Ngũ Hành Sơn là biểu tượng văn hóa – lịch sử của thành phố Đà Nẵng, được mọi người biết đến một danh thắng nổi tiếng về những cảnh đẹp nên thơ, hùng vĩ và cả những câu chuyện kỳ bí, là điểm hành hương du lịch hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, ít ai biết đến Ngũ Hành Sơn còn là di tích lịch sử, một vùng đất còn in đậm dấu ấn với nhiều trận đánh oai hùng của quân và dân thành phố Đà Nẵng nói chung và Hòa Hải nói riêng. Cũng chính vì lẽ đó mà Bộ Văn hóa (nay là Bộ VHTT&DL) đã xếp hạng là Di tích lịch sử Quốc gia năm 1980.
Tại vùng đất này, mỗi ngọn núi, mỗi hang động, mỗi làng mạc, thôn xóm là những trận địa chiến đấu ác liệt giữa ta và địch, là nơi đối đầu lịch sử giữa kẻ xâm lược và người chống xâm lược. Nhiều nhà chiến lược, nhiều tài liệu tổng kết chiến tranh đã đánh giá đây là căn cứ lõm của cuộc trường chinh giữ nước vĩ đại của nhân dân Hòa Hải nói riêng và của một vùng duyên hải rộng lớn Quảng Nam – Đà Nẵng nói chung.
Với địch, đây là một cứ điểm quan trọng để bảo vệ vành đai phía đông nam thành phố. Với ta, đây là căn cứ lõm quan trọng, là bàn đạp, là thế đứng chân không thể thiếu để tiến công và uy hiếp quân địch.
Trở lại thời gian trước khi Đảng CSVN ra đời, Ngũ Hành Sơn là nơi đi lại của nhiều nhà yêu nước, các sĩ phu chống Pháp trong phong trào Cần Vương, Duy Tân, phong trào chống thuế và cuộc khởi nghĩa Việt Nam Quang Phục như ông Lê Bá Trinh, ông Huỳnh Bá Chánh là một trong những người cầm đầu nghĩa hội Quảng Nam, sau Tân Tỉnh thất bại, ông Nguyễn Duy Hiệu, cụ Huỳnh Bá Chánh bị bắt và bị xử bắn hai nơi: chợ Củi Duy Xuyên và Thừa Thiên Huế, từ đó lòng căm thù giặc càng thúc dục nhiều người con quê hương cùng nhau đứng lên chống giặc cứu nước.
Giai đoạn năm 1936 – 1939: đây là giai đoạn có nhiều đồng chí của địa phương tham gia hoạt động và đấu tranh cách mạng, trong đó có đ/c Bùi Như Tùng còn gọi là thầy giáo Chín, là người truyền bá cách mạng tại địa phương, đồng chí Lê Văn Hiến, đồng chí Mai Đăng Chơn, đồng chí Huỳnh Bá Kiền, Nguyễn Xuân Diệp, Nguyễn Úc, Nguyễn Khương, … là những người sớm giác ngộ cách mạng và sau này đã trở thành những cán bộ cao cấp của Đảng ta. Có thể nói Ngũ Hành Sơn là một trong những chiếc nôi cách mạng đầu tiên của Tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (cũ), vinh dự được Chính phủ lâm thời Cộng Hòa Miền Nam Việt Nam tặng cờ “Trung thành vô hạn- Kiên cường bất khuất”.
Giai đoạn 1946-1969: Thực dân Pháp và Đế quốc Mỹ đã nhận định Ngũ Hành Sơn, phía đông nam thành phố là một vị trí vô cùng quan trọng về chiến lược quân sự nên chúng đã ra sức đánh phá quyết liệt. Để chặn đứng bước tiến quân của ta, địch thiết lập tại đây một hệ thống đồn bốt kiên cố như: đồn Rơ-Ni, đồn Cồn Bồ, đồn Trà Lộ và hệ thống đồn Đơ-La-Tua kiên cố làm hàng rào quân sự bảo vệ cho chúng. Trong năm 1969, Đế quốc Mỹ tăng cường nhiều binh chủng như Trung đoàn truyền tin, Trung đoàn pháo binh, Chi đoàn xe tăng, Tiểu đoàn biệt kích Nùng, lính thủy đánh bộ, bảo an, dân vệ Ngụy, lúc cao điểm có hàng chục ngàn tên lính Mỹ – Ngụy đóng quân ở đây, có thời điểm tính bình quân mỗi người dân Hòa Hải có tới ba tên địch kìm kẹp. Riêng trên đỉnh núi Kim Sơn lúc nào cũng có quân Mỹ đóng, địch bố trí ở đây một Trung đội và một bãi đáp của máy bay trực thăng, có đặt súng K57 gắn tia hồng ngoại để kiểm soát một vùng rộng lớn trên địa bàn Hòa Hải.
Giai đoạn năm 1950 – 1969: Để chặn đứng bước tiến của địch, nhân dân vùng đông Hòa Vang, trong đó có nhân dân Hòa Hải tranh thủ ngày đêm đào hầm bí mật, thông hào chiến đấu theo dọc chân núi Thổ Sơn, Kim Sơn đến sát biển. Trên chốt núi đặt trạm viễn tiêu, quân ta trực chiến ngày đêm để theo dõi canh gác. Ta vừa đánh vừa bảo tồn lực lượng tại các hang động. Hang Bồ Đề ở Kim Sơn “địa đạo núi đá chồng”, là một địa đạo thiên nhiên, một cứ điểm chống càn bảo đảm an toàn trong mọi tình huống, có lần địch đem quân vây ráp, dùng rơm đốt hun khói vào hang, đánh hơi độc, nổ mìn lấp kín miệng hang, nhưng quân ta vẫn bình tĩnh rút quân an toàn.
Trong giai đoạn này phải kể đến diễn biến trận đánh năm 1968 của bộ đội ta: Đêm 21/8/1968, bộ đội đặc công của Tỉnh về nằm tại Thủy Sơn, xóm chùa. Chiều ngày 20/8 tại nơi này, các mẹ, các chị đã tổ chức cho các chiến sĩ ăn bữa cơm thân mật để động viên trước khi ra trận, tối ngày 22/8 hàng trăm đồng bào bí mật chuyển dầu, gạo, mắm từ An Nông, Trà Lộ, Trà Khê, Khái Đông ra Sơn Thủy và xóm chùa để hôm sau chuyển lên núi cho bộ đội. Lực lượng du kích phối hợp với bộ đội Tỉnh, bộ đội Khu 3 tại các điểm chờ lệnh tấn công. Cán bộ chính trị đứng các địa bàn để sáng hôm sau lãnh đạo nhân dân làm cuộc nổi dậy. Trong đêm đó, Hòa Hải – Ngũ Hành Sơn bừng bừng khí thế đấu tranh sẵn sàng tấn công quân địch.
Đúng 2 giờ sáng trên toàn chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng đồng loạt nổ súng, các cứ điểm của địch trên toàn tỉnh bị ta tấn công tiêu diệt. Tại Non Nước do Tiểu đoàn 1 – bộ đội chủ lực Tỉnh đảm nhiệm, đồng chí Phan Hiệp – Đại đội trưởng Đại đội 2 thuộc Tiểu đoàn 1 phối hợp với Trung đội du kích Hòa Hải nổ súng tiêu diệt gọn một Tiểu đoàn biệt kích Nùng, sau đó rút quân về động Huyền Không để bảo tồn lực lượng và sơ cứu thương binh trước khi đưa về căn cứ. Sau này đồng chí Phan Hiệp được phong Anh hùng lực lượng vũ trang và lấy tên là Phan Hành Sơn.
Tại Kim Sơn (núi Đùng), nơi địch đặt súng K57 có gắn tia hồng ngoại, do đường leo núi quá hiểm trở, khi ta tấn công thì hàng trăm máy bay từ Đà Nẵng, Nước Mặn bay lên rọi đèn, thả pháo sáng rực cả bầu trời nên việc leo núi gặp nhiều trở ngại. Đúng 4 giờ sáng, đồng chí Lê Tô, Xã đội trưởng Hòa Hải mới tiếp cận được đỉnh, dùng thủ pháo đánh sập máy quét tia hồng ngoại và ổ súng K57, tiêu diệt Trung đội Mỹ, sau đó đồng chí lăn mình xuống núi lúc trời vừa sáng và bị nhiều vết thương nặng do va đập vào đá. Sau khi đánh xong, bộ đội ta đưa thương binh về hang Âm Phủ, nơi đây được xem là trạm phẫu thuật tiền phương, Đảng ủy xã Hòa Hải bàn bạc với chùa Tam Thai, Linh Ứng tạo điều kiện để đưa thương binh về tuyến sau an toàn. Đặc biệt chùa Tam Thai và Linh Ứng, đa số phật tử là cơ sở cách mạng, nên trong hai thời kỳ kháng chiến, hai ngôi chùa này là chỗ dựa của cách mạng, là nơi che chở cho cán bộ trong mọi tình huống.
Trong chiến dịch X2, đơn vị bộ đội tỉnh phối hợp với du kích Hòa Hải bất ngờ tập kích vào trung đoàn truyền tin 105 của Mỹ tại sân bay Nước Mặn, bắn rơi một máy bay, phá hủy toàn bộ vũ khí của địch. Oanh liệt nhất là ngày 24/12/1968, Đội quyết tử nhận nhiệm vụ tập kích sân bay Nước Mặn nhưng không thành phải tạm rút lui về hang Âm Phủ, địch tiếp tục vây kín hang, chúng trang bị xe tăng, máy bay và các lực lượng cơ động gần 100 tên, nhưng các chàng trai cảm tử vẫn bình tĩnh khôn khéo lừa địch vào trong hang rồi bố trí các nơi trọng yếu, ẩn nấp sau từng vách đá, đồng loạt lựu đạn từ các nơi tung ra, địch chết ngổn ngang, năm thành viên của đội làm theo kế hoạch đã được phân công: Phạm Ngọc Thành khống chế địch ở cuối động, Vũ Đức Hùng đánh địch từ đỉnh xuống, Đặng Văn Lái (đội trưởng) chặn đánh địch nơi cửa hang, Huỳnh Ri làm liên lạc – hậu cần, Huỳnh Toàn ẩn nấp làm lực lượng cơ động. Địch đổ bộ quân cứu viện cả đường bộ lẫn đường không, trên có máy bay, dưới có xe tăng bọc thép M113, nhưng chúng cũng không uy hiếp được Đội quyết tử, nên 12 giờ trưa chúng tạm rút lui. Lúc này tại động Âm Phủ diễn ra một việc hết sức bất ngờ và có ý nghĩa, đó là kết nạp Đảng theo nguyện vọng của đ/c Vũ Đức Hùng, chàng trai Hà Nội mang dòng máu cảm tử quân của cha ông thời chống Pháp. Năm khẩu súng AK chụm vào nhau nghiêm trang đỉnh đạc, tuyên bố Vũ Đức Hùng – Đội quyết tử là đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam và xin thề quyết tử đến cùng cho tổ quốc. Trận đánh tiếp tục kéo dài đến tối mới kết thúc. Đêm xuống, toàn đội quyết tử thu chiến lợi phẩm và rút lui an toàn. Kết quả ta tiêu diệt được 160 tên địch, bắn rơi một máy bay và phá hủy hai xe tăng M113. Đội đã nhận điện tuyên dương công trạng của Chủ tịch Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam Nguyễn Hữu Thọ, khen tặng Huân chương chiến công hạng nhất, trao danh hiệu “Năm Dũng Sĩ Ngũ Hành” cho năm thành viên của đội. Khen tặng Huân chương hạng ba cho đ/c Huỳnh Ri và đ/c Huỳnh Toàn.
Năm 1971, tại động Âm Phủ các cán bộ của ta đang học Nghị quyết Trung ương Đảng, địch phát hiện, dùng một tiểu đoàn biệt kích cùng dân vệ đóng quân tại đồn Rơ Ni bao vây hòng tiêu diệt cán bộ, nhưng bộ đội Tiểu khu 3 cùng dân quân du kích Hòa Hải phối hợp từ ngoài đánh bất ngờ giải vây, tạo điều kiện lực lượng trong động đánh mở đường giải thoát đưa cán bộ ta về căn cứ an toàn.
Quần thể di tích Ngũ Hành Sơn với những trận đánh huyền thoại, những sự kiện lịch sử đấu tranh oanh liệt của quân và dân ta mãi mãi là dấu son sáng ngời trong trang sử đấu tranh chống ngoại xâm của quân dân Ngũ Hành Sơn anh hùng.
Di tích thắng cảnh Ngũ Hành Sơn với lợi thế về vị trí chiến lược và địa hình núi non hang động đã một thời là địa chỉ đỏ tự hào của quân dân Quảng Nam – Đà Nẵng và là địa chỉ đen kinh hoàng đối với quân xâm lược. Một di tích văn hóa gắn liền với lịch sử đấu tranh cách mạng làm nên một vùng đất địa linh nhân kiệt. Không phải ngẫu nhiên mà nhà Chí sĩ yêu nước Huỳnh Thúc Kháng thăm núi Ngũ Hành Sơn đã luận rằng “Núi thấp hơn hết mà danh cao hơn hết”. Ngày nay, với xu thế phát triển du lịch, Ngũ Hành Sơn trở thành là điểm tham quan nổi tiếng đối với khách du lịch trong và ngoài nước với nhiều tiềm năng về văn hóa, cảnh đẹp và di tích lịch sử.
Với các yếu tố thiên nhiên, lịch sử văn hóa, làng nghề truyền thống và khát vọng vươn lên không ngừng của nhân dân quận Ngũ Hành Sơn, chắc chắn khu di tích này một ngày không xa sẽ là điểm du lịch đầy tiềm năng của thành phố Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung để tiến tới xây dựng một thương hiệu Ngũ Hành Sơn lưu truyền mãi trong lòng du khách./.
Tổ Hướng Dẫn