Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn là một trong những Lễ hội dân gian mang đậm yếu tố tín ngưỡng tôn giáo của đạo Phật, đồng thời mang đậm tính quần chúng, nét truyền thống văn hóa của địa phương gắn với Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Năm 2000, Lễ hội được Tổng cục Du lịch xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước; năm 2021 được Bộ VH-TT-DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sau 3 năm tạm hoãn vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn năm nay diễn ra từ ngày 08-10/3/2023 (nhằm ngày 17,18 và 19/02 Âm lịch) thu hút hàng ngàn tăng ni, phật tử cùng du khách khắp nơi về tham quan, trẩy hội Lễ hội Quán Thế Âm – Ngũ Hành Sơn tại chùa Quán Thế Âm trong quần thể Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đây là dịp để đạo hữu nói riêng, nhân dân và du khách nói chung cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.
Lễ hội Quan Thế Âm gồm có hai phần, phần Lễ và phần Hội. Phần Lễ được tiến hành theo nghi thức trang nghiêm của Phật giáo: Lễ Thượng Phan, Thượng Kỳ, Lễ Vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm, lễ Tế Xuân cầu quốc thái – dân an, lễ dâng hương tại miếu thờ tưởng niệm Huyền Trân Công Chúa, lễ tế Thạch nghệ Tổ sư (tưởng nhớ và tri ân những người có công sáng lập, trao truyền nghề đá mỹ nghệ Non Nước – được Nhà nước công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia); Trao chứng nhận kỷ lục Việt Nam cho độc bản Lá Bồ Đề lớn nhất mạ vàng 24k và cho độc bản 16 bức tranh Sứ màu cẩn trên tường 04 tháp Chùa Quán Thế Âm… và các nghi thức Phật giáo khác. Phần Hội cũng diễn ra với các hoạt động hết sức sôi nổi như: diễn thuyết về giá trị ma nhai Ngũ Hành Sơn vừa được UNESCO công nhận Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương; trình diễn khinh khí cầu, hội thi Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước, hội đua thuyền truyền thống, hội Hoa đăng trên sông Cổ Cò, Hội Cờ làng, kéo co; biểu diễn thư pháp nghệ thuật Nhật Bản, Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản; tham quan Bảo tàng văn hóa Phật giáo;… Đồng hành cùng Lễ hội Quán Thế Âm năm 2023, Ban Quản lý Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn cũng đã tham gia một số hoạt động thiết thực như: diễu hành xe hoa tuyên truyền, quảng bá sự kiện Lễ hội Quán Thế Âm, triển lãm ảnh nghệ thuật, cây cảnh, hô hát bài chòi khu V, phát thanh các bài viết về văn hóa, lịch sử…
Với ý nghĩa tâm linh và bản sắc văn hóa dân tộc, Lễ hội Quán Thế Âm có sức cuốn hút và lan tỏa rộng khắp. Trong 03 ngày đêm diễn ra Lễ hội, khu danh thắng Ngũ Hành Sơn nói chung, khu vực chùa Quán Thế Âm nói riêng đã thu hút đông đảo nhân dân, tín đồ, du khách trong nội thành và các tỉnh khác về tham quan trẩy hội. Với các hình thức quảng bá trực quan sinh động và các phương tiện truyền thông, Ban Quản Lý Di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn cùng với các hoạt động Lễ hội đã giới thiệu đến mọi người hiểu thêm về hình ảnh danh thắng Ngũ Hành Sơn với vẻ đẹp vừa hiện thực, vừa huyền bí tâm linh, góp phần làm nên sắc thái văn hoá riêng của một điểm du lịch.
Một số hình ảnh trong thời gian diễn ra Lễ hội:
Lễ Vía Đức Bồ Tát Quán Thế Âm
Diễn thuyết về giá trị ma nhai Ngũ Hành Sơn vừa được UNESCO công nhận Di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương
Diễu hành xe hoa tuyên truyền, quảng bá sự kiện Lễ hội Quán Thế Âm
Triển lãm ảnh nghệ thuật về Ngũ Hành Sơn, cây cảnh
Người dân chiêm ngưỡng ma nhai Ngũ Hành Sơn
Lễ Tế Xuân cầu quốc thái – dân an
Hội Cờ làng
Tổ Quảng bá du lịch