Chúng tôi có một ngày làm việc với anh Võ Văn Thắng – giám đốc Bảo tàng Chăm Đà Nẵng và nhà nghiên cứu nghệ thuật Chăm Trần Kỳ Phương cùng các cán bộ, nhân viên bảo tàng khảo sát, thẩm định một số tượng Chăm trong động Tàng Chơn và động Huyền Không tại Thủy Sơn Ngũ Hành Sơn để hiểu thêm nhiều điều thú vị về văn hóa Chăm qua các tác phẩm điêu khắc trên đá sa thạch.
Thực ra công tác nghiên cứu, thẩm định, đánh giá tượng thần Chăm tại Ngũ Hành Sơn đã có nhiều lần trước đó, cũng như gần đây, tổ công tác tại Bảo tàng Chăm đã liên hệ Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn xin được rập khuôn đúc lại bằng chất liệu thạch cao thành phiên bản để trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Việc thu thập các tác phẩm điêu khắc Chăm đã có từ thế kỷ XIX do công của những người Pháp yêu thích ngành khảo cổ học và của những người làm việc cho trường Viễn Đông Bác Cổ của Pháp ( L’ École francais d’ Éxtrême – Orient) và một số đồng nghiệp Việt Nam quy tập lại để thành phố Đà Nẵng có được một Cổ Viện Chàm độc đáo như hôm nay.
Qua trao đổi với đoàn, chúng tôi hiểu thêm một số tượng thần Chăm còn lại trong các hang động Ngũ Hành Sơn rất có giá trị về mặt nghệ thuật điêu khắc và văn hóa Đồng Dương của vương quốc Chămpa. Những tượng thần này không thua kém gì về mặt nghệ thuật trong “bộ sưu tập” đang trưng bày tại Viện bảo tàng Chăm Đà Nẵng. Bệ tượng Idra trước sân chùa Linh Ứng, bệ tượng Chư Tiên trong động Huyền Không và các thần Hộ Pháp trong động Tàng Chơn có từ cuối thế kỷ IX, thế kỷ X, riêng bệ tượng trước sân chùa Linh Ứng tương đối còn nguyên vẹn với các hoa văn, họa tiết và các hình tượng thần. Tượng bà Lồi Phi và bà Ngọc Phi đang thờ trang nghiêm tại động Huyền Không là những tác phẩm điêu khắc về các vị Nữ Thần, qua nghiên cứu của đoàn, trên sắc thái các vị Nữ Thần này là nguyên bản của điêu khắc Chăm. Rất tiếc, vì quá sùng bái, sau này người ta sơn vẽ khuôn mặt và mặc áo xanh đỏ không đúng với nguyên bản. Đây là các tác phẩm rất giá trị trong kho tàng điêu khắc Chăm được tìm thấy trong vùng Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh lân cận.
Quần thể di tích Ngũ Hành Sơn ngoài các giá trị về danh lam thắng cảnh cùng các công trình kiến trúc thời Nguyễn như chùa, tháp, văn bia, điêu khắc, các bức hoành phi, đối, liễng và các bảo vật sắc phong của vua … còn có dấu ấn tiềm ẩn về văn hóa, lịch sử một thời của vương quốc Chămpa trên những tác phẩm điêu khắc đá sa thạch vào cuối thế kỷ IX, X. Điều này đã minh chứng hàng ngàn năm trước, những ngọn núi này, người Chăm đã từng đến đây sinh sống và thờ tự thần linh của mình trong các hang động.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Thắng cho rằng: “Những tượng Chăm còn lại trong di tích Ngũ Hành Sơn là những bảo vật quý hiếm cần có phương án bảo vệ để gìn giữ lâu dài. Theo anh, những tượng điêu khắc bằng chất liệu đá sa thạch này rất nhạy cảm, dễ phong hóa và biến dạng nếu có những tác động bên ngoài, nhất là các chi tiết trên mỗi hoa văn và đường nét trên tượng. Phải chi được trung bày tại Bảo tàng thì đảm bảo và trang trọng hơn, nhưng điều đó chỉ là ước muốn, bởi các tượng Chăm này thuộc sở hữu của khu danh thắng và của các nhà chùa”.
Chúng tôi hiểu được đôi điều thiêng liêng ẩn hiện trên mỗi tác phẩm nghệ thuật điêu khắc Chăm qua lần làm việc này, hoài vọng về một nền văn hóa rực rỡ từng tồn tại trên dãi đất miền Trung, nên chăng Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn sớm phối hợp với các nhà chùa bàn bạc một số phương án bảo vệ các tượng Chăm tại Ngũ Hành Sơn, đồng thời trong tài liệu thuyết minh phục vụ du khách, Tổ Hướng dẫn cần đưa vào bài thuyết minh của mình về những giá trị văn hóa Chămpa thông qua các tác phẩm điêu khắc Chăm đang được lưu giữ tại danh thắng Ngũ Hành Sơn./.
Phan Bân
Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn