Công tác chuẩn bị Lễ hội Vu lan Báo hiếu – Ngũ Hành Sơn năm 2024

     Lễ Vu Lan là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo, là đại lễ báo hiếu ông bà, cha mẹ, tổ tiên thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Vào ngày này các Chùa thường thiết lễ rất trọng thể và giới tăng ni, phật tử, đạo hữu, nhân dân đến tham dự rất đông để cầu nguyện cho cha mẹ hiện tiền được an lạc, cha mẹ quá vãng được siêu sanh tịnh độ, cũng là dịp để được nghe các sư thầy giảng về ý nghĩa lễ Vu Lan và đạo hiếu của người con đối với các bậc sinh thành, để tìm về nguồn cội yêu thương.

     Lễ hội Vu lan Báo hiếu – Ngũ Hành Sơn được tổ chức lần đầu tiên tại động Âm Phủ, một địa điểm văn hóa tâm linh nổi tiếng nằm trong Quần thể danh thắng Ngũ Hành Sơn vào năm 2017. Đây là Lễ hội văn hóa dân gian, tôn giáo về hiếu đạo và tâm linh Phật giáo của người Việt, là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng lớn, góp phần gìn giữ, kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa đân tộc. Hoạt động Lễ hội nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để du khách và các tầng lớp nhân dân tham gia sáng tạo và hưởng thụ văn hoá, góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động Lễ hội và du lịch trên điạ bàn quận Ngũ Hành Sơn.

Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam quận Ngũ Hành Sơn triển khai kế hoạch số 50/KH-BTS ngày 19 tháng 7 năm 2024 tại hội trường Ban Quản lý Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn

     Theo kế hoạch, Lễ hội Vu lan báo hiếu – Ngũ Hành Sơn năm 2024 diễn ra từ ngày 12,13 và 14 tháng 08 năm 2024 (nhằm ngày 09,10 và 11 tháng 7 năm Giáp Thìn) với nhiều hoạt động ý nghĩa như: Dâng hương cầu nguyện, Thuyết pháp Công ơn Cha mẹ, Không gian trà đạo,  Viết tặng Thư pháp, nghi thức Cổ Phật khất thực, Triển lãm Tranh ảnh nghệ thuật, Hội trại, nghi lễ Bông hồng cài áo,… Địa diểm chính diễn ra Lễ hội là khuôn viên trước động Âm Phủ của Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn.

Lễ hội Vu lan báo hiếu – Ngũ Hành Sơn năm 2023

     Động Âm Phủ là một trong những điểm tham quan, hành hương chính nằm dưới ngọn Thủy Sơn, gắn liền với các hoạt động văn hóa tâm linh từ xa xưa. Cùng với tạo tác độc đáo của tự nhiên, nơi này đã được các cấp thẩm quyền, các chư tăng, Phật tử và nhân dân dành nhiều công phu, tâm huyết tu bổ, tạo dựng cảnh giới âm phủ theo quan niệm Phật giáo. Nơi đây đặt tượng thờ Địa Tạng Vương Bồ Tát, vị bồ tát cứu rỗi linh hồn ở âm phủ theo quan niệm nhà Phật.

     Các hoạt động phần Lễ và phần Hội thực hiện theo nghi thức truyền thống, tổ chức tiết kiệm, trang trọng, an toàn, vui tươi, lành mạnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giá trị của di tích, Lễ hội; nội dung tuyên truyề phải hấp dẫn, phù hợp với mọi đối tượng để nhân dân tích cực tham gia.

     Để chuẩn bị cho Lễ hội, Ban Quản lý Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn đang khẩn trương triển khai hang loạt công việc. Ông Nguyễn Văn Hiền – Bí thư Đảng ủy – Trưởng ban Ban Quản lý Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn, cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Quận ủy và UBND quận, đơn vị phối hợp với UBND phường Hòa Hải và các cơ quan, đơn vị, người dân trong khu vực không để xảy ra tình trạng người lang thang xin ăn, không có hiện tượng chèo kéo, đeo bám, chào mời thiếu văn minh đối với du khách, đảm bảo an ninh trật tự, giao thông an toàn và thông suốt, an toàn vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm, cháy nổ, hỏa hoạn trong khu vực Di tích và không gian Lễ hội. Đồng thời, sẽ chủ động ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp mê tín, dị đoan, lợi dụng tâm linh để trục lợi cá nhân trước, trong và sau Lễ hội.

Tổ Quảng bá du lịch