Đường lên Ngọn Thủy Sơn
Nước non nặng một lời thề
Nước đi đi mãi không về cùng non
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng biết về Non Nước Ngũ Hành Sơn, một danh thắng đẹp và có bề dày lâu đời về lịch sử văn hóa. Năm ngọn núi nằm liền kề nhau đó là Kim- Mộc- Thủy- Hỏa- Thổ, đặc trưng cho năm yếu tố tạo thành vũ trụ là kim loại- cây cối- nước- lửa và đất. Theo truyền thuyết, năm ngọn núi tạo thành từ năm mảnh vỡ của quả trứng Rồng trong truyện Thần Kim Quy, từng ngọn núi có đặc điểm riêng của nó nhưng nổi bật nhất là ngọn Thủy Sơn, ngọn núi có nhiều chùa chiền, hang động nhất Ngũ Hành Sơn, nơi công chúa Ngọc Lan em gái của vua Minh Mạng năm thứ sáu thọ giới ở chùa Tam Thai, sau đó về ẩn tu ở phổ Đà Sơn (Dương Hỏa Sơn).
Nếu bạn muốn lên được ngọn núi này thì phải leo lên 156 bậc cấp, càng lên cao ta càng thấy nhiều hơn về vẻ đẹp cảnh trí thiên nhiên, sông biển. Hết 156 bậc, ta thấy hiện ra một ngôi chùa cổ thâm nghiêm, tĩnh mịch. Trước khi vào chùa ta phải qua cổng Tam Quan, cổng này được chia làm ba lối đi khác nhau, lối giữa là nơi trang trọng dành cho sư thầy, lối trái dành cho nam, phải dành cho nữ (nam tả, nữ hữu). Dù qua mấy bậc cấp cao như thế, nhưng ai cũng quên đi mệt mỏi bởi trước chùa là một tượng Phật Di Lặc đang tươi cười chào đón trước sân thể hiện sự từ bi, bao dung vĩ đại.
Chùa Tam Thai trải qua hơn 200 năm lịch sử với chất liệu nung, mật mía và vôi đường nhưng giờ đây nó được khang trang hơn bởi gạch ngói vững chắc do con người trùng tu lại năm 1907 vì trước đó bị một trận bão lớn làm hư hại. Chùa dựa vào ba thế núi là Hạ thai, Trung thai và Thượng thai, ba ngọn núi này sắp xếp giống ba ngôi sao trong chùm sao Đại Hùng Tinh, người dân thường gọi là sao cày. Hiện giờ chùa còn giữ lại tấm kim bài hình quả tim lửa và một bức hoành phi có ghi lại bút tích của vua ban tặng. Trong khuôn viên chùa còn có khu hành cung, nơi một thời vua và quan triều Nguyễn đã từng ngụ du viếng cảnh, khi đến đây để lập đàn cầu quốc thái dân an.
Chùa Tam Thai
Đi qua khỏi chùa vào động Hoa Nghiêm, Huyền Không, ta như lạc vào chốn bồng lai, tiên cảnh. Tại động Hoa Nghiêm ta như mê hoặc, cuốn hút trước tượng Phật Bà Quan Âm, do nhà điêu khắc đá Nguyễn Chất tạc năm 1960, bên cạnh còn có bia cổ Linh Trung Phật do nhà sư Huệ Đạo Minh lập năm Canh Thìn 1640 ghi lại việc trùng tu và tôn vinh công đức của những gia đình đã đến cúng công đức cho chùa. Đi sâu vào bên trong với vài bậc cấp bạn sẽ thấy một luồng ánh sáng đang lọt qua khe động cộng thêm khói hương của những người đang cúng vái làm cho động thêm ấm cúng và sinh động. Từ khung cảnh huyền ảo này nên được gọi là Huyền Không. Nhà thơ Tản Đà đứng trước vẻ đẹp Huyền Không đã để lại hai câu thơ:
“Rủ nhau lên động Huyền Không
Bụi trần rủ sạch như không có gì”
Đúng vậy, nếu ai lên Ngũ Hành Sơn mà chưa tới động Huyền Không thì cũng như chưa biết Ngũ Hành Sơn, ai đã vào động rồi thì mọi phiền hà, buồn bã sẽ bị tan biến và có nhiều cảm xúc phiêu diêu thoát tục. Đỉnh động có nhiều lỗ hổng tự nhiên mang theo ánh sáng và gió mát vào tạo cho động luôn mát mẻ, thoáng đãng. Tại đây,những năm kháng chiến là căn cứ hoạt động bí mật của cán bộ, du kích địa phương và sau đó trở thành trạm giải phẫu, cất giấu thương binh của quân giải phóng. Tại hang động này là nơi ghi dấu trận đánh của anh Phan Hiệp ngày 21/08/1968, đã tiêu diệt lực lượng địch và giành thắng lợi hoàn toàn. Sau trận đánh được phong tặng Huân chương chiến công hạng nhất và tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và đổi tên thành Phan Hành Sơn.
