Tọa lạc giữa một vùng đất bằng phẳng, những ngọn núi vút lên không giữa chập chùng mây nước trông như một sự sắp xếp thẩm mỹ và ý tứ của tạo vật, nơi đây luôn tạo nên ấn tượng choáng ngợp tràn trề xúc cảm đối với du khách đôi lần vãn cảnh hay người thập phương hành hương viếng chùa, lễ phật… Qua các tài liệu nghiên cứu của các nhà khoa học đã cho thấy tầm vóc của nó lớn lao, càng thấy giá trị của nó đáng trân quý. Từng viên đá, từng hang động, gắn liền với bao nhiêu huyền thoại, từng ngôi chùa cổ tự đã dược vinh danh trong lịch sử, từng tấm biển, bức hoành phi, bức liễn, từng tấm bia cũng là chứng tích của hào quang quá khứ và tự thân kiến tạo nên nó là vô vàn những loại đá vô cùng quý giá với màu sắc rực rỡ kỳ ảo… một kỳ quan được tạo nên do sự phối hợp lạ lùng của hóa công và bàn tay hữu ý của con người, cũng như đã ghi dấu những cảm xúc của bao nhiêu thế hệ để dệt thành những áng văn chương ngợi ca đặc sắc được lưu lại trong những cuốn cổ thư phủ kín vết thời gian hay chạm khắc trên những vách núi sừng sững làm hữu tình những khối đá vô tri hoặc phảng phất đâu dó trong lòng người hữu duyên. Qua các tài liệu nghiên cứu ngày càng khẳng định danh lam thắng cảnh này có đa giá trị và có bề dày lịch sử lâu đời qua quá trình hình thành và phát triển.
1. Giá trị về phong cảnh
Ai cũng phải thừa nhận Ngũ Hành Sơn là một thắng tích độc đáo bởi phong cảnh kỳ tú, với những đặc điểm riêng có, sừng sững những ngọn núi dựng đứng giữa một khoảng đất bằng phẳng, giữa trời biển mênh mông, cảnh trí lung linh, luôn gió vờn mây quyện, khiến cảnh vật cũng thay đổi chập chờn tùy theo khoảnh khắc trong vòng tuần hoàn của đất trời… do đó việc thưởng lãm, cảm nhận cảnh đẹp cũng tùy duyên người vãn cảnh. Danh thắng Ngũ Hành Sơn là một tuyệt tác về cảnh quan thiên nhiên “sơn kỳ thủy tú” huyền ảo thơ mộng mà tạo hóa đã ban tặng cho Đà Nẵng.
Toàn cảnh danh thắng Ngũ Hành Sơn
2. Giá trị về lịch sử
Nơi đây chứng kiến diễn trình lịch sử của dân tộc Việt Nam, với những bước chân sơ khởi về phương Nam của người Việt, cũng là lưu dấu trước tác của các bậc tiền nhân ưu tú. Dấu tích con người ở Ngũ Hành Sơn có từ đầu thế kỷ XIV. Nơi đây cư dân Chăm pa xưa thờ cúng thần linh của mình. Trong nhiều thế kỷ còn lưu lại đến ngày nay qua hình thức tín ngưỡng thờ Linga – Yoni. Một số tượng thần Chăm pa bằng đá sa thạch còn lại các hang động Ngũ Hành Sơn là dấu tích góp phần minh chứng sự có mặt của người Chăm tại Ngũ Hành Sơn từ rất sớm (thế kỷ XIV, XV). Các họa tiết, hoa văn được trình bày trên mỗi tác phẩm điêu khắc về các vị thần, chứng tỏ văn hóa Chămpa đã có những bước phát triển rực rỡ, đời sống tâm linh tín ngưỡng vô cùng thiêng liêng và đa dạng.
Đánh dấu một khởi đầu cho Phật giáo của vùng đất Thuận Quảng: Vua Lê Thánh Tông chinh Nam, vào năm 1471, đạo thừa tuyên Quảng Nam đã bổ sung vào bản đồ thời Hồng Đức; năm 1640, di tích chùa chiền bị đổ nát, Thiền sư Huệ Đạo Minh đã kêu gọi thiện tín đóng góp, trùng tu mở rộng; thời chúa Nguyễn Phúc Chu, nhà sư Thích Đại Sán đã đến vãn cảnh ở chù Tam Thai trên đường về nước; trong cuộc chiến với Tây Sơn, tất cả các chùa chiền nơi đây đều bị phá hủy; đến thời Nguyễn, chùa ở Ngũ Hành Sơn được xem như quan tự, triều đình quan tâm trùng tu, tôn tạo nhiều lần. Qua các công trình nghiên cứu có thể khẳng định Ngũ Hành Sơn là một trong những trung tâm Phật giáo lớn được định hình và phát triển khá sớm tại vùng đất Thuận Quảng trên đường Nam tiến của dân tộc; có vai trò quan trọng đối với vương triều nhà Nguyễn, đặc biệt vào thế kỷ 17, hoạt động Phật giáo tại đây khá sôi động, có sự tham gia của thương nhân người Nhật, Trung Quốc…
Chùa Tam Thai, một trong 2 ngôi chùa được phong Quốc tự ở danh thắng Ngũ Hành Sơn
3. Giá trị phong thủy
Sự hiện hữu của Ngũ Hành Sơn như một sắp xếp hữu tình, hữu ý của hóa công và đó cũng là một giá trị cần phải nhìn nhận. Không chỉ lạ lùng do những ngọn núi rất ý tứ trong sự xuất hiện của mình: Những ngọn núi phía Bắc gọi là núi chùa (Thủy Sơn), hòn phía Đông là núi mồng gà (Mộc Sơn), hòn phía Tây Bắc gọi là núi đá chồng (Thổ Sơn), hòn phía Tây là núi Đùng (Kim Sơn) và hòn phía Nam là núi Ông Chài (Hỏa Sơn). Điều này hoàn toàn phù hợp với phương vị Ngũ Hành trong triết học phương Đông.
4. Giá trị vật liệu tự thân
Đây là một giá trị không ai có thể phủ nhận được bởi có thể cân đong đo đếm được. Các loại đá với một khối lượng khổng lồ tạo nên danh thắng Ngũ Hành Sơn đa phần là các loại đá quý, đẹp, muôn màu muôn vẻ. Theo các tác giả của Ngũ Hành Sơn lục, thời Gia Long đã có tấu trình, đá ở các sơn động đa phần màu hồng gấm, là bảo vật của nước nhà, nên vua Gia Long đã ban sắc lệnh cho giữ nghiêm tại chỗ.
5. Giá trị cổ tích
Thật khó có một di tích nào lại bao hàm cả một phức hợp những ngôi chùa uy nghi, những ngôi điện đặc hữu cho Đạo gia, rồi điện Quan Thánh, cả di tích Chăm được Việt hóa trông thật trang nghiêm mà êm đềm; những thạch động thật kỳ vĩ, những hang đá, giếng nước huyền bí… như ở Ngũ Hành Sơn. Bên cạnh đó, những bia đá, những pháp khí, pháp tượng ở đây hoặc từng ở đây thường gắn liền cả một lịch sử hình thành rất đáng được trân trọng, đồng thời mỹ thuật tự thân nó cũng khẳng định một giá trị đáng kể.
Một giá trị riêng có của Ngũ Hành Sơn, cũng có thể gọi là duy nhất nữa, đó là một hệ thống văn tự được chạm khắc trên các vách đá ở các hang động và vô cùng nhiều những văn chương thi phú viết về Ngũ Hành Sơn trong lịch sử từ xưa đến nay trong các thư tịch.
Qua các nguồn tài liệu, các công trình nghiên cứu cho thấy một phức hợp danh thắng độc đáo như Ngũ Hành Sơn gắn liền với bao nhiêu sự kiện lịch sử, mang một giá trị lịch sử to lớn, từ giá trị lịch sử chính thống, cho đến huyền sử giai thoại và lịch sử phật giáo… cùng rất nhiều giá trị đặc biệt và riêng có… Ngũ Hành Sơn là một di tích danh thắng cô đúc được thành tựu nghệ thuật, cũng như công nghệ chế tác truyền thống của người xưa, để điểm xuyến một cách tài tình cho một phong cảnh thiên nhiên kỳ vĩ sẵn có vốn mang một nét đặc thù núi non biển trời. Với những giá trị “tự thân”, “riêng có” trong nội tại danh thắng Ngũ Hành Sơn đều là những giá trị quý báu mà chúng ta cần bảo tồn, phát huy và gìn giữ cho thế hệ mai sau. Chúng ta cần kêu gọi các nhà nghiên cứu, nhà khoa học, chính quyền và nhân dân quận Ngũ Hành Sơn nói riêng, Đà Nẵng nói chung tiếp tục đầu tư, nghiên cứu và khám phá những điều mới mẻ, thú vị còn đang ẩn giấu trong nó, đưa danh thắng Ngũ Hành Sơn vươn xa hơn nữa trong thời gian đến.
Lê Quang Tươi – Trưởng ban
BQL Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn