Ý nghĩa Bông hồng cài áo

     Xuất phát từ truyền thuyết về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu, lễ Vu Lan hay Tết Trung Nguyên là ngày hội truyền thống “ân tình, nghĩa cảm”– một nét đẹp trong văn hoá dân tộc Việt đã được gìn giữ bao đời nay. Ngày lễ Vu Lan còn gắn liền với nghi thức bông hồng cài áo, nghi thức này do thiền sư Thích Nhất Hạnh khởi xướng vào năm 1962. Trong một chuyến thăm tại Nhật Bản thập kỷ 1960, thiền sư thấy người Nhật Bản cài hoa cẩm chướng lên ngực trong lễ Vu Lan, những người mất mẹ cài hoa màu trắng, người còn mẹ cài hoa đỏ. Khi chuyển hóa hình thức này về Việt Nam, ông chọn hoa hồng làm biểu tượng cho lễ Vu Lan báo hiếu, nghi thức này được phổ biến và duy trì đến nay.

     Bông hoa hồng được chọn là biểu tượng của tình yêu, sự cao quý và ngát hương. Nghi thức “bông hồng cài áo” trong lễ Vu Lan là một nghi thức không thể thiếu, mang ý nghĩa rất đặc biệt, sâu sắc để tưởng nhớ, tri ân những người mẹ đã tạ thế và đồng thời tôn vinh những người mẹ còn lại trên thế gian này. Dù già hay trẻ, trai hay gái tham dự lễ Vu Lan đều thành kính và ngập trong cảm xúc khi đón nhận một bông hoa hồng cài trang trọng lên ngực áo. Màu đỏ là biểu tượng của việc còn Mẹ, màu hoa trắng để tưởng nhớ về người mẹ đã khuất. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực bông hoa cao quý là tình cảm đẹp nhất, là chữ Hiếu mà con cái gửi đến cha mẹ.

     Không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc còn cha mẹ, không tình cảm nào sánh bằng tình yêu thương của mẹ cha dành cho con cái. Vì vậy, với những ai còn may mắn được cài bông hồng màu đỏ trên ngực áo, xin nhớ rằng thời gian bên cha mẹ là hữu hạn. Chính vì vậy, hãy trân trọng từng phút giây và quan tâm, chăm sóc cha mẹ nhiều hơn những khi còn có thể, đặc biệt hơn trong những ngày lễ Vu Lan diễn ra sắp tới.

     Hướng đến tinh thần mùa Vu Lan, chúng ta có rất nhiều cách, nhiều hành động cụ thể để thể hiện tấm lòng với cha mẹ, báo đáp công ơn đối với đấng sinh thành trong đó có thể cùng gia đình đi du lịch. Một trong những điểm du lịch không thể bỏ qua vào mùa Vu Lan đó chính là Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn.  Cùng với việc đi chùa lễ Phật, du khách còn được tham gia trải nghiệm các hoạt động tại Lễ hội Vu Lan Báo Hiếu, đồng thời chiêm bái Động Âm Phủ trong quần thể Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Bởi lẽ, đây chính là một trong những nơi hiếm hoi ở Việt Nam tái hiện cảnh giới âm phủ với nhiều công phu, công đức, cũng là nơi thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, người đã có phát nguyện công đức lớn lao: Nguyện xuống địa ngục cứu vớt chúng sinh, bao giờ địa ngục hết chúng sinh lầm than mới xin thành Phật.

     Một mùa Vu Lan nữa lại về, là dịp đặc biệt để mỗi chúng ta sống chậm lại và yêu thương gia đình nhiều hơn. Nhắc Ai còn cha xin đừng làm cha khổ, hãy nhớ câu đạo hiếu làm đầu. Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng làm buồn đôi mắt mẹ nghe không”.

Tổ Quảng bá du lịch