Trên những vách đá, ta bắt gặp những hình tượng do thiên nhiên tạo ra như: mặt thần núi, Tôn Ngộ Không, con đà điểu, con voi, chim hạc,… tạo cho hang động thêm phần hấp dẫn và lôi cuốn. Đi sâu hơn nữa là bắt gặp 2 thạch nhũ đổ xuống giống như bầu vú sữa mẹ. Theo tương truyền thì nhũ đá bên trong nhỏ nước trong, còn nhũ đá bên ngoài cho nước đục. Tuy nhiên, khi vua Thành Thái năm thứ 10 tới đây cầu quốc thái dân an đã vô tình sờ vào nhũ đá bên ngoài nên hiện nay đã không còn chảy nước nữa, chỉ còn nhũ đá bên trong luôn chảy nước cho ta dòng nước mát, trong vắt và mát lạnh nên du khách đến đây thường hứng những giọt nước này thoa lên mặt mong được bình an, may mắn.
Ẩn mình trong vách động là chiếc trống đá thiên tạo không có gì là lạ, nhưng nó tiềm ẩn một điều thú vị, khi úp lòng bàn tay rồi vỗ vào đó sẽ tạ ra âm thanh vang dội cả động, làm thức tỉnh mọi vật xung quanh, đã có du khách nói rằng khi vỗ lên chắc cửa động sẽ mở ra và lời cầu nguyện của ai đó khấn phật sẽ được chim hạc mang lên thiên đàng.
Không thể nói hết được vẻ đẹp của Huyền Không động, bởi sự kỳ diệu về không gian huyền ảo mà còn thu hút về những điều bí ẩn ở động này làm cho du khách không muốn đi mà chỉ muốn đứng lại chiêm ngưỡng, thán phục thiên nhiên đã tạo ra và con người giữ gìn, bảo vệ nó thêm có hồn và hấp dẫn.
Tiếp tục của hành trình là đi theo con đường mòn với cả trăm bậc cấp để tới đỉnh Thượng Thai của ngọn Thủy Sơn này, tại đây ta có thể nhìn bao quát toàn cảnh Ngũ Hành Sơn. Đứng trên đỉnh núi ta sẽ cảm nhận được rằng sự vất vả mệt nhọc khi leo lên đỉnh đã được đền đáp xứng đáng, bởi đã đi tới trời và được hít thở không khí trong lành mát mẻ, thấy rõ được cảnh quan xung quanh. Một bên là biển rộng, xanh và cộng thêm tia nắng đang chiếu xuống mặt biển như một dải lụa đang đón một ngày mới, và một bên là núi non cũng không kém phần hấp dẫn, ở đây ta thấy được bốn ngọn còn lại là Kim – Mộc – Hỏa – Thổ như đang chào đón mời gọi ta tới thăm, ta không thể tưởng tượng Ngũ Hành Sơn lại đẹp như thế, một bức tranh thủy mạc đang hiện ra trước mắt ta, dưới chân núi là làng nghề điêu khắc đá với những tiếng cưa đá làm sống động cả khu phố. Nhìn từ xa ta thấy trung tâm thành phố Đà Nẵng và những con đường đi tới phố cổ Hội An, phía tây là dãy Trường Sơn trùng điệp, phía Bắc là những ngon núi đang bị bao bọc bởi lớp mây mờ đó là bán đảo Sơn Trà, cũng là một địa điểm đẹp của du lịch Đà Nẵng. Trước khi rời đỉnh núi, không ai là không chụp vài tấm ảnh để làm kỉ niệm với Ngũ Hành Sơn.
Ngoài ra, bạn có thể lên động Vân Thông cũng thấy được hình ảnh bao quát về Ngũ Hành Sơn. Tại hang gió Đông và hang gió Tây bạn có thể ung dung ngồi nghỉ và trò chuyện để tận hưởng những làn gió mát rượi của thiên nhiên mang lại, không gian thoáng đãng, yên bình làm tan đi nỗi mệt nhọc của mọi người sau một quãng đường leo lên đỉnh Thượng Thai.
Kế tiếp, bạn đi xuống mấy bậc cấp là tới chùa Linh Ứng. Cũng như chùa Tam Thai, chùa Linh Ứng tọa lạc trên ngọn Thủy sơn, đây cũng là ngôi chùa cổ xoay mặt về hướng Đông nhìn thấy biển và lưng chùa tựa núi như tạo nên một sự vững chắc cho ngôi chùa. Chùa được xây dựng vào những năm nửa đầu thế kỷ XVII dưới thời vua cảnh Hưng Triều Lê, một vị tiền hiền hiệu Quan Chánh đến ẩn tu và lập ra một am nhỏ gọi là “Dưỡng Chơn Am” sau này thành một gian nhà tranh gọi là “Dưỡng Chơn Đường”. Khi vua Gia Long đến viếng Ngũ Hành Sơn và cho xây dựng lại chùa phong quốc tự là “Ngự chế ứng chơn tự” do Bảo Đài đại sư trụ trì. Đến 1825, vua Minh Mạng cho xây dựng lại chùa bằng gạch ngói khang trang hơn và đổi tên thành “Ứng Chơn Tự”, rồi đến đời Thành Thái (1891) đổi tên thành “Linh Ứng Tự” và tên này được giữ nguyên cho đến nay. Giờ đây ở Đà Nẵng không chỉ có một ngôi chùa mang tên Linh Ứng mà có ba chùa đó là ở Ngũ Hành Sơn, Bà Nà, Sơn Trà và chỉ có một nhà sư trụ trì là Thích Thiện Nguyện.
Nằm ở phía sau lưng chùa Linh Ứng là động Tàng Chơn, động khá lớn, chia làm 3 hang và 3 động, từ ngoài vào qua cửa đá là động Chơn Tiên, chính giữa là bàn thờ Lão Tử, bên phải thờ Linh Sơn Thánh Mẫu, bên trái thờ Bát Bộ Kim Cương. Phía trong bên trái là động Tam Thanh, có 2 tượng Hộ Pháp dựng ở lối vào hang sáng sủa, nền có gạch Chăm rải rác. Trước kia động thờ 3 vị Thượng Thanh, Thái Thanh và Ngọc Thanh, ngày nay đã thay bằng một pho tượng Phật Thích Ca nhập niết bàn bằng xi măng, trong góc bên trái có một đường cấp dẫn đến một nền đá bằng phẳng, gió mát lạnh đó là hang Gió, hang thông với Thiên Long Cốc, gió lùa thoáng mát theo các lỗ thông với đỉnh và động Chơn Tiên. Hang chính giữa là hang Chiêm Thành, lối hẹp, trong hang tối, hai bên có hai bộ đá chạm hình thần Hộ Pháp của người Chăm. Trong thời gian gần đây, khi san lại nền hang, các vị sư chùa Linh Ứng đã tìm thấy một bộ thờ chạm hình thần Indra cỡi voi, chung quanh có các Apsara múa hát. Góc bên phải là hang Dơi hoặc hang Ráy, có ngách thông lên đỉnh núi, trong hang có rất nhiều dơi trú ngụ. Trong góc phía Đông động Chơn Tiên có một phiến đá hình vuông gọi là Bàn Cờ, góc này còn gọi là góc Động Bàn Cờ.
Non Nước như tay với chân, như anh với em luôn gắn bó đi đôi với nhau không bao giờ tách biệt, non thiếu nước, ngược lại nước thiếu non như mất đi hay thiếu đi một điều gì đó, có non có nước nên mới tạo nên một thắng cảnh Ngũ Hành Sơn như ngày nay. Đến với Ngũ hành Sơn, du khách không chỉ được hòa mình vào không gian thư thái yên tĩnh, phong cảnh hữu tình và một làng nghề điêu khắc đá nhộn nhịp mà còn là một kỳ nghỉ dưỡng lý tưởng bên bờ biển Non Nước với các resort đang mọc lên. Ngũ Hành Sơn được ví giống như một hòn non bộ khổng lồ giữa lòng thành phố Đà Nẵng và được xem như là điểm dừng chân hấp dẫn đối với khách du lịch mỗi khi ghé tới Đà Nẵng trong hành trình khám phá du lịch./.
Mai Thị Thanh Sen – Hướng dẫn viên
BQL khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn