Danh thắng Ngũ Hành Sơn- Đà Nẵng, nơi lưu dấu nhiều văn bia cổ có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử. Rất tiếc rằng trong thời gian dài, một số văn bia tại đây không được chú trọng để bảo tồn nguyên vẹn. Thời gian, chiến tranh và các yếu tố khác cộng với sự vô tình của con người đã làm biến dạng và lãng quên những báu vật văn hóa này.
Những năm gần đây, các công trình nghiên cứu văn hóa, lịch sử đã có công rất lớn trong việc sưu tầm, nghiên cứu, thẩm định giá trị và đề xuất các giải pháp bảo vệ nguyên trạng các văn bia cổ tại danh thắng Ngũ Hành Sơn, trong đó có Bảo tàng, Hội khoa học lịch sử, Trung tâm quản lý văn hóa – di sản thành phố Đà Nẵng, giáo sư Lê Mạnh Thát, nhóm nghiên cứu thuộc viện Hán – Nôm Hà Nội, những nhà nghiên cứu văn hóa – lịch sử tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế, các nhà sư tâm huyết tại danh thắng Ngũ Hành Sơn v.v…Trong đó, có các văn bia vừa được phát hiện, được dịch ra nghĩa từ chữ Hán, chữ Nôm, được định vị lại giá trị nguyên bản.
Bia “Phổ Đà Sơn Linh Trung Phật” khắc trực tiếp trên vách đá tại động Hoa Nghiêm, kích cỡ (59 x96 cm) do thiền sư Huệ Đạo Minh lập năm Canh Thìn 1640 ghi lại danh sách công đức của những Phật tử, thương nhân người Nhật, Trung Hoa và người Việt để xây dựng chùa tại Ngũ Hành Sơn vào thế kỷ 15, 16. Đây là một văn bia có giá trị, minh chứng một thời bang giao văn hóa rất sớm giữa nước ta với các nước trong khu vực châu Á.
Bia “Ngũ Uẩn Sơn Cổ tích Phật diệc lạc” trên vách đá động Vân Thông năm 1641 ghi lại công đức của các Phật tử trong việc xây dựng, trùng tu chùa, tháp tại thắng tích Ngũ Hành Sơn và ngợi ca hồng phúc đức Phật trong việc độ trì, cứu giúp chúng sinh.
Bia ghi lại bài ca trù bằng đá cẩm thạch tại động Hoa Nghiêm, có kích cỡ rộng 36 cm, dài 63 cm, dày 6 cm với lối chữ khải chân phương, rõ đẹp, sắc nét. Nội dung bài ca trù gồm 132 chữ (cả chữ Hán và chữ Nôm) ngợi ca thắng cảnh Ngũ Hành Sơn. Theo đánh giá, thẩm định của các nhà nghiên cứu, đây là một bài ca trù được viết trên bia đá, hiếm có vừa mới phát hiện tại Ngũ Hành Sơn có từ thời triều Nguyễn về sau. Tác giả bài ca trù này là của Tiểu Cao, tên tự của Nguyễn Văn Mại (1853 – ?) người xã Niêm Phò, nay là xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên (nay thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế). Đỗ Cử nhân khoa Giáp Thân, niên hiệu Kiến Phúc 1 (1884); đỗ Phó bảng khoa Kỷ Sửu, niên hiệu Thành Thái 1 (1889) đời Nguyễn. Làm quan Tri phủ An Nhơn, Viên ngoại Cơ mật viện, Bố chính sứ Thanh Hóa. Ca trù là một loại hình ca hát dân gian của miền Bắc nước ta, hiện nay đã được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa phi vật thể thế giới.
Ngoài ra, tại Ngũ Hành Sơn còn lại các văn bia thời triều Nguyễn như bia Vọng Giang Đài, Vọng Hải Đài bằng đá sa thạch ở hòn Thủy Sơn và các bia khác tại các chùa trong di tích Ngũ Hành Sơn, trong đó có một số văn bia trong động Huyền Không, động Tàng Chơn hiện nay chữ bị mờ, khó đọc. Tất cả đang được tiếp tục thẩm định, nghiên cứu để có phương án giữ gìn và phát huy giá trị./
Phan Bân – Đặng Hoàng Dương
Ban quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn