngọc, năm khối vàng ròng mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho con người. Vì thế, trong quản lý, khai thác, xử dụng để phục vụ khách tham quan du lịch, chúng tôi phải thực hiện nghiêm các quy định của Luật di sản đã được nhà nước ban hành từ ngày 01/01/2001, thấy rõ những việc nên làm, những việc cần tránh, cùng với Bảo Tàng thành phố, các cơ quan chức năng đề ra các giải pháp hữu hiệu hơn nhằm bảo tồn, trùng tu, tôn tạo để khu danh thắng Ngũ Hành Sơn được bảo toàn nguyên vẹn những giá trị vốn có. Từ ý thức đến trách nhiệm trước một di sản văn hóa này không những thuộc về những người làm công tác quản lý mà là ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội.

Những gì làm được cho di tích Ngũ Hành Sơn hôm nay chỉ là tiếp biến của quá trình đi lên để bồi đắp, vun bồi cho kho tàng văn hóa địa phương thêm đa dạng,phong phú./.

Lê Quang Tươ i – Trưởng ban

BQL khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